Cô giáo 9X sẵn sàng chia sẻ với học trò chuyện tình bạn, tình yêu
Cô giáo Phan Hồng Anh chia sẻ, facebook, zalo là một trong những tiện ích để cô kết nối, nắm bắt thông tin và làm bạn với học sinh hiệu quả.
Cô giáo trẻ Phan Hồng Anh – giáo viên dạy môn Toán trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội Amsterdam đã thu hút được nhiều sự chú ý khi được đứng cạnh các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục kỳ cựu để nhận bằng khen trong buổi lễ Tuyên dương các nhà giáo Thủ đô có nhiều đổi mới, sáng tạo và tâm huyết trong dạy học.
Tôi có dịp được trò chuyện cùng cô Hồng Anh – một cô giáo hiền dịu, xinh đẹp, thân thiện. Nói chuyện, tôi mới biết cô sinh năm 1991, là cựu học sinh chuyên Toán trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam.
Ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cử nhân Hồng Anh trở về với ngôi trường mình từng học và vun đắp ước mơ cho cô trở thành cô giáo.
Tại đây, ngoài công tác giảng dạy, cô còn là bí thư chi đoàn giáo viên đồng thời là giáo viên chủ nhiệm.
Cô giáo Phan Hồng Anh chia sẻ, facebook, zalo là một trong những tiện ích để cô kết nối, nắm bắt thông tin và làm bạn với học sinh hiệu quả. (Ảnh: Thùy Linh)
Vì không muốn học trò sợ mình, mà muốn học trò xem mình là người bạn, gần gũi với học trò do vậy, cô Hồng Anh đã biến mỗi giờ sinh hoạt theo hình thức nhìn nhận, đánh giá những tổng kết một tuần qua bằng những hoạt động trải nghiệm, những chủ đề riêng kích thích sự sáng tạo của học sinh.
“Thực sự như vậy tiết sinh hoạt sẽ trở thành một tiết hoạt động có thể là ngoại khóa diễn ra ở trong lớp hoặc có thể là ngoài lớp.
Các hoạt động ấy phải thực sự có tham vấn của học sinh không đơn thuần chỉ là nghe một chiều từ giáo viên”, cô Hồng Anh nói.
Chia sẻ về những ấn tượng trong buổi sinh hoạt của mình, cô giáo trẻ Hồng Anh nói:
“Buổi sinh hoạt mình tâm đắc nhất là buổi sinh hoạt về áo dài. Bởi hiện nay đang thời đại hội nhập, các em có rất nhiều cơ hội để đi khắp nơi trên thế giới, giao tiếp rất nhiều với người nước ngoài, trang phục truyền thống sẽ là cái ấn tượng đầu tiên của bất kỳ ai khi nhìn vào mỗi người.
Chính vì vậy, chủ đề áo dài mình đưa ra sẽ giúp các em hiểu biết thêm về kiến thức về trang phục truyền thống đặc biệt là nét đẹp truyền thống của dân tộc”.
Video đang HOT
Để tạo không khí sôi nổi, cô giáo trẻ Hồng Anh đã chia lớp mình thành nhiều nhóm, mỗi nhóm một phần việc để tìm hiểu và sau đó thuyết trình.
“Ban đầu tôi cũng khá suy nghĩ khi đưa ra cách sinh hoạt lớp mới này. Bởi để có giờ sinh hoạt như thế này, các em sẽ phải chuẩn bị nhiều hơn đặc biệt tôi cũng lo các em sẽ không hào hứng.
Thế nhưng, ngay buổi đầu tiên thay đổi các em lại thích những tiết sinh hoạt lớp cuối tuần như vậy, đặc biệt là những bạn ngày trước có thành tích không được lý tưởng lắm”, Hồng Anh nói.
“Từ khi thay đổi cách thức sinh hoạt dường như buổi sinh hoạt cuối tuần đó không còn cảm giác nặng nề, học sinh cảm thấy các bạn yêu thích hơn, thậm chí những tiết sinh hoạt như vậy còn hơn cả những tiết học chuyên môn”, cô Hồng Anh vui vẻ trải lòng.
Nhận xét về học sinh thời nay, cô giáo 9x cho rằng, thời cô còn ngồi trên ghế nhà trường, khoảng cách giữa giáo viên và học sinh có phần xa hơn, phần do hoàn cảnh chung, phần do học sinh thời đó khá rụt rè.
