Cô giáo tâm sự: Vui, buồn với cuộc thi Giáo viên giỏi
Suốt những ngày này, các giáo viên chúng tôi không ngừng tranh cãi xung quanh chủ đề. Nên hay không bỏ cuộc thi giáo viên giỏi.
Ảnh minh họa
Người thì phản đối vì cho rằng cuộc thi này rất có ý nghĩa, không nên bỏ. Nó chính là cách để nâng cao tay nghề giáo viên (GV). Người thì gay gắt phản đối mong rằng nên bỏ cuộc thi này vì nó chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho GV cả.
Là một GV nhiều năm tham gia thi GV giỏi nên tôi cảm nhận rõ ưu điểm và nhược điểm của cuộc thi này.
Ưu điểm mà ai cũng thấy rõ đó là sự nỗ lực phấn đấu học hỏi của GV. Mỗi lần thi, thầy cô phải cố gắng tìm ra những giải pháp để giúp học sinh học tốt môn học. Ngoài ra, nhiều GV còn coi đây là một sân chơi tri thức rất bổ ích. Nó là dịp để GV đua tài về chuyên môn. Qua mỗi kì thi, GV sẽ có rất nhiều kinh nghiệm xử lí tình huống khi đứng lớp. Từ đó mà chất lượng giảng dạy cũng tốt hơn.
Thế nhưng hiện nay một số GV không còn coi đây là sân chơi trí thức nữa. Nhiều thầy cô tham gia với tâm lí hơn thua. Họ coi đây là những dịp để giành quyền lợi về cho mình. Đạt GV giỏi sẽ được phụ huynh coi trọng, được nâng lương trước hạn, được xét nằm trong nguồn rồi việc thuyên chuyển công tác cũng dễ dàng. Vì thế nhiều thầy cô phải bằng mọi giá để đạt được danh hiệu này.
Ngay từ đầu năm, các GV sẽ được đăng kí tham dự hội giảng vòng huyện rồi vòng tỉnh. Riêng vòng tỉnh thì GV phải đạt hai năm liền kề vòng huyện. Thông thường các thầy cô được chọn đều có chuyên môn vững và có kinh nghiệm đứng lớp.
Thành tích này không phải chỉ của riêng các GV mà còn là thành tích chung của cả trường. Vì vậy việc GV tham gia hội giảng luôn được ưu tiên hàng đầu. Những lớp mũi nhọn luôn dành cho các GV tham gia hội giảng. Ngày đi thi thì cả tổ xúm vào hỗ trợ. Từ thiết kế bài dạy đến dự giờ duyệt trước hai ba lần… Một người đi thi nhưng cả tổ phải vất vả.
Đấy là sự chuẩn bị của thầy cô. Riêng học trò thì còn nhiều chuyện để nói. Các em thường được GV “mớm” trước bài. Thậm chí có cô đưa luôn cho từng câu hỏi và dự kiến đáp án trả lời cho học sinh. Chưa kể cô còn dặn dò học sinh phải giơ tay nhiều. Lớp học như thế mới sôi nổi, còn việc cô gọi ai là chuyện của cô.
Video đang HOT
Đã có không ít chuyện “cười ra nước mắt” của học trò ngày hội giảng. Ngay khi cô viết bài, trò đứng lên bảo bài này học rồi cô ạ. Rồi cô gọi trả lời, học trò thật thà bảo cô ơi em giơ tay trái mà… Rồi học sinh yếu phải ở nhà là chuyện không hiếm.
Thật ra cực chẳng đã GV mới phải làm vậy. Nhiều GV tham gia hội giảng bị rớt thì Ban giám hiệu cứ nhắc hoài. Chưa kể giám khảo khi góp ý tiết dạy thì thiếu tế nhị. Rồi đồng nghiệp xì xào khi GV bị rớt. Thành thử GV tham gia gặp rất nhiều áp lực. Cuối cùng đành phải giả dối trước học trò thôi.
