Cô giáo dạy tiếng Anh ứng dụng phần mềm thông minh
Với kinh nghiệm gần 20 năm giảng dạy tiếng Anh ở các cấp lớp và tiếp cận nhiều phương pháp tiến bộ, cô Hồ Bích Như đã áp dụng sáng kiến giảng dạy thông qua phần mềm Schoology khi về nhận nhiệm vụ tại Khoa Ngoại ngữ của Trường ĐH Kiên Giang.
Cô Hồ Bích Như
Không ngừng đổi mới
Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm ở Trường ĐH An Giang, cô Hồ Bích Như bắt đầu sự nghiệp giảng dạy từ năm 2000. Cô từng dạy các trường THCS và THPT khác nhau ở tỉnh An Giang. Có thời điểm, cô còn ra xã đảo Hòn Tre – huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) dạy học. Năm 2007, cô chuyển vào TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), tiếp tục dạy tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trước khi nhà trường chuyển đổi sang cơ chế tư thục, với tên gọi mới Ischool.
Trong quá trình học cao học, cô Như được chứng kiến các giáo sư trình bày hệ thống quản lý học trực tuyến Moodle. Năm 2015, cô về Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Kiên Giang và bắt đầu lên ý tưởng áp dụng phần mềm thông minh hỗ trợ công tác giảng dạy.
Ứng dụng Schoology được cô Như dùng hỗ trợ tích cực việc dạy các giáo trình của Khoa Ngoại ngữ. Một thuận lợi nữa là các giáo trình như Life, Skills for Success được lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng, cập nhật các kiến thức mới, phù hợp giảng dạy với các học phần Anh văn không chuyên và chuyên ngành, đồng thời dễ tích hợp giảng dạy bằng hệ thống quản lý học trực tuyến.
Tuy nhiên, ứng dụng Moodle lúc trước có thu phí sử dụng, trong khi cô Như lại mong muốn tìm một ứng dụng khác chấp nhận người dùng sử dụng miễn phí để thuận tiện phổ biến cho các em sinh viên và không phải tốn kém. May mắn, có một đồng nghiệp cũ dạy Toán tại An Giang giới thiệu cho cô phần mềm Schoology. Vì cô Như là một trong những người tiên phong sử dụng Schoology trong khu vực nên đơn vị kinh doanh dựa trên phần mềm này quyết định miễn phí sử dụng các chức năng cơ bản.
Schoology tiện lợi như thế nào?
Schoology vốn là một diễn đàn được thiết kế bởi Jeremy Friedman, Ryan Hwang và Tim Trinidad vào năm 2017 khi cả 3 còn là sinh viên Trường ĐH Washington. Schoology trở thành một hệ thống quản lý học tập (LMS) cho các trường phổ thông và cơ sở giáo dục ĐH. Ứng dụng cho phép người dùng tạo, quản lý và chia sẻ nội dung cho cộng đồng những nhà giáo dục trên toàn thế giới.
Nền tảng Schoology dựa trên điện toán đám mây, cho phép giáo viên tổ chức khóa học và quản lý nội dung học tập của sinh viên. Đồng thời, họ có thể chia sẻ và kết nối với những nhà giáo dục khác ngay trên blog của mình.
Video đang HOT
Cô Hồ Bích Như chia sẻ: “Thông qua Schoology, tôi sẽ tạo tài khoản, tạo khóa học, cấp mã đăng nhập cho sinh viên trong lớp. Sinh viên vào ứng dụng điền thông tin và trở thành thành viên. Trên Schoology, giảng viên có thể tải các tài liệu bằng file pdf, word, file âm thanh, hình ảnh… thay vì tốn thời gian gửi mail tới từng sinh viên”.
Theo cô Như, khi giảng dạy ĐH, vấn đề nằm ở chỗ thời lượng trên lớp hạn chế, đòi hỏi sinh viên phải tự học. Schoology rất phù hợp cho sinh viên tự trau dồi các kỹ năng ngoài giờ học chính khóa. Khi tạo bài tập trên Schoology, cô Như có thể hình thành một diễn đàn trao đổi. Sinh viên này tải bài tập của mình lên thì các sinh viên khác sẽ tiếp cận được và cho ý kiến. Bản thân giảng viên cũng dễ dàng chấm điểm. Trong bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, Schoology phục vụ kỹ năng viết essay (bài luận) rất tốt. Nếu muốn tổ chức làm bài tập nhóm, cô Như tiến hành tạo nhóm riêng, cho từng nhóm bài tập rồi giao hẹn thời gian hoàn thành cuối cùng.
