‘Cô giáo làng’ và lớp học 44/50 học sinh đạt điểm 9 tốt nghiệp môn Văn
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, trường THPT Quang Trung – một trường ở huyện ngoại thành Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng có tới 44/50 học sinh trong một lớp đạt 9 điểm môn Văn trở lên.
Người truyền cảm hứng và trao cho các em những phương pháp học văn đầy sáng tạo, để các em có thể lĩnh hội được ý nghĩa, giá trị nhân văn của bộ môn Văn học là cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, tổ trưởng tổ Văn- Sử- Địa của trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu trong giờ lên lớp.
Giờ ngoại khóa môn Ngữ văn của học sinh trường THPT Quang Trung (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) luôn được học sinh đón chờ. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, các em học sinh hứng thú với hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học, thậm chí hóa thân thành các nhân vật hay thành chính tác giả để nói về tác phẩm.
Rất nhiều hình thức dạy học sáng tạo đã được cô Hoài Thu vận dụng trong các giờ dạy văn của mình, như: “Phương pháp đóng vai”, “Hỏi chuyên gia”, phương pháp “Dạy học theo dự án”…Trong các tiết dạy, cô Thu thường hướng dẫn các em kỹ thuật “Lược đồ tư duy” để ghi nhớ, nắm chắc các luận điểm, luận cứ của bài; từ đó, với kỹ thuật “Viết tích cực”, các em được khuyến khích bày tỏ quan điểm, cảm nhận, đồng thời rèn luyện ngôn từ của bản thân.
Giờ ngoại khóa môn Ngữ văn của học sinh trường THPT Quang Trung (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) luôn được học sinh đón chờ.
“Mỗi buổi tối trước khi lên lớp bao giờ tôi phải tìm ra là với bài dạy này, tôi phải làm thế nào để có thể giúp học sinh phát triển được năng lực, bằng cách sử dụng phương pháp dạy học nào và sử dụng kỹ thuật dạy học nào. Nhiều khi cũng biết rằng nếu đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học, học sinh và thầy cô cũng rất vất vả nhưng làm như thế được, học sinh rất hào hứng, không phải đi vào lối mòn là cô cứ đọc, cô cứ giảng và cho học sinh cứ viết và chép, mà đây là dịp học sinh được làm việc”, cô Thu chia sẻ.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu luôn trăn trở để đổi mới phương pháp giáo dục, làm mới mình mỗi ngày và làm mới quan điểm học văn của học sinh. Những phương pháp, kỹ thuật dạy văn sáng tạo đều được cô tìm tòi và đúc rút từ quá trình tự nghiên cứu. Để có phương pháp “Sơ đồ tư duy” truyền đạt cho học sinh, cô Thu đã từng “khăn gói quả mướp” từ Hải Phòng lên Hà Nội để theo học một khóa học về vẽ sơ đồ tư duy và sáng tạo phù hợp với môn dạy và học trò của mình.
Những tiết dạy của cô Thu đã vượt qua những bài giảng đơn thuần, dạy cho các em cách tư duy và bồi đắp tâm hồn, cảm xúc. Đứng trước một tác phẩm văn học, cô luôn đặt ra câu hỏi: “Thông qua tác phẩm, nhà văn muốn chuyển tải thông điệp gì?”. Gọi tên được những thông điệp trong mỗi tác phẩm giúp các em học sinh nhận thức rõ hơn về giá trị, ý nghĩa của môn Văn học, từ đó hào hứng với mỗi tác phẩm cũng như bài giảng mới.
Với các phương pháp dạy học sáng tạo, như: “phương pháp đóng vai”, “hỏi chuyên gia”…, các em học sinh không chỉ nắm bài chắc hơn mà được bày tỏ quan điểm cá nhân về các tác phẩm và vấn đề văn học.
Em Đoàn Thùy Dương, học sinh lớp 11B11 trường THPT Quang Trung cảm nhận về những giờ dạy văn của cô Thu: “Em được học cô từ năm lớp 10; trước đó, em cảm thấy môn văn là môn học thuộc và khó nhưng từ khi gặp cô Thu thì em bắt đầu có niềm cảm hứng và thích học văn. Cô dạy bọn em cách khai triển ý trong bài và cách phân tích thơ, dựa trên cảm nhận và ý kiến của bản thân về bài thơ đó để viết văn”.
