Cô giáo tâm huyết dạy nghề cho học sinh miền núi
Cô Đinh Thị Duyên là giáo viên người dân tộc Tày (Trường Trung cấp nghề Cao Bằng) có hơn 17 năm gắn bó với việc dạy nghề bằng những thiết bị tự làm gần gũi với các em học sinh miền núi.
Mô hình dạy từ nhu cầu thực tế
Tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ 7 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức mới đây, cô Đinh Thị Duyên, giáo viên Khoa Điện – Điện tử – Tin học, Trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng mang đến mô hình thiết bị Mạch điện chiếu sáng căn hộ. “Đây là lần đầu tiên trường có mô hình tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc nên tôi muốn giao lưu học hỏi để hoàn thiện hơn các mô hình đào tạo tự làm và cập nhật xu hướng đào tạo, thiết bị mới”, cô Đinh Thị Duyên chia sẻ.
Cô Đinh Thị Duyên giới thiệu về mô hình thiết bị đào tạo tự làm.
Do lần đầu tiên tham gia nên thiết bị của cô Duyên nhỏ gọn, dàn trải trên một mặt phẳng, kết hợp hệ thống điện điều khiển bằng tay với điều khiển thông minh.
“Bên trái là thiết bị điều khiển bằng tay, bên phải là thiết bị điện thông minh để học sinh có sự phân biệt sơ đồ điều khiển, nguyên tắc hoạt động của 2 thiết bị khác nhau như thế nào, thiết bị nào phổ thông, thiết bị nào tối ưu” cô Đinh Thị Duyên giới thiệu.
Sở dĩ cô Duyên không mang đến cuộc thi một thiết bị hoành tráng, hiện đại vì nhiều vùng ở địa phương còn nghèo, các thiết bị vẫn chủ yếu điều khiển bằng tay, thiết bị điều khiển thông minh là kiến thức xa vời, thậm chí nhiều học sinh chưa từng nhìn thấy.
“Điều kiện học sinh còn khó khăn, có gia đình chỉ có một bóng điện. Học sinh của địa phương miền núi còn thiệt thòi quá, nếu chỉ nói đến thiết bị thông minh, các em chưa tiếp cận lần nào thì rất khó thu nhận kiến thức”, cô Duyên chia sẻ.
Trong tài liệu hướng dẫn kèm bộ thiết bị chiếu sáng của nhóm tác giả có sự phân biệt giữa 2 phần mạch, điều khiển bằng tay và điều khiển thiết bị điện thông minh giúp học sinh hình dung ra bài học cơ bản, từ đó nâng cao lên. “Nếu giảng dạy không băng lý thuyết, học sinh sẽ khó tiếp nhận nên việc lập ra mô hình so sánh trên một mặt phẳng sẽ giúp học sinh dễ nhận biết, tiếp thu. Đồng thời có sự so sánh, tạo hứng thú, tò mò cho các em học tập. Nhiều thiết bị dạy học vẫn phải theo kiểu “cầm tay chỉ việc” mới giúp học sinh dễ hiểu bài”, cô Đinh Thị Duyên chia sẻ.
Thậm chí, kể về quá trình tạo ra thiết bị dạy học, cô Duyên cho biết, với kinh phí đầu tư cho thiết bị dạy học còn hạn chế, giờ thực hành của học sinh còn nhiều khó khăn. Thậm chí đầu cốt (thiết bị truyền tải điện năng, có chức năng tăng khả năng dẫn điện giữa cáp điện và cáp điện, cáp điện và thiết bị) còn không có. Do vậy, giáo viên còn phải hướng dẫn học sinh cách thức bấm đầu cốt thế nào, lắp đặt ra làm sao, kiến thức cơ bản của từng modun.
Thiết bị đào tạo tự làm này chỉ có giá 3 triệu đồng, tiết kiệm kinh phí khi mua sắm thiết bị dạy học từ bên ngoài.
Video đang HOT
Mong muốn học sinh vùng cao có nghề
Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Tày ở Trùng Khánh, Cao Bằng nên cô Duyên hiểu rõ những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhớ về năm tháng trung học, cô Duyên cho biết cô là một trong số ít học sinh học sinh ở địa phương học lên cấp 3 mà còn đỗ hẳn vào lớp chuyên Văn của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng.
Học giỏi Văn nhưng cô Duyên lại yêu thích các môn kỹ thuật. Hơn nữa, thời điểm đó, tỉnh cần nhiều cán bộ về kỹ thuật. Vậy nên, năm 2000 cô đã đăng ký thi khối A và trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội).
