Cô giáo dân tộc Chứt vượt 60km mỗi ngày “cõng” chữ lên non
Mỗi ngày đi làm từ lúc trời còn tờ mờ sáng, vượt đèo lội suối hơn 30km mới đến điểm trường nhưng cô giáo Hồ Loan vẫn miệt mài mang con chữ tới các học sinh vùng biên giới Hà Tĩnh.
Vượt đèo lội suối tới lớp
Cô giáo Hồ Thị Loan (SN 1987), người dân tộc Chứt, quê quán ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại, cô đang giảng dạy tại điểm trường lớp dân tộc Chứt mầm non Hương Lâm, huyện Hương Khê. Từ nhà đến điểm trường cách nhau hơn 30km, đường đi rất khó khăn.
Cô giáo trẻ Hồ Thị Loan bám bản “gieo chữ” vùng biên Hà Tĩnh.
Mỗi ngày, cô giáo Loan dậy từ lúc gà còn chưa cất tiếng gáy, vội vã làm công việc nhà, chuẩn bị đồ ăn, sách vở cho các con rồi tất tả đi làm. Cô Loan phải đi sớm mới kịp 7 giờ có mặt tại trường, đón học sinh mẫu giáo. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô giáo trẻ miệt mài tới lớp “gieo chữ”, gieo khát khao, hy vọng cho các em.
Điểm trường lớp dân tộc Chứt thuộc địa phận giáp ranh biên giới Lào, điều kiện kinh tế kém phát triển. Nuôi dạy trẻ vốn đã là công việc vất vả thì việc chăm lo cho những đứa trẻ dân tộc Chứt lại càng khó khăn gấp bội. Bà con sinh sống nhờ nguồn thực phẩm tự cung tự cấp, nhiều hủ tục tồn đọng.
Để tới được điểm trường phải trải qua hành trình vất vả, nhọc nhằn. Khi trời nắng thì không khí nóng bức, oi ả, gió cuốn bụi đất bay mù mịt. Những con đường sỏi đá quanh co, gập ghềnh, những con dốc đổ đứng như thách thức các thầy cô. Khi trời mưa thì không kể hết được gian nan. Khắp đường đi là bùn đất, sình lầy, nhiều đoạn phải xuống dắt xe đi bộ. Thậm chí, để qua những đoạn đường khó, cần phải một người đẩy phía sau xe. Tới lớp, người cô lấm lem bùn đất.
Quãng đường đến trường dài hơn 30km, đường xấu nên việc đi lại rất vất vả.
Vì đường đi lại khó khăn nên cô Loan mất một tiếng di chuyển. Sau mỗi ngày, cô về nhà lúc mặt trời đã tắt nắng. Vất vả nhất là ngày mưa lũ, điểm trường như một hòn đảo chìm trong biển nước, đường ngập hết, cầu cống bắc qua bị chia cắt. Khi ấy, thầy cô phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Video đang HOT
Cô giáo Hồ Loan chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Khi mới nhận công tác, tôi rất hoang mang, lo lắng. Nhưng giờ tôi đã hòa đồng với cuộc sống đồng bào nơi đây. Các thầy cô thường trêu nhau rằng đặc sản vùng này là ngã xe. Thầy cô nào bám bản một thời gian cũng toàn vết trầy xước. Ngã xe là chuyện thường bởi đường trơn trượt lắm. Tuy vất vả nhưng có một cô giáo đi cùng xe tôi, có người bầu bạn trò chuyện, con đường đến trường bớt trống trải hơn”.
Những hôm trời mưa to, nước dâng ngập khiến việc đi lại càng gian nan hơn.
