Cô giáo dạy Văn ‘khét tiếng trẻ mà… hung’
Học trò vừa biết tin được học cô, mặt xanh lét, học rồi thì biết “trung thực trong giờ kiểm tra, biết ga lăng cho các bạn gái, biết rơi nước mắt vì những điều thiêng liêng, biết đạt điểm… trung bình khá môn Văn”.
Môn Văn là ác mộng với nhiều học sinh phổ thông, lại dạy học ở một trường cấp 3 đầu vào không cao, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Như Trang ( trường THPT Lê Thánh Tôn, TP.HCM) đã làm gì để vừa khiến học sinh chịu học, vừa đảm bảo chất lượng thi cử?
Với phương pháp riêng của mình, cô giáo trẻ đã đạt khá nhiều thành tích trong lĩnh vực giảng dạy. Tuy nhiên, điều ấn tượng hơn hết là với sự nghiêm khắc nhưng rất tâm lý.
Nổi tiếng là một giáo viên nghiêm khắc nhưng lại được học sinh yêu mến.
Làm gì để học sinh chịu học Văn?
Biết rõ môn Văn gây áp lực nhiều cho các em học sinh vốn đã vất vả, mà nhiều em lại không hiểu được tầm quan trọng của môn này, cô Như Trang không quá chú trọng vào kiến thức, trừ những kiến thức bắt buộc trong những bài quan trọng. Với những tác phẩm đọc thêm, văn học nước ngoài không phải thi, cô “giao toàn quyền” cho học sinh làm chủ giờ học bằng cách đóng kịch, thuyết trình, vẽ tranh, vẽ sơ đồ tư duy…
“Học sinh sáng tạo, và nhiều em rất có tài. Tôi nhớ nhất là một buổi dạy về Sử thi Rama của Ấn Độ. Các em học sinh đã diễn lại đoạn Rama đấu với yêu quái dưới hình thức… so chuột và đánh cờ caro!”. Theo cô Trang, việc học Văn không chỉ vì kiến thức mà còn là học cách sống, cách ứng nhân xử thế, nên nếu làm được gì để học sinh cảm thấy vui thích, chịu đọc văn và tâm hồn lay động trước văn chương thì nên làm.
Cô Như Trang trong một buổi tuyên dương giáo viên giỏi vào 20/11 năm nay.
Có một lần khi sửa bài văn nghị luận xã hội, cả lớp học của cô Như Trang đã bật khóc khi nghe bài Nhật ký của mẹ… Âm nhạc cũng được cô Như Trang tận dụng để hỗ trợ việc giảng dạy, “khi nghe một bài hát hay, tôi thường nghĩ xem có thể cho học sinh nghe bài này trong giờ học nào”.
Ngoài ra, cô giáo trẻ cũng chuẩn bị sẵn phiếu bài giảng để giảm thiểu việc chép bài của học sinh, giúp các em có thêm thời gian nghe giảng và cảm thụ văn học trên lớp. Vào giờ trả bài của cô, học sinh nếu có việc bận có thể xin phép… không phải học bài và hẹn để trả vào một ngày khác. Cô Như Trang không dạy thêm vì cô cho rằng kiến thức cần thiết để thi thì đã truyền tải hết trên lớp, đi thi đã có ba-rem điểm rõ ràng thì còn có thể dạy gì khác nữa? Đối với học sinh cũng vậy, nếu đi học thêm có thể rèn luyện thêm khả năng viết, diễn đạt hay cảm thụ văn học thì hãy đi học.
Học sinh tổ chức sinh nhật cho cô giáo.
Sẽ chọn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” để giảng
Tuy vậy, không phải lúc nào giờ học của cô Trang cũng được thoải mái đóng kịch hay thảo luận, thuyết trình. Chương trình học văn dày và nặng vẫn là gánh nặng buộc cô trò cô Như Trang phải giải quyết hết trước khi thoải mái sáng tạo, mà trường Lê Thánh Tôn cô dạy cũng không phải một trường giỏi trong thành phố, đầu vào khá thấp, vì “dạy có hay trời biển mà học sinh rớt tốt nghiệp thì cũng thôi rồi”, cô cho biết.
