Cô giáo dạy Địa lý bằng tiếng Anh
Để tạo hứng thú học Địa lý, tăng vốn ngoại ngữ cho học sinh, ba năm qua cô giáo Thúy Nga đã dạy bằng tiếng Anh theo các chủ đề.
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga (34 tuổi) là giáo viên duy nhất của Hải Dương được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen trongLễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017. Cô giáo trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã đào tạo hơn 50 học sinh giỏi Địa lý quốc gia và là người đầu tiên đưa ý tưởng, thực hiện thành công dạy Địa lý bằng tiếng Anh.
Cô giáo dạy Địa lý bằng tiếng Anh Nguyễn Thị Thúy Nga (ở giữa) được Bộ trưởng Giáo dục tặng bằng khen. Ảnh: Quỳnh Trang.
Năm 2014, cô Nga bắt đầu dạy Địa lý bằng tiếng Anh cho học trò. Ý tưởng bắt đầu từ việc muốn tạo sự mới mẻ, khơi gợi hứng thú cho môn học và tăng khả năng ngoại ngữ của học sinh. Cô Nga chọn một số chủ đề Địa lý được đề cập nhiều trong sách giáo khoa tiếng Anh như khí hậu, môi trường, dân số, kinh tế… để học sinh dễ tiếp cận.
Soạn bài cho một tiết dạy bằng tiếng Việt chỉ cần một buổi nhưng để có một tiết dạy Địa bằng tiếng Anh cô phải chuẩn bị cả tuần. “Đầu tiên, tôi tìm nội dung Địa lý cần dạy ở các cuốn sách giáo khoa tiếng Anh cấp THPT để soạn, chỉ cho học sinh chỗ có thể tìm tài liệu chuẩn bị bài thuyết trình. Kiến thức chuyên môn Địa lý được đơn giản hóa và sử dụng cấu trúc tiếng Anh đơn giản giúp học sinh dễ nắm bắt được bài”, cô Nga nói.
Trong các tiết dạy, ngoài việc cùng học trò thảo luận bài, cô Nga thường sử dụng biểu đồ, bản đồ hay đưa kèm một số thành ngữ tiếng Anh có liên quan, để kích thích sự hứng thú.
Xuất thân là dân chuyên ngoại ngữ, lên đại học và khi đi dạy theo ngành Sư phạm Địa lý, cô Thúy Nga tiếp tục nâng cao vốn tiếng Anh. Nhờ vậy, nữ giáo viên không gặp khó khăn về ngôn ngữ trong các tiết dạy. Cô thậm chí còn được nhiều học sinh tìm đến nhờ hỗ trợ bài tiếng Anh.
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga là tổ trưởng tổ Địa lý trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương). Ảnh: Quỳnh Trang.
Video đang HOT
“Tiết học theo chủ đề bằng tiếng Anh của cô Nga rất thú vị. Chúng em không phải học sách giáo khoa mà gần như thoát ly sách để cô trò cùng trao đổi. Mọi người giao tiếp bằng tiếng Anh, những chỗ nào khó có thể thêm đôi câu tiếng Việt”, Nguyễn Vân Anh (lớp 10, chuyên Địa lý) nói.
Lần đầu được tiếp cận cách học này, Vân Anh và nhiều học sinh lớp 10 khác vừa lạ lẫm, vừa thích thú và có chút lo âu vì không tự tin với khả năng tiếng Anh của bản thân. Tuy nhiên, được cô giáo động viên “cứ làm rồi sẽ học tốt hơn”, đặc biệt việc chia nhóm cùng chuẩn bị bài để tranh luận, thuyết trình trước lớp khiến Vân Anh và các bạn hứng thú.
“Chúng em đang tìm trong sách, trên mạng kiến thức về hệ mặt trời, các chòm sao… bằng tiếng Anh để thuyết trình cho chủ đề sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời, quanh trục. Nếu cách học truyền thống chỉ nghe cô giáo giảng bài thì việc tự mình tìm hiểu kiến thức rồi trao đổi với các bạn trong nhóm, nói lại trước lớp và nghe giáo viên góp ý, giúp chúng em hiểu, nắm vững bài hơn”, nữ sinh trường THPT Nguyễn Trãi nói.
Cách tổ chức lớp, cho học sinh cùng giáo viên chấm bài tập, thi thoảng cùng tổ hợp đề thi… của cô Nga khiến học trò phấn khích, thấy mình quan trọng, có ích. Nhờ những tiết dạy sáng tạo của giáo viên, Nguyễn Vân Anh bắt đầu hình thành thói quen mở rộng nguồn học liệu bằng cả tiếng Anh. Vốn từ vựng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sự tự tin thể hiện trước đám đông… của em nhờ đó cũng được nâng cao.
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga vốn là sinh viên lớp chất lượng cao, ngành Sư phạm Địa lý của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga từng là một trong 12 thí sinh có điểm tốt nghiệp THPT cao nhất trong số 41 học sinh đạt giải nhất, nhì học sinh giỏi Địa lý quốc gia, được tuyển thẳng vào Sư phạm Hà Nội năm 2001. Cô sau đó theo học lớp sinh viên chất lượng cao của Đại học Sư phạm
Tốt nghiệp đại học với bằng loại ưu, năm 2007 cô Nga được tỉnh Hải Dương mời về công tác tại THPT chuyên Nguyễn Trãi, theo chế độ ưu đãi nhân tài. Trở về ngôi trường cấp ba từng theo học, cô giáo Địa lý hạnh phúc và quyết góp sức mình nâng cao chất lượng dạy – học cho nhà trường.