Cô Hồ Bích Như ứng dụng Schoology dạy tiếng Anh trên lớp học
Quá trình học tập năng động
Việc ứng dụng Schoology tạo tiền đề cho việc đa dạng hóa hoạt động học tập thông qua các hoạt động ngoại khóa. Các đợt ngoại khóa Khoa Ngoại ngữ đưa sinh viên đến những địa điểm du lịch. Sinh viên vừa tham quan vừa thực hành nói tiếng Anh và giao tiếp với người nước ngoài tại khu vực họ đến.
Kết thúc một chuyến dã ngoại, cô Như chia nhóm cho các em sinh viên làm clip tường thuật lại về những trải nghiệm bằng tiếng Anh, sau đó đăng tải lên Schoology để các bạn nhóm khác theo dõi, góp ý và giảng viên chấm điểm. Quan sát một lớp học được cô Như triển khai sử dụng ứng dụng Schoology và trình chiếu các clip do sinh viên tự dựng sẽ thấy các em dựng clip thật công phu, nói tiếng Anh khá lưu loát và rất mạnh dạn thể hiện trước màn ảnh.
Sau một thời gian áp dụng Schoology, cô Hồ Bích Như đánh giá đa số các em sinh viên đều thích thú, học tập tích cực hơn, có cơ hội tiếp cận nhiều tài liệu tham khảo hơn. Trong một nghiên cứu khoa học do cô Như tiến hành, có hai nhóm khảo sát, một nhóm học thông qua Schoology, một nhóm học theo phương pháp truyền thống. Kết quả cho thấy nhóm học thông qua Schoology đạt kết quả cao hơn.
Sắp tới, cô Hồ Bích Như hy vọng xây dựng “mô hình lớp học đảo ngược” (flipped classroom model) dựa trên công nghệ e-learning. Theo đó, giảng viên đăng tải trước các video, sinh viên xem các bài giảng này tại nhà. Thời gian ở lớp chỉ dành cho các hoạt động củng cố, mở rộng kiến thức và tạo ra những cơ hội học tập thú vị hơn.
Cô Như còn mong muốn cho các em sinh viên thực hiện kiểm tra năng lực trên hệ thống Schoology, tuy nhiên, hệ thống này chỉ đang chấp nhận việc sử dụng miễn phí các tính năng cơ bản, nên một lớp học trên 30 sinh viên dễ khiến tính năng Schoology bị quá tải. Cô Như cho biết đang hướng đến giải pháp với một nền tảng mạnh hơn.
Trấn Kiên
Theo GDTĐ
Học tiếng Anh bằng ứng dụng với giảng viên 9X
Trước khi về Khoa Ngoại ngữ của Trường ĐH Kiên Giang làm việc, thầy Đinh Trí Diễn đã có cơ hội sử dụng nhiều ứng dụng trực tuyến kết nối với cộng đồng để cùng nhau học tập tiếng Anh.
Từ kinh nghiệm đó, khi chính thức về Khoa Ngoại ngữ, thầy luôn ấp ủ dự định đưa sáng kiến này trở thành phương pháp giảng dạy hữu ích.
Giảng viên trẻ 9X học tiếng Anh bằng ứng dụng trực tuyến.
Sáng kiến nảy sinh từ nhu cầu học tập
Thầy Đinh Trí Diễn (sinh năm 1994) quê ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Cần Thơ, thầy có thời gian giảng dạy tự do ở các trung tâm và làm gia sư. Đầu năm 2018, thầy học cao học thông qua chương trình đào tạo của ĐH Future Generations (Mỹ). Trong quá trình tương tác online với các giáo sư Mỹ, thầy biết đến phần mềm Zoom.