Video đang HOT
“Theo tôi, chương trình với mười mấy bài văn trong một học kỳ là quá nặng với học sinh. Nhiều bài trong đó vừa khó, lại chất văn ít hơn chất sử nên học sinh khó cảm thụ. Hơn nữa, học sinh bây giờ khổ lắm, không riêng gì Văn, nếu các em muốn học nghiêm túc tất cả các môn học thì mỗi ngày chỉ ngủ được 3 tiếng thôi”, theo cô Như Trang.
“Một chương trình dạy văn lý tưởng, theo tôi, sẽ chỉ nhẹ bằng 1/2 chương trình hiện tại, và đưa vào đó những tác phẩm mà học sinh dễ cảm thụ hơn. Ngoài ra, tôi nghĩ nên có thêm phần sáng tạo, giáo viên sẽ chọn ra những tác phẩm mà mình tâm đắc và có thể giảng hay nhất. Tại sao không dạy học sinh văn học hiện đại? Những tác phẩm như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cũng rất hay. Tôi sẽ giảng bài này cho học sinh nếu có điều kiện”.
“Cô rất khét tiếng trong trường”
Không riêng gì văn, với bất kỳ môn học nào, riêng việc làm cho học sinh vui thích và chịu học đã là một thành công. Tuy vậy, cô giáo rất được yêu quý của học sinh trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7 đã có những ngày tưởng mình chọn nhầm nghề.
Không ngại đi chơi với học sinh.
Khi còn học ĐH Sư phạm TP.HCM, cô đến thực tập giảng dạy tại trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa. Sau một giờ giảng thử, cô giáo hướng dẫn đã nói với Như Trang, “em có chọn nhầm nghề không?”.
“Thời gian đó tôi hay nghĩ, “mình dạy cái gì mình cũng không hiểu” và cảm thấy bản thân không có tố chất nhà giáo. Nhưng vì yêu nghề và may mắn được nhận đi dạy ngay sau khi tốt nghiệp, tôi cứ cố gắng dần dần cho ngày hôm nay. Bây giờ đứng giảng ở trên mà thấy học sinh ngồi dưới ngáp là buồn rồi”, cô Như Trang cho biết.
Bây giờ ở trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, cô Như Trang đã trở thành một giáo viên khét tiếng “trẻ mà… hung”. Theo cô Như Trang, “học sinh đã học tôi thì đều yêu mến, nhưng với những lớp không học, đặc biệt là nghe tin chuẩn bị học thì đều hoảng vì tôi nổi tiếng nghiêm khắc”.
“Tôi hiện không chủ nhiệm một lớp nào, nhưng bất kỳ học sinh nào đi ngang qua mà tóc dài, quần áo chưa nghiêm túc thì tôi đều gọi lại. Chỉ cần tôi nghe bất kỳ một tiếng chửi thề nào thì tôi sẽ tra bằng được đó là ai”, cô Như Trang kể. “Vào ngày cuối năm học, có một học sinh nam đã nói với tôi, “trong cuộc đời em, cô là người phụ nữ đầu tiên mà em sợ!”".
Vào mỗi cuối năm học, hoặc sau tháng đầu tiên đứng lớp trong năm học, cô Như Trang thường cho học sinh viết cảm nghĩ của mình về cô mà không cần ghi tên kèm. “Đến giờ thì phản hồi cũng tốt, các em có thích thú với phương pháp, chỉ đôi khi than cô quá nghiêm khắc thôi. Tôi cũng nhận được những bức thư rất tình cảm từ các em nữa”.
Cuối năm học vừa qua, cô Như Trang nhận được một bức thư viết trên giấy A4 của một cô bé học sinh ghi rằng “cô Như Trang là động lực để em trở thành một giáo viên dạy Văn”.
Cô giáo trẻ chụp ảnh cưới với dàn “phụ họa” là các em học sinh.
PHƯƠNG THẢO
Theo Infonet
Gặp thầy giáo 'chính nghĩa' của sinh viên ĐH Luật
Có những "status" vài trăm lượt "like", có cả đội "cổ động viên" hò reo, chúc mừng trong lễ tuyên dương "Nhà giáo trẻ tiêu biểu", thầy Võ Trung Tín được yêu mến vì nhiều điều, như hay làm việc nghĩa...
