Cô giáo mắng học sinh: chuyện phương pháp hay chuyện nhân cách
Có lẽ những câu chuyện tương tự không phải là hiếm thấy trong các trường học, nhưng đến lúc này mới có một đoạn ghi âm được/bị phát tán trên mạng internet cho bàn dân thiên hạ phân tích và bình luận.
1. Tổn thương và phản ứng đổ lỗi như một phòng vệ
Hình minh họa
Chẳng thể chối cãi được sự việc cô giáo mắng học trò với những lời lẽ thậm tệ và phi giáo dục căn cứ theo đoạn ghi âm.
Hầu hết các phản ứng là lên tiếng “bênh vực” một trong hai: bênh vực cho cô giáo hoặc nhiều hơn là bênh vực cho học trò (học trò nói chung chứ không phải riêng cá nhân cậu học trò bị mắng).
Có lẽ đó là những phòng vệ (tâm lý) tự nhiên nhất, tuy vậy theo cách này thì hoặc sẽ “giết chết” học trò hoặc sẽ “đè bẹp” các thầy cô giáo
Bình tĩnh hơn, có thể chúng ta sẽ nhìn ra được một vài điều gì đó ẩn đằng sau sự kiện, có thể đó là sự bất lực trong chiến lược và phương pháp giáo dục người trẻ, có thể đó là sự hời hợt và thiếu kỹ năng của cô giáo, có thể đó là sự xuống cấp về mặt đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên…
Nhưng có lẽ những nguyên do không đơn giản như trên bề mặt mà chúng ta có thể thấy và từ đó đổ lỗi lên, mà rộng hơn, xa hơn, đó có thể là sự khủng hoảng trong việc đào tạo ra những người giáo viên của hệ thống các trường sư phạm, đó cũng có thể là sự thiếu định hướng của một nền giáo dục không “đụng chạm” tới được tâm-trí của người học…
Về khía cạnh gia đình, chúng ta cũng có thể nghĩ đến sự buông lỏng hoặc nuông chiều con cái quá mức của các bậc cha mẹ. Chưa hết, trên bình diện xã hội, rất có thể sự thiếu vắng các mô hình gương mẫu gần gũi với học sinh hoặc sự thay đổi các giá trị chuẩn mực mà chưa có các giá trị thích hợp thay thế cũng góp phần tạo ra sự kiện đề cập ở trên.
Như vậy, thái độ hoặc phản ứng đổ lỗi cho học sinh hay cho giáo viên là không thích đáng và có thể tạo ra sự quá chú tâm đến những sự kiện nóng trước mắt mà quên đi bản chất thật sự của vấn đề.
Cô giáo ở Hải Phòng có thể bị đình chỉ giảng dạy hoặc một hình thức kỷ luật nào khác, cậu học sinh gây nên chuyện hoặc học sinh phát tán đoạn ghi âm có thể bị “nhắc nhở” theo cách này cách khác, tuy nhiên cách xử lý như vậy chưa bao giờ được xem là ổn, vì nếu không thay đổi được tận gốc vấn đề thì rồi đây sẽ còn có nhiều vụ ghi âm khác nữa được phán tán trên mạng internet
Video đang HOT
2. Kỹ năng/ phương pháp hay vấn đề nhân cách người giáo viên
Sẽ rất khó có đáp án nếu đặt câu hỏi về chuyện kỹ năng/ phương pháp hay là vấn đề nhân cách của người giáo viên trong trường hợp này.
Nhiều người có thể dễ dàng nói rằng cô giáo có vấn đề về nhân cách, một số người khác thì cho rằng đó chỉ là vấn đề kỹ năng giáo dục học sinh. Rất có thể là cả hai đều đúng và có lý.
Trong đoạn ghi âm, tôi cảm nhận có những lúc cô giáo nói rất nặng nhưng trong tâm trạng ấm ức như muốn bật khóc, như vậy dường như cô giáo chưa được trang bị đủ những kỹ năng cần thiết cho một người đảm nhận vai trò giáo dục học sinh.
Trong vài diễn tiến khác, cô giáo dùng lời lẽ chì chiết và có tính lăng nhục học sinh theo cách mà nếu một người thật sự lành mạnh về đời sống tinh thần sẽ khó có thể thể hiện được như vậy.
Cũng thật đặc biệt khi năm học mới vừa được khai giảng với nhiều “hứa hẹn” về các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong tất cả các trường học cả nước thì sự kiện này lại đặt ra vấn đề về… các kỹ năng sống cho các thầy cô giáo.
Nói rộng ra thì hiện nay hoàn toàn không khó khăn gì để bắt gặp những giáo viên thiếu hẳn những kỹ năng nghề nghiệp (nhất là kỹ năng giáo dục) và cả những kỹ năng sống cơ bản (kỹ năng ra quyết định, kỹ năng tư duy có phê phán, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng quản lý sự căng thẳng tâm lý…)
Không chỉ dừng lại ở các kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng sống như vừa đề cập, một vấn đề lớn hơn là việc tuyển chọn và quy trình cùng nội dung đào tạo một người giáo viên.
Ai cũng biết nghề giáo viên là một nghề đòi hỏi người “hành nghề” phải có những đặc điểm, phẩm chất tâm lý phù hợp và chuyên biệt (chẳng hạn tình yêu thương con người, thái độ tôn trọng, chấp nhận người học trò một cách vô điều kiện, kiên trì trong việc cải hóa/ chỉnh sửa hành vi của học trò…) thế nhưng dường như từ khâu tuyển sinh cho đến nội dung và quy trình đào tạo tại Việt Nam chưa thấy làm nổi bật lên những đòi hỏi này.
Một khi chúng ta “chấp nhận” cho mọi người có thể làm giáo viên miễn có thể thi đậu đầu vào và thi đậu tốt nghiệp sau 04 năm mà không quan tâm một cách có chủ đích đến việc rèn luyện phẩm chất, nhân cách của người giáo viên thì những tình huống như trên sẽ còn xảy ra nhiều nhiều nữa trong tương lai.
3. Quan hệ thầy – trò: ngang hàng hay trên dưới hay gì khác nữa?
Đâu đó trong các diễn đàn hoặc câu chuyện liên quan đến tình hình giáo dục trong nước, nhiều người phàn nàn về sự “lộng hành” hoặc thái độ coi thường giáo viên của học sinh hiện nay.
Rất rất nhiều giáo viên ngay từ ngày đầu tiên đứng trước các học sinh là đã “giương oai giễu võ”, hoặc có thái độ xem học sinh như “cỏ rác”, như đám “ù lì”, không thể cải hóa… Thử hỏi những người giáo viên như vậy thì làm sao có được sự tôn trọng và mến phục từ học sinh?!
Đơn giản hơn, ngày nay xã hội phát triển theo hướng càng ngày càng “cân bằng” hơn trong tất cả các tương quan xã hội, và quan hệ thầy – trò không là một ngoại lệ. Tuy vậy, sự “cân bằng” không bao giờ có nghĩa là ngang hàng.
Tôi nói điều này là vì có rất nhiều giáo viên vì muốn được học sinh chấp nhận nên đã “cùng ăn, cùng chơi” với học sinh chẳng khác gì một người trong nhóm bạn bè với nhau.
Trong khi đó nhiều giáo viên thấy học trò thể hiện sự “cân bằng” bằng cách tranh luận, hoặc có thái độ chống lại sự vô lý của thầy cô giáo thì bắt đầu cảm thấy bất an hoặc như bị đe dọa…
Chính từ đó mà nhiều giáo viên có khuynh hướng trấn áp học sinh, coi học sinh là “đứa vô lễ”, dám thách thức quyền lực…
Khi còn là sinh viên của trường sư phạm, chúng tôi cũng đã từng trải nghiệm chuyện giảng viên “cãi tay đôi” với sinh viên về việc… “các em không đủ tầm cỡ để có thể cãi mà thắng được tôi!”
Nói theo ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ là “đuối như con cá chuối!”. Khi một giáo viên, là người có uy quyền hơn, đặt mình ngang hàng để có thể cãi tay đôi với học sinh, là người ở thế yếu hơn, thì chính giáo viên đó đang tự hại mình và nghiêm trọng hơn là làm hỏng quá trình giáo dục học sinh của mình.
Do đó, điều tôi nghĩ một người giáo viên luôn nên tự nhắc nhở mình là: “Dù có chuyện gì thì mình luôn là người đang chịu trách nhiệm giáo dục học sinh”, do đó vấn đề không phải là thắng hay thua một em học sinh mà vấn đề là trong hoàn cảnh như vậy, liệu có cách nào khác hơn để có thể cải hóa một em học sinh.
Vậy thì giáo viên là người luôn ở trên học sinh nhưng hoàn toàn có thể tương tác với học sinh một cách cân bằng (không thể hiện quyền lực theo kiểu áp chế).
Tôi mong rằng câu chuyện này không phải và không nên khép lại bằng chuyện kỷ luật nặng nề cô giáo, càng không phải và không nên khép lại bằng việc “cấm không cho học sinh ghi âm” trong lớp học, mà quan trọng hơn và giá trị hơn, chuyện này nên mở ra một lối nhìn thẳng thắn để từ đó có thể gợi ra những định hướng thiết thực và khả thi cho việc phát triển nền giáo dục Việt Nam.
Chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy
Theo HHT Online
Đừng đổ lỗi cho tình yêu!