Về trường từ những năm trường còn khó khăn nhất, cô Duyên kể thời điểm những năm 2004 khi vừa trở thành giáo viên, nhà trường còn thuê cơ sở vật chất làm văn phòng. Chưa đủ lớp học, Trường Trung cấp nghề Cao Bằng còn gửi học sinh xuống các đơn vị liên kết ở Ninh Bình, Thái Nguyên. Lúc đó, giáo viên đi theo kèm cặp, chăm chút coi như con em của mình.
Có thời gian, cô Duyên xung phong đi theo học sinh suốt 5 tháng học nghề. Xa nhà khiến cô buồn nhưng cũng có nhiều niềm vui khi cùng ăn, cùng học với học sinh.
“Học sinh chủ yếu gia đình khó khăn, các em ốm đau không gọi cho gia đình mà gọi cho giáo viên đầu tiên. Đó là điều mình cảm thấy gắn bó, coi các em như con em trong nhà”, cô Duyên cho biết.
Gắn bó với trường nghề hơn 17 năm, chứng kiến bao thế hệ học trò trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định từ chính nghề được đào tạo là niềm vui lớn nhất của tôi”, cô Duyên chia sẻ.
Những năm gần đây, trường Trung cấp nghề Cao Bằng bổ sung thêm nhiều bài học mới để phù hợp với thực tiễn, giúp các em có điều kiện tiếp cận kiến thức công nghệ kỹ thuật mới phù hợp với công nghệ hiện đại 4.0.
Học sinh của trường chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, đầu vào của học sinh chủ yếu THCS. Buổi sáng, các em học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, chiều quay trở lại trường nghề, việc học môn cơ sở nghề còn hạn chế. Vì vậy những giáo viên trường Trung cấp nghề Cao Bằng như cô Duyên phải tìm cách khắc phục. Ngoài giờ thực hành, giáo viên còn bổ túc thêm kiến thức văn hóa với các môn liên quan tới nghề như Toán – Lý trong các giờ tự học hay ở ký túc xá.
Những thiết bị tự làm của cô Duyên và các đồng nghiệp mày mò nghiên cứu, chế tạo là hình ảnh trực quan nhất, giúp học trò tiếp cận nhanh với thực tế cuộc sống.
Những người thầy tâm huyết với nền giáo dục nước nhà
GS Hoàng Tụy và GS Huỳnh Như Phương là những nhà giáo kỳ cựu có nhiều đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam.
Thông qua hai cuốn sách Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương), chúng ta thấy được những quan điểm, suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Sách Xin được nói thẳng. Ảnh: MC.
Xin được nói thẳng
GS Hoàng Tụy (1927-2019) là người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học Việt Nam và được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization).
Cuốn sách Xin được nói thẳng là tập hợp những tiếng nói tâm huyết của ông viết trong suốt hơn 20 năm cuối đời, kèm theo ý kiến thể hiện tình cảm và sự đánh giá từ các trí thức, bạn bè thân thiết dành cho ông.
Sách gồm 49 bài viết về ba chủ để chính: Đổi mới cơ chế quản lý trọng dụng nhân tài, chấn hưng giáo dục - mệnh lệnh cuộc sống, quản lý khoa học: hướng tới các chuẩn mực quốc tế.
Trong cuốn sách, bằng những hiểu biết về ngành khoa học và giáo dục, kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trực tiếp, cùng tấm lòng tha thiết muốn điều tốt đẹp nhất cho nền khoa học - giáo dục Việt Nam, ông đã không ngừng đóng góp ý kiến về các vấn đề này.
Trong bài Năm mới chuyện cũ, viết năm 2007, tác giả đã nêu hai chính kiến của 2 chính khách Việt Nam và Singapore với hy vọng "sẽ làm thức tỉnh quan chức ở mọi ngành để quyết tâm hơn, góp phần vào chấn hưng giáo dục của đất nước. Theo đó chính khách Việt thừa nhận Việt Nam chưa thực sự thành công trên lĩnh vực giáo dục và khoa học. Còn ý kiến của chính khách Singapore thì lại là lời nhắc nhở "Thắng trong giáo dục thì sẽ thắng trong kinh tế".
Giáo sư cho rằng "muốn vực giáo dục - khoa học", chúng ta cần một tầm nhìn chiến lược (có mục tiêu trước mắt, lâu dài, có đường lối tổng quát, cách làm, cách quản lý hiệu quả). Bên cạnh đó cần giải quyết một lỗi hệ thống cần sửa đó là lương/thu nhập. Đây là yếu tố then chốt đảm bảo cần, kiệm, liêm, chính trong giáo dục - khoa học. Ngoài ra chúng ta phải coi trọng đặc biệt vấn đề thu hút nhân tài, có tư duy toàn cầu (hiểu luật chơi chung) và tư duy tốc độ (để theo kịp thời đại).