Bản thân là một GV, tôi vẫn mong muốn được tham dự cuộc thi này. Với tôi, vấn đề đậu rớt cũng không quan trọng. Cái chính vẫn là sự đánh giá của học sinh và phụ huynh. Khi tham gia, tôi chỉ mong muốn tay nghề mình được nâng cao. Nếu không có những cuộc thi này thì nhiều GV sẽ có tư tưởng an phận, không muốn phấn đấu. Chúng ta chỉ cần thay đổi lại cách tổ chức cuộc thi là được rồi. Không nên để GV dự hội thi ngay tại trường. Ngày thi cứ tập trung thi chung một cụm (giống trước đây) là được. Không có học trò của mình thì đánh giá tiết dạy cũng công tâm và chính xác hơn.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Nên bỏ hay giữ cuộc thi giáo viên giỏi: "Một lần thi là cả đời được giỏi"
"Chỉ có đánh giá từ phụ huynh và học sinh mới được coi là chuẩn và công tâm nhất, yêu, ghét, tốt, xấu rõ ràng. Sự nỗ lực cho một tiết dạy khác với sự nỗ lực cả đời làm người giáo viên giỏi."
Chia sẻ của một giáo viên trước vấn đề nên giữ hay nên bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp đang được dự luận quan tâm. Liệu rằng cuộc thi có còn phù hợp với tình hình xã hội như hiện nay.
Tấm kim bài "giáo viên dạy giỏi"
Dưới góc độ một giáo viên phổ thông đã từng tham gia thi giáo viên dạy giỏi (GVG), thầy Trần Trung Hiếu, trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, cuộc thi này không sai, đã không sai thì tại sao lại phải bỏ. Nhưng làm sao để có được một cuộc thi thực chất, thay đổi để bớt tiêu cực thì đó là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và các Sở.
Nếu tổ chức thi sòng phẳng, khách quan sẽ là động lực để giáo viên cố gắng, ngược lại, nếu xem đó là chỉ tiêu thi đua để có được giấy chứng nhận trình độ trong nghề nghiệp, đó là sự áp lực và không thành thật. Bởi, chỉ cần một vài giờ giảng để được công nhận GVG nhưng so với số giờ dạy của cả đời thầy, cô giáo thì không thấm vào đâu. Đôi khi sau khi thi xong nhiều người có tư tưởng buông xuôi, thỏa mãn với kết quả và không cần phấn đấu thêm.
Bỏ hay giữ thi giáo viên giỏi: Một giờ trình diễn khác tâm huyết một đời làm nghề giáo.
Thầy Trần Trung Hiếu chỉ ra sự thật đang tồn tại, một số giáo viên phổ thông tham gia thi với mục đích không phục vụ khẳng định chuyên môn, chỉ xem đó là giấy thông hành để thuyên chuyển công tác, bổ nhiệm cán bộ, nâng mức lương...có được cái mác GVG như tấm kim bài trong nghề.
Điển hình, "trong đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm học, thành tích về GVG và sáng kiến kinh nghiệm là tiêu chí cứng để xét thi đua. Giáo viên nào từng đạt danh hiệu GVG một lần trong đời thì hiển nhiên sẽ luôn được xét công nhận là giáo viên giỏi; ngược lại, nếu không có danh hiệu đó thì dù có dạy tốt đến đâu cũng vẫn chỉ đạt mức tiên tiến, như vậy là không công bằng".
Chưa vội nói đến bệnh thành tích, thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) cho rằng, mới chỉ đề cập đến áp lực thi đua, chỉ tiêu nhiệm vụ của các trường, các Phòng giáo dục trong năm học, đã đủ thấy các thầy, cô giáo phải gồng gánh ra sao.
"Người được chọn đi thi GVG cũng lo, người không được chọn cũng lo chẳng kém gì. Đó chính là lí do vì sao các giáo viên dù có sợ đến đâu nhưng cũng muốn một lần được đi "đua" với đồng nghiệp trong huyện, trong tỉnh, mang danh dự về cho bản thân và đơn vị công tác".
Thực chất, khi một giáo viên đại diện trường tham gia thi GVG thì nhà trường sẽ lập ngay ra một hội đồng gồm các thầy cô giáo cùng dạy môn học đó để tư vấn, thiết kế bài giảng, giáo án, mô hình... cho đại diện trường đi thi đấu, tạm gọi là hội đồng quân sư. Người được chọn chỉ cần học thuộc tất cả bài giảng, như vậy là chưa thực chất, bởi đó là sản phẩm trí tuệ của tập thể, không phải của riêng người đi thi, thầy Hòa dẫn chứng.
