Cô giáo kể chuyện: Tờ pô-li-me trong cánh thiệp
Hơn 12 năm cầm phấn, tôi chỉ bắt gặp duy nhất một tờ pô-li-me kẹp trong tấm thiệp chúc mừng ngày 20/11 và cảm thấy mình may mắn vì chính điều đó. Món quà lớn nhất mà chúng tôi vẫn muốn nhận từ học trò bao giờ cũng là sự kính trọng, lòng biết ơn chân thật…
Ảnh minh họa
Ngày ấy, tôi ra trường và được phân công công tác về trường cấp hai cách nhà gần hai chục cây số. Trường nằm dưới chân núi, cách khá xa trung tâm thị trấn. Đường đến trường có bạt ngàn đồng ruộng vàng mượt và thấp thoáng mấy ngọn núi xanh rờn.
Người dân ở đây thuần nông và sống dựa vào ruộng đồng, đồi núi là chủ yếu. Học sinh hiền ngoan và đáng yêu vô cùng. Khi mà cả xã hội đang xôn xao những biểu hiện trò ứng xử chưa đúng mực với thầy thì chúng tôi vẫn không ngớt tự hào về đàn con nhỏ rất chân chất, mộc mạc nghĩa tình của mình.
Ngày lễ tết, các em cũng xôn xao lời chúc mừng thầy cô. Những trang báo tường với câu chữ vụng về, nét vẽ ngây thơ nhưng chan chứa yêu thương. Những đóa hoa đủ sắc màu gói ghém đơn sơ nhận từ tay trò mà ấm cả lòng.
Một vài món quà dung dị như quyển sổ, cây bút, kẹp tóc, xấp vải… chúng tôi đều trân trọng, gìn giữ bởi đó là tấm lòng của các em. Và tuyệt nhiên không hề có phong bao, phong bì, đồng tiền chen chân vào mối quan hệ thầy – trò vỗn dĩ thiêng liêng mà nhạy cảm.
Năm ấy, tôi chủ nhiệm lớp 7/2 và may mắn đón nhiều học sinh nổi bật về lớp. Cô – trò quấn quýt đầy yêu thương và trân quý. Ngày Nhà giáo đến, cậu bé lớp trưởng gói tặng cô một bó hồng nhỏ năm cành hoa bé xíu, nghe các bạn trong lớp mách lại là bạn tự tay gói làm tôi cảm động vô cùng. Những cánh thiệp cùng lời chúc dễ thương và khuôn mặt ngây thơ của các em là món quà quý giá nhất.
Rồi trong vô số cánh thiệp hôm ấy, tôi nhận được một tờ po-li-me mệnh giá một trăm nghìn từ Linh – cậu học sinh đang giữ chức lớp phó kỷ luật của lớp, rất yêu thích môn toán và máy tính cầm tay.
Video đang HOT
Linh cũng như nhiều bạn nhỏ hôm ấy lên tặng tấm thiệp mừng ngày nhà giáo. Tôi tình cờ bóc từng tấm thiệp vừa đọc vừa cười vu vơ với lời chúc của các con. Thế rồi, trong tấm thiệp nhỏ của Linh là tờ pô-li-me được kẹp thẳng vào giữa. Tôi sững người nhìn món quà của em và cảm thấy lòng mình bắt đầu gợn sóng.
Phong bao, phong bì là những khái niệm hoàn toàn xa lạ với chúng tôi. Quà cho thầy cô được quy đổi gọn thành “thóc” lại càng lạ lẫm. Nhìn tờ pô-li-me nằm im lìm trong cánh thiệp, tôi bắt đầu thấy sức nặng của tiền bạc đè nặng cõi lòng.
Mẹ của Linh làm kinh doanh. Tôi không dám trách chị ấy quá thực tế trong mối quan hệ thầy – trò. Nhưng tôi sợ trong cái đầu non nớt của bọn trẻ hình thành những nghĩ suy tiêu cực về thầy cô, về lòng biết ơn và cách thể hiện lời tri ân.
Có lẽ nhiều người khá thoáng trong quan niệm quà cáp. Họ khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Ai chẳng thích tiền!”. Họ nghĩ bỏ bì thư sẽ gọn, nhẹ, tiện hơn và bao giờ cũng là “Thật sự không biết mua quà gì hợp với thầy/cô, nên thầy/cô nhận chút lòng thành và mua giúp cho món quà ưng ý”.
Tôi biết một số đồng nghiệp của mình nơi nơi vẫn “quen” với việc nhận phong bao, phong bì từ phụ huynh. Riêng tôi, tôi luôn cảm thấy lòng gờn gợn bao nỗi niềm khi tình thầy trò bị dính dáng tới tiền bạc. Và tờ pô-li-me ấy thật sự đang biến những nỗi lo của tôi thành hiện thực.
Tôi gọi Linh lên bảng, cảm ơn em về tấm thiệp và khẽ khàng, kín đáo gửi trả “món quà” của em bằng cách ép nó trở lại vào trang vở mà Linh đem theo. Tôi thở phào với cõi lòng nhẹ nhõm. Tôi muốn mình vẫn nhìn các em bằng tâm hồn không chút lăn tăn gợn sóng. Và tôi muốn nhận từ học sinh của mình một ánh nhìn trong sáng, yêu thương.
Hơn 12 năm cầm phấn, tôi chỉ bắt gặp duy nhất một tờ pô-li-me ấy và cảm thấy mình may mắn vì chính điều đó. Món quà lớn nhất mà chúng tôi vẫn muốn nhận từ học trò bao giờ cũng là sự kính trọng, lòng biết ơn chân thật. Các em chăm học, biết vâng lời cũng đã là món quà lớn nhất với thầy cô. Và đôi khi câu chào cùng tiếng gọi ríu ra ríu rít “Cô ơi”, “Thầy ơi” cũng đủ sưởi ấm lòng người thầy trong những ngày đầu đông này…
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Đừng đem vật chất mà đo lòng thầy!
Đọc bài viết "Bưu thiếp 20/11 hay phong bì trá hình" cùng những tâm sự trên báo Dân trí, tôi rất đồng cảm với nỗi băn khoăn và trăn trở của tác giả Hà Đông khi nhiều người có cái nhìn lệch lạc về chữ "lễ" trong xã hội hiện đại.
Ảnh minh họa
"Mùa thu hoạch của giáo viên" là cụm từ khá nhạy cảm xuất hiện dạo gần đây mỗi khi đến dịp lễ tết thầy cô. Trong không khí rộn ràng nơi nơi đón chào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi bắt gặp vô vàn những câu từ "nặng mùi tiền" của nhiều người bàn về việc quà cáp cho thầy cô.
Mối quan hệ vốn thiêng liêng của tình nghĩa thầy - trò, giáo viên - phụ huynh lắm lúc bị méo mó đến tội nghiệp. Tôi nghe mấy người bạn của mình xôn xao chuyện "đi quà" cho cô giáo bao nhiêu tờ pô-li-me, băn khoăn nên tặng quà hay cứ thế mà quy đổi thành "thóc" và cả lắm lời răn đe lẫn nhau "không đi chẳng xong chuyện đâu!"... mà buồn vô cùng.
Chẳng trách được dư luận với những ý kiến trái chiều xung quanh lời tranh cãi "Tấm thiệp và phong bì, thầy cô thích gì hơn?". Bởi đâu đó vẫn còn những người thầy sa ngã trước đồng tiền và gợi ý quà cáp.
Vậy nhưng, hãy thẳng thắn nhìn nhận một cách công tâm sẽ thấy một số ít người thầy đánh mất cái tâm trong sáng đó chẳng thể "làm rầu nồi canh". Bởi hơn 1 triệu nhà giáo trên khắp cả nước vẫn đang miệt mài gieo chữ bằng cái tâm sáng trong, mẫu mực của người cầm phấn.
Người thầy dẫu thiếu thốn đủ bề vẫn sẵn sàng chia sẻ miếng cơm, manh áo với trò, góp gạo nuôi trò qua cơn thiếu thốn.
Người thầy dẫu nhọc nhằn, gian lao đến trào nước mắt vẫn vượt đại ngàn gieo chữ tận non cao xa xôi.
Người thầy dẫu bị trò đánh, cắn trong vô thức vẫn kiên nhẫn ngày ngày đến lớp và đỡ nâng những "vầng trăng khuyết" giữa cuộc đời.
Và dù cho chẳng trở thành những nhà giáo xuất sắc được tôn vinh trong sự nghiệp trồng người thì đội ngũ giáo viên hôm nay vẫn ngày ngày cần mẫn uốn con chữ, nắn tâm hồn cho lớp lớp thế hệ học sinh.
Ngày tôn vinh nhà giáo cũng là ngày hội lớn của dân tộc. "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Muốn sang hãy bắc cầu kiều, muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy", từ ngàn xưa đã như thế. Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc cần được giữ gìn, nối dài qua nhiều thế hệ.
Bởi vậy, mong rằng mỗi phụ huynh hãy dạy con trẻ lòng biết ơn thầy cô để mỗi ngày đến lớp, thầy có thể mỉm cười nhận lời chào hỏi, thưa gửi từ trò! Và ánh mắt vừa kính vừa yêu của trò sẽ làm lòng thầy ấm áp đến vô ngần.
Hãy giảng cho con trẻ về lời tri ân ý nghĩa nhất... Người thầy không mê mâm cao cỗ đầy, chẳng muốn quà cáp đắt tiền hay phong bao, phong bì nặng trĩu đâu!
Một cánh thiệp giản đơn, một bó hoa gói vụng về, một câu chúc chân thật đã đủ đầy và trọn vẹn ý nghĩa thay lời tri ân.
Bởi vậy, xin ai kia đang vội quy kết đội ngũ nhà giáo "Ai mà chẳng thích tiền!", hãy nghĩ lại! Xin ai kia có ý định mượn đồng tiền để đổi chác điểm số, cậy nhờ thành tích, hãy dừng lại! Và xin ai kia đang khiến đồng tiền chen chân vào mối quan hệ thầy - trò, hãy thay đổi cách nghĩ, cách làm để lòng người bớt nhói đau!
Xin đừng đem vật chất mà đo lòng thầy!
Thùy Mai
Theo Dân trí
Chiếc phong bì và sự "bấu víu" của phụ huynh Phụ huynh làm "hư" giáo viên bằng việc đi phong bì; tặng quà rồi kỳ vọng, mong chờ đủ thứ từ giáo viên... Thế nhưng, phía sau chiếc phong bì còn là nỗi bất an của phụ huynh vào giáo dục... Băn khoăn "đi phong bì" hay không Cậu con trai đầu tiên của hai vợ chồng Vân, ở Thủ Đức, TPHCM vừa...