Cô giáo dạy tiếng Việt cho người đứng đầu Đài Loan
Số phận và những nỗ lực khiến một cô dâu Việt trở thành giảng viên đại học, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Đài Loan.
Hôm tôi đi cùng đoàn công tác của Đài Truyền hình Việt Nam và công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) đến Đài Truyền hình Đài Loan để tham quan và học tập kinh nghiệm về tổ chức kênh truyền hình giáo dục, ngồi cùng các lãnh đạo đài bên phía Đài Loan chủ trì cuộc gặp có một phụ nữ người Việt, chị Trần Thị Hoàng Phượng.
Chị Phượng là người phụ nữ Việt Nam, chính xác hơn, là cô dâu Việt Nam nổi tiếng bậc nhất Đài Loan. Nổi tiếng bởi con đường học tập đi lên, bởi những hoạt động chuyên môn và xã hội rộng lớn cùng ích lợi mà nó mang lại cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng cô dâu Việt Nam tại xứ Đài.
Chị Trần Thị Hoàng Phượng.
Hôm ấy, chị Phượng đến với tư cách là người đồng sáng lập, trực tiếp giảng dạy một số chương trình tiếng Việt (cho người Đài Loan), tiếng Trung (cho cô dâu Việt) trên sóng đài truyền hình và đài phát thanh Đài Loan.
Đài Loan đông cô dâu ngoại quốc, 600.000 người. Trong đó có 160.000 cô dâu Việt. Phần đông cô dâu Việt sang Đài Loan không biết tiếng, không được chuẩn bị trước về mặt văn hóa. Một trí thức, nhưng chị Phượng cũng từng theo chồng người Đài Loan sang sống ở quê hương anh và không biết một chữ tiếng Trung. Bởi vậy chị rất hiểu cái khó của cô dâu không biết tiếng. Những nỗ lực học rồi dạy tiếng Việt và tiếng Trung của chị là nhằm giúp đỡ đồng hương cùng cảnh, không chỉ làm nhẹ đi mối quan hệ nhiều khi căng thẳng do bất đồng ngôn ngữ mà còn cố mang đến hạnh phúc cho các gia đình Đài – Việt…
Trong các chương trình của chị, thú vị nhất là bản tin dạy tiếng Việt mang tên Càng nói càng hay trên Đài TH Đài Loan. Đây là chương trình phát hằng ngày, mỗi ngày dạy một câu tiếng Việt trong 5 phút. Mục tiêu là để những người trong gia đình có thể học được khoảng 100 câu nói hay dùng nhất hằng ngày để nói chuyện với các cô dâu Việt.
Sách dạy tiếng Việt của Đài TH Đài Loan.
Video đang HOT
Để chương trình hấp dẫn, mỗi ngày, chị Phượng và đồng nghiệp mời một người học khác nhau, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có nhiều người nổi tiếng. Là một cô dâu Việt, một nhà hoạt động xã hội có tên tuổi, chị Phượng mời được cả người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu, lãnh đạo cơ quan Nội chính Lý Hồng Nguyên, nhiều quan chức sở Di trú Đài Loan…
Chị Phượng quen biết ông Mã Anh Cửu từ khi ông còn là Thị trưởng Đài Bắc nên khi viết thư mời tham gia chương trình thì ông đồng ý ngay. Kíp làm chương trình đã đến nơi làm của ông Mã để quay 5 phút ông học câu nói tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của chị Phượng. Câu tiếng Việt mà ông Mã học là “Chúng ta cùng cố lên nhé”.
Lãnh đạo cơ quan Nội chính thì học không chỉ một câu, trong đó có những câu gắn liền với công việc của một quan chức chăm lo cho việc giải quyết các vấn đề cư trú, như: “Rất vui được quen biết chị”, “Chị có ý kiến gì không?”. Giám đốc sở Di trú thì học các câu: “Xin chú ý an toàn cá nhân”, “Nếu chị cần gì xin nói cho tôi biết”.
Chị Phượng bắt đầu dạy tiếng Việt trên Truyền hình Đài Loan từ năm 2008. Đáng kể nhất phải nói đến việc chị tham gia chương trình dài 18 tập, mỗi tập 30 phút dạy tiếng Việt khá kỹ, bắt đầu từ phát âm. Sau đó là chương trình Chúng ta cùng học thành ngữ, dạy các thành ngữ Việt.
Chị lấy chồng là một doanh nhân người Đài Loan vào năm 1994 tại TP HCM. Được chồng động viên, chị tốt nghiệp bằng Luật năm 1998 và học thêm tiếng Anh. Đến năm 2001, chị và 2 con theo chồng về sống ở Đài Bắc. Nghĩa vụ gia đình khiến chị Phượng phải có những nỗ lực phi thường để theo học tiếng Trung và học lên thạc sĩ. Không những thành công, chị còn trở thành một trong những sinh viên nước ngoài xuất sắc nhất được nhận học bổng, rồi trở thành giảng viên đại học, chuyên dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam.