Hot boy trên mạng và trong trường
Thạc sĩ Võ Trung Tín năm năm liên tiếp nhận danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu", là người được chọn tham gia tọa đàm trong buổi tuyên dương gần đây và thay mặt thế hệ nhà giáo trẻ tặng hoa cho nhà giáo Nguyễn Ngọc Giao. Nhưng quan trọng hơn những danh hiệu và vinh dự, thầy giáoVõ Trung Tín là người dành được những tràn pháo tay và hò reo to nhất trong khán phòng từ sinh viên của mình. Trên mạng xã hội của mình, thầy giáo này đã ghi "các đồng nghiệp ra về tay xách nách mang; còn mình, gọn hơn! Vì bao nhiêu hoa, biểu trưng, bằng khen, "tụi nhỏ giành cầm hết rồi!".
Thầy Võ Trung Tín được các bạn sinh viên ĐH Luật yêu mến không chỉ trên giảng đường.
Người lên trang cá nhân của thầy sẽ bất ngờ trước sự quan tâm mà mọi người dành cho Võ Trung Tín với mỗi câu nói của mình. Chưa hết, có cả một trang riêng được lập ra dành cho những người yêu mến thầy giáo "Vova" này (vì thầy thường kể chuyện Vova mỗi lúc sinh viên buồn ngủ).
Lý giải về sự quan tâm, thầy Tín cho rằng: "Tôi chỉ nghĩ vì mình chia sẻ những điều gần gũi với sự quan tâm của các bạn. Hơn nữa, trên mạng các bạn có thể thoải mái hơn, không giữ khoảng cách như ở ngoài nên tương tác thầy trò cũng nhiều hơn".
Còn sinh viên ĐH Luật TP. HCM giới thiệu về thầy Võ Trung Tín là "thầy nổi lắm đó" hoặc "một ông thầy chính nghĩa, vì thầy là người giúp đỡ sinh viên không chỉ trong các vấn đề học thuật mà còn cuộc sống, công việc... Khi được hỏi ngoài tin nhắn về công việc, học tập, có "bày tỏ tình yêu" nào không, thầy Tin nói, "cũng có nhiều, nhưng chắc chỉ là tình cảm ngưỡng mộ của các bạn".
Có một lần, một báo mạng đã chụp lại ảnh trang cá nhân của thầy Tín và chú thích rằng "giáo viên mà viết status... buồn thảm làm ảnh hưởng sinh viên", thế là về sau thầy Tín ý thức chỉ ghi công khai những điều tích cực, "cũng không đến nỗi phải giữ kẽ hay kiêng dè quá, với những câu nói cá nhân, "tâm trạng", tôi thường chỉ cho một nhóm nhỏ xem".
Tham gia cứu trợ Rung chuông vàng cho sinh viên của mình.
Đồng hành cùng sinh viên đi tình nguyện và... ăn chơi
Không chỉ là người thầy trên giảng đường và qua... mạng xã hội, thạc sĩ Võ Trung Tín còn đồng hành cùng sinh viên trong các hoạt động tình nguyện. Ra trường đã mười năm, thầy vẫn là gương mặt tích cực của hoạt động Ngày thứ Bảy tình nguyện, Mùa hè xanh - tham gia hỗ trợ sinh viên trong chương trình Tư vấn pháp luật.
"Ngày xưa thì tôi đi nhiều lắm, đi cả tháng. Bây giờ bận rộn nên thường chỉ ở với các bạn được khoảng một tuần. Tôi thích hoạt động tình nguyện, vui khi đem kiến thức của mình đến cho người khác, càng vui hơn khi sự đóng góp đó lại là đóng góp của cả một tập thể", thầy cho biết.
Thầy Võ Trung Tín trong Lễ Tuyên dương "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" 2011.
San sẻ yêu thương là tên quỹ học bổng mà thầy Võ Trung Tín đề xuất và vừa chính thức khởi động tháng 9/2012.
