Cô giáo có bằng Thạc sĩ quyết tâm ‘đầu quân’ vào trường dân lập bởi những lý do thú vị
Tốt nghiệp Thạc sĩ Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2006, cô giáo Phạm Thị Thanh Nga (SN 1984) quyết định ‘đầu quân’ vào trường tư Lương Thế Vinh bởi nhiều lý do.
Nói về hành trình “đầu quân” cho trường dân lập mang tên Lương Thế Vinh (Hà Nội), cô giáo Phạm Thị Thanh Nga cho biết: “Đó là hành trình mà tôi trân trọng gọi là “câu chuyện về ước mơ và hiện thực”. Mỗi khi ai hỏi về hành trình về trường, tôi đều kể về hành trình bắt nguồn từ lý do riêng tư, gia đình.
Trong gia đình, chồng và anh tôi đều là những cựu học sinh Lương Thế Vinh. Những người thân yêu của tôi đều đã học tập và trưởng thành từ mái trường Lương Thế Vinh.
Vì thế với tôi Lương Thế Vinh gần gũi, thân thiết như gia đình. Sau nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, qua nhiều môi trường như trường chuyên, dân lập, công lập, tôi đã tự tin tham gia ứng tuyển giáo viên tại trường Lương Thế Vinh.
Ngày đó, tôi vinh dự được thầy Văn Như Cương phỏng vấn, cùng với hội đồng tuyển dụng giáo viên, tôi được nhận vào giảng dạy tại trường và giảng dạy lớp cuối cấp. Cảm xúc trong tôi khi đó đong đầy nhiều cung bậc: vui sướng, hạnh phúc, tự hào và rất vinh dự. Thế là ước mơ của tôi trở thành hiện thực, không chỉ tôi, cả nhà đình tôi cũng hân hoan, tự hào như thế”.
Cô Thanh Nga cùng học sinh của mình.
Ngoài tình cảm của bản thân thì còn một lý do khác khiến cô Thanh Nga quyết tâm vào trường tư, đó là do chế độ phúc lợi, đãi ngộ giáo viên rất tốt và quan trọng là giáo viên được chăm lo đời sống.
“Trường Lương Thế Vinh là môi trường giáo dục tốt như cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị hiện đại. Điều tôi hài lòng nhất là được tạo điều kiện tốt nhất để có thể phát triển chuyên môn. Đội ngũ quản lý nhà trường là những người có tâm, có tầm. Trường có những chiến lược giáo dục phù hợp, linh hoạt với thời đại mới.
Trong khi ở một số cơ sở giáo dục còn tồn tại nhiều bất cập như: chưa có chính sách giữ chân giáo viên giỏi, phân công nhiệm vụ còn nhiều bất cập, hạn chế sáng tạo của giáo viên, quản lý nặng về áp đặt , mệnh lệnh, thủ tục hành chính, sổ sách rườm rà, hình thức… thì ở trường Lương Thế Vinh, giáo viên được cởi bỏ những điều đó, giáo viên được chăm lo đời sống, rèn chuyên môn và nhất là được phát huy tinh thần sáng tạo”, cô Thanh Nga kể.
Cá nhân cô Thanh Nga từ nhỏ đã được học tập, rèn luyện trong môi trường chuyên, năng khiếu, được học tập với những giáo viên tâm huyết, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm nên cô nhận thấy tất cả những điều đó có ở môi trường mà mình đang giảng dạy.
Cô Thanh Nga luôn tự hào vì lựa chọn đúng nơi để làm việc.
Video đang HOT
Một điều nữa làm cô Thanh Nga rất tự hào về ngôi trường Lương Thế Vinh là trường luôn thực hiện tốt chính sách khuyến học, khuyến tài thông qua những học bổng, phần quà dành cho học sinh có thành tích học tập tốt, học sinh nghèo vượt khó.
“Tôi thấy vô cùng xúc động trước những phần thưởng khuyến học của nhà trường dành cho học sinh có thành tích học tập tốt hay những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đó là nguồn động viên cho sự nỗ lực của học sinh trong cả một hành trình, giúp các em có thêm động lực cố gắng hơn nữa trên con đường học tập.
Trường Lương Thế Vinh là môi tường dân lập mậy mà trong giới hạn tài chính trường vẫn dành một phần cho khuyến học, điều đó có thể thấy nhà trường rất quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Quả thực đó là nguồn động viên không nhỏ đối với giáo viên và học sinh nhà trường. Những phần thưởng khuyến học đó phần nào giúp các em học sinh bớt khó khăn, nhất là tiếp thêm cho các em nguồn động lực tinh thần, cổ vũ các em, để các em hăng say rèn luyện, cố gắng hết mình trong học tập. Có rất nhiều những thành tích ấn tượng được tạo nên từ những phần thưởng khuyến học của nhà trường”, cô Nga nói.
Những phần thưởng khuyến học là nguồn động viên không nhỏ đối với giáo viên và học sinh tại trường Lương Thế Vinh.
Cô Nga cho rằng những phần thưởng khuyến học lan tỏa đến các em học sinh trong trường tinh thần nỗ lực phấn đấu, giúp các em có đích để hướng đến trong học tập. Ngoài ra, nó còn tạo dư âm tốt đẹp trong lòng phụ huynh học sinh, tạo niềm tin trong xã hội về thương hiệu trường Lương Thế Vinh.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới, cô Thanh Nga gửi gắm lời chúc: “Xin gửi đến đồng nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc những bó hoa tươi thắm và những lời chúc sức khỏe, thành công!
Trong thời kì mới, giáo dục đang chuyển mình và nhất là chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, có rất nhiều thách thức, yêu cầu, đòi hỏi ở thầy cô giáo, rất mong các thầy cô vững tâm, giữ vững cho mình ngọn lửa của lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề để đưa các thế hệ học trò cập bến bờ tri thức, không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, năng lực để đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới.
Nghề giáo là một nghề cao quý trong tất cả các nghề cao quý, thầy cô chúng ta là những kĩ sư tâm hồn, chúng ta tự hào vì nghề bao nhiêu thì cũng cố gắng nỗ lực hết mình bấy nhiêu vì bao thế hệ học trò”.
Cô giáo Mường 'nhóm lửa' tình yêu môn Lịch sử ở vùng khó
Với phương pháp giảng dạy sáng tạo, cô Đinh Thúy Hoàn - Trường THCS Yên Sơn (Phú Thọ) tạo hứng thú học tập, tình yêu môn Lịch sử cho học trò.
Cô giáo Đinh Thúy Hoàn trong giờ lên lớp với học sinh môn Lịch sử.
Đất nghèo rèn nghị lực
Ít ai biết rằng cô giáo Đinh Thúy Hoàn - người "mát tay" trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử của trường THCS Yên Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) lại có một tuổi thơ đầy gian khó. Sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao của huyện miền núi Thanh Sơn, bố làm nông nghiệp còn mẹ là cô giáo cắm bản. Cô học trò Đinh Thúy Hoàn lớn lên theo từng bước chân đến điểm trường cùng mẹ và bạn bè đồng trang lứa chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
"Những buổi không đến trường, tôi cùng các bạn đi lấy củi trên đồi phụ giúp gia đình. Đường đến trường học cách xa nhà vài cây số nắng thì bụi, mưa thì sình lầy... Nói chung, để có con chữ thời chúng tôi khá gian nan, vất vả" - cô Hoàn nhớ lại.
Theo lời nữ giáo viên dân tộc Mường, thời gian đó kinh tế khó khăn nên hết tiểu học, nhiều bạn bè đồng trang lứa phải nghỉ học do trường xa hay hoàn cảnh gia đình khó khăn và một phần suy nghĩ của cha mẹ cho rằng con mình chỉ cần biết chữ và tính tiền là đủ. Thế nhưng với nghị lực trong học tập, cô học trò Đinh Thúy Hoàn đã kiên trì theo từng các cấp học ở vùng quê nghèo.
Bước ngoặt quan trọng trên con đường học tập của cô nữ sinh dân tộc Mường là khi vào đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Hương Cần. Không phụ công thầy cô, Đinh Thúy Hoàn ngày đêm chăm chút, bồi dưỡng rèn luyện. Trái ngọt đã đến khi Đinh Thúy Hoàn được vinh danh tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý.
"Sau bao ngày cố gắng, tôi vinh dự đoạt giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2007. Giải thưởng tuy không cao nhưng đây cũng là động lực để tôi quyết tâm thi đỗ Đại học Hùng Vương. Những điều mà trong mơ một cô bé người dân tộc thiểu số như tôi chưa bao giờ mơ đến. Chính các thầy, các cô Trường THPT Hương Cần và gia đình đã thắp lên trong tôi tình yêu đối với nghề bụi phấn..." - cô Hoàn tâm sự.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Hùng Vương, nữ cử nhân Đinh Thúy Hoàn được tiếp nhận về công tác tại chính quê hương của mình là Trường THPT Hương Cần.
Cô giáo Đinh Thúy Hoàn với nhiều phương pháp sáng tạo giúp học trò thêm yêu thích môn học.
Những ngày đầu trên bục giảng, nhìn các em học sinh dân tộc, cô giáo trẻ Đinh Thúy Hoàn như được gặp lại chính tuổi thơ của mình. Bởi lẽ, bản thân cô cũng là người dân tộc thiểu số được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thân quen Hương Cần. Nữ giáo viên thấu hiểu được những khó khăn cũng như khát khao được học tập của con em đồng bào nơi đây.
Đến năm 2014, cô Đinh Thúy Hoàn lại bén duyên với cấp THCS khi được tuyển dụng và phân công về Trường THCS Hương Nha. Một năm sau là Trường THCS Yên Sơn cho đến nay - Đây cũng chính là mái trường có nhiệm vụ đào tạo học sinh là con em đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Thanh Sơn.
'Nhóm lửa' tình yêu môn học
Bồi dưỡng học sinh giỏi là một công việc chưa bao giờ dễ dàng với trường học vùng khó - xã đặc biệt khó khăn. Với học trò, cô Đinh Thúy Hoàn cho rằng, các em phải lập kế hoạch chi tiết cho cả quá trình học tập và ôn luyện - từng bước bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, yếu kém về kỹ năng. Cả giáo viên lẫn học sinh phải thường xuyên đọc sách để mở rộng kiến thức, học hỏi kỹ năng, nâng cao năng lực cảm thụ, diễn đạt, cách trình bày...
Với sự nỗ lực từ cô trò, kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh của Trường THCS Yên Sơn những năm qua có nhiều khởi sắc, từ không có giải đến có giải, từ đạt giải thấp đến đạt giải cao. Nhiều em đoạt giải Nhì, giải Ba cấp huyện và giải Khuyến khích cấp tỉnh. Đặc biệt, trong danh sách học sinh giỏi thì nhiều em là người dân tộc thiểu số.
Là một trong những học sinh giỏi môn Lịch sử, em Đinh Thị Thu Hương (lớp 9B Trường THCS Yên Sơn) cho biết, tiết học Lịch sử của cô Hoàn luôn tạo cho em và các bạn tâm lý thoải mái, giống như lắng nghe một câu chuyện của quá khứ được tái hiện lại trong từng chi tiết.
"Quá trình học Lịch sử em không hề thấy khô khan và khó tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, sau mỗi bài học em tìm thêm tài liệu của sự kiện đó hoặc những thông tin mà sách giáo khoa chưa đề cập đến. Do đó, em càng thấy môn Lịch sử cuốn hút và hấp dẫn hơn. Thay vì suy nghĩ học để thi học sinh giỏi, em suy nghĩ học để khám phá, để hiểu hơn quá khứ của cha ông...", Thu Hương nói.
Cô Đinh Thúy Hoàn và em Đinh Thị Thu Hương (lớp 9B Trường THCS Yên Sơn) tranh thủ thời gian ôn bài.
Khi được hỏi về phương pháp giảng dạy, cô Đinh Thúy Hoàn khiêm tốn cho biết, với vai trò của người thầy thì yếu tố quan trọng nhất là vào vai người truyền cảm hứng. Khi học sinh yêu thích, cảm thấy hứng thú với môn học thì lúc đấy mới là kỹ năng truyền kiến thức. Yếu tố tiếp theo, thầy cô người đồng hành cùng với học trò. Trong quá trình truyền thụ không phải đưa hết kiến thức cho học trò như lấp đầy cái hũ, mà là truyền kiến thức để trò hiểu và biết vận dụng.
"Dạy Lịch sử không nhồi nhét kiến thức mà phải có những điểm nhấn nhất là mốc lịch sử quan trọng. Trong quá trình dạy, tôi lồng ghép các câu chuyện đời thường, câu chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày để cho học trò dễ hiểu, dễ hình dung nhất. Bởi lịch sử bắt nguồn từ cuộc sống, là quá trình liên hệ với cuộc sống thực tế chứ không phải cứ kể về nhân vật này, nhân vật kia...", cô Đinh Thúy Hoàn tiết lộ.
Đặc biệt, cô Đinh Thúy Hoàn luôn vận dụng, phát huy những thế mạnh của công nghệ thông tin, hình ảnh, video về lịch sử liên quan đến bài học. Qua đó, giúp các em học sinh tiếp thu bài giảng một cách dễ hiểu, dễ nhớ trong quá trình học..
Chia vui về đồng nghiệp của mình, thầy Hà Ngọc Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sơn cho biết, dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng cô Đinh Thúy Hoàn rất nỗ lực, cố gắng khắc phục để tìm tòi, sáng tạo phương pháp giảng dạy môn học Lịch sử nhằm giúp các em học sinh dễ tiếp cận kiến thức.
Thầy Hà Ngọc Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sơn cùng đồng nghiệp và các học trò hân hoan chuẩn bị cho kỷ niệm 25 năm thành lập trường vào ngày 19/11 tới đây.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sơn, chính sự đổi mới trong cách thức giảng dạy, sự chuẩn bị chu đáo cho mỗi giờ lên lớp của cô Hoàn mà những tiết học về môn Lịch sử vốn khô khan đã trở nên cuốn hút các em học sinh. Hàng năm cô Đinh Thúy Hoàn đã phát hiện, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của trường đi thi cấp huyện, cấp tỉnh. Đơn cử, năm học 2021 -2022 vừa qua, bộ môn Lịch sử của cô Đinh Thúy Hoàn đã mang về hai danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện (giải Nhì và giải Ba).
Với những thành tích cao trong giáo dục mũi nhọn, nhiều năm liền cô Đinh Thúy Hoàn vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, Phòng GD&ĐT khen thưởng...
"Cô Đinh Thúy Hoàn là tấm gương giáo viên tiêu biểu trong phong trào thi đua chào mừng 25 năm thành lập trường THCS Yên Sơn dự kiến diễn ra 19/11 tới đây. Đồng thời, nhà trường hân hoan kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11...", thầy Hà Ngọc Quỳnh nhấn mạnh.
Cuộc thi giúp giáo viên thêm yêu nghề, niềm tin với giáo dục Hưởng ứng cuộc thi 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2022' cô giáo Võ Thị Thùy Dương dự thi tác phẩm 'Cậu học trò và tôi'. Cô Võ Thị Thùy Dương (hàng 2 ở giữa) và học trò cũ. Cô giáo Võ Thị Thùy Dương, sinh năm 1971, quê quán ở xã An Dũng, huyện...