Cô giáo tâm sự: “Mất ăn, mất ngủ” vì học sinh bỏ học
Đọc bài viết “Khổ như… giáo viên chủ nhiệm duy trì sĩ số lớp” của cô giáo Loát Trần, tôi rất đồng cảm với nỗi lòng của người trong cuộc. Bởi chính tôi cũng đã có một thời “mất ăn, mất ngủ” vì học sinh bỏ học và lặn lội đi vận động các em đến lớp.
Ảnh minh họa
Nhiều người hay né tránh công tác chủ nhiệm cũng là điều dễ hiểu bởi chính áp lực “khổng lồ” trong nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) mà chúng tôi thường đùa nhau là “GV chịu trách nhiệm”.
Bên cạnh vô số trách nhiệm về chất lượng hai mặt, mũi nhọn học sinh (HS) giỏi, nề nếp HS, phong trào thi đua… thì nhiệm vụ duy trì số lượng HS cũng được “khoán trắng” cho GVCN lớp.
Ngay từ đầu năm học, khi nhận danh sách lớp, GV đã bị “mặc định” đảm bảo số lượng HStrong danh sách. Ngoại trừ các trường hợp chuyển trường hoặc kiểm tra trong hè không đạt thì những em chưa đến lớp trong ngày tựu trường sẽ giao cho GVCN chịu trách nhiệm tìm hiểu, điều tra, báo cáo với nhà trường.
Có nhiều HS còn “mải mê” nghỉ hè hoặc du lịch cùng gia đình chưa về thì GV còn có hy vọng và lý do chính đáng để trình bày với nhà trường. Vậy nhưng chẳng may gặp phải trường hợp HS bỏ học trong hè thì y như rằng GV phải bắt tay vào hành trình “vận động”.
GV hết thuyết phục phụ huynh lại chuyển sang động viên HS tiếp tục việc học. Nhưng không phải lúc nào nhiệm vụ ấy cũng thành công. Có em đã đi học nghề ở tỉnh khác được dăm bảy tuần, GV cũng phải “a lô” khuyên bảo, can ngăn. Rồi khi đã thật sự bất lực, GV phải hướng dẫn phụ huynh viết đơn xin nghỉ học làm hồ sơ nộp nhà trường.
Rồi khi danh sách lớp được duyệt và chốt lại, chỉ tiêu duy trì số lượng HS bao giờ cũng phải đạt 100%. Trong suốt năm học, GV bao giờ cũng phải bám sát lớp, cập nhật tình hình vắng trễ của HS qua từng buổi học. Và nếu HS có vắng học không phép 1 buổi là GV đã cảm thấy bất an, bấm số, liên lạc với gia đình.
Video đang HOT
Mỗi lần nghe phong thanh HS kháo nhau có bạn muốn bỏ học, gia đình nào muốn cho con đi học nghề là lòng GVCN đã trĩu nặng lo toan. Khi số buổi vắng nâng lên thành 2, 3 buổi, GV đã chuyển sang trạng thái lo lắng, bất an và cuối buổi dạy thế nào cũng phải chạy xe tìm đường về nhà HS tìm hiểu tình hình.
Hành trình vận động HS đến lớp không hề đơn giản. Ở thành thị đông đúc còn có thể dựa vào số nhà, ngõ kiệt để tìm kiếm, còn vùng nông thôn với những con đường ngút ngàn sẽ là thử thách không nhỏ đối với GV.
Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm trước, khi tôi nhận công tác ở một trường trung học cách xa trung tâm thị trấn, điều tôi lo lắng nhất vẫn là vượt những cung đường về nhà HS. Dẫu biết rằng công việc huy động HS đến lớp vừa là trách nhiệm vừa là tình thương của người thầy nhưng những cung đường đó vẫn nhọc nhằn, vất vả vô cùng.
Ở đó, có con đường đất đỏ lầy lội mỗi khi trời mưa xuống là bùn ngập nửa gang tay. Vì tay lái yếu nên đôi ba lần trơn trượt khiến cả người và xe lấm lem bùn đất. Rồi cũng phải dắt xe đứng dậy đi tiếp để vận động.
Ở đó có con đường vòng vèo giữa bạt ngàn đồi núi, đá sỏi gập nghềnh. Mấy chiếc cầu bắc ngang khe nước bé tí ti khiến tim tôi đập mạnh, tay run run dắt xe máy và lo thon thót đường quay về.
Ở đó, đáng lo nhất vẫn là con đường vượt đường sắt dân sinh cắt ngang nằm cheo leo trên mô đất cao chót vót. Mỗi lần HS ở trong thôn đó nghỉ học là các cô giáo lại lo cảnh dắt xe qua đường sắt. Phải đợi người dân đi qua dắt hộ, phải dặn HS lớp 9 đứng đợi rồi hai, ba em cùng hùa lại dắt xe giúp cô giáo. Và đâu chỉ một lần qua đó, phải dăm ba lần về nhà thuyết phục, vận động HS.
Nhưng những nhọc nhằn trên con đường duy trì sĩ số đó xem ra chẳng đáng là bao so với áp lực từ nhà trường khi sĩ số lớp sụt giảm. Lời nhắc nhở từ ban giám hiệu về thành tích của nhà trường cần được đảm bảo rồi những cuộc họp với lời chất vấn, nâng lên hạ xuống thi đua cá nhân… mới thật sự khiến GVCN áp lực vô cùng.
Bởi vậy, tôi mong rằng bên cạnh việc giảm áp lực cho thầy cô về sổ sách và thi cử thì ngành Giáo dục cũng cần “cởi trói” một phần nào đó cho người thầy về nhiệm vụ “duy trì sĩ số HS”!
Nguyễn Thùy
(Thừa Thiên Huế)
Theo Dân trí
Ổn định dạy và học ngày áp Tết
Trước Tết luôn là thời điểm học sinh có tâm lý uể oải, rã đám ảnh hưởng tới học tập. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà trường, giáo viên cũng vì thế tăng lên để bảo đảm đầy đủ lượng kiến thức cho học sinh lẫn ổn định, duy trì sĩ số từng lớp học. Bằng nhiều cách khác nhau, việc ổn định dạy và học ngày áp Tết đang được duy trì.
Sĩ số học sinh trên lớp cao
Có thể thấy, với những thầy cô giáo đang công tác ở các thành phố, vùng thuận lợi thì áp lực giữ ổn định sĩ số học sinh dịp sát và sau Tết không gặp khó khăn trở ngại như các thầy cô ở vùng khó, vùng cao biên giới, hải đảo... Chính vì vậy, ổn định sĩ số lớp học, bảo đảm chất lượng giảng dạy đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong suốt năm học.
Thầy Nguyễn Xuân Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà huyện Bắc Hà - Lào Cai thẳng thắn nhìn nhận: Những năm trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, trốn học để tham gia lao động sản xuất kiếm tiền tiêu Tết diễn ra khá nhiều. Điều đó khiến chất lượng dạy học giảm sút, giáo viên vất vả trong việc vận động học sinh đi học cũng như bồi dưỡng lại kiến thức sau khi các em trở lại trường lớp. Thậm chí, không loại trừ trường hợp nhiều học sinh trong quá trình kiếm tiền đã không làm chủ được bản thân, dính vào tệ nạn xã hội hoặc thấy kiếm tiền, dễ dàng nên bỏ học để lao động kiếm sống và chơi bời.
Tuy nhiên, gần đây tình trạng học sinh bỏ học dịp áp Tết đã được cải thiện và gần như loại bỏ. Mặc dù Lào Cai đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại song việc duy trì sĩ số cũng như việc dạy và học của tất cả 767 HS, Trường THPT số 1 Bắc Hà vẫn đảm bảo và ổn định. Đặc biệt, đối với 250 học sinh khối 12 không khí lên lớp học tập, ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vẫn diễn ra khá sôi động, học sinh không bị sao nhãng.
Thầy Toàn cũng chia sẻ: Để duy trì ổn định sĩ số và chất lượng dạy học dịp này thì Ban giám hiệu, giáo viên cũng phải có "chiêu". Cụ thể, với các khối lớp 10, 11 việc dạy và học để thu hút học sinh, tạo sự hứng thú và tránh cho các em tâm lý uể oải đợi Tết, giáo viên đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Nhà trường tích cực tổ chức nhiều cuộc thi liên quan đến văn thể mỹ, hoặc tìm hiểu kiến thức thông qua hình thức gameshow. Thông qua hình thức học mà chơi, học sinh sẽ bị lôi cuốn và giảm áp lực. Chính vì vậy, dù áp Tết luôn được coi là thời điểm "nóng" của tình trạng học sinh bỏ học, trốn học thì tỉ lệ chuyên cần trên lớp của toàn trường vẫn đạt 100%.
