Cô giáo Hà Nội kể lại giây phút mở hộp quà, kinh hoàng thấy 10 triệu đồng tiền mặt bên trong: Không trả lại mà có cách xử lý trên cả tuyệt vời
“Họ vác theo 1 hộp quà to tướng. Tôi ghét lắm nhưng lại trộm nghĩ: Chắc trong đó không có phong bì đâu, quà to thế mà…”.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên gia giáo dục vô cùng tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam. Những hoạt động, bài viết, quan điểm… của chị luôn nhận được sự yêu mến, trân trọng và có sức lan tỏa tôi thầy cô, học sinh và các bậc cha mẹ.
Là một nhà giáo, chị thường xuyên được phụ huynh nhớ tới và tri ân trong Ngày lễ 20/11. Tuy nhiên không ít lần nữ Tiến sĩ rơi vào những tình huống bàng hoàng, khó xử vì cách tặng quà, cố đưa phong bì của phụ huynh. Nhân ngày lễ trọng đại của những người lái đò, chị Hương đã có những chia sẻ thật lòng về vấn đề này.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương và một cô học trò nhỏ.
Dưới đây là chia sẻ của nữ tiến sĩ:
“Tôi là nhà giáo, chẳng ai trên đời không công nhận điều đó. Tôi cũng sẽ là đối tượng được nhận các lời chúc mừng trong ngày 20/11. Điều này cũng đương nhiên như cuộc sống nó vốn thế. Vậy nhưng, chẳng năm nào, 20/11 không đọng lại trong tôi nỗi buồn.
Tôi nhớ 1 năm, vào ngày này, tôi nhận được điện thoại của 1 cô giáo có phụ huynh học sinh là bạn của tôi. Cậu bạn đó là trưởng ban phụ huynh. Cô gọi và khóc. Cô đã alo cho vị phụ huynh đó rất nhiều. Nhưng vị phụ huynh đó không bắt máy và cô phải cầu cứu tôi.
Nguyên nhân là vị phụ huynh đó giữ quỹ lớp. Cô là giáo viên chủ nhiệm. Cô nói: “Em không cần quà đâu. Nhưng giáo viên bộ môn mà không có thì kì lắm, họ sẽ lại ghét lớp, trù dập lớp”.
Không đồng tình với cô nhưng tôi buộc phải alo cho vị phụ huynh đó vì sự nhờ vả. Sự việc sau đó thế nào, tôi cũng không nhớ, nhưng đọng lại trong tôi là nỗi đau.
Đi dạy khắp nơi, tôi nhận được tình cảm của học sinh cực kì nhiều. Có người gọi tôi là ĐẠI CA (Đại ca trong ngành giáo dục, đại ca của họ, những giáo viên tiểu học vùng xa), có người gọi tôi là MAMI (người giáo viên chủ nhiệm mà họ coi như mẹ), có người gọi tôi là BÀ, CỤ (theo thứ tự dạy học, bà dạy giáo viên chủ nhiệm của cháu, cụ dạy giáo viên của giáo viên chủ nhiệm của chúng cháu…). Điều đáng quý đó, tôi sẽ không bao giờ có thể quên được.
Không làm thay đổi được quan niệm: 20/11 LÀ NGÀY NHÀ GIÁO NHẬN PHONG BÌ, tôi chỉ làm được 1 điều rất nhỏ, KHÔNG NHẬN PHONG BÌ.
Video đang HOT
Cô Vũ Hương á, tặng quà cô hơi khó. Cô thích gì nhỉ, chẳng bao giờ ai biết. Cô không cần tiền, cái đó ai cũng biết. Đứa nào mang phong bì đến, ăn chửi là chắc – điều đó thì chắc chắn là lũ học sinh của tôi rất rành.
Tôi nhớ có 1 lần, tôi dạy 1 lớp tại chức hay từ xa gì đó, nhưng chỉ dạy có độc 1 buổi (3h). Đại khái là hướng dẫn họ làm bài tập này nọ, chấm bài,…
Ngày họ đến nộp bài, họ vác theo 1 hộp quà to tướng. Tôi ghét lắm nhưng lại trộm nghĩ: Chắc trong đó không có phong bì đâu, quà to thế mà.
Thế rồi khi họ về, tôi mở ra và thấy phong bì 10 triệu. Kinh hoàng! Tôi khóc, tôi giận, tôi muốn điên lên. Gọi trả họ thì họ hoảng sợ, họ cuống lên. Họ sợ tôi giận, sẽ cho họ điểm kém hết. Không trả thì tôi thấy kinh tởm chính bản thân mình.
Rồi tôi nghĩ ra cách hay nhất. Tôi bỏ hết 10 triệu đó vào QUỸ VÌ TRẺ EM VÙNG CAO. Ồ, các bạn đang thừa tiền đúng không? Vậy thì tôi sẽ giúp các bạn làm việc thiện. Đó là mua chút quà cho lũ trẻ. Mặc dù đã xử lý xong nhưng tôi vẫn không thể nguôi được nỗi đau đớn mà đám học sinh đó đã gieo vào trong lòng tôi.
Từ bao giờ, 20/11 lại là ngày nhận phong bì vậy? Ngày tôi còn nhỏ, đến nhà cô giáo, tôi mang tặng cô mấy quả cam. Tôi nhớ cảnh nhà cô, cam tràn ngập, nhiều đến mức cô không có đủ dụng cụ đựng cam mà để đầy xuống sàn nhà, không có cả lối đi.
Đến lúc đó, tôi cảm thấy, chắc chắn việc được nhận cam của cô không phải là niềm vui mà có khi là nỗi sợ. Ngày HIẾN CAM CÁC NHÀ GIÁO đem lại cho cô niềm vui chắc chắn chỉ là sự xuất hiện của học trò cũ.
Ngày nay, có không ít các nhà giáo từ chối phong bì, từ chối quà của phụ huynh. Như giáo viên chủ nhiệm của con tôi học hồi cấp 3 chẳng hạn. Cô trốn biệt mấy ngày gần 20/11 và cấm học sinh tặng phong bì. Tôi hiểu, họ giống tôi, họ cảm thấy tổn thương khi nhận được cái phong bì. Đặc biệt là từ phụ huynh học sinh. Bởi vì đó không phải là thể hiện tình cảm và sự tri ân của họ với giáo viên mà là động thái trút trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con họ cho những nhà giáo.
May mắn cho tôi, làm việc với sinh viên, các bạn ấy quá hiểu về cô nên tôi tránh được phần lớn sự tổn thương hết sức xúc phạm đó. Với các phụ huynh học sinh ở trung tâm tôi đang dạy, thông điệp trao cho họ cũng hết sức rõ ràng: các giáo viên ở trung tâm sẽ không được phép nhận quà của phụ huynh nếu không muốn bị kỉ luật.
Bởi vì điều tôi muốn là GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG VÀ TìNH YÊU CỦA TRẺ cho công việc hết sức gian nan của bọn tôi. Tôi hi vọng, người giáo viên nào đó còn mong mỏi phong bì trong ngày này thì hãy suy nghĩ lại. Người phụ huynh nào còn mong phong bì là thứ để cô giáo thiên vị con mình cũng mong nghĩ lại. Bởi vì, nói thật lòng, PHONG BÌ LÀ THỨ GIẾT CHẾT SỰ TỐT ĐẸP CỦA NGÀNH GIÁO DỤC”.
"Có tiền trong balo á, lấy chia ra đi": Câu chuyện từ cô hiệu trưởng ở TP. HCM khiến nhiều phụ huynh xôn xao trong dịp 20/11
Đằng sau chuyện chiếc phong bì ngày 20/11 đôi khi là bao nhiêu tâm tư trĩu nặng của những người thầy, người cô chân chính.
Mỗi khi tới dịp 20/11, những học trò thế hệ 7x, 8x... vẫn thường nhắc lại và tiếc nuối những giá trị ngày xưa cũ. Đó là những ngày cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tình thầy trò thì vô cùng giàu có. Có lẽ chẳng ai quên được hình ảnh từng lớp học trò rủ nhau đến nhà thầy cô, mang theo những đặc sản vườn nhà, tấm thiệp tự làm mà trân quý.
Còn ngày nay, quà tặng thầy cô hầu như đều quy ra... phong bì. Gần tới dịp này, cứ dạo quanh vài hội nhóm phụ huynh, chắc hẳn ai cũng dễ dàng nhận ra chuyện được bàn tán sôi nổi nhất chính là "đi phong bì bao nhiêu là đủ?". Ngày nhà giáo Việt Nam với nhiều người vô tình thành ngày "đổi chác". Bên mất tiền sẽ mong đổi được sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên đối với con mình. Bên nhận sẽ phải có trách nhiệm hơn để làm thỏa mãn lòng mong muốn.
Điều này, chắc hẳn sẽ làm buồn lòng những người giáo viên chân chính.
Có lẽ đó cũng là lý do chia sẻ "ruột gan" về chuyện quà cáp ngày 20/11 từ cô Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ nhóm trẻ Thiên thần nhỏ, quận 9, TP. HCM gây sốt mạng xã hội. Dù đây chỉ là "tâm tư và suy nghĩ của bản thân" như cô Nga đã nói, nhưng cũng là tâm trạng chung của rất nhiều giáo viên khác trong ngày được coi là Tết nghề của mình.
"Hổm rày thấy mọi người bàn về vấn đề phong bì 20/11 rất nhiều. Cô buồn lắm nên xin trải lòng như sau:
Ngày này là ngày nhớ ơn thầy cô nên chỉ cần ba mẹ yêu thương và tôn trọng các cô là đủ. Ba mẹ không có điều kiện thì chỉ cần 1 nhánh hoa và 1 lời chúc cũng làm cho cô ấm lòng. Ba mẹ có điều kiện thì cho cô một chút gì đó gọi là kỉ niệm. Xin ba mẹ đừng đặt nặng vấn đề quà cáp phong bì quá. Mỗi người mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, làm sao chúng ta làm giống nhau được hết.
Chỉ cần 1 nhánh hoa và 1 lời chúc cũng làm cho cô ấm lòng. (Ảnh minh họa)
Cô xin kể chuyện khi cô làm cô giáo hơn 10 năm trước:
Cô làm cho nhóm nhỏ, các em đa số con nhà nghèo. Học phí hồi đó chỉ 600 ngàn đồng/tháng cả tiền ăn mà ba mẹ rất tôn trọng, yêu thương cô. Có một trường hợp làm cô nhớ mãi. Mẹ cháu mua bán ve chai hàng ngày bằng xe đạp.
Hôm ấy, cũng lễ 20/11, con cũng đi học như bình thường. Sáng vô thì con cũng hào hứng như bình thường (con lớp chồi). Nhưng tầm nửa ngày con rất buồn, cô hỏi thì con nói con nhớ mẹ. Cô dỗ dành an ủi thì con không buồn nữa. Đến chiều mẹ rước bé về. "Anh chàng" giận dỗi mẹ và chạy về trước. Tầm 30, 45 phút sau thì bé và mẹ quay lại. Bé cầm 1 nhánh hoa và 1 tờ 50 ngàn đồng với vẻ mặt hớn hở và nói "con tặng cô". Cô bất ngờ lắm vì cô hiểu rõ hoàn cảnh của mẹ và cô mời mẹ lại nói chuyện.
Mẹ tâm sự: "Bé giận em vì không tặng hoa cho cô, các bạn đều có mà con không có. Mà cô ơi, tặng hoa không thì em thấy kì lắm. Mà có tiền thì em không đủ điều kiện. Về nó giận em không thèm nói chuyện, nên em ráng mua 1 cây bông và 50 ngàn đồng tặng cô. Tặng cô mà có 50 ngàn đồng em cũng thấy kì lắm cô ơi".
Cô đã khóc, ôm chặt đứa bé vào lòng và cảm ơn con. Sau đó cô nhận bông hoa, xin gửi lại cho mẹ 50 ngàn đồng để mẹ về mua sữa cho con và cô nói: Chỉ cần như thế là cô đã hạnh phúc rồi.
Ba năm sau, cô làm hiệu trưởng của một trường mang danh quốc tế ở trung tâm thành phố. Học phí chưa bao gồm ăn đã 8 triệu. Con của ngôi sao ca sĩ, MC... (nói chung người nổi tiếng) cho con học rất nhiều. Cũng ngày lễ đó, bất ngờ cô đi qua 1 lớp của con cô MC đó và nghe người ta nói chuyện với cô giáo của mình: "Có tiền trong balo á, lấy chia ra đi".
Ôi, nghe xong mà tan nát cõi lòng. Sau khi tìm hiểu thì mỗi cô được họ cho 500 ngàn đồng mà giống như ban phát. Không có chút gì gọi là tôn trọng.
Cuối cùng, vì quá nản mà cô đã về nơi hẻo lánh để mở 1 nhóm trẻ nho nhỏ. Thứ nhất là để phụ huynh vẫn tôn trọng mình. Thứ hai, đem tình cảm và chuyên môn của mình để hướng dẫn các con dù mức học phí trung bình".
Nói ra để mong ba mẹ hiểu nghề giáo và trân trọng các cô hơn
Cô Nga chia sẻ: " Mấy hôm nay cô buồn, suy nghĩ dữ lắm mới viết ra tâm sự của bản thân mình, mong ba mẹ hiểu thêm nghề giáo và tôn trọng các cô hơn. Thật sự khi ba mẹ tặng quà thì các cô cũng rất vui, không phải vui vì được tiền ít hay nhiều mà chỉ nghĩ ba mẹ yêu quý mới tặng mình. Nhưng bản thân phụ huynh chắc nghĩ rằng các cô có quà, có tiền nên mừng vậy".
Đối với cô, tri ân là nhớ ơn. Ngày trước, mỗi lần đến lễ là cô rất nôn nao vì các con và ba mẹ luôn dành cho cô những tình cảm chân thật nhất, tôn trọng nhất. Có những bạn đã ra trường (lên lớp 1) hàng năm ngày 20/11 vẫn đến tặng cho cô 1 bó hoa nho nhỏ. Còn ngày nay, ba mẹ tặng đa số là để cô giáo chăm chút con hơn, chứ sự tôn trọng đối với nghề giáo không còn cao quý như trước.
"Cũng không trách được phụ huynh, bởi cũng do một số thành phần đã làm xấu đi hình ảnh của nghề giáo. Cô chỉ muốn nói rằng, nghề nào cũng vậy, cũng có người này, người nọ nên đừng quy chụp tất cả. Có nhiều cô giáo cũng có tâm lắm, chỉ là họ không lên tiếng thôi", cô Nga bày tỏ.
Nhóm trẻ của cô Nga rất nhỏ, chỉ tầm 20 bé, nhưng cô Nga tâm sự, hiện tại cô thấy mình an nhiên và hạnh phúc vì ở đó ba mẹ đều yêu thương cô như một người chị. Cô cho rằng, chỉ mong được sự thông cảm và tình cảm chân thành của phụ huynh dành cho giáo viên bởi một chút tôn trọng quan tâm thôi cũng đã khiến thầy cô giáo hạnh phúc mà gắn bó với nghề rồi.
Ngày 20/11 của 4 cô giáo xinh đẹp từng gây "sốt" mạng Phương Thảo, Hà Thu, Khánh Huyền, Nguyệt Hằng đều có những cảm xúc hân hoan, hạnh phúc đón ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đầy ý nghĩa. Lưu Thị Phương Thảo Phương Thảo cảm thấy hạnh phúc vì được trở thành một cô giáo. Phương Thảo được biết đến với hình ảnh cô giáo không chỉ sở hữu gương mặt xinh đẹp mà...