Còn em Hoàng Văn Hiệp, lớp 12C8 trường THPT Quang Trung cho biết, mặc dù mới học cô 3 tháng nhưng cô mang lại cho em nhiều kiến thức. “Cô rất vui tính trong các giờ học, tạo sự thoải mái cho bọn em và bớt căng thẳng, tiếp thu bài nhanh hơn”.
Video đang HOT
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu cũng là người “chắp cánh ước mơ” cho nhiều thế hệ học trò của trường THPT Quang Trung, một ngôi trường xa trung tâm thành phố Hải Phòng, điều kiện kinh tế của người dân địa phương còn nhiều khó khăn. Nhiều học sinh cô đã giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn các cấp. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tất cả 50 học sinh lớp 12C4 do cô Thu giảng dạy đều đạt điểm 8 môn Văn trở lên; trong đó, 44/50 học sinh đạt 9 điểm trở lên, điểm trung bình môn Văn của lớp là 9,17 điểm.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu cùng học sinh lớp 12C4 trường THPT Quang Trung năm học 2021-2022, tập thể lớp có điểm trung bình môn Ngữ văn tốt nghiệp đạt 9,17 điểm.
Cô Thu cũng nhiều lần được Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng mời chia sẻ với giáo viên môn Văn trên địa bàn thành phố về phương pháp dạy học và ôn thi cho học sinh.
Thầy giáo Ngô Văn Tuyến, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Quang Trung cho biết, bộ môn văn là bộ môn nổi bật nhất, sử dụng nhiều phương pháp mới của giáo dục để mang lại hiệu quả như vậy. Các bộ môn khác, như: Toán, Hóa, Sinh…,các thầy cô cũng luôn sử dụng phương pháp mới để hiện thực hóa kiến thức, áp dụng thực tiễn của học sinh để truyền cảm hứng cho học sinh.
“Về thành tích giáo dục mũi nhọn, chúng tôi luôn được rất nhiều giải nhất nhì, đứng trong top đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố. Về thi tốt nghiệp THP, 10 năm nay, chúng tôi luôn đứng đầu huyện Thủy Nguyên”, thầy Tuyến nói.
Năm học vừa qua, Hải Phòng cũng là địa phương đứng đầu toàn quốc về kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Đó là kết quả của những nỗ lực trong đổi mới phương pháp dạy học và tâm huyết của những giáo viên như cô Nguyễn Thị Hoài Thu, là công sức, “trái ngọt” của các thầy cô đang từng ngày “làm mới mình” với tất cả tình yêu đối với học trò./.
Lớp học có 42 học sinh đạt trên 9 điểm Ngữ văn: Bí quyết của cô giáo
Để Văn học đến với học sinh một cách tự nhiên, cô Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quang Trung, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng tìm cách cho các em tiếp cận môn học rất thực tế.
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu trong giờ Ngữ văn. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Với phương pháp dạy Ngữ văn sáng tạo, hơn 10 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, Tổ trưởng bộ môn Văn-Sử-Địa, Trường Trung học phổ thông Quang Trung, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã đào tạo những lứa học trò xuất sắc.
Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2021-2022, 42/50 học sinh lớp 12 C4 cô Thu dạy đạt trên 9 điểm môn Ngữ văn.
Từ nền tảng căn bản đến sáng tạo riêng
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu (sinh năm 1978) một mình từ Thái Nguyên trở về huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng (quê hương của bố mẹ) để sinh sống và lập nghiệp.
Sau 1 năm dạy học ở trường bán công Thủy Nguyên, cô về công tác tại Trường Trung học phổ thông Quang Trung, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên.
Với mong muốn đổi mới phương pháp dạy để học sinh không nhàm chán và đó cũng là cách để tự làm mới mình, cô Thu đã dành thời gian đi học nâng chuẩn, nỗ lực tự học, tìm tòi nghiên cứu để mỗi bài giảng học sinh hứng thú, phát huy năng lực của các em.
Sau khi nghiên cứu, tìm tòi, cô Thu nhận thấy "lược đồ tư duy" là phương pháp rất khoa học để các em nhớ bài nhanh. Cô hướng dẫn các em vẽ "lược đồ tư duy" làm sao cho vừa đẹp mắt, vừa khoa học lại tóm lược những ý cơ bản của bài.