Đây là phần mềm học tập, làm việc online giúp người tham gia tương tác hiệu quả với nhau bằng lời nói và hình ảnh, kể cả chia sẻ màn hình máy tính cho nhau. Ứng dụng này phù hợp để người không có nhiều thời gian tự học tiếng Anh. Nhận thấy tiện ích từ ứng dụng, thầy Diễn vận dụng Zoom cho mục đích dạy và học tiếng Anh.
Theo thầy Diễn, Zoom là ứng dụng tương tự Zalo của Việt Nam nhưng Zalo không hỗ trợ mạnh chức năng chia sẻ màn hình, ghi âm - ghi hình tách thành hai file. Trong thời gian thử nghiệm Zoom, có một thầy giáo ở An Giang dạy học sinh tiếng Anh qua Zalo đã liên hệ với thầy Diễn. Sau khi tham khảo lẫn nhau, thầy Diễn trao đổi và chia sẻ với đồng nghiệp này về cách khắc phục hạn chế trong tương tác Zalo, thay bằng ứng dụng Zoom.
Bên cạnh Zoom, thầy Diễn còn giới thiệu cho phóng viên ứng dụng Moodle, là một website dành riêng cho học thuật. Moodle cho phép người dùng triển khai các bài dạy, bài tập, chế độ chấm điểm, theo dõi mức độ tương tác.
Khi về Trường ĐH Kiên Giang, thầy Đinh Trí Diễn thấy nhà trường mới thành lập, lực lượng giảng viên còn đang trong giai đoạn kiện toàn nhưng lượng sinh viên đã đạt khoảng vài nghìn người nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu giảng dạy tiếng Anh là rất cấp thiết. Ngoài ra, ĐH Kiên Giang nằm cách trung tâm thành phố Rạch Giá nửa tiếng chạy xe máy nên các ứng dụng Zoom, Moodle có thể giúp các em sinh viên ở xa trường học tập tại nhà.
Các hoạt động học tiếng Anh của Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Kiên Giang.
Tạo dựng một cộng đồng học tiếng Anh hiệu quả
Thầy Diễn chia sẻ: "Ứng dụng Zoom để tương tác liên kết, ứng dụng Moodle giúp lưu trữ thông tin. Ứng dụng có tiện ích là thay đổi tùy theo múi giờ giữa các khu vực địa lý. Không chỉ sinh viên của Trường ĐH Kiên Giang, hễ ai có mối quan tâm, tôi sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn miễn phí".
Mặc dù các ứng dụng đã sẵn có nhưng theo thầy Diễn, việc triển khai gặp một số khó khăn do mức độ tự học của sinh viên nói chung chưa cao so với mặt bằng học viên những nước đang sử dụng các ứng dụng nói trên.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Kiên Giang mới thành lập nên còn nhiều công việc phải quan tâm. Khi áp dụng một hình thức giảng dạy khác biệt với chương trình truyền thống, người dạy cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Để đạt hiệu quả, người dạy không chỉ dựa vào phần mềm mà còn phải biên tập nội dung phù hợp.
"Đối với Khoa Ngoại ngữ, chúng tôi đang thiết kế cơ sở dữ liệu riêng cho khoa. Sau đó, sinh viên học khoá 5 sẽ tiến hành sử dụng ứng dụng cho học phần nghe trước tiên. Thông qua Moodle, chúng tôi cho các em sinh viên bài tập, câu trả lời rồi sau đó theo dõi quá trình tự học của các em", thầy Diễn nói về kế hoạch sắp tới.
Thầy Diễn cùng các giảng viên sẽ tạo một nhóm học tiếng Anh thử nghiệm trên Zoom nhằm đánh giá khả năng tương tác của sinh viên trong nội bộ nhà trường. Theo thầy Diễn, nhà trường phải có một sản phẩm cụ thể để mọi người thấy được thành quả, sau đó mới có thể tiến hành nhân rộng.
Kiến Đức
Theo GDTĐ
Diễn giả quốc tế chia sẻ cách dạy tiếng Anh thời đại 4.0 Diễn giả đến từ tổ chức NEAS, Hội đồng Anh... tham dự VUS Tesol 2019 sẽ chia sẻ xu hướng dạy và học Anh ngữ hiệu quả. Thời đại 4.0 đã mở ra sự chuyển đổi trong tất cả lĩnh vực khoa học và đời sống. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức của ngành giáo dục, đặc biệt là dạy...