“Chồng tôi trước là bộ đội biên phòng. Sau đó, anh ra quân, về nhà làm công việc tự do. Hiện tại, anh công tác xa gia đình nên việc sinh hoạt của con cái do một mình tôi cáng đáng. Hai đứa con còn nhỏ nên cuộc sống “thiếu trước hụt sau”. Hằng ngày, hai con tự dắt nhau đi học, tự chăm sóc cho nhau, chỉ đến tối muộn mẹ mới về cơm nước. Nhiều lúc thương con nhưng không biết làm thế nào, hai bên nội ngoại ở xa, không hỗ trợ được”.
Quyết bám bản vì trót “say nghề”
Điểm trường lớp dân tộc Chứt, nơi cô giáo Hồ Loan đang giảng dạy có 8 lớp học, 15 giáo viên, tổng cộng 249 học sinh. Điều kiện cơ sở vật chất của trường rất khó khăn, chỉ có một dãy nhà 2 tầng, còn lại là dãy nhà cấp bốn xây dựng từ lâu, xuống cấp trầm trọng. Trang thiết bị không đảm bảo đáp ứng việc giảng dạy.
Điểm trường lớp dân tộc Chứt thuộc trường mầm non Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Cô giáo Loan công tác trong nghề được 13 năm. Trước kia cô dạy ở trường mầm non Hương Vĩnh 11 năm, sau đó chuyển về trường mầm non Hương Lâm theo sự phân công của phòng giáo dục. Tuy công việc vất vả nhưng cô vẫn miệt mài “bám bản”, dành trọn tình yêu thương cho các em nhỏ. Với cô, mỗi ngày, được tới trường, được lắng nghe tiếng nói cười ríu ríu, ngắm ánh mắt trong veo hồn nhiên là mọi mệt mỏi tan biến.
Nhiều hộ gia đình nơi đây không cho con tới lớp. Thấy những trường hợp như vậy, cô giáo Loan lại lặn lội tới từng nhà, vận động cha mẹ các em. Công việc này tốn nhiều thời gian, công sức nhưng bằng tấm lòng yêu trẻ, cô giáo Loan vẫn kiên trì thực hiện. Mong muốn của cô là tất cả các em nhỏ nơi vùng biên Hà Tĩnh được tiếp cận tri thức, văn minh.
Với cô giáo Hồ Loan, mong muốn lớn nhất là các em nhỏ được tiếp cận trí thức, văn minh.
Một câu châm ngôn mà cô giáo Hồ Loan vô cùng tâm đắc: “Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt sự giàu có. Mà đó phải là con đường dẫn lối con người vươn tới cái Chân và thực hành cái Thiện”. Lấy đó làm kim chỉ nan, hơn 10 năm qua, cô luôn tận tình dìu dắt, dạy dỗ các em từ những bài học vỡ lòng. Cô Loan dạy các em nhỏ phải biết ngoan ngoãn, lễ phép, kính trên nhường dưới, chăm chỉ, thật thà.
Cô giáo Liên, Hiệu phó trường mầm non Hương Lâm cho biết: “Cô giáo Hồ Loan về trường công tác được hơn 2 năm. Cô luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao phó. Cô giáo Loan được các đồng nghiệp, cha mẹ học sinh quý mến; các em học sinh kính trọng, biết ơn. Vượt quãng đường xa xôi để tới điểm trường giảng dạy nhưng chưa bao giờ tôi thấy cô Loan than thở vất vả”.
“Nếu như cha mẹ cho ta sự sống thì chính thầy cô giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng, tử tế”. Cô giáo Hồ Loan là minh chứng chân thật nhất cho câu nói đó. Bằng tấm lòng yêu mến trẻ thơ, trái tim nhiệt huyết, tinh thần hăng say, cô giáo Loan đã bám bản, miệt mài “gieo chữ” vùng non, ươm mầm xanh nơi vùng biên giới xa xôi.
Chắt chiu yêu thương từ gian khó
Nằm cheo leo bên sườn núi, ngày ngày các bạn nhỏ người Mông ở điểm trường Pác Ruộc (Cao Bằng) vẫn say mê học chữ. Những đứa trẻ ấy cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc nhưng vẫn mong được đi học để thay đổi cuộc sống...