Là một người may mắn, chị Phượng rất quan tâm và làm hết sức để giúp đỡ các cô dâu Việt mà nhiều người trong số họ không được may như chị. Chị làm tình nguyện viên cho tổ chức Eden chuyên giúp đỡ các cô dâu ngoại quốc, tư vấn, hướng dẫn cho họ, phiên dịch cho họ, tham gia các chương trình truyền thông trên truyền hình, đài phát thanh, dạy tiếng cho chị em, ra báo cho họ đọc. Từ năm 2008, chị bắt đầu dạy tiếng trên truyền hình. Chị rất quan tâm nghiên cứu đặc điểm của gia đình đa dân tộc, đa văn hóa. Luận văn của chị làm ở Viện nghiên cứu thuộc trường ĐH Shih Chien – TP Đài Bắc có đề tài “Mối quan hệ hôn nhân trong một gia đình có hai nền văn hóa khác nhau”.
Hiện chị Phượng là giảng viên của ĐH Chính trị Đài Loan. Trường của chị có quan hệ với ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm TP HCM… Trong câu chuyện của chị Phượng tôi chú ý đến một chi tiết. Với vị thế và trình độ hiện nay, chị có thể có thu nhập cao hơn nếu về làm việc tại Việt Nam. Chị không nói tiếp, nhưng tôi cảm được lý do sao người phụ nữ Việt này lại không về. Chị biết nơi nào cần có chị hơn.
Theo Lê Xuân Sơn/Báo Tiền phong
Bài thơ trong sách Tiếng Việt lớp 1 gây nhiều tranh cãi
Mới đây, các thầy cô giáo tranh luận về việc dường như có một sự thay đổi về từ trong bài thơ "Mùa thu câu cá" ở sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1 tập 2.
Qua tìm hiểu, đây là sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại hiện đang được áp dụng tại một số trường học.
Cụ thể, điều băn khoăn nảy sinh ở trang 127 với bài thơ Mùa thu câu cá - tác giả Nguyễn Khuyến, khi nhiều người bày tỏ thắc mắc là ở câu thơ thứ 4 "Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo" dùng từ "sẽ" thay mất từ "khẽ" mà họ từng được học trước đây trong khi theo họ từ "khẽ" có vẻ là hợp lý hơn.
Hình ảnh chụp bài thơ.
Xin dẫn lại bài thơ:
MÙA THU CÂU CÁ
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. (từ được in đậm đang gây tranh cãi)
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Qua chia sẻ, không ít thầy cô cho rằng ngày xưa chính mình cũng đã từng được học là "khẽ đưa vèo". Nhiều người đồng tình bởi theo họ lên cấp THPT bài thơ này cũng được học lại.
Một thầy giáo cho biết: "Theo mình "khẽ đưa vèo" mới là đúng. Thể thơ thất ngôn bát cú này có luật chặt chẽ. Câu 3 với câu 4 và câu 5 với câu 6 phải tạo thành vế đối. Ở câu 3 "hơi gợn tý" nên để chuẩn vế đối ở câu 4 phải là "khẽ đưa vèo". "Hơi" và "khẽ" đều là từ chỉ mức độ ít, thoảng qua"
Để giải đáp thắc mắc của rất nhiều thầy cô giáo về điều này, GS Hồ Ngọc Đại, người được coi là "cha đẻ" của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 này ngay trong chiều ngày 10/2.
Qua trao đổi, GS Đại cho biết: "Tôi biết điều này từ trước. Trước đây có sách dùng từ "khẽ" nhưng sách của tôi lại dùng từ "sẽ" bởi tôi đã lấy theo nguyên bản của bài thơ. Người ta có nhiều bản quá nên tôi đã phải truy lại bản gốc do Xuân Diệu chép lại và giải thích: không phải "khẽ" mà là "sẽ". "Sẽ" ở đây ý tác giả nhấn mạnh là "sẽ sàng", "se sẽ", thể hiện sự nhẹ nhàng, chứ không phải và mọi người đừng hiểu "sẽ" mang nghĩa là "có".
Do vậy, theo GS Đại, nghĩa của từ "sẽ" cũng không khác hẳn so với từ "khẽ" mà còn hay hơn nên sau khi xem lại ông đã cho sửa lại, chứ không hề có sai sót về kỹ thuật.
Theo Thanh Hùng/Báo Infonet
Về nơi thầy dạy tiếng Việt như dạy ngoại ngữ Ở vùng biên giới này, trẻ con từ lúc sinh ra đến khi học lớp 1 chỉ biết mỗi tiếng mẹ đẻ. Các thầy dạy tiếng Việt cũng đồng nghĩa với việc dạy "ngoại ngữ" cho các cháu. Muốn dạy cho các cháu hiểu, những thầy giáo cắm bản cũng phải học "tiếng nước ngoài". Thầy Thảo đang hướng dẫn các em học...