Đầu tiên, cô yêu cầu học sinh đọc kỹ tác phẩm, hình dung ra những hình ảnh mà mình sẽ vẽ từ nội dung của tác phẩm, sau đó chất lọc các từ ngữ, các câu then chốt để đưa vào sơ đồ. Với phương pháp này, học sinh sẽ hệ thống được bài học, nắm chắc nội dung bài.
Phương pháp "đóng vai" cũng được cô Thu áp dụng trong nhiều bài giảng. Đây là phương pháp mà học sinh vô cùng thích thú vì các em phát huy những năng khiếu sở trường của bản thân từ việc dàn dựng sân khấu cho đến viết kịch bản đạo diễn, trang phục.
Cùng với đó, cô Thu còn áp dụng kỹ thuật "hỏi chuyên gia" để giúp các em hiểu sâu hơn về bài học, tạo cho không khí lớp học sôi nổi.
Những "chuyên gia" là những em học sinh học khá, giỏi bộ môn Văn, có hiểu biết kiến thức văn học sâu hơn các bạn khác. Phương pháp này giống như một buổi tư vấn giải đáp trả lời cho những băn khoăn thắc mắc về các vấn đề trong bài học.
Các phương pháp trên sẽ giúp các em nắm vững bài tập, đạt điểm cao ở các phần thi đọc hiểu, song như thế vẫn là chưa đủ để học sinh có thể viết những câu văn, đoạn văn uyển chuyển, mượt mà.
Kỹ thuật "viết tích cực" là công cụ để học trò thể hiện trọn vẹn năng lực của mình. Về kỹ thuật "viết tích cực," cô Thu cho biết cô khuyến khích các em hãy viết thật tự nhiên, viết tất cả những gì các em suy nghĩ, không câu nệ sách vở, không giống bài của cô giáo hay của bất cứ ai. Khi gỡ bỏ được từ "phải" ra khỏi suy nghĩ, hầu hết học sinh đều viết rất tự nhiên, có mạch văn, cảm xúc.
Tiếp cận Ngữ văn một cách thực tế
Có phương pháp dạy học tốt giống như có một công cụ tối ưu nhưng để Văn học đến với học sinh một cách tự nhiên, cô Nguyễn Thị Hoài Thu tìm cách để các em tiếp cận môn học rất thực tế.
Khi tiếp nhận bất cứ lớp mới nào, cô Thu sẽ luôn hỏi học sinh "Các em có biết học Văn để làm gì không? Tại sao các em phải học Văn?" Câu trả lời của học trò có rất nhiều, trong đó có những băn khoăn, tại sao việc học văn lại vẫn phải cẩn thận từng câu, từng chữ trong khi tiếp cận thông tin trên môi trường mạng đã hoàn toàn thay đổi.
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu luôn khuyến khích học sinh phát huy hết khả năng sáng tạo trong tiếp cận môn Ngữ văn. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Trả lời câu hỏi, cô gợi mở sau này ra trường, tất cả các em sẽ phải tiếp cận rất nhiều văn bản. Việc đọc để hiểu một văn bản vô cùng quan trọng cũng như viết một văn bản sao cho đúng về nội dung và đúng về câu chữ. Nắm chắc những kiến thức cơ bản của bộ môn Ngữ văn hôm nay sẽ giúp cho các em rất nhiều trong công việc về sau cũng như trong cuộc sống.
Vượt lên những bình thường này, Văn học có khả năng chạm đến trái tim của mỗi người. Vì vậy, đứng trước một tác phẩm, cô luôn đặt ra câu hỏi với học sinh "Vậy thông qua tác phẩm, nhà văn muốn chuyển tải đến chúng ta những thông điệp gì." Các em gọi tên những thông điệp đầy ý nghĩa và đó cũng là cách để học sinh nhận thức được vai trò, ý nghĩa của bộ môn và các em sẽ lại hào hứng khám phá những tác phẩm mới.