Băng rừng, vượt sông đến lớp
Cao Bằng là một trong những tỉnh nghèo, còn Bảo Lâm là huyện miền núi xa nhất của địa phương này. Mỗi ngày, cô và trò ở điểm trường Pác Ruộc (thuộc Trường Tiểu học Lý Bôn) phải nín thở đi qua cầu treo Nà Tốm vượt sông Gâm, sau đó lại men theo những con đường uốn lượn theo vách đá lên núi để đến lớp.
Theo tâm sự của cô giáo Nông Thị Hương, cuộc sống của đồng bào nơi đây còn nhiều vất vả nên hành trình mang con chữ lên non càng gian nan bội phần. Những ngày đầu nhận công tác, cô không khỏi băn khoăn, lo lắng vì cuộc sống nơi đây quá khắc nghiệt, đường sá hiểm trở. Thế nhưng, càng tiếp xúc với học sinh vùng cao, cô càng thấy gắn bó và yêu thương các em. Đến nay, cô Hương là chủ nhiệm của lớp mầm non với 19 học sinh ở độ tuổi 3,4,5.
"Khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ giữa cô với trò, với phụ huynh", cô Hương nhỏ nhẹ cho biết, vì cô là người dân tộc Tày trong khi tất cả các bạn trong lớp lại là người Mông. Chỉ tay lên sườn núi cao, thấp thoáng lô nhô những ngôi nhà lợp mái xi măng, cô Hương nói: "Trên đó là nhà của các con, ở lớp có bạn phải đi học 4km, toàn leo dốc đường trơn trượt và đồi núi đá. Mùa mưa xuống, cứ đến lớp là các bạn quần áo dính đầy bùn đất", cô Hương chia sẻ.
Điểm trường Pác Ruộc (thuộc Trường Tiểu học Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) nằm lấp ló ở lưng chừng núi. Ảnh: Cao Tuân
Giờ buổi trưa, tranh thủ lúc các con ngủ, cô Hương lau dọn những vật dụng đồ chơi ngoài trời, xếp dép, giặt khăn, thu dọn lốp xe máy cũ. Rồi cô buộc những cây tre để làm cầu khỉ, như ở miền Tây sông nước cho các con chơi sau khi thức giấc.
Cô tâm sự: "Người dân nơi đây có thể còn nghèo về cái ăn cái mặc nhưng họ thương giáo viên lắm, từng bó củi, quả trứng gà bà con cũng sẻ chia. Chính những tình cảm yêu thương nồng hậu đó khiến mình thấy sự nghiệp gieo con chữ nơi rẻo cao này ý nghĩa hơn".
Khát vọng gieo con chữ chốn thâm sơn
Phía trên lớp mầm non là lớp 1 với từng góc học tập được sắp xếp ngăn nắp. Từng chiếc chổi, giẻ lau bảng, bát nhựa đựng phấn, cục tẩy được đựng và treo ngay ngắn trong phòng học. Do chưa có điều kiện nên cả lớp cùng chung một bát phấn với đủ màu sắc.
Lúc chúng tôi đến là buổi trưa, nhóm học sinh đang mở những chiếc cặp lồng bằng sắt, nhựa hoặc túi nilon đựng cơm ra ăn. Bữa ăn phần lớn là cơm trắng, muối trắng và trứng rán; một số bạn khác thì ăn cơm trắng cùng trứng xào mỳ tôm.
Cô giáo Lý Thị Mến, người đã 20 năm gắn bó với điểm trường Pác Ruộc tâm sự: "Học sinh ở đây không có bán trú nên vất vả lắm, có bạn toàn mang cơm và muối vừng lên lớp. Chưa kể, ở đây nước sinh hoạt phải bắc ống dẫn xin của dân. Nhưng nguồn nước này nhiễm đá vôi nên không đảm bảo. Chúng tôi dự định sau này sẽ góp tiền mua một chiếc máy lọc nước để các con uống cho sạch".