Thế hệ học sinh thời nay đã chủ động, sáng tạo, các em luôn mong muốn được chia sẻ cùng thầy cô không chỉ những vấn đề trong học tập mà cả những vấn đề khác trong cuộc sống, tình yêu, tình bạn.
Chủ nhiệm học sinh khối trung học phổ thông, cô giáo Hồng Anh cho biết, do những đặc điểm tâm lý của lứa tuổi, các em sẽ có những rung động đầu đời, đây là điều rất nhiên, các em có thể cảm mến nhau qua những tiếng hát, nụ cười đẹp…
“Tôi không có quan niệm cần cấm đoán chuyện tình yêu tuổi học trò, mà sẵn sàng chia sẻ thẳng thắn với các em trong chuyện tình bạn, tình yêu.
Khi các em cảm nhận được sự đồng cảm, và tôn trọng, các em sẽ mở lòng để nói ra những suy nghĩ thật của mình với cô. Như vậy mình sẽ dễ dàng định hướng và tư vấn cho các em hơn”, Hồng Anh chia sẻ.
Tâm lý, gần gũi là thế, nhưng cô giáo trẻ Phan Hồng Anh cũng khẳng định rằng, kỷ luật, quy tắc chung là điều không thể thiếu trong môi trường giáo dục.
“Tôi không chủ trương để các em phải sợ, hay khiến các em cảm thấy mình là một nhà độc tài. Khi cô giáo có thể quan tâm, gần gũi các em như người mẹ, người chị, người bạn, thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng”, cô Hồng Anh cho hay.
Ngoài ra, cô giáo 9x cũng chia sẻ, facebook, zalo là một trong những tiện ích để cô kết nối, nắm bắt thông tin và làm bạn với học sinh hiệu quả. Thông qua các kênh này, nhiều học sinh có thể nhắn tin hỏi bài khi cần hoặc tâm sự cả những điều khó nói trực tiếp.
Được biết, năm học 2016-2017, cô giáo 9X đã hệ thống và hoàn thiện chuyên đề: “Nâng cao chất lượng trong buổi sinh hoạt lớp bằng các giải pháp tổ chức hoạt động giáo dục tích cực hóa học sinh”.
Với sự sáng tạo, thay đổi cách tổ chức tiết sinh hoạt cuối tuần cô giáo Hồng Anh đã gây ấn tượng về chuyên môn và đạt danh hiệu “Cô giáo tài năng duyên dáng” cấp toàn quốc, nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hào hứng khi chia sẻ về tiết sinh hoạt lớp, cô Hồng Anh cho biết, bản thân từng là học sinh, cô hiểu cảm giác căng thẳng khi đa phần các thầy cô giáo hay tập trung vào những hoạt động như sơ kết tuần, phê bình, nhận xét những ưu nhược điểm của học sinh trong tuần.
Do đó, khi đứng trên vị trí của người thầy, cô Hồng Anh luôn trăn trở với việc tìm cách đổi mới những tiết sinh hoạt khiến học sinh mệt mỏi, sợ hãi thành những giờ sinh hoạt, buổi ngoại khóa bồi đắp kỹ năng sống cho các em học sinh.
Từ đó, cô giáo trẻ đã đưa ra ý tưởng, tổ chức sinh hoạt lớp theo chủ đề. Tùy theo nội dung, cô trò có thể tiến hành tiết sinh hoạt ngay trong lớp hoặc đi dã ngoại.
Theo GDVN
Phát hiện Hiệu phó không dạy vẫn ăn tiền, giáo viên bị kỷ luật cảnh cáo
Cô Hà Tú Trinh cho rằng, quyết định kỷ luật cảnh cáo mình, do Phó Hiệu trưởng Võ Văn Tính ký có nhiều điều bất thường, cần sớm được cơ quan chức năng làm rõ.
Tiếp tục thông tin những vấn đề tồn tại, xảy ra tại Trường trung học cơ sở Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, mới đây, cô Hà Tú Trinh tiếp tục gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin mình bị trường kỷ luật cảnh cáo.
Quyết định kỷ luật này do Phó Hiệu trưởng Võ Văn Tính (người đã được xác định là không đứng lớp dạy đủ tiết nghĩa vụ mà vẫn nhận tiền phụ cấp) ký.
