Cô giáo “thắp lửa” đam mê nghiên cứu khoa học
Cô Duy Thảo đang hướng dẫn em Phạm Quốc Yên làm thí nghiệm
GD&TĐ – Nụ cười tự tin và rất trẻ so với tuổi 33, cô Từ Nguyễn Duy Thảo, giáo viên môn Hóa Trường THPT Thới Long (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) luôn muốn “truyền lửa” NCKH cho học sinh, giúp các em biến ước mơ thành hiện thực ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Khi nhà giáo say mê nghiên cứu
Tốt nghiệp bộ môn Hóa Trường Đại học Cần Thơ năm 2006, Từ Nguyễn Duy Thảo được phân công về dạy tại Trường PTTH Thới Long (TP Cần Thơ).
Năm 2009, Duy Thảo tiếp tục học bậc cao học với niềm đam mê cháy bỏng được truyền thụ kiến thức cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa còn lắm khó khăn. Năm 2014, Duy Thảo vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cô Thảo tâm sự: “Lúc mới về nhận nhiệm vụ, cở sở vật chất của trường còn thiếu thốn rất nhiều, bản thân đi dạy xa nhà nhưng lòng say mê nghề nghiệp và trách nhiệm của người thầy đã giúp tôi vượt qua khó khăn ban đầu và an tâm bám lớp đến nay”.
Video đang HOT
Thầy Bùi Ngọc Diệp, Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Trường THPT Thới Long nhận xét: “Cô Duy Thảo là giáo viên đầy năng động, chuyên môn vững vàng, sống hòa đồng với tập thể giáo viên, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy sáng tạo thu hút học sinh, ham học hỏi, có khả năng tiến xa trong tương lai”.
Vốn đam mê khoa học, Duy Thảo đã chọn đề tài tốt nghiệp Thạc sỹ mang tên “Khảo sát hoạt tính của MnO2 – NaNo trên polyamit” với công dụng tự làm sạch các chất nhiễm trùng, các chất bẩn trong ô nhiễm không khí từ năng lượng ánh sáng mặt trời được Hội đồng đánh giá rất cao.
Chưa dừng lại ở đó, cô còn động viên, hướng dẫn các học trò vùng quê nghiên cứu, tìm hiểu để phát hiện, đầu tư, cho ra đời những sản phẩm khoa học kỹ thuật, tận dụng nguyên liệu sẵn có trên chính quê mình.
Không phụ lòng cô giáo trẻ đầy tâm huyết, dưới sự hướng dẫn tận tình của Duy Thảo, năm 2013 em Phạm Quốc Yên, học sinh lớp 11 của trường đã nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học từ cây Sài đất, một loại cây họ Cúc mọc hoang, phát triển nhanh chóng và có mặt rất nhiều tại phường Thới Long và các nơi
lân cận.
Biến suy nghĩ thành hành động, cô và trò đã miệt mài nghiên cứu các giải pháp điều chế sao cho tối ưu, diệt được nhiều sâu bệnh trên hoa màu, chi phí đầu tư ít tốn kém, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi phun xịt.
Điều đặc biệt là loại cây Sài đất này (còn có tên là cỏ Xuyến Chi, cúc Xuyến Chi), có khả năng phát triển rất mạnh, phù hợp với khí hậu khô, nắng nên khi trồng chúng, các loại cỏ dại khác không phát triển được, giúp cho nông dân hạn chế công sức làm sạch cỏ dại.
Cạnh đó Sài đất còn có công dụng làm thuốc Nam trị được nhiều loại bệnh thông thường như rôm sảy, cầm máu và các loại bệnh thông dụng khác.
Sau 2 tháng miệt mài lao động, nghiên cứu, chế xuất, thử nghiệm, cô Thảo và “học trò cưng” Quốc Yên đã thành công trong việc chế phẩm sinh học này trên một số cây Mè, Mai, Rau cải các loại…
Cô Từ Nguyễn Duy Thảo
Truyền đam mê cho trò
Dưới sự hướng dẫn tận tình của cô Duy Thảo, sản phẩm nghiên cứu của Quốc Yên đã đạt giải Khuyến khích Cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh PTTH” năm 2013 do Sở GD&ĐT Cần Thơ tổ chức với sự tham gia của 24 đề án.
Thắng lợi tiếp nối thắng lợi, đề tài này đã vượt qua hơn 500 đề án tham gia Cuộc thi “Sáng tạo KHKT dành cho thanh thiếu niên nhi đồng năm 2013″ do Thành đoàn Cần Thơ tổ chức giúp cho Quốc Yên đạt giải Nhất một cách tuyệt đối.
Quốc Yên tâm sự: “Sau khi nghe tin công trình nghiên cứu đạt giải Nhất, em rất tự hào và rất mừng vì mình đã thành công bước đầu trong sự đam mê khoa học, trong đó người có công rất lớn đã giúp em đi đến thắng lợi hôm nay là cô Duy Thảo.
Cô rất tận tâm trong giảng dạy, hòa đồng, gần gũi học sinh và lòng đam mê khoa học rất lạ thường.
Nếu không có cô động viên khuyến khích và hướng dẫn tận tình như thế, chắc em không làm nổi đề tài chứ đừng nói đến chuyện đạt giải cao”.
Hiện nay, Duy Thảo còn đang ấp ủ nhiều ý tưởng về nhiều công trình khoa học như: Chế tạo những vật dụng thay cho các túi ni lông đang lưu hành rất khó phân hủy trong tự nhiên.
Thảo còn khoe đang nghiên cứu thực hiện một đề tài khá quy mô, theo hướng sẽ tận dụng vỏ của một loại sinh vật đang bị nông dân tận diệt vì tác hại rất lớn đến sản xuất để chế biến chúng thành sản phẩm có lợi cho nhà nông.
Chia tay với Thạc sỹ, cô giáo trẻ Từ Nguyễn Duy Thảo chúng tôi nhớ mãi lời tâm sự chân tình: Tôi sẽ gắn bó lâu dài với học sinh vùng quê như một trách nhiệm thiêng liêng đối với nghề và với nghiệp; nhưng chắc chắn ước mơ nghiên cứu khoa học cũng sẽ không dừng lại. May mắn thay, tôi không một mình trên con đường này.
Môi trường dạy học lại giúp tôi rất nhiều trong đam mê nghiên cứu, với sự động viên, hỗ trợ của đồng nghiệp và giúp sức của các em học sinh cũng đầy đam mê nghiên cứu cùng cô giáo”.
Theo GD&TĐ