Bên cạnh những bài viết đề cập đến vấn đề mang tính vĩ mô, phản ánh chính sách, đường lối về giáo dục, Hoàng Tụy còn đi sâu bàn về những chuyện cụ thể như cải cách việc thi cử, dạy thêm, sách giáo khoa; dạy toán trong trường phổ thông; tích hợp hay không tích hợp môn lịch sử.
Trong bài Mấy giải pháp cấp bách về giáo dục, giáo sư đã chỉ ra ba vấn đề là lực cản khiến giáo dục tiến lên chậm chạp: Thi cử thì nặng nề quá mức cần thiết, gây nên áp lực tâm lý và vật chất không thể chấp nhận được; Dạy thêm, luyện thi tràn lan, ảnh hưởng tệ hại đến uy tín nghề giáo và chất lượng giáo dục; Mỗi năm đều in mới sách giáo khoa, rất tốn kém mà không có điều kiện cải tiến nội dung và hình thức.
Để giải quyết những lực cản trên, ông đề nghị cải cách thi cử, giảm bớt số kỳ thi, phân tán tổ chức thi (thi tuyển đại học không tập trung ở một số thành phố lớn mà tổ chức thi ở các địa phương), thu hẹp diện thi tuyển; Trả mức lương đàng hoàng cho giáo viên để họ không phải kiếm sống bằng dạy thêm; In ấn sách như thế nào để phân phối đủ cho các trường và đầu học sinh có thể thuê một bộ sách với giá rẻ, cuối năm để lại dùng cho học sinh năm sau; nghiên cứu xây dựng một bộ chương trình sách giáo khoa có thể dùng ổn định trong khoảng 10 năm...
Sách Ước vọng cho học đường. Ảnh: MC.
Ước vọng cho học đường
GS Huỳnh Như Phương là nhà giáo chuyên giảng dạy lý thuyết văn học, đồng thời là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học. Với tư cách một nhà giáo dạy văn, ông luôn ưu tư về nền giáo dục nước nhà, không ngừng trăn trở về văn học và nghề dạy học của bản thân. Trong hơn 40 năm làm việc, ông đã viết hàng trăm bài báo nhằm đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng dạy và học.
Trong cuốn Ước vọng cho học đường, để những vấn đề được đề cập trong cuốn sách giữ được tính thời sự, tác giả đã chủ ý chọn ra 20 bài khoảng hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Có thể kể đến như: Những tiếng nói kiểm thảo giáo dục; Vấn đề con người trong trường Đại học; Giáo dục đại học Việt Nam bước vào những năm 2020; Phương án nào cho sách giáo khoa; Tuyển sinh đại học: hiệu quả và tiết kiệm; Áp lực trên vai nhà giáo...
GS Huỳnh Như Phương chia sẻ "Càng ngày người ta càng thấy rõ ràng rằng nếu không giải quyết được bài toán chất lượng giáo dục, thì không không thể có một thành tựu nào thật sự bền vững. [...] Nếu giáo dục còn bê bết, thì đừng hy vọng gì những lĩnh vực khác của kinh tế, xã hội, văn hóa sẽ được cải thiện. Nhận thức được như vậy, giáo dục cần có những tiếng nói góp ý của nhiều người, nhiều giới. Giáo dục phải kiểm thảo thường xuyên mới có cơ hội vươn lên".
Trong cuốn sách, ông không chỉ bàn về triết lý và đường hướng giáo dục, về sứ mệnh của nhà trường, về nội dung và phương pháp dạy học, mà còn nêu ra những vấn đề mà dư luận quan tâm như chương trình giáo dục, biên soạn sách giáo khoa, tổ chức thi cử cho học sinh, tuyển dụng giáo viên, thu học phí, xưng hô trong môi trường giáo dục...
Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ sự cảm thông trước những áp lực đối với lao động nhà giáo; quan tâm đến thái độ, bản lĩnh và đạo đức của nhà giáo trong ứng xử nghề nghiệp...
Có thể nói những trăn trở, chia sẻ của ông trong cuốn sách cũng là những gợi mở cho hướng giải quyết những điều còn vướng mắc trong giáo dục hiện nay.
Miệt mài gieo chữ trên non Vượt qua những dốc đèo quanh co, các thầy cô giáo miền xuôi với tình yêu nghề cháy bỏng đã mang cả thanh xuân lên bám trụ trên đỉnh núi mờ sương của huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa), miệt mài gieo con chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi. Gian khó chẳng nản lòng Trường Mầm non Sao Mai...