Điều đáng nói, trong khi ông Võ Văn Tính đã được xác định là đã nhận số tiền hơn 23,8 triệu đồng hưởng sai quy định trong suốt từ năm 2013 đến năm 2015, chỉ bị huyện kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, chưa nộp lại tiền nhận sai.
Còn cô Trinh (người phát hiện ra vụ việc này) lại bị ông Tính ra quyết định kỷ luật cảnh cáo.
Quyết định kỷ luật số 78, do ông Võ Văn Tính ký ngày 26/8/2017 nêu rõ: Kỷ luật cảnh cáo cô Hà Tú Trinh vì đã vi phạm pháp luật "Tố cáo giáo viên sai sự thật", vi phạm khoản 7, điều 11 của Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức, trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
Quyết định kỷ luật này có hiệu lực ngay trong ngày, và sau 12 tháng, nếu cô Trinh không tiếp tục có hành vi, vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thì đương nhiên chấm dứt hiệu lực của quyết định này.
Quyết định số 78, kỷ luật cảnh cáo cô Trinh do ông Võ Văn Tính ký (ảnh: P.L)
Mặc dù được ông Tính đề nghị viết bản kiểm điểm, nhưng khi viết, cô Hà Tú Trinh vẫn không thừa nhận mình tố cáo sai sự thật, nhưng ông Võ Văn Tính vẫn tiếp tục tự cho mình quyền tổ chức cuộc họp hội đồng sư phạm để kiểm điểm, đưa ra hình thức kỷ luật với cô Trinh.
18 tháng vẫn chưa xử lý được nguyên Hiệu trưởng và Hiệu phó có sai phạm
Sau đó, cô Trinh có làm đơn khiếu nại quyết định kỷ luật này, nhưng ông Tính đã không trả lời là có hay không thụ lý đơn khiếu nại này, mà vẫn tổ chức họp nhà trường, đưa ra kết luận giải quyết là nội dung khiếu nại không có cơ sở.
Dù kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu vẫn còn có ý kiến khác nhau giữa cô Trinh và ông Tính, vị Phó Hiệu trưởng này vẫn không tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại và bị khiếu nại, nhằm làm căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Việc tố cáo của cô Trinh có liên quan đến ông Võ Minh Tâm (người đã được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời xác nhận là có quan hệ bà con với ông Tính), được nữ giáo viên này cho rằng đã có những biểu hiện trù dập mình trong công tác chuyên môn.
Nhằm làm rõ những vấn đề mà cô Hà Tú Trinh nêu ra, ngày 6/11, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã rất nhiều lần liên hệ vào số máy di động của ông Võ Văn Tính, để hẹn một cuộc làm việc. Tuy nhiên, đáng tiếc là không có cuộc gọi nào được ông Tính nghe máy.
Còn ông Bùi Xuân Minh - Hiệu trưởng Trường Phong Điền cho biết, ông cũng chỉ mới về lãnh đạo trường hơn 1 tháng, nên hiện vẫn đang tiến hành rà soát, xem xét lại các bước tiến hành kỷ luật cô Trinh xem có đúng quy định hay không?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Hùng Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời, Cà Mau thông tin: Tại thời điểm ông Tính ký quyết định kỷ luật cô Trinh, do trường chưa có Hiệu trưởng.
Ông Tính là Phó Hiệu trường điều hành, nên vẫn đủ thẩm quyền ký quyết định kỷ luật giáo viên.
Theo ông Dũng, cô Trinh không trực tiếp gửi đơn khiếu nại kỷ luật lên Phòng, mà chỉ gửi ở trường, bản thân ông Dũng không trực tiếp nhận, nắm vấn đề, mà chỉ nghe nói.
Chính vì thế, hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời vẫn đang tiếp tục yêu cầu nhà trường tiến hành rà soát, kiểm tra lại quyết định kỷ luật cô Trinh.
Nếu sau khi có kết quả giải quyết của trường, cô Trinh vẫn không cảm thấy hài lòng, thoải mái thì có thể tiếp tục gửi lên cấp cao hơn, để tiếp tục được giải quyết theo thẩm quyền.
Theo GDVN
Tặng cô quà gì? Câu hỏi này thật không dễ trả lời trong dịp 20/11, và ở đó, cách biếu, cách nhận cũng là cả một nét văn hóa... LTS: Trước những biến tướng về tình cảm thầy trò thông qua những món quà tặng nhân ngày 20/11 trong thời đại ngày nay, tác giả Nam Phương đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam...