Cô giáo miền núi Hà Tĩnh ‘có duyên’ đào tạo học sinh giỏi
Tròn 30 năm đứng lớp, cô giáo Lê Thị Minh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện ( thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh) là người bồi dưỡng cho nhiều học sinh huyện miền núi đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Cô Minh hướng dẫn các em học sinh học Lịch sử tại thư viện nhà trường.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, cô Lê Thị Minh (sinh năm 1972) nuôi mơ ước lớn lên sẽ trở thành cô giáo. Năm 1989, tốt nghiệp THPT, cô thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ Tĩnh, chuyên ngành Lịch sử, Chính trị.
Năm 1992, tốt nghiệp ra trường, cô giáo Lê Thị Minh về nhận công tác tại Trường Tiểu học Phố Tây (xã Sơn Tây). Sau đó, cô tiếp tục được chuyển đến giảng dạy ở các trường: Tiểu học Sơn Tây, THCS Sơn Hàm (nay là THCS Phan Đình Phùng), THCS Sơn Trung (nay là THCS Trung Phú). Năm 2014, cô Minh chuyển công tác đến Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện và gắn bó đến nay.
Giờ học Lịch sử của cô giáo Lê Thị Minh.
Là giáo viên bộ môn Lịch sử, cô Minh gặp không ít khó khăn. “Nhiều học sinh cho rằng đây là môn học có nhiều sự kiện, mốc thời gian nên rất khó nhớ, dễ nhầm lẫn nên không mấy mặn mà. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn quan niệm Lịch sử là môn học phụ” – cô Minh trải lòng.
Cô Minh đề xuất sáng kiến kinh nghiệm tại buổi sinh hoạt chuyên môn ở Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện.
Tuy nhiên, với trách nhiệm của người giáo viên, sự tâm huyết với nghề, cô Minh luôn gần gũi, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em để điều chỉnh phù hợp trong những bài giảng của mình.
Bên cạnh việc thường xuyên sưu tầm những hình ảnh, biểu đồ, bản đồ cùng những câu chuyện lịch sử từ internet để kích thích sự hứng thú của các em, cô Lê Thị Minh còn thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết dạy để giúp các em nắm bắt và hiểu bài ngay tại lớp.
Video đang HOT
Ở tuổi 50 cô Minh vẫn không ngừng tìm tòi những thông tin liên quan đến môn Lịch sử.
Ngoài ra, cô còn tìm phương pháp giảng dạy phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm của học sinh. Cô cũng sắp xếp, bố trí các em thành từng đôi bạn học tập, nhóm học tập để cùng nhau học hỏi. Phương pháp này góp phần giúp các em dễ nhớ và nhớ lâu các sự kiện lịch sử.
Luôn tìm tòi, khám phá để đổi mới phương pháp giảng dạy nên cô giáo Lê Thị Minh đã từng bước đưa Lịch sử trở thành môn học yêu thích của nhiều học sinh. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, cô Minh luôn được ngành giáo dục huyện Hương Sơn “chọn mặt gửi vàng” trong việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử.
Trong mỗi tiết dạy, cô Lê Thị Minh luôn cố gắng chuyển tải nội dung bài học hấp dẫn đến học sinh.
Cô Minh luôn tâm niệm, dạy học trò không chỉ dạy chữ mà còn phải truyền cho các em lối sống có tâm, có đức. Muốn vậy, trước hết mình phải là tấm gương cho các em noi theo và phải luôn coi học trò như con cháu và cả như người bạn của mình để
Thầy Nguyễn Huy Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện cho biết: Cô Minh là người hòa đồng, luôn gần gũi và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống với đồng nghiệp. Trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi, cô còn tạo điều kiện cho các em ăn ngủ tại nhà mình để tiện chăm sóc và kèm cặp các em. Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm cô đã bồi dưỡng từ 8 – 10 em đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh. Riêng 3 năm lại nay, nhiều em trong đội tuyển đã mang về các giải nhất, nhì học sinh giỏi cấp tỉnh bộ môn Lịch sử cho ngành giáo dục huyện nhà.
“Ghi nhận những cống hiến và thành tích trong công tác giáo dục, thời gian qua, cô Lê Thị Minh nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Liên đoàn Lao động Hà Tĩnh và giấy khen của huyện Hương Sơn. Cô còn là giáo viên điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 – 2020 do Phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn vinh danh. Năm học này, cô cũng là 1 trong 64 cá nhân được Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác dạy học”- Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn Lương Sỹ Hiệp thông tin.
Nỗ lực 'trồng người' ở huyện miền núi Hà Tĩnh
Từ sự quan tâm của ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, đội ngũ cán bộ, giáo viên huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành một trong những đơn vị tốp đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục.
Cơ sở vật chất trường lớp ở Hương Sơn được đầu tư khang trang (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu).
Huy động nguồn lực, củng cố cơ sở vật chất
Là địa bàn vùng biên, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, nên với Hương Sơn, việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, tạo điều kiện ổn định việc dạy học luôn là khao khát của những người làm công tác giáo dục nơi đây.
Thầy Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT Hương Sơn chia sẻ: "Để ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục, điều chúng tôi quan tâm đầu tiên đó là việc tham mưu và triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp, huy động các nguồn lực, xã hội hóa đầu tư cho giáo dục".
Từ việc xây dựng lộ trình hợp lý, bền vững, những bước đi của ngành giáo dục Hương Sơn đã được tiếp sức bởi sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của Nhân dân. Dù nguồn ngân sách còn hạn chế, cuộc sống của người dân miền núi còn khó khăn nhưng đầu tư cho giáo dục vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu.
Việc xây dựng môi trường thân thiện ở Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện tạo điều kiện cho học sinh học tập, vui chơi, phát triển các kỹ năng.
Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm trung bình ngành giáo dục Hương Sơn đã được đầu tư hơn 100 tỷ đồng để củng cố cơ sở vật chất trường lớp. Đặc biệt, năm học 2022-2023, nguồn kinh phí hơn 130 tỷ đồng đã giúp nhiều trường ở vùng khó khăn "thay màu áo mới" bởi các phòng học, công trình bếp ăn bán trú, nhà đa chức năng...
Chị Nguyễn Thị Hằng - phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện cho biết: "Sau khi sáp nhập Trường THCS Phố Diệm và THCS Nguyễn Tuấn Thiện vào năm 2020, đến nay trường đã được quy về một điểm, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, khang trang, thầy cô quan tâm, chăm lo giảng dạy, phụ huynh chúng tôi yên tâm và vui lắm".
Từ tâm huyết và bàn tay khéo léo của các cô giáo, mỗi góc lớp, cầu thang ở Trường Mầm non Sơn Phú đã trở thành nơi học tập, vui chơi, hấp dẫn trẻ.
Từ quyết tâm của ngành và sự đồng thuận của địa phương, người dân trước chủ trương sáp nhập trường, đến nay hệ thống trường ở Hương Sơn đã được quy hoạch hợp lý. Toàn huyện hiện có 62 trường từ bậc mầm non đến THCS, giảm 10 trường so với năm 2018; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt gần 97%.
Nâng cao chất lượng dạy học trên vùng đất khó
Sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, sự chỉ đạo quyết liệt trong chuyên môn của ngành giáo dục huyện Hương Sơn đã tạo động lực để các thầy cô giáo không ngừng cố gắng. Từ những giáo viên cốt cán, những nhân tố đi đầu trong đổi mới giáo dục, phong trào tự học, tự bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn để nâng cao trình độ, năng lực... đã lan tỏa khắp 62 trường từ vùng trung tâm thị trấn đến miền biên viễn xa xôi.
Những giờ học ở Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện trở nên sôi động hơn khi giáo viên phát huy được tính sáng tạo của học sinh.
Qua đó đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình trong công tác quản lý, trong dạy học, đổi mới giáo dục như: cô Trần Thị Kiều Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Sơn; thầy Nguyễn Đức Dân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện; cô Phạm Thị Thanh Loan - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện; thầy Lê Huy Chinh - giáo viên Trường Tiểu học Sơn Kim 2; thầy Nguyễn Văn Cường - giáo viên Trường TH&THCS Sơn Hồng... Và rất nhiều những gương mặt cán bộ, giáo viên tiêu biểu khác tại các trường học đang ngày đêm lặng thầm cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp "trồng người" nơi huyện miền núi Hương Sơn.
Học sinh Trường Tiểu học Tây Sơn được rèn luyện các kỹ năng bảo vệ sức khỏe khi đến lớp.
Cô Trần Thị Kiều Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Sơn cho biết: "Để đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngoài nỗ lực và ý thức tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên, chúng tôi còn tổ chức nhiều chuyên đề, tập huấn, sinh hoạt tổ chuyên môn để giúp giáo viên tháo gỡ băn khoăn, tiếp cận và làm chủ công nghệ thông tin, phương pháp mới. Do đó, chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện".
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy giúp học sinh Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm.
Song song với các hoạt động bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn, nâng cao chất lượng đại trà, việc phát huy năng lực, phẩm chất người học cũng được khơi dậy trong mỗi giờ giảng bằng cách tăng cường sự tương tác của học sinh qua các hình thức dạy học mới.
Cùng với đó, việc đa dạng hóa các sân chơi, hoạt động ngoại khóa giáo dục truyền thống văn hóa, thành lập các câu lạc bộ năng khiếu: Tiếng Anh, dân ca ví giặm, thể dục thể thao... không chỉ giúp học sinh rèn luyện kỹ năng mềm mà còn tạo môi trường thân thiện, thoải mái, để mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui.
Em Nguyễn Thị Minh Quyên - lớp 3A1 Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu cho biết: "Việc tổ chức các hoạt động như: đọc sách, sinh hoạt dân ca ví giặm hay tham quan, chăm sóc các địa chỉ đỏ... khiến chúng em rất thích thú và có thêm nhiều hiểu biết về truyền thống quê hương".
Những bài thể dục giải trí giữa giờ ngay tại lớp với sự tham gia của giáo viên giúp học sinh Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu thêm năng lượng tích cực.
Từ việc bám nắm trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Phòng GD&ĐT, những nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường, giáo dục Hương Sơn ngày càng khởi sắc với chất lượng đại trà, mũi nhọn luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ngày càng được cải thiện.
Ghi nhận những cố gắng trong sự nghiệp "trồng người" trên vùng đất còn nhiều khó khăn, năm 2020, Phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, là phòng GD&ĐT duy nhất được vinh danh trong đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 và được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2022.
Cô giáo Mường 'nhóm lửa' tình yêu môn Lịch sử ở vùng khó Với phương pháp giảng dạy sáng tạo, cô Đinh Thúy Hoàn - Trường THCS Yên Sơn (Phú Thọ) tạo hứng thú học tập, tình yêu môn Lịch sử cho học trò. Cô giáo Đinh Thúy Hoàn trong giờ lên lớp với học sinh môn Lịch sử. Đất nghèo rèn nghị lực Ít ai biết rằng cô giáo Đinh Thúy Hoàn - người "mát...