"Ngày trước không có cầu qua sông, mọi người phải đi mảng (nhiều cây tre hoặc nứa ghép, buộc chặt vào nhau thành mảng). Mùa lũ tháng 5, tháng 6, mỗi lần sang sông, ai nấy đều sợ hãi. Có lần cô Yên bị rơi xuống sông, may có người phát hiện kịp thời và cứu", cô Mến nhớ lại.
Người bị rơi xuống sông được cô Mến vừa nhắc đến là cô giáo Tô Thị Yên. Trò chuyện với chúng tôi, cô Yên run run kể: "Hôm đó mình phải đi mảng qua sông sang trường, đến giữa dòng thì va vào tảng đá và rơi xuống sông. May lúc đó có học sinh đi qua nhìn thấy vội gọi người đến kéo lên bờ...".
Theo tâm sự của các cô ở điểm trường Pác Ruộc, do phần lớn học sinh là người Mông nhỏ tuổi, không biết tiếng phổ thông, đến mùa vụ lại bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy nên cứ thỉnh thoảng các cô lại phải cắt cử nhau đi tìm... trò. Từ những đôi chân trần quanh năm nương rẫy đến những đôi chân được trang bị dép tổ ong để đến trường kiếm con chữ cũng là kỳ tích đối với các bạn nhỏ vùng cao.
Không chỉ dạy chữ, giáo viên còn dạy các em cả kiến thức về an ninh, chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia. Ánh mắt cô Yên bỗng sáng lên khi nhắc về một học sinh lớp 3 nhà có 7 chị em, thiếu gạo ăn nhưng vẫn đến lớp không vắng buổi nào. Hạnh phúc của các cô đôi khi chỉ là lúc điểm danh đầu buổi, lớp học không vắng học sinh nào...
Cao Bằng vẫn còn nhiều lắm những trường học vùng cao khó khăn, những điểm trường heo hút, nhưng ánh sáng con chữ vẫn luôn nảy nở từng ngày ở Pác Ruộc. Con đường đến các điểm trường ở Lý Pôn vẫn còn đó những dốc núi cheo leo, những vùng đất khô cằn sỏi đá... Nhưng những khó khăn ấy không làm cằn cỗi mầm chữ vùng cao mà sự học vẫn đang nảy nở từng ngày. Chỉ một nắm rau rừng mà phụ huynh gửi tặng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng đủ để những giáo viên bám bản như cô Hương, cô Mến, cô Yên... chấp nhận mọi vất vả, tiếp tục chắt chiu yêu thương để mang ánh sáng tri thức đến với học sinh chốn thâm sơn.
Thầy giáo Lương Hà Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Bôn chia sẻ: "Từ nhà đến trường rất xa nên buổi trưa, các em được ở lại trường cho đỡ vất vả. Do ở đây học sinh còn nhiều thiếu thốn nên mỗi khi có cơ hội, nhà trường đều xin quần áo, sách vở, giày dép cho các em. Tuổi thơ những đứa trẻ vùng cao bị cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình khó khăn nên giấc mơ của các em cũng trở nên mộc mạc hơn bao giờ hết. Các em chỉ mong tiếp tục được đi học, để thoát khỏi nghèo đói bủa vây bao đời nay".
Khâm phục cô giáo ung thư, con dị tật bẩm sinh vẫn dạy 11 lớp Con trai bị bệnh câm điếc bẩm sinh, bản thân đang điều trị căn bệnh ung thư nhưng cô Nông Thị Tuyến (SN 1984, dân tộc Tày, giáo viên Trường Tiểu học Minh Cầm, xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang) vẫn đội tóc giả đến trường, dạy thể dục cho các học sinh... Quên bệnh ung thư hết mình vì sự nghiệp...