Cô giáo kỳ lạ: Mời học sinh xếp hàng trả lại tiền nếu lớp học ồn
Những học sinh không chịu làm bài tập, hoặc nói chuyện riêng trong lớp sẽ bị cô đuổi thẳng ra ngoài.
Từng là giảng viên ĐH Ngoại ngữ (ĐH QGHN), nhưng cô giáo Phạm Nguyễn Lê Na (1984, Hà Nội) lại nghỉ dạy theo nghiệp luyện thi Ielts. Cô giáo thẳng tính, với những cách dạy, hình phạt tăng tính tự giác của học sinh độc, lạ này như: nếu lớp học ồn cô sẽ mời cả lớp đứng dậy xếp hàng và trả lại tiền, ai không làm bài tập lập tức bị mời ra ngoài,…. giúp cô Lê Na được nhiều người luyện thi Ielts nhớ mặt, gọi tên.
Nhưng ít ai biết rằng, bên cạnh cách dạy cá tính, phương pháp “rắn” để rèn chất lượng cho học sinh, những câu chuyện đời thường của cô giáo này có rất nhiều điều thú vị.
Giải quốc gia là điều vô nghĩa
Khi lên THPT, cô tham gia đội tuyển tiếng Anh của trường Nguyễn Huệ (Hà Đông) và đạt được giải Quốc gia. Tuy rằng rất yêu tiếng Anh, đã rất cố gắng để giành được giải thưởng ấy nhưng sau đó, cô Lê Na dần cảm thấy nó vô nghĩa.
Để có được nó, cô đã phải đánh đổi rất nhiều thời gian, công sức. Thế giới của cô dần bị quanh quẩn trong các lớp học với các vấn đề học thuật và dần quên đi thực tế cuộc sống bên ngoài.
Chân dung cô giáo luyện thi Ielts Lê Na.
“Nếu tôi phát minh một phần mềm giúp trẻ em học tiếng Anh rồi đoạt giải thì tôi sẽ thấy vui vì nó giúp ích được cho mọi người. Nhưng với giải tiếng Anh quốc gia, tôi chẳng làm gì để mang lại giá trị cho mọi người cả.” – cô chia sẻ.
Video đang HOT
Nghỉ học 80% vẫn tốt nghiệp loại giỏi
Cô Lê Na cho biết: “Thời gian học dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng là sự chăm chỉ, quyết tâm của bản thân đi kèm với phương pháp học đúng.”
Chăm chỉ học không đồng nghĩa với việc chăm chỉ đến lớp. Cô chia sẻ: “Nhiều khi đến lớp thấy các bạn ngồi chép slide mà không hiểu nội dung của nó là gì. Theo tôi, như vậy là lãng phí thời gian.” Do vậy, cô thường đọc trước nội dung bài học, nếu có thể tự hiểu được cô sẽ không lên lớp.
Bởi thế, trong 4 năm đại học, tuy cô đã nghỉ đến 80% số buổi nhưng vẫn tốt nghiệp loại giỏi và được giữ ở lại trường làm giảng viên.
Bên cạnh việc học trên lớp, cô còn tham gia một câu lạc bộ tiếng Anh. Giữ vai trò chọn đề tài, tổ chức các buổi thảo luận theo chủ đề bằng ngoại ngữ, suốt 4 năm, cô luôn làm việc hết mình mà không bao giờ đòi quyền lợi. Thậm chí, khi đã tốt nghiệp và đi dạy, cô vẫn dành tâm sức để duy trì nó.
Sự cố gắng của cô đã không vô ích khi dần dần thầy cô, bạn bè đã nhìn thấy khả năng và sự tâm huyết của cô sinh viên ngoại ngữ. Các thầy cô trong trường dần tín nhiệm mời cô về làm gia sư cho con của mình.
Tiếng Anh là tấm vé bước ra thế giới
Năm thứ 4, cô nhận được học bổng sang Úc du học sau khi chiến thắng một cuộc thi nói tiếng Anh trên truyền hình.
Tuy học bổng chỉ kéo dài 2 tháng nhưng cô đã cố gắng xin lại thêm 4 tháng nữa để có thể so sánh về phương pháp học của hai nước.
Một buổi giảng dạy của cô Lê Na
Cô cho biết: “Học lý thuyết ở họ cũng không hơn Việt Nam là mấy. Nhiều khi sinh viên vẫn ngủ gật trong giờ. Nhưng khi đó, họ hơn Việt Nam vì luôn có những buổi thảo luận và thực hành giúp sinh viên vận dụng những kiến thức vừa học được.”
Ngoài nước Úc cô còn đi nhiều nước khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Mỗi chuyến đi, cô không chụp ảnh làm kỷ niệm mà luôn dành thời gian quan sát, tìm hiểu xem họ khác gì mình, họ hơn mình ở chỗ nào để khi về Việt Nam, cô có thể áp dụng hay truyền đạt cho các học trò.
Cô chia sẻ: “Theo tôi, việc học tiếng Anh nói chung và Ielts nói riêng sẽ chỉ thực sự có giá trị khi bạn dùng nó làm hành trang để bước ra nước ngoài, khám phá những điều mới lạ và trải nghiệm một cuộc sống khác biệt.”
Tên không quan trọng, quan trọng là giá trị
23 tuổi, cô nhận học bổng đi du học Mỹ nhưng cô quyết định ở nhà để bước ra trường đời. Sau 2 năm làm giảng viên, cô quyết định nghỉ để tập trung vào việc giảng dạy học sinh của mình.
Khi cô nghỉ, nhiều người ngăn cản và cho rằng phải ở lại để giữ cái danh giảng viên Đại học Ngoại ngữ. Nhưng cô thẳng thừng dứt áo ra đi bởi cô luôn tâm niệm: “Dạy là mang lại giá trị thật cho người học chứ không phải mang đến cho họ một cái tên.”
Không giống như các giáo viên khác, cô luôn đặt ra các hàng rào trình độ để kiểm soát lực học của từng học viên. Cứ 4-5 buổi một lần, cô lại đưa ra một bài kiểm tra. Ai qua được thì sẽ học tiếp, ai không qua thì phải học lại cho bằng qua thì thôi.
Bởi thế, một khoá học có khi kéo dài đến nửa năm bởi với cô: “Không quan trọng là bao nhiêu buổi, quan trọng là chất lượng đầu ra.”
Cô Lê Na đạt giải nhất trong cuộc thi nói tiếng anh trên truyền hình năm 2006. (Ảnh NVCC).
Bên cạnh đó, cô cũng nổi tiếng nghiêm khắc về việc ghi chép bài ở lớp và làm bài tập ở nhà. Những học viên không làm bài tập về nhà sẽ không được tham dự buổi học kế tiếp.
Có lần, cả lớp mất trật tự và không tập trung nghe giảng, cô đã yêu cầu mọi người xếp hàng để trả lại tiền bởi cô nhận thấy mình nhận tiền mà không mang lại được giá trị gì cho họ.
Cô cho biết: “Việc nghiêm khắc như vậy giúp các học viên luôn duy trì được kỷ luật và quyết tâm cao trong quá trình học- điều rất quan trọng để cải thiện trình độ.”
Cô Lê Na còn cho biết rằng, để luôn có những câu chuyện, những ví dụ sinh động lồng vào bài giảng, mỗi ngày cô vẫn dành thời gian để học, để đọc thêm nhiều kiến thức mới. Có như thế, cô mới thấy mình không bị cũ đi, chính vì thế mà cô luôn tràn đầy cảm hứng để truyền đạt cho học trò của mình.
Một tiết giảng tiếng Anh của cô Lê Na.
Theo Việt Hùng/Baodatviet.vn