Cô giáo mầm non ước ‘trẻ thêm ít tuổi để chưa về hưu’
“Về hưu tôi không nói với ai, đi ra ngoài sợ bị hỏi lương. Mấy đêm nằm ngủ, nhiều lúc tôi khóc một mình”, cô Trương Thị Lan nói.
Trưa 1/11, trong căn nhà cấp bốn ở xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cô Trương Thị Lan đang chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Những ngày này, cô bận rộn bởi vừa chăm con gái mới sinh, vừa lên trường mầm non phụ việc nấu ăn.
Nguyên là giáo viên trường Mầm non Cẩm Duệ, cô Lan mới nhận quyết định về hưu với mức lương 1,3 triệu đồng. Rơm rớm nước mắt, cô bảo đã cống hiến cả tuổi trẻ, sức khỏe chăm sóc bao thế hệ học trò, song khi về hưu nhận mức lương “không ngờ tới”.
37 năm trước, sau khi lập gia đình, cô Lan tham gia dạy trẻ ở trường Mầm non Cẩm Duệ (nay đổi tên thành Lê Duẩn). Làm việc được 6 năm, cô được cử đi học nghiệp vụ mầm non, sau đó là trung cấp mầm non hệ vừa học vừa làm.
Cô Lan lau nước mắt khi kể về chuyện đời, chuyện nghề. Ảnh: Đức Hùng
Ngày mới vào nghề, cô được trả công bằng thóc, gạo của phụ huynh. Từ năm 1995 trở đi, cô bắt đầu được nhận lương, mức 450.000 đồng một tháng, số tiền sau đó tăng dần theo các năm.
“Năm 2003, giáo viên bắt đầu phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tôi cùng nhiều người phải đóng bù thêm 8 năm trước đó, để đủ thời gian tối thiểu 20 năm cho việc hưởng quyền lợi về hưu”, cô Lan nói.
Cô giáo 55 tuổi tâm sự, cuộc sống vất vả do đồng lương ít, lại có 4 con. Những khi nhận lương, cô phải chi tiêu tiết kiệm để nuôi con. Ngoài những lúc ở trường, cô cùng chồng ra đồng trồng lúa, trồng rau cải thiện bữa ăn, kiếm thêm thu nhập.
Video đang HOT
“Nhiều lúc cuộc sống bế tắc, tôi từng nghĩ sẽ rời khỏi ngành tìm một công việc tốt hơn. Song tình yêu dành cho trẻ quá lớn, không thể dứt được, đành gắn bó cho tới lúc tóc bạc”, cô Lan kể.
Năm 2013, cuộc sống gia đình mới thực sự khá lên, khi cô Lan được vào biên chế nhà nước, hưởng mức lương và trợ cấp lúc cao nhất hơn 5 triệu đồng.
Người phụ nữ 55 tuổi chia sẻ, bốn năm trong biên chế “là những ngày sống thoải mái nhất trong cuộc đời làm giáo viên”. Đồng lương khá hơn, cô sắm thêm bộ bàn ghế, nhiều vật dụng bếp núc, bởi trước kia đều dùng đồ cũ, hoặc đã hư hỏng.
Cựu giáo viên mầm non dự định nhận thêm ruộng, cải tạo vườn tược trồng rau để kiếm thêm thu nhập sau khi nghỉ hưu. Ảnh: Đức Hùng
Tháng 10 vừa qua, cô Lan nhận quyết định về hưu, mức lương 1,3 triệu đồng, tính theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội 22 năm 8 tháng. “Nhận quyết định, tôi ngã quỵ, ước mình trẻ thêm ít tuổi để chưa về hưu”, cô nói.
Cựu giáo viên cho hay cuộc sống gia đình trở lại đúng như thời điểm dạy hợp đồng vì lương hưu sắp nhận chỉ 1,3 triệu đồng. Trước kia, vài trăm nghìn mua được nhiều thứ, giờ giá cả leo thang, số tiền trên thực sự quá ít để trang trải.
“Về hưu nhưng tôi không dám nói với ai, đi ra ngoài gặp hàng xóm sợ họ hỏi lương cao không. Mấy đêm nay trằn trọc suy nghĩ, nhiều lúc khóc thầm một mình”, cựu giáo lấy tay gạt nước mắt kể.
Con gái đầu của cô Lan đang nấu ăn tại trường mầm non Lê Duẩn, các con sau người đang đi học, người vào miền Nam làm ăn. Dù đã nghỉ hưu, song cô Lan đã xin hợp đồng nấu ăn vài tháng với trường, để làm thay con gái nghỉ sinh.
“Tôi biết lương thấp là do đóng bảo hiểm thấp, chỉ đồng cảm cho những người trót theo nghiệp, sắp tới về hưu sẽ phải đối mặt”, cô Lan nói. Nhà có 7 sào ruộng, nghỉ hẳn ở trường, cô dự định làm thêm ruộng, cải thiện vườn rau, nuôi thêm gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.
Nhiều cô giáo sắp về hưu ở trường Mầm non Lê Duẩn cũng canh cánh nỗi lo lương thấp. Ảnh: Đức Hùng
Trường mầm non Lê Duẩn có nhiều người sắp về hưu và chung nỗi buồn như cô Lan. “Người ngoài nhìn vào nghĩ chúng tôi là công chức, cuộc sống thoải mái. Nhưng không ai hiểu đặc thù ngành mầm non rất cực, bỏ công sức nhiều, đôi lúc còn vướng tai nạn nghề nghiệp, thu nhập lại thấp”, cô Đoàn Thị Thắm nói.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, là quản lý, thấy thực tế lương giáo viên đáng buồn nên muốn chia sẻ câu chuyện của cô Lan lên mạng xã hội để nhận được sự đồng cảm. “Giáo viên mầm non đi dạy đã ít lương, về hưu càng ít hơn. Tôi muốn các cơ quan quản lý hiểu được những khó khăn, đặc thù của ngành mầm non, có một chế độ đãi ngộ xứng đáng hơn cho họ”, cô Hà nói.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 30/10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trường hợp cô Lan không cá biệt mà phổ biến do thang bảng lương của ngành thấp so với yêu cầu. Bộ đang làm việc với các bộ Nội vụ, Tài chính để đưa thang bảng lương vào Luật Giáo dục.
“Yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực. Trong sửa Luật Giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ”, Bộ trưởng Giáo dục nêu quan điểm.
Theo VNE
Hơn một triệu học sinh Hà Lan nghỉ học vì giáo viên đình công
90.000 giáo viên tiểu học khắp Hà Lan đình công vì mức lương "đứng yên" suốt 10 năm.
Hôm thứ năm, 90% trường tiểu học trên khắp Hà Lan phải đóng cửa khi 90.000 giáo viên đình công đòi tăng lương và cải thiện môi trường làm việc, theo Reuters ngày 5/10. Đây là cuộc đình công lớn nhất của giáo viên tiểu học Hà Lan kể từ những năm 1980, khiến hơn một triệu học sinh nghỉ học.
Sự việc này diễn ra khi Thủ tướng Mark Rutte tìm cách đóng lại hơn 200 ngày đàm phán với lời hứa hẹn chi thêm hơn 900 triệu USD cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, giáo viên tiểu học Hà Lan cho rằng 1,6 tỷ USD mới đủ để tăng lương ngang bằng với bậc trung học. Trung bình, giáo viên tiểu học nước này kiếm được ít hơn 20% so với giáo viên trung học và mức lương tối đa chỉ gần 1.200 USD mỗi tháng.
90.000 giáo viên tiểu học Hà Lan đình công ngày 5/10.
"Lương chúng tôi gần như không tăng trong 10 năm qua, trong khi công việc ngày càng khó khăn. Chúng tôi cần làm gì đó để nghề giáo trở nên hấp dẫn hơn, ngăn ngừa tình trạng thiếu giáo viên trong những năm tới", Bart Audenaerd, giáo viên 37 tuổi nói.
Cuộc đình công phản ánh sự thất vọng ngày càng gia tăng của người lao động ở một trong những nền kinh tế mạnh nhất châu Âu.
Jan van der Ven, người tổ chức cuộc đình công khẳng định: "Vẫn còn chặng đường dài phía trước. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi nhận được 1,6 tỷ USD".
Nhiều người đánh giá mức lương là một phần, nhưng sự hỗ trợ về các điều kiện giảng dạy khác còn quan trọng hơn. Các tổ chức giáo viên tuyên bố sẽ đình công thêm hai ngày nữa vào tháng 11 nếu Chính phủ chưa có động thái thích hợp.
Theo VNN
Luxembourg trả lương giáo viên cao nhất thế giới Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Luxembourg đứng đầu thế giới về trả lương giáo viên, lên đến 137.000 USD. Dữ liệu cho thấy Luxembourg - một trong những nước giàu nhất thế giới - có chế độ lương bổng tốt với những người làm nghề giáo khi trả lương cho họ cao hơn rất...