Cô giáo 9X miệt mài ‘gieo’ công nghệ
Hình ảnh cô giáo trẻ miệt mài đi ‘gieo’ công nghệ thông tin đã trở thành dấu ấn khó quên với phụ huynh và học sinh tại Trường TH Hoành Mô.
Bình Liêu là huyện miền núi nằm cách trung tâm tỉnh Quảng Ninh hơn 100km. Từ lâu Bình Liêu đã trở thành điểm đến của khách du lịch bởi vẻ đẹp của thiên nhiên với với những ngọn núi cao hùng vĩ, những cung đường đẹp như mơ cùng với bạt ngàn rừng hồi, rừng quế.
Thế nhưng không phải ai cũng biết cuộc sống của trẻ em nơi đây, nhất là người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thiệt thòi khi không chỉ thiếu thốn về cái ăn, cái mặc mà điều kiện học tập cũng khó trăm bề.
Cuộc sống vất vả, cha mẹ hàng ngày phải làm nương và lên rừng khai thác keo nên việc học tập của các em gần như phó thác cả cho các nhà trường.
Vốn sinh ra và lớn lên tại Hoành Mô, huyện Bình Liêu nên hơn ai hết cô giáo Hoàng Thị Thủy (sinh năm 1991) thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em nơi đây.
Điểm trường Đồng Cậm – Trường Tiểu học Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh)
Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, dù đã có một công việc ổn định ở Thủ đô nhưng cô Thủy lại quyết định trở về với quê hương. Đây là quyết định không hề dễ dàng đối với cô giáo trẻ.
Cô giáo Thủy chia sẻ: “Là con gái nhưng tôi lại yêu công nghệ thông tin, ngành học vốn khô khan và được cho là chỉ thích hợp với nam giới. Năm 2012, tôi bắt đầu theo học ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Ban đầu đơn thuần, tôi chỉ học để theo đuổi đam mê chứ chưa có ý định sẽ trở thành một giáo viên, sau này gia đình khuyên tôi học thêm chứng chỉ sư phạm. Đây có lẽ đây là cái duyên của tôi với sự nghiệp “trồng người”".
Năm 2016, cô gái đam mê công nghệ thông tin tốt nghiệp và may mắn có được công việc ổn định tại một công ty ở Hà Nội.
Mặc dù có được công việc với mức lương lý tưởng, có cơ hội để phát triển sự nghiệp nhưng cô luôn canh cánh trong lòng về quê hương vốn đang còn nhiều khó khăn và luôn tự hỏi: ” Quê hương là nơi mình sinh ra, được nuôi dưỡng, được học tập và trưởng thành vậy tại sao lại không trở về để được cống hiến?”.
Với suy nghĩ đó, cô gái 9X quyết định trở về với Bình Liêu sau một thời gian làm việc tại Hà Nội.
Dù đã có một công việc ổn định tại Hà Nội, cô giáo Thủy vẫn quyết định về cống hiến cho quê hương, mang cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin cho trẻ em vùng cao
Trở về quê hương, điều mà cô Thủy trăn trở nhất chính là việc học sinh, nhất là những em người dân tộc thiểu số đang theo học tại các điểm trường lẻ vùng cao hầu như chưa được tiếp cận với công nghệ thông tin.
Video đang HOT
Chính điều này đã thôi thúc cô Thủy tham gia thi tuyển viên chức và được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Tin học tại Trường Tiểu học Hoành Mô vào đầu năm 2020.
Trở thành một mảnh ghép của Trường Tiểu học Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh), cô giáo Thủy nhanh chóng bắt nhịp với công việc và nhận được sự tin tưởng, quý mến của đồng nghiệp cũng như phụ huynh, học sinh.
Năm học 2022-2023, khi môn Tin học trở thành môn học bắt buộc với học sinh lớp 3, cô giáo Thủy cũng bắt đầu hành trình “gieo” công nghệ thông tin tới những điểm trường vùng sâu, vùng xa của mình.
Hành trang mỗi ngày đến điểm trưởng lẻ của cô giáo Thủy không chỉ có giáo án, đồ dùng giảng dạy mà còn có thêm đôi ủng để lội đường đất, quần áo và những chiếc máy tính xách tay.
Để em nào cũng có cơ hội thực hành, với những điểm có đông học sinh và đường đi thuận lợi cô Thủy thường đóng thùng mang theo toàn bộ máy tính xách tay.
