Cô giáo đánh giá học sinh bằng hình thức “ghế nóng”
Là giáo viên giỏi tiêu biểu cấp quốc gia, cô giáo Nguyễn Thị Hòa – Trường Tiểu học Tân Lập, Đan Phượng (Hà Nội) đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong dạy học; trong đó đặc biệt phải kể đến sáng kiến đổi mới hình thức đánh giá học sinh.
Cô Hòa ngồi trên “ghế nóng” để lắng nghe học sinh nhận xét về mình.
Cô Nguyễn Thị Hòa cho biết: Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, để tiến hành đánh giá HS, cô thường tổ chức theo hình thức “ghế nóng”. Theo đó, cô lần lượt cho từng HS lên ngồi ở vị trí trang trọng nhất trong lớp. Các bạn trong lớp chuẩn bị sẵn những mảnh giấy vuông vắn, xinh xắn. Cả lớp hướng về phía bạn và viết những gì mình thấy hài lòng về bạn và những mong muốn bạn cần thay đổi.
Những mảnh giấy nhận xét của từng HS được cô ghim lại gọn gàng, cẩn thận và là những món quà bất ngờ gửi tới cha mẹ các em trong buổi họp phụ huynh. Nhờ vậy, phụ huynh hiểu thêm về con mình và có biện pháp giáo dục con hiệu quả hơn… “Điều quan trọng là HS cảm thấy rất vui khi nhận được những lời khen cũng như những góp ý từ các bạn của mình. Các em cũng rất hạnh phúc vì cảm thấy mình được tôn trọng” – cô Hòa chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Hòa còn sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động thu nhận thông tin hai chiều. Cô chia sẻ: Để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của HS trong lớp, cô đã tổ chức một cách khéo léo để các em được nêu lên ý kiến, mong muốn của mình đối với cô giáo chủ nhiệm một cách thoải mái, vô tư nhất. Cô cũng ngồi vào “ghế nóng” như học trò của mình. Bằng hình thức này, cô đã hiểu học trò hơn và cũng thấy được những nhược điểm mà mình cần khắc phục, để hoàn thiện hơn nữa.
“Trong thời gian tới, tôi có ý tưởng sẽ phối hợp với các GV bộ môn trong lớp, để họ cũng ngồi vào “ghế nóng”. Qua đây, mỗi GV sẽ nắm được tâm tư, nguyện vọng của HS, để hoàn thiện mình hơn và để cùng nhau xây dựng một lớp học thực sự hạnh phúc” – cô Hòa cho biết thêm.
Video đang HOT
Ngoài ra, cô Hòa đã có những sáng tạo trong cách tổ chức các tiết học, tạo tâm lý thoải mái và tiếp thêm động lực cho HS trong mỗi giờ học. Với phương châm “Mỗi giờ học là một giờ vui”, vì vậy cô thường tổ chức các hoạt động: Học mà chơi, chơi mà học, qua đó học sinh không bị nhàm chán và áp lực mỗi khi đến lớp. Để tạo động lực học tập cho học trò, cô đã tìm cách biến mỗi giờ học thành một cuộc chơi, một cuộc thi tài. Các em đua nhau làm và còn đốc thúc nhau trong nhóm, tạo ra tinh thần đồng đội, khí thế hăng say trong học tập.
Bên cạnh đó, cô Hòa luôn trăn trở, tìm tòi phương pháp bồi dưỡng GV trẻ để đạt hiệu quả tốt nhất. Những phương pháp dạy học mới hiện đại, các kỹ thuật lên lớp để tạo sự hứng thú, tích cực cho HS, kỹ thuật hút các em vào bài giảng, kỹ thuật tương tác giữa cô và trò, kỹ thuật rèn chữ viết đẹp, cách thức xây dựng lớp học hạnh phúc… đều được cô chia sẻ nhiệt tình. Nhờ đó, đội ngũ GV trẻ của nhà trường đã từng bước trưởng thành trong chuyên môn, cũng như trong ứng xử sư phạm.
Trong công tác giảng dạy, cô cũng luôn hết lòng vì học trò. Cô luôn quan tâm tới mọi đối tượng trong lớp và đặc biệt bồi dưỡng các em có năng khiếu. Khi phát hiện những HS có khả năng học tập tốt, cô lên kế hoạch, tự biên soạn thêm tài liệu phù hợp để giảng dạy nhằm phát huy tốt nhất khả năng vốn có của các em. Đó là những lý do vì sao cô Hòa luôn được các thế hệ học trò và đồng nghiệp tin yêu, kính trọng.
Với những kinh nghiệm của mình, cô Hòa đã truyền cảm hứng và hỗ trợ rất nhiều đồng nghiệp trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và thành phố. Nhờ đó, 7 năm liền, Trường Tiểu học Tân Lập đều có giáo viên đoạt giải Nhất, Nhì hội thi giáo viên giỏi cấp huyện và cấp thành phố.
Minh Phong
Nơi đong đầy yêu thương
Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Thúy Quyên - Trường THPT Thái Hòa (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) quan niệm, Lớp học hạnh phúc là nơi tạo nên hứng thú dạy học cho cả thầy và trò.