Điều đó, chưa thể hiện tính độc lập, tác chiến và tính tư duy sáng tạo thấp dẫn đến việc các buổi thi giảng không khác trình diễn được tập dượt kĩ càng từ trước. Chưa kể nhiều khi giáo viên đi thi là dạy cho giám khảo, cho hội đồng chấm thi nghe thay vì dạy cho học trò nghe.
Do đó, thầy Hòa mong muốn cởi bỏ bớt các cuộc thi, để giáo viên chuyên tâm vào dạy và học. Càng giảm bớt áp lực, giáo viên càng dạy tự tin và hay hơn. Đồng thời, đưa tiêu chí các cuộc thi, các sáng kiến rườm rà xuống phần hoạt động chuyên môn ở tiêu chí phụ. Khi đó, sân chơi này sẽ trở về đúng nghĩa tích cực mang tính học hỏi trao đổi nhiều hơn trình diễn phô trương.
Đánh giá của học trò là đúng nhất
Cô Thái Lê, trường Marie Curie Hà Nội thẳng thắn đưa ra quan điểm nên bỏ cuộc thi GVG, hiện giờ nó đã gần như không còn phù hợp với việc đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên. Nhiều người nói, sau cuộc thi học được kinh nghiệm, được phương pháp dạy hay hơn...nhưng tất cả sự thi đấu đó chỉ là hình thức phô diễn tài năng của giáo viên nói riêng và của nhà trường nói chung.
Một giờ thi dạy không thể áp dụng vào hàng triệu giờ dạy trên lớp; thực tế giờ dạy bình thường sinh động hơn, có vui, buồn, học sinh ngoan, hư... vô vàn sự cố xảy ra theo diễn biến của học trò. Cho nên việc đi thi đâu có là gì với thực tế.
Không tránh khỏi băn khoăn, cô Thái Lê cho rằng, chúng ta đang lấy một giờ thi dạy để đánh giá chất lượng một giáo viên như vậy liệu có xa rời mục tiêu giáo dục, bởi chất lượng kì thi ấy không thể đánh giá được trình độ một người giáo viên.
"Chỉ có đánh giá từ phụ huynh và học sinh mới được coi là chuẩn và công tâm nhất, yêu, ghét, tốt, xấu rõ ràng. Sự nỗ lực cho một tiết dạy khác với sự nỗ lực cả đời làm người giáo viên giỏi" - cô Lê nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, thầy giáo Trịnh Đức Quân, trường THPT Hưng Yên đề xuất, khi chúng ta bỏ hình thức thi GVG đồng nghĩa không còn thông số đánh giá giáo viên hàng năm nhưng sẽ có nhiều cách để thay thế việc đó. Sự giỏi của giáo viên hình thành trong cả một quá trình dài, cả cuộc đời sự nghiệp, đâu phải chỉ một lần thi mà cả đời là giỏi. Học trò là kênh đánh giá tin cậy nhất về việc nhận định giáo viên có đạt chuẩn để đứng lớp hay không.
Hàng năm, các lớp mở cửa cho phụ huynh tham gia theo dõi dạy và học định kì hoặc đột xuất, học sinh đánh giá giáo viên của mình thường xuyên hoặc đánh giá công khai trước toàn trường... là những cách chúng ta nên áp dụng rộng rãi, thầy Quân đề xuất.
"Nếu không khắc phục được tình trạng này thì bệnh thành tích luôn luôn bùng nổ và không thể ngăn cản được, ngày càng nhiều diễn biến tinh vi hơn. Ngoài ra, việc đánh giá xếp loại giáo viên hàng năm nên đưa tiêu chí ý kiến nhân xét của phụ huynh và học sinh làm tiêu chí chính thay vì các danh hiệu, chấm điểm các buổi dự giờ" - thầy Quân nhấn mạnh.
Hà Cường
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Còn "diễn" và "lọc", còn bệnh thành tích! Thông tin một trường tiểu học ở Hải Phòng thông báo với phụ huynh về việc học sinh được "chọn" tập trung theo kế hoạch còn học sinh khác ở nhà đã một lần nữa khơi lên thực trạng đáng báo động trong giáo dục hiện nay: Dự giờ như diễn kịch và bệnh thành tích đã ăn sâu vào gốc rễ! Ảnh...