Thầy Nguyễn Thanh Tuyên - Hiệu trưởng Trường TH Tả Ván (Quảng Bạ, Hà Giang) cũng cho biết: Toàn trường có 344 học sinh với 3 điểm trường lẻ, 218 học sinh bán trú nhưng sĩ số vẫn duy trì 98 - 99%. Điều đáng nói, nhiệt độ tại xã Tả Ván trong những ngày qua thường xuyên xuống dưới 10 độ song học sinh không có hiện tượng bỏ học, trốn học.
Theo thầy Tuyên, đây là bước tiến của học sinh và giáo dục dân tộc bởi trước năm 2016 việc giáo viên phải vận động học sinh không bỏ học trước và sau Tết khá nóng thì đến nay cơ bản ý thức của học sinh, gia đình trong việc học tập đã nâng lên. Nhà trường cũng kiểm soát sát sao, điểm danh học sinh để báo cáo hàng ngày về Phòng GD&ĐT và báo cáo lên tỉnh. Học sinh nào thiếu vắng, giáo viên chủ nhiệm lập tức báo cáo với nhà trường và cùng tìm giải pháp đưa học sinh trở lại trường lớp.
Triển khai nhiều hoạt động văn thể để thu hút học sinh
Quyết liệt giữ "lửa" trường lớp
Thầy Nguyễn Xuân Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà huyện Bắc Hà - Lào Cai khẳng định: Tình trạng nghỉ, bỏ học trước và sau Tết của học sinh vùng cao là thực tế khá nóng nhiều năm qua. Nếu nhà trường không quyết liệt tìm ra các giải pháp hạn chế, siết chặt kỷ luật trường lớp... thì chắc chắn phụ huynh cũng buông tay.
Mặt khác, để duy trì sĩ số trong dịp trước và sau Tết thì giải pháp được nhà trường đẩy mạnh là trang bị tối đa điều kiện ăn ở cho 310 học sinh bán trú; đảm bảo quần áo ấm cho 160 học sinh ở trọ tại trường. Với tỉ lệ 82,3% là học sinh dân tộc (dân tộc Mông chiếm 46%, còn lại là Dao, Tày, Nùng)... có thể thấy đây là những giải pháp, hướng đi hiệu quả trong việc đảm bảo sĩ số của Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà - Lào Cai).
Chính vì vậy, Trường THPT số 1 Bắc Hà đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp và ký kết với chính quyền địa phương trong vấn đề giáo dục. Chỉ một học sinh nghỉ học trong ngày không rõ lý do, nhà trường báo lại cho thôn, xóm thì lập tức cán bộ thôn xóm sẽ đến tận nhà tìm hiểu và đưa học sinh trở lại trường lớp. Thậm chí, nhiều học sinh chỉ vắng tiết 1 thì đến tiết 2, tiết 3 đã được cán bộ thôn xóm đưa tới lớp.
Ghi nhận ở nhiều trường học thời điểm trước Tết cũng cho thấy đã đồng loạt tăng cường giải pháp đảm bảo kỷ luật, học tập trường lớp. "Từ việc siết chặt kỷ luật; tuyên truyền vận động; phối kết hợp cùng phụ huynh đốc thúc nhắc nhở con đến trường... Thậm chí phải mời cả cha mẹ học sinh đến ký cam kết không ép con nghỉ học sớm..", thầy giáo Hoàng Minh Thanh (Móng Cái - Quảng Ninh) cho biết.
Mặt khác, nhiều thầy cô còn sử dụng những biện pháp "rắn hơn" như tích cực kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút. Cùng đó, động viên khuyến khích tinh thần học tập bằng cả lời khen lẫn cộng điểm hoặc cho gỡ điểm chưa đạt; Chủ động lồng ghép giữa học và chơi; học trên lớp và học ngoài thực tế... miễn sao để học sinh không nghỉ, trốn học.
Đức Trí
Theo Giáo dục & Thời đại
Cục Quản lý chất lượng khẳng định không có khiếu kiện về kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia Vừa qua dư luận có nhiều hoài nghi về việc tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia, nhất là về đề thi năm 2019. Về vấn đề này, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục GD-ĐT đã phản hồi. Một hoạt động tuyên dương HSG quốc gia Cục này cho rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây,...