Theo VNE
Hiệu quả từ việc học mà chơi, chơi mà học môn Địa lý
Dưới đây là chia sẻ của cô Nguyễn Trịnh Minh Hằng - giáo viên Trường THPT Nội trú tỉnh Lạng Sơn về đổi mới sáng tạo trong dạy và học môn Địa lý thông qua các hoạt động trò chơi.
Thông qua các trò chơi Địa lý sẽ giúp học sinh nhớ kiên thức lâu hơn và tiết học cũng trở nên sôi nổi. Ảnh minh họa/internet
Trò chơi Giải ô chữ
Theo cô Nguyễn Trịnh Minh Hằng, với trò chơi này giáo viên nên tổ chức trước khi củng cố bài hoặc sau khi củng cố bài học. Giáo viên chọn các từ, cụm từ có nghĩa trong bài học để tạo các ô chữ. Với trò chơi này giáo viên có thể chia lớp thành các đội thi đấu với nhau.
Luật chơi như sau: Giáo viên chọn 1 học sinh làm trọng tài, chia lớp thành các đội chơi. Giáo viên công bố số chữ cái trong từng ô chữ và thông tin về ô chữ đó. Sau khi giáo viên đọc dứt câu hỏi, đội nào giơ tay trước, đội đó được quyền trả lời, nếu trả lời đúng được 10 điểm, trả lời sai nhường quyền trả lời cho đội khác.
Nếu giáo viên đang đọc câu hỏi đội nào giơ tay đội đó phạm luật, mất quyền trả lời. Sau khi tất cả các ô chữ được mở, cuộc chơi kết thúc. Đội thắng cuộc là đội được nhiều điểm hơn.
Cách thiết kế: Nếu dạy không máy chiếu, giáo viên có thể kẻ trước ô trống lên bảng phụ, sau khi học sinh trả lời đúng ô chữ nào thì dùng bút viết chữ đó vào đúng vị trí ô chữ. Nếu dạy trình chiếu thì giáo viên thiết kế trên Power point rồi tạo hiệu ứng để các ô chữ lần lượt xuất hiện trong quá trình tổ chức trò chơi.
Theo cô Nguyễn Trịnh Minh Hằng, tác dụng của trò chơi này là, giáo viên sẽ giúp học sinh nhớ sâu được một số thông tin liên quan đến bài học và tạo một không khí thực sự sôi nổi trong tiết học, gây sự hứng thú, hào hứng cho học sinh đối với bộ môn.
Ví dụ 1: Bài 5 " Vũ trụ; Hệ mặt trời và Trái Đất -Địa lí 10. Hệ quả của chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất - Địa lý lớp 10, giáo viên có thể thiết kế trò chơi ô chữ như sau:
Ví dụ 2: Tiết 1 Liên Minh châu Âu (EU), giáo viên có thể thiết kế trò chơi giải ô chữ như sau:
Trò chơi Ai là người đi du lịch nhiều nước trên thế giới
Luật chơi như sau: Giáo viên hoặc một học sinh nêu tên một châu lục (Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Phi V.V..) học sinh ghi tên một số quốc gia, mà các em nhớ.
Giáo viên nêu tên một quốc gia, yêu cầu học sinh ghi tên một thủ đô, núi, cao nguyên, sông ngòi, khoáng sản, sản phẩm công nghiệp, nông sản, các đới khí hậu chủ yếu mà các em biết về quốc gia đó (ví dụ: Hoa Kỳ - Thủ đô là Washington... Cu Ba: sản phẩm nông nghiệp: Mía... ).
Giáo viên có thể tổ chức kiểm tra viết cho cả lớp, thi xem em nào nhớ được nhiều nhất. Giáo viên nhận xét và cho điểm. Trò chơi này giáo viên có thể áp dụng khi dạy bài 5 Địa lí các khu vực và châu lục (Châu Mỹ la tinh, châu Phi, khu vực Trung Á và Tây Nam Á).
Khi học về châu Mỹ La tinh, giáo viên tiến hành cho học sinh chơi trò nêu tên và thủ đô của các nước khu vực và nêu thêm về những nét văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội của các quốc gia đó.
Ví dụ: Giáo viên nêu tên nước Braxin, học sinh sẽ ghi tên thủ đô Brasilia, một học sinh khác ghi có nền văn hóa latinh độc đáo, tiếp tục một học sinh khác ghi có lễ hội carnaval, đội bóng đá Braxin hùng mạnh v.v.v...
Thông qua trò chơi này học sinh sẽ nhớ nhiều địa danh hơn nữa, không những địa danh mà nhiều nét văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán của nhiều quốc gia hơn.
"Qua trò chơi này, một lần nữa tôi muốn tạo cho học sinh không khí thoải mái, sôi nổi như là đang đi du lịch, tham quan ngoài trời để các em không cảm thấy mệt mỏi, chán học môn Địa lí, không còn cảm thấy môn địa lí khô và cứng nhắc" - cô Nguyễn Trịnh Minh Hằng chia sẻ.
Bài viết được biên tập, lược ghi và có sử dụng tư liệu từ báo cáo tham luận của cô Nguyễn Trịnh Minh Hằng - giáo viên Trường THPT Nội trú tỉnh Lạng Sơn tại Hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017".
Theo giaoducthoidai.vn