"Sinh viên, đặc biệt là các sinh viên học xa nhà, thường gặp phải những hoàn cảnh khó khăn đột xuất như tai nạn, ốm đau. Tất nhiên trong những trường hợp đó thầy cô và bạn bè sẽ vận động quyên góp để giúp đỡ em, nhưng đôi khi sự chậm trễ vì phải quyên góp sẽ gây ra một vài hậu quả. Xuất phát từ hoàn cảnh đó, quỹ "San sẻ yêu thương" được lập ra nhằm "cứu trợ" sinh viên những lúc khẩn cấp như vậy.
Vì sự gần gũi và thân thiện của mình, thầy thường xuyên là đối tượng sinh viên nhớ tới trong cả buổi họp lớp, đi chơi và cả... đám cưới. "Nếu được tôi đều sắp xếp tham gia cùng các bạn", thầy giáo trẻ cho biết.
Luôn đồng hành của sinh viên trong các hoạt động xã hội.
"Hình ảnh người thầy giáo rất thiêng liêng"
Mẹ của thầy giáoVõ Trung Tín là cô giáo lớp 1, người thầy đầu tiên trong cuộc đời thầy. "Vì vậy ngay từ nhỏ, hình ảnh người thầy đối với tôi đã rất thiêng liêng", Võ Trung Tín cho biết. Tuy vậy khi lên cấp 3, một thôi thúc khác đến với thầy khi nhận thấy hiểu biết của người dân Việt Nam về pháp luật vẫn còn kém, "và thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến bất lợi cho người dân trong nhiều vụ việc". Vì vậy, ngày đó thầy đã rẽ ngang để học Luật.
Đến năm cuối ĐH Luật TP. HCM, vẫn cảm thấy yêu thích công việc này, thầy Võ Trung Tín đăng ký giảng thử sau khi tốt nghiệp và được ký hợp đồng tập sự. Từ đó đến nay, sau mười năm, "tôi cảm thấy mình phù hợp với nghề giáo viên" và "đi dạy chỉ hay bị phàn nàn nhất về việc dạy lấn giờ thôi".
Thầy Võ Trung Tín và các sinh viên trong lễ tốt nghiệp.
Là nhân vật được yêu mến, được chọn xuất hiện trên lịch của ĐH Luật.
Môn học thầy giáo này chọn để theo đuổi ở trường ĐH là Luật Môi trường (cũng là môn thầy đang làm luận án Tiến sĩ). Về một học hay bị gọi là "môn nhà giàu", Võ Trung Tín lý giải: "Song hành cùng kinh tế, môi trường cũng cần được quan tâm không kém. Nhưng đúng là hiện nay chúng ta chỉ tập trung phát triển kinh tế, nên môn học liên quan đến môi trường trở thành "môn nhà giàu". Tôi chọn môn này còn vì nó mới, các văn bản về luật này tại Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh, và kiến thức về môn này luôn đổi mới liên tục, có nhiều thứ để đào sâu và đòi hỏi chúng ta phải liên tục cập nhật".
Thầy Võ Trung Tín giữ song song hai việc giảng dạy và làm việc về luật ở bên ngoài. "Lý do đầu tiên của việc này là để đảm bảo cuộc sống. Nhưng khi đi làm ngoài, tôi cảm thấy mình biết nhiều hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn để truyền đạt lại cho sinh viên khi giảng dạy. Trước kia tôi chạy "sô" nhiều lắm, vì có thời ham giảng đến độ... tắt tiếng (đã từng bị 3 lần!). Sinh viên phải nấu thuốc mang đến để thầy "mau lấy lại phong độ". Sau này thì thấy nguy hiểm quá, mẹ cũng khuyên nên giảng ít lại để tập trung tốt hơn".
PHƯƠNG THẢO
Theo Infonet
Cô giáo trẻ dân tộc Khơ Mú tâm huyết với nghề Năng động, sáng tạo, luôn nhiệt tình, tâm huyết với công tác giảng dạy cũng như các phong trào khuyến học của xã nhà - đó là điều dễ dàng nhận thấy khi tiếp xúc với cô giáo trẻ Cụt Thị Bích, giáo viên Trường Mầm non xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An. Cô Cụt Thị Bích ở rẻo cao biên...