Còn đối với điểm trường xa nhất, ít học sinh (5 học sinh) như ở Cao Sơn, cô Thủy sẽ sử dụng 2 ba lô đựng 3 chiếc máy tính để bảo quản trên suốt chặng đường dài.
Cứ như thế, ngày ngày cô giáo Thủy miệt mài mang máy tính “gieo” công nghệ thông tin ở các điểm trường.
Có những ngày, cô phải mất gần 1 tiếng đồng hồ để di chuyển tới những điểm trường xa nhất tại Cao Sơn nếu thời tiết không thuận lợi.
Hình ảnh cô giáo trẻ miệt mài mang máy tính đi “gieo”công nghệ thông tin đã quá đỗi quen thuộc và trở thành dấu ấn khó quên với phụ huynh và học sinh tại Trường Tiểu học Hoành Mô
Với cô giáo Thủy, buổi học Tin học đầu tiên của học sinh ở điểm trường Cao Sơn sẽ là một kỷ niệm khó quên.
Do trường cách nhà hơn 10km nên dù dạy tiết 2 nhưng buổi sáng cô phải dậy từ sớm. Lần đầu chạy xe máy lên đây, trong khi đường vắng, dù đã được rải bê tông nhưng rất dốc, một bên là rừng núi còn một bên là vực nên cô khá lo lắng. Chưa kể còn phải gửi xe máy, đi bộ thêm 15 – 20 phút mới đến trường.
Thế nhưng khi đến được trường, lần đầu thấy các con mặt mũi lấm lem, quần áo cộc, thậm chí còn rách trong lòng cô giáo Thủy trào dâng sự thương cảm, mọi vất vả, khó khăn, lo lắng dường như tan biến.
Trong buổi học đầu tiên ấy, với những đứa trẻ chưa hề có khái niệm về Tin học, không biết sẽ học những gì ở môn học này, cô đã dành nhiều thời gian hơn để có giới thiệu nhiều hơn cho các em hiểu.
“Nhớ lại tôi thấy vừa buồn cười vừa thương khi hầu hết các con không biết gì về máy tính xách tay, thậm chí một bạn nhỏ còn cho rằng đây là ti vi.
Trẻ em ở vùng thuận lợi có lẽ không xa lạ với điện thoại di động, máy tính xách tay nhưng ở Cao Sơn, các hộ dân có điều kiện lắm mới có chiếc ti vi nên các con rất thiệt thòi” cô giáo Thủy chia sẻ.
Lần đầu tiên được tiếp cận với môn học mới, được sử dụng máy tính, xem những đoạn video thú vị bạn nào cũng hào hứng.
Thậm chí vì quá ấn tượng với môn Tin học nên sau này mỗi khi đón cô vào lớp, bạn nào cũng hò reo chào “cô Tin”.
Động lực của cô giáo Thủy chính là những nụ cười, ánh mắt sáng ngời khi của những đứa trẻ vùng cao và câu gọi thân thương “Con chào cô Tin!”
Với niềm đam mê cùng với tình yêu thương học sinh, ngày qua ngày cô Thủy vẫn đi về trên cung đường ấy bất chấp chấp nắng nóng, gió mưa.
Hình ảnh cô giáo trẻ miệt mài mang theo máy tính để “gieo” công nghệ thông tin tới những điểm trường cao cũng từ đó trở thành dấu ấn khó quên với những thầy cô ở Trường Tiểu học Hoành Mô và phụ huynh cũng như học sinh nơi đây.
Còn với cô giáo Thủy, chỉ cần nhìn thấy nụ cười, ánh mắt lấp lánh và tiếng gọi “Con chào cô Tin!” đầy thân thương là mọi khó khăn, vất vả tan biến. Cô vẫn sẽ kiên trì, mong muốn sẽ mang cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin tới nhiều học sinh vùng cao hơn nữa.
Cô giáo người Tày 'gùi' máy tính, mang công nghệ tới điểm trường vùng cao
Điểm trường ít học sinh, khó đi, 'cô Tin' Hoàng Thị Thủy bỏ những chiếc máy tính vào balo, cần mẫn 'gùi' công nghệ lên vùng cao.
"Học sinh gọi tôi là 'cô Tin'. Các em rất hào hứng với bộ môn này. Hôm nào tôi thông báo nghỉ học hoặc chưa vào lớp, các em lại hỏi: "Cô Tin hôm nay không dạy ạ?", "Hôm nay không được học môn của cô Tin ạ?...", cô Hoàng Thị Thủy (SN 1991) chia sẻ.
Hơn 2 tháng qua, