Cô giáo đưa hành vi rồ ga, nẹt pô xe máy vào tiết Hóa học
Nhờ việc làm của cô Nữ, học sinh Trường THPT Trần Kỳ Phong đã thay đổi hành vi tham gia giao thông, số vụ tai nạn cũng giảm xuống đáng kể.
Những điều “lạ” ở những tiết Hóa học…
Gắn bó với nghề giáo ngót nghét 17 năm, cô Phạm Thị Nữ (giáo viên Trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), đang hàng ngày nỗ lực nhằm mang đến sự an toàn cho học sinh.
“Sau ngần đấy năm dạy học, tôi như trở thành một người mẹ, người bạn, tiếp xúc và thấu hiểu nhiều đối tượng học sinh khác nhau, ở những vùng miền khác nhau. Nhưng cũng bao lần, tôi đã chứng kiến những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra với chính học sinh của mình.
Cơn ác mộng ấy đã ám ảnh tôi cũng như rất nhiều thầy cô khác, khiến tôi quyết định phải làm một việc nhỏ ngay chính ở trường mình để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông” – cô Nữ nhớ lại.
Hướng dẫn học sinh thực hành cách phòng tránh nguy hiểm khi tham gia giao thông
Trường THPT Trần Kỳ Phong nằm ở phía Bắc của huyện Bình Sơn, học sinh phần lớn là con em ở các xã bãi ngang ven biển, nơi có khu kinh tế Dung Quất và giáp ranh với huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam.
Đây là một điểm nóng về an ninh trật tự và an toàn giao thông (ATGT) của tỉnh Quảng Ngãi. Hàng ngày, các em học sinh của trường phải vượt từ 5-15km đến trường với nhiều phương tiện khác nhau như xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối…
“Do vậy, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về tai nạn giao thông là rất lớn. Trước thực trạng đó, tôi ý thức được trách nhiệm to lớn của bản thân và nhà trường trong công tác giáo dục ATGT cho học sinh từ tháng 9/2019″ – cô Nữ giãi bày.
Bước đầu, cô Nữ lồng ghép giáo dục ATGT ngay trong những tiết Hóa Học do mình đảm nhiệm. Nghe qua như không liên quan, nhưng khi cô giải thích mới thấy sự tinh tế của cô giáo 8x.
Ví dụ, lúc học bài “Ancol” trong chương trình hóa học lớp 11, cô Nữ lồng ghép nội dung Luật Giao thông có liên quan đến hành vi “Uống rượu bia khi tham gia giao thông” và xây dựng tiểu phẩm “Tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông”.
Video đang HOT
Cô Nữ xây dựng giáo án E-learning giáo dục ATGT trong giai đoạn Covid-19
Hoặc khi nghiên cứu bài học “ Ankan”, trên cơ sở nội dung hóa học về phản ứng cháy của hidrocabon, cô liên hệ hành vi rồ ga, nẹt pô khi tham gia giao thông: Bản chất hóa học, tác hại của hành vi, Luật xử phạt đối với hành vi đi xe máy rồ ga, nẹt pô như thế nào.
Từ đó, trong mỗi tiết học, học sinh bắt đầu cảm nhận được những gì cô giáo muốn truyền tải không chỉ là kiến thức mà còn là sự an toàn của chính bản thân mình.
…đến giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh
Nhận thấy được phản hồi tích cực cùng với sự hứng thú khi học sinh tham gia vào lớp học này, cô Nữ bắt đầu suy nghĩ đến việc mở rộng hơn nội dung giáo dục ATGT qua công tác chủ nhiệm.
“Đây là hoạt động tôi tâm đắc và đầu tư nhiều công sức nhất trong công tác giáo dục ATGT của mình. Bởi lẽ, người giáo viên chủ nhiệm có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ, hành vi của học sinh. Phương châm giáo dục của tôi là “Phải bắt đầu từ việc giáo dục nhận thức để thay đổi hành vi và dần dần hình thành thói quen”” – cô Nữ bộc bạch.
Cô xây dựng kế hoạch chủ nhiệm gắn với ATGT ngay từ đầu năm học theo từng chủ đề, hình thức, nội dung cụ thể. Từ việc tuyên truyền, thông tin tình hình tai nạn giao thông trong và ngoài địa phương, xây dựng đội ATGT của lớp, tổ chức các buổi ngoài giờ lên lớp đối với học sinh, giáo án elerning… nhằm mang đến cho các em có nhiều kinh nghiệm, an toàn khi tham gia giao thông.
Cô Nữ đạt giải Xuất sắc cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai”
Khi các em nhận thức được điều mình làm hướng đến bảo vệ chính bản thân, cô Nữ tiếp tục xây dựng kế hoạch, việc phối hợp với phụ huynh học sinh trong giáo dục ATGT cho học sinh.
“Trong dịp họp đầu năm học, tôi triển khai cho phụ huynh học sinh ký cam kết về việc tăng cường giáo dục con em chấp hành đúng pháp luật giao thông; không giao mô tô, xe máy cho học sinh chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật và cam kết đội mũ bảo hiểm cho con, em khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện. Cùng với đó, vận động, tuyên truyền, duy trì mối liên hệ về ATGT cho phụ huynh” – cô Nữ kể.
Những việc làm của cô Nữ đã đưa đến những thành công nhất định: hầu hết học sinh nắm vững những nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ như ý nghĩa của các biển báo giao thông, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm đúng cách, cách đi xe đạp, xe đạp điện an toàn, những quy tắc giao thông cơ bản, quy định xử phạt…
Cô Nữ và học sinh của mình tại liên hoan phim toàn quốc về ATGT
Số ca tai nạn giao thông của học sinh nhà trường cũng từ đó mà giảm dần, nếu như trước đây mỗi năm có 3-4 vụ thì bây giờ nhiều nhất là 1 vụ. Những vụ tai nạn cũng chỉ còn là va chạm chứ không có thương tích nặng.
Điều quan trọng hơn, học sinh có kĩ năng, hành vi, thái độ đúng đắn khi tham gia giao thông, nắm quy tắc ứng xử, nhường đường, ý thức khi tham gia giao thông. Cùng với đó, nhiều em có những sáng kiến, ý tưởng tuyên truyền ATGT.
Để có được những thành quả này, cô Nữ phải trải qua rất nhiều khó khăn khi ban đầu, sự am hiểu về Luật Giao thông đường bộ của cô còn hạn chế.
“Nhiệm vụ chính của tôi vẫn là công tác giảng dạy bộ môn Hóa, vì vậy thời gian dành cho công tác giáo dục ATGT còn hạn chế. Khi giảng dạy về một chủ đề ATGT nào đó, tôi phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn, nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều những kiến thức có liên quan. Có khi, tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh giao thông ở địa phương” – cô Nữ chia sẻ.
Những nỗ lực đã mang lại cho cô Nữ giải Xuất sắc cuộc thi “Aan toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho giáo viên do Bộ GD-ĐT tổ chức năm học 2020-2021.
Năm học 2021-2022, cô được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.
Lồng ghép giáo dục an toàn giao thông trong giờ học.
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Kỳ Phong – ông Nguyễn Phiêu nhận xét cô Nữ là giáo viên vừa có chuyên môn cao, vừa có những sáng kiến tốt giúp các em học sinh an toàn hơn trong quá trình tham gia giao thông.
“Điều quan trọng nhất từ những gì cô Nữ làm chính là giúp các em học sinh thay đổi được hành vi, biết giữ gìn sức khỏe, an toàn cho bản thân.
Nhà trường sẽ tiếp tục duy trì việc này, đồng thời phát triển, nhân rộng mô hình để học sinh được đảm bảo an toàn khi đến trường” – ông Phiêu nói.
Đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA thêm 4 chương trình đạo tạo ĐH Đà Nẵng
4 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài gồm cử nhân sư phạm (SP) Hóa học, cử nhân SP Ngữ văn, cử nhân SP Toán học và cử nhân Đông phương học.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm phiên khai mạc đánh giá ngoài chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN - QA lần thứ 301.
Sáng ngày 31/10, tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã diễn ra Lễ khai mạc đánh giá ngoài chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 301 của Hội đồng đảm bảo chất lượng mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á - AUN.
Bốn chương trình đào tạo (CTĐT) được đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA lần này gồm các ngành: Cử nhân sư phạm Hóa học, cử nhân Sư phạm Ngữ văn, cử nhân Sư phạm Toán học (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) và ngành cử nhân Đông phương học (Trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Đà Nẵng).
Đoàn đánh giá ngoài của AUN do GS. Sharul Tazrajiman Hj Tajuddin làm Trưởng đoàn; TS. Nguyễn Thị Huyền - Giám sát viên trong nước; cùng các thành viên trong đoàn đánh giá đến từ các quốc gia: Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore.
Một phiên làm việc của AUN tại các phòng phỏng vấn.
Theo kế hoạch, đoàn đánh giá AUN-QA sẽ làm việc từ ngày 31/10 đến 5/11. Đoàn sẽ tiến hành nhiều hoạt động chuyên môn như: Khảo sát nghiên cứu các tài liệu, báo cáo tự đánh giá và các minh chứng kèm theo; Phỏng vấn các bên liên quan của các CTĐT được đánh giá như lãnh đạo hội đồng khoa học, khoa, bộ môn, giảng viên, sinh viên, cán bộ phục vụ, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng; Khảo sát thực tế và đánh giá toàn bộ các điều kiện về cơ sở vật chất, dịch vụ, phương tiện hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động của sinh viên...
Trong 5 năm qua, Trường ĐH Sư phạm và ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng đã có 10 chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng bởi Hội đồng đảm bảo chất lượng của mạng lưới các trường Đại học ASEAN. Trong đó có 4 chương trình đào tạo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA.
ĐH Đà Nẵng được xếp ở vị trí thứ 3 tại Việt Nam về số lượng chương trình đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Sắp tới, học sinh không học Lý-Hóa-Sinh sẽ không thể vào ngành Sư phạm KHTN? Học sinh THPT muốn trở thành sinh viên sư phạm ngành Khoa học tự nhiên bắt buộc phải chọn tổ hợp các môn học có đầy đủ 3 môn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học. Tiếp tục bàn về bất cập của môn tích hợp Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở đang thực hiện ở lớp 6, 7...