Cô Quyên cùng học trò của mình. Ảnh: NVCC
Bắt đầu từ tiết học hạnh phúc
Cô Quyên chia sẻ, để xây dựng Lớp học hạnh phúc, cô bắt đầu từ những tiết học hạnh phúc. Thông thường tiết dạy đầu tiên của năm học mới, cô thường dành 20 phút để "làm quen" với học trò nhằm nắm bắt đặc điểm tâm lý của từng học sinh trong lớp. Trước khi tiết học được bắt đầu, cô luôn chuẩn bị kiến thức để trình bày và đặt ra những vấn đề HS có thể không hiểu. Cô quan sát tất cả các em trong lớp, nắm bắt khả năng tiếp thu kiến thức bài học của học trò để điều chỉnh kế hoạch giảng dạy của mình. "Điều đó có nghĩa là GV phải linh hoạt, còn HS phải "linh động". GV cũng phải trả lời một cách uyển chuyển, khi nào nghiêm túc, khi nào hài hước, khi nào cần khiển trách mà không làm các em tự ái hay tổn thương. Đó là nghệ thuật, kỹ năng riêng của từng GV" - cô Quyên chia sẻ.
Là GV môn Giáo dục công dân nên cô Quyên luôn ý thức rằng, mọi cử chỉ, hành động, lời nói, thái độ của mình không được tùy tiện. Cô có thể cười, nói, thực hiện "ngôn ngữ thân thể" theo đề nghị của học trò. "Tất nhiên, không được lố bịch. Tôi giải thích ý nghĩa, những ưu, nhược điểm khi thực hiện các yêu cầu mà học sinh đề xuất với cô giáo. Tôi dạy các em từ lời ăn tiếng nói cho đến ứng xử trong giao tiếp, hoạt động xã hội; quan trọng là phải có thái độ sống tích cực" - cô Quyên trao đổi.
Cô không phân biệt lớp chủ nhiệm hay lớp giảng dạy. Cô cũng không phân biệt HS nam hay nữ... Tất cả đều bình đẳng, thân thiện và luôn ngập tràn yêu thương. Những ngày lễ, tết, cô và HS thường vận dụng các phần mềm của mạng xã hội để làm những tấm thiệp chúc nhau. Cô còn nhớ, có HS lớp 11 đã gửi thiệp chúc mừng cho cô với dòng chữ vừa hài hước, vừa dí dỏm nhưng cũng rất đỗi thân thương và đáng yêu: Cảm ơn đã luôn là cô bạn ngọt ngào đáng yêu!... "Những lúc như thế, tôi thấy hạnh phúc được đong đầy" - cô Quyên trải lòng.
Cô Võ Thị Thúy Quyên luôn thân thiện với học trò. Ảnh: NVCC
Tâm huyết trong từng bài giảng
Cô Quyên chia sẻ, một trong những lý do quan trọng để giáo viên luôn được HS tin yêu, quý trọng đó là phải thực sự tâm huyết với từng bài giảng. Theo đó, cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và áp dụng các kỹ thuật dạy học hiện đại để học sinh không bị nhàm chán. Cô quan niệm, áp dụng phương pháp và các kỹ thuật dạy học mới không có nghĩa là loại bỏ phương pháp dạy học truyền thống. "Để học sinh tiếp thu kiến thức tốt và tiết học thành công thì người dạy cần biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp dạy học cũ và mới" - cô Quyên nhấn mạnh.
Cô Quyên dẫn giải, chẳng hạn như: Tổ chức cho HS thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học mới, giúp các em hình thành và phát triển các năng lực giao tiếp, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm. Trước khi làm việc, GV phải chia nhóm. Cũng một lớp đó, hôm nay chia nhóm theo vị trí tổ, tuần sau chia theo vị trí ngồi, kế tiếp là chia theo cách đếm số 1 - 2 - 3 - 4... Nội dung thảo luận không nhất thiết phải giống như SGK, mà có thể mở rộng một phần kiến thức, hoặc có thể là ý nghĩa rút ra từ nội dung bài học...
"Để chốt lại kiến thức cần ghi nhớ, nếu như theo phương pháp truyền thống thì giáo viên sẽ có vai trò chỉ đạo, nhận xét, diễn giải, phân tích rồi đưa ra kết luận chung. Nhưng tôi sẽ để học sinh ở vị trí chủ động và giáo viên sẽ cùng thảo luận với học trò để giải quyết vấn đề. Đó chính là kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống với kỹ thuật dạy học hiện đại" - cô Quyên phân tích.
"Lớp học hạnh phúc, học sinh không cảm thấy bị áp đặt vào khuôn mẫu cố định, nhồi nhét kiến thức. Các em được bày tỏ ý kiến, cảm xúc của mình, được tôn trọng và được lắng nghe. Từ đó, giúp các em tự tin, hòa đồng và tiếp thu bài học tốt hơn". - Cô Võ Thị Thúy Quyên
Sĩ Điền
Họp phụ huynh trực tuyến mùa dịch Covid-19 Không chỉ học sinh học trực tuyến, cuộc họp phụ huynh của lớp 6A11 trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng được chuyển sang hình thức này. "Kính mời các bậc phụ huynh tham gia buổi họp phụ huynh học sinh lớp 6A11 vào lúc 15h Chủ Nhật ngày 22/3 qua ứng dụng Zoom meeting (ứng dụng các con đang...