Cô giáo của lòng tôi
Tuy năm nay con trai tôi đã học lớp 4, nhưng những lời nhận xét cuối năm học của cô giáo lớp 2D (Trường tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM, năm học 2013-2014) vẫn mãi in sâu.
Sau chừng ấy thời gian mà cảm xúc của lần đầu tiên đọc nó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi mỗi khi có dịp đọc lại những lời lẽ thân thương ấy!
Hôm ấy là buổi họp phụ huynh cuối năm học. Cô chủ nhiệm thông báo điểm toán của con trai tôi không đạt tuyệt đối. Nghe xong thông tin ấy, tôi cảm thấy thất vọng vô cùng vì con tôi học toán khá tốt. Tôi từng rất tự hào về điều đó.
Ngay sau đó đọc trang dành riêng cho thầy cô viết cho học sinh vào cuối năm học trong sổ liên lạc, tôi thấy sống mũi mình cay cay và cảm giác thất vọng khi nãy tan biến.
Cô viết: “Chào con. Cô lấy làm tiếc cho con vì với khả năng của con điểm thi môn toán lẽ ra phải đạt 10. Cô mong rằng từ nay về sau mỗi khi làm bài con sẽ cẩn thận hơn. Cô mong Minh Khang ngày mỗi tiến bộ hơn, cụ thể là viết chữ đẹp hơn, ít sai lỗi chính tả hơn, tập trung trong giờ học hơn. Cô rất vui vì một năm học qua được dạy dỗ cậu học trò Minh Khang sáng dạ, hồn nhiên, chân thật. Con thật là hạnh phúc vì có ông bà, cha mẹ, thầy cô luôn yêu thương. Cô chúc con có những ngày hè thật vui vẻ, bổ ích và nhớ đừng quên ôn lại bài vở con nhé! Cô Huệ của con”.
Tò mò nhưng cũng không thiếu lịch sự, tôi mượn sổ liên lạc của vài phụ huynh ngồi kế bên để xem thử. Tuy dài ngắn không giống nhau nhưng mỗi bé cô dành cho mỗi tình cảm khác nhau, không ai giống ai, trang viết nào cũng thật gần gũi, ấm áp, thật yêu thương đến lạ.
Cứ đọc xong mỗi quyển sổ liên lạc là tôi lại liên tưởng ngay đến bé ấy như thế nào, học hành, chăm chỉ, nghịch ngợm ra sao.
Không lời lẽ nào diễn tả được tình cảm của tôi khi ấy! Thật bất ngờ vì vào thời buổi con người sống ngày càng vô tâm, vô cảm lại có một tấm tình yêu thương học trò mình đến như vậy. Ước gì tất cả thầy cô giáo trên đời này đều như thế, không có những trường hợp ngược đãi học trò như những bài báo vẫn thỉnh thoảng đăng tải.
Ngồi liên tưởng lại tất cả những gì tôi hiểu biết về cô thời gian từ đầu năm học. Dường như tất cả ở cô đều toát lên sự quan tâm, chăm sóc, trách nhiệm với học trò của mình. Học trò ngoan, chăm chỉ cô gần gũi, thân thiện. Học trò chưa ngoan cô nghiêm khắc, dạy dỗ ân cần. Nghe cách con trai tôi kể về cô, tôi có cảm giác như chúng vừa xem cô như một người thầy, vừa như một người mẹ, một người bạn chân tình.
Đầu năm học nghe phụ huynh bảo nhau rằng con họ đã thuộc đến bảng cửu chương 4, 5 gì đấy khiến tôi nghe mà lòng đầy lo lắng. Không nỡ dồn ép con, tôi cố tình quên đi nỗi lo ấy. Rồi ngày học thuộc lòng bảng cửu chương cũng đến, với cách dạy mẹo của cô, con trai tôi đã thuộc nhanh đến cửu chương 5 trong vòng một tuần lễ.
Không tin vào mắt mình, không thể tượng ra, tôi vui sướng cất tất cả các bảng cửu chương mà mình đã chuẩn bị trước đó vào một góc, mặc dù con tôi chưa sử dụng chúng lần nào.
Video đang HOT
Ngoài việc dạy học cô còn dạy học trò những kỹ năng sống thiết thực. Cô dạy cách đá vào “bộ hạ” của kẻ có ý định bắt cóc mình… Rồi những câu chuyện cười của cô được con tôi về nhà tíu tít kể lại khiến tôi cũng thấy vui lây.
Cùng với những thứ mà tôi luôn nâng niu gìn giữ cho con mình như bộ quần áo sơ sinh, khăn lông – của bệnh viện – lần đầu tiên con dùng; những cái móng tay móng chân bé xíu, những sợi tóc non lần đầu tiên tôi cắt cho con, những trang vẽ nguệch ngoạc đầu tiên và nhiều thứ khác nữa, thì quyển sổ liên lạc này (trong nhiều quyển sổ liên lạc khác) cũng là thứ không thể thiếu được trong những kỷ niệm dấu yêu mà tôi dành cho con suốt cuộc đời.
Cảm ơn cô vì tất cả những gì mà cô đã dành cho bao thế hệ học trò. Với tôi, cô không những là cô giáo của riêng con trai tôi, mà cô cũng chính là cô giáo của lòng tôi.
Theo Yến Chi/Tuổi Trẻ
Khổ sở đi học ngày thứ bảy
Từ lâu, học sinh tại TP HCM đều được nghỉ học vào hai ngày cuối tuần. Nhưng nay, tại một vài quận, huyện ở TP HCM, học sinh tiểu học bỗng dưng phải đến trường vào ngày thứ bảy.
"Suốt cả tuần con tôi đều đi học rất sớm rồi. Giờ thứ bảy lại cũng phải đi học. Tội nghiệp con hết sức, mà chúng tôi cũng rạc cả người vì đưa đón"- chị M., phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở quận Tân Phú, than thở.
Thứ bảy nhưng nhiều học sinh lớp 1 vẫn đến lớp như ngày thường (anh chụp tại ở trường tiểu học tại quận Tân Phú) - Anh: Tuổi Trẻ.
Lớp 1 cũng tất bật
Từ hơn một tháng nay, hầu hết các trường tiểu học ở quận Tân Phú đều lên thời khóa biểu để học sinh đi học vào ngày thứ bảy.
Khoảng 10h sáng thứ bảy 10/10, hàng trăm học sinh một trường tiểu học tại quận Tân Phú ùa ra như chim vỡ tổ, trong đó đa số là học sinh lớp 1. Trước đó, trước cửa một phòng học có đề bảng: lớp 1/6 và lớp 4/1, một học sinh lớp 1, mang chiếc cặp thật to ở lưng, khóc inh ỏi đòi mẹ: "Mẹ đâu rồi, sao giờ này mẹ chưa đến?". Bé tự đi ra khỏi lớp, dù lúc đó trống trường chưa điểm.
Chỉ sau ít phút khóc lóc, cô giáo dỗ dành không được, bé đã ói ra. Cô giáo đành bỏ lớp chạy theo bé và nói: "Thấy chưa, ói ra rồi đó. Cứ khóc là ói".
Lúc này, phụ huynh đã đứng kín cả khoảng sân rộng mà trường dành để cha mẹ đón trẻ. Nhiều phụ huynh nhìn cậu bé khóc lóc nọ lắc đầu...
Trong cái nắng chang chang, bên ngoài điểm đợi, các phụ huynh đã sẵn sàng ngồi lên xe để chở con về. Con đường trước cổng trường bắt đầu ùn tắc như một ngày học bình thường trong tuần, dù hôm đó là thứ bảy. Những khuôn mặt non nớt mướt mồ hôi vì nắng nóng, vì mang cặp nặng, vì đợi chờ, kẹt xe...
Anh H., một phụ huynh đứng đón con, than vãn: "Mới lớp 1 mà đã phải học thứ bảy, ba không phải đi làm nhưng con phải đi học!".
Tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú), gần 9h sáng một ngày thứ bảy mà nhiều học sinh vẫn thấp thỏm chạy ra chạy vào vì ba mẹ chưa đến đón, có em la cà ra ngoài cổng trường, xuống ngay lề đường.
Bảo vệ nhà trường thấy vậy nghiêm mặt: "Các con phải đứng đây, chừng nào ba mẹ đến mới được đi ra, nghe chưa". Một học sinh lớp 1 mặt buồn xo, òa khóc ngay khi mẹ đến: "Con tưởng mẹ không đến đón con!".
Quay qua một người bà đi đón cháu, mẹ bé này nói như phân trần: "Mới học lớp 1 hơn một tháng, lại bắt đầu học trái buổi, học vào thứ bảy nên cháu nó sợ, cứ khóc hoài bà ạ!". Người mẹ này sau đó cho biết chị còn phải đi rước con đầu vào lúc 10g30 cùng ngày...
Ở quận Bình Tân tình hình cũng diễn ra tương tự, nhiều trường tiểu học tổ chức cho học sinh đi học vào ngày thứ bảy. Một phụ huynh bức xúc cho biết: "Tôi không hiểu học sinh tiểu học thì phụ đạo, học thêm gì mà tổ chức vào thứ bảy. Không phải khối đầu cấp, cuối cấp gì mà học cả thứ bảy, nên cả gia đình và học sinh đều mệt mỏi...".
Không thể làm khác?
Thầy Nguyễn Xuân Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám cho biết, việc tổ chức dạy vào thứ bảy cho học sinh hiện nay là nhằm dạy thêm hai tiết còn thiếu theo chương trình tiếng Anh đề án.
"Trường có 13 lớp 1, nhưng chỉ có 4 lớp bán trú được học tiếng Anh trong giờ, 9 lớp còn lại phải học vào ngày thứ bảy, vì không có phòng để học", thầy Tùng giãi bày.
"Trường thực hiện theo văn bản của sở về hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh cấp tiểu học năm học 2015-2016 và đã xin phép, được sự đồng ý của Phòng GD&ĐT quận. Lâu nay thứ bảy vẫn được nghỉ, năm nay là năm đầu tiên học sinh lớp 1 đi học vào thứ bảy nên có thể các em chưa quen, phụ huynh cũng ngại đưa đón. Nhưng do điều kiện cơ sở vật chất của trường không đủ để bố trí cho trẻ học các ngày trong tuần, mong phụ huynh ủng hộ", thầy Nguyễn Xuân Tùng trải lòng.
Xác nhận chuyện các trường tiểu học trên địa bàn tổ chức cho học sinh đi học vào ngày thứ bảy, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết: "Hiện nay, theo yêu cầu quy định là lớp 1 phải học tiếng Anh 4 tiết/tuần, nhưng khung chương trình không đủ nên phải học trên 5 buổi/tuần. Quy định của Bộ GD&ĐT cũng cho phép học sinh tiểu học học trên 5 buổi/tuần".
Cũng theo ông Tân, 80% học sinh ở quận chỉ được học 1 buổi/ngày, nên học sinh muốn học tiếng Anh thì phải học thêm buổi thứ sáu trong tuần do phòng học không đủ. Không chỉ khối 1, các khối lớp khác của bậc tiểu học ở các trường thuộc quận Tân Phú hầu hết đều phải học vượt khung. Đây là năm đầu tiên quận Tân Phú triển khai học vượt khung vào thứ bảy ở các khối lớp nhỏ, lớp 1.
Phòng học không đủ
Ông Ngô Văn Tuyên (Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân) giải thích, theo kế hoạch, Sở GD&ĐT TP HCM khuyến khích các trường tiểu học tổ chức dạy trên 5 buổi/tuần. Tại Bình Tân, do phòng học không đủ, buổi sáng, buổi chiều đã đầy kín, nên các trường tiểu học xin ý kiến ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức cho học sinh đi học vào thứ bảy.
Trong ngày thứ bảy, học sinh tại quận thường học 2 tiết chương trình tiếng Anh đề án (4 tiết/tuần), bổ sung thêm hai tiết các hoạt động khác hoặc tin học, không dạy chương trình chính khóa.
Hai quận thiếu hơn 40 trường tiểu học
Trả lời về việc làm sao để đủ phòng cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết: "Vậy thì gần như phải tăng gấp đôi số trường hiện có!".
Hiện nay, quận Tân Phú có 16 trường tiểu học, 12 trường THCS. Quận đang xây bốn trường cho cả ba bậc: mầm non, tiểu học và THCS, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học 2016-2017, giải quyết khoảng 2.000 chỗ học. Chỉ tiêu của quận đến năm 2020 là làm sao giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng số học sinh học 2 buổi/ngày. Vì thế, từ nay đến năm 2020 quận Tân Phú dự kiến xây dựng 750 phòng học.
Còn quận Bình Tân hiện có 24 trường tiểu học, trong đó 21 trường công lập, với 42.368 học sinh; 13 trường THCS công lập, 2 trường THCS tư thục. Theo đó, để đảm bảo học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, quận này cần thêm 731 phòng học, tương đương với 25 trường tiểu học.
Theo Mỹ Dung/Tuổi Trẻ
La mắng trước lớp chỉ làm mất mặt học trò Warren Eng (người Singapore), hiện là Hiệu trưởng trường Quốc tế ERC - Việt Nam kể lại một kỉ niệm không thể nào quên thời trung học. Khi học lớp 6, trong một tiết học, Warren đang rất cố gắng, hết sức tập trung hoàn thành bức vẽ một cái cây của mình. Thầy giáo lúc này bước đến, cầm bức vẽ lên...