Cô Thu chia sẻ giúp cho một lớp làm chương trình "Ngoại khóa Văn học" là vất vả nhất. Các em sẽ là những người viết kịch bản cho tác phẩm, lên ý tưởng cho đạo cụ, sân khấu và tập vai diễn một cách say sưa. Nếu thầy cô sân khấu hóa được tác phẩm, học sinh sẽ có những sân chơi bổ ích, thiết thực, Văn học sẽ đi vào cuộc sống. Đây cũng là một cách để cho giáo viên phát huy năng lực của học sinh, như thế những tác phẩm Văn học sẽ trở nên gần gũi hơn với các em.
Hạnh phúc bình dị
Không chỉ đổi mới trong phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả cao trong các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô Thu còn là giáo viên chủ chốt ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn của trường.
Năm nào, cô cũng đóng góp cho thành tích chung của nhà trường những học sinh đoạt giải cao ở bộ môn Ngữ văn, truyền cảm hứng, đam mê và có rất nhiều em đi theo con đường văn chương.
Em Hoàng Khánh Linh đoạt giải nhất học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn (năm 2021); em Cao Khánh Linh đoạt giải ba học sinh giỏi thành phố (năm 2022). Cả hai em đang theo học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Em Hoàng Văn Hiệp, học sinh lớp 12 C8, chia sẻ trước đây, em rất sợ học Văn do cảm giác đây là môn học thuộc, không có sự sáng tạo và chẳng biết viết như nào mới đạt ý, đủ ý. Được học cô Thu, với cách truyền thụ sinh động, mỗi giờ Văn là một giờ học hào hứng, sáng tạo.
Đặc biệt, cô luôn khuyến khích chúng em viết thật tự nhiên, viết những gì đang diễn ra trong suy nghĩ, giúp em học môn học này chủ động và rất thích thú.
Theo thầy Ngô Văn Tuyến, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học phổ thông Quang Trung, hơn 10 năm qua, cô Thu cùng các cô giáo của Tổ Văn-Sử-Địa của nhà trường đã luôn nỗ lực tiếp cận phương pháp giảng dạy mới và đạt hiệu quả.
Nhiều năm liền, bộ môn Ngữ văn luôn đứng trong tốp đầu thành phố trong Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và để lại ấn tượng lớn với giáo viên Văn của Hải Phòng.
Tháng 4/2022, cô Thu vinh dự chia sẻ kinh nghiệm để ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn đạt kết quả cao cho giáo viên trong toàn thành phố với mong muốn bộ môn Ngữ văn của Hải Phòng sẽ nằm trong tốp đầu của cả nước.
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu trong giờ Ngữ văn. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên, Trường Trung học phổ thông Quang Trung trước đây chỉ đứng vị trí thứ 3 hoặc thứ 4 về thành tích giáo dục đào tạo, nhưng trong 10 năm trở lại đây đã vươn lên giữ vị trí số 1. Chất lượng đào tạo môn Ngữ văn của trường luôn đứng tốp đầu các trường Trung học Phổ thông tại Hải Phòng.
Tại lễ biểu dương học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc của thành phố vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Khắc Nam phát biểu năm học 2021-2022, Hải Phòng đứng đầu toàn quốc về điểm trung bình môn Ngữ văn và giữ vững vị trí tốp đầu các tỉnh, thành phố về công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia với 86 học sinh tham gia đoạt giải, xếp thứ 2 toàn quốc.
Trong thành công chung này có sự đóng góp của cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu. Với cá nhân cô Thu, niềm vui này thật lớn nhưng không phải là phần thưởng lớn nhất của một nhà giáo.
Theo cô Thu, niềm vui trong công việc là sau những bài văn từ trang sách, học sinh của cô đều trưởng thành với một trái tim thấu cảm, yêu thương con người và cuộc sống. Đó chính là gạch nối đẹp đẽ từ trang sách đến cuộc đời mà chỉ môn Ngữ văn mới mang đến được./.
Hoãn thi IELTS, nhiều học sinh, sinh viên hoang mang vì 'vỡ kế hoạch' Nhiều học sinh, sinh viên cuối cấp đang hoang mang, lo lắng vì lịch thi IELTS bị tạm hoãn, chưa biết khi nào sẽ mở lại. Những ngày này, sau khi nhận được thông báo hoãn thi IELTS không xác định thời hạn từ Hội đồng Anh và IDP, không ít học sinh, sinh viên bày tỏ hoang mang, lo lắng vì sợ...