Nhiều teen dựa dẫm vào tình yêu để bao biện cho mình... (Ảnh minh họa)
"Tớ làm vậy vì tớ yêu cậu"- đó là câu nói của nhiều teen khi cãi vã với nhau hay khi họ phạm phải sai lầm. Và tình yêu bỗng trở thành cái cớ để teen dựa dẫm, bao biện cho mình.
Mù quáng vì chữ "yêu"
Những suy nghĩ mù quáng, những hành vi sai lầm... đều được các teen cho là "vì yêu nên mới như vậy". Nhưng sự thật thì họ đều là những người chẳng hiểu tí gì về tình yêu. M.Linh (trường V) thầm thích anh chàng lớp bên cạnh nhưng không dám bày tỏ. Đến trường, Linh chỉ mải miết... đứng từ xa để theo dõi anh chàng. Bắt gặp chàng thân thiết với cô gái nào, Linh lại ghen tức, khó chịu ra mặt. Cứ thế, Linh không chịu bày tỏ mà lúc nào cũng tự dằn dặt mình vì những hờn ghen vô cớ. Bạn bè khuyên nhủ thì cô nàng thở dài "Yêu là phải chịu vậy thôi chứ biết sao".
Trong khi đó, chính Linh lại chẳng hề hiểu được cảm giác yêu là như thế nào. N.Huy (trường NTH) thì lúc nào cũng hết sức chiều chuộng người trong mộng của mình dù đối phương chẳng hề rung động tí nào. Cô nàng nhờ vả gì, Huy cũng răm rắp làm theo. Có khi trời mưa rất to, chỉ một tiếng của nàng, Huy tất tả chạy từ nhà đến trường đón nàng về để... chứng tỏ tình yêu của mình. Huy thanh minh: "Yêu thì phải biết hy sinh, phải chịu đựng như vậy mới là tình yêu". Bạn bè chỉ biết lắc đầu "Yêu quá hóa khờ".
Mượn danh tình yêu
Hãy giữ cho tình yêu học trò thật nguyên vẹn và tươi đẹp teen nhé! (Ảnh minh họa)
Với những cặp đôi đã tay trong tay với nhau thì những việc làm gì dù đúng hay sai của họ đều được cho là hành động vì tình yêu. Điển hình là anh chàng K. (trường NT). Tính nóng nảy và rất hay... ghen nên hễ thấy bạn gái của mình nói chuyện hay tỏ ra thân mật với chàng trai nào là K lại hùng hổ bước đến gây sự với người ta. Cô bạn gái hết lời khuyên bảo, thậm chí là giận dỗi nhưng K không những không bỏ được sự nóng nảy của mình mà còn cho rằng hành vi đó là vì quá yêu mà ra. Đến khi không còn chịu đựng được chuyện K gây sự, đánh nhau vô cớ với bạn bè của mình thì cô bạn gái đành nói lời chia tay. Rõ ràng, K đã mượn danh tình yêu để bao biện cho những hành vi sai trái của mình.
Với cô bạn K.Thư (teen 11, trường K) thì yêu là phải "quan tâm" tuyệt đối người mình yêu. Chính vì thế, cô nàng luôn quản lí chặt chẽ thời gian của người ấy. Nếu không ở cạnh nhau thì Thư cũng... quản lí từ xa qua điện thoại, những người xung quanh. Ngột ngạt, khó chịu, đó là cảm giác tất nhiên của bạn trai Thư. Nhiều lần anh chàng góp ý, thậm chí đòi chia tay, Thư đều khóc lóc và nói rằng chỉ vì mình quá yêu.
Đừng đổ lỗi cho tình yêu!
Nhiều bạn chẳng hề biết như thế nào mới được gọi là yêu, một số bạn lại yêu một cách mù quáng... nhưng họ đều muốn mượn tình yêu để che giấu những sai lầm của mình. Xem tình yêu là một cái cớ, vô tình, nhiều teen đã đánh mất ý nghĩa đích thực của hai chữ tình yêu. Tình yêu không phải là nguyên nhân của những sai lầm không đáng có, cũng chẳng phải là lí do để cứu vãn những cuộc tình đã chóng tan.
Chúng ta hãy giữ cho tình yêu học trò thật nguyên vẹn và tươi đẹp teen nhé!
Theo Mực tím
Chí Thiện chính thức "phản pháo!" Sau nhưng entry đây "kich tinh" cua phong viên (pv) Lê Ngọc Dương Câm va nhưng phat biêu kha ôn ao cua Minh Tuân A#, Công ty quan ly cua Chi Thiên đa chinh thưc đưa ra văn ban phap ly, lên tiêng vê sư viêc nay. Đê tiên cho đôc gia theo doi, chung tơ xin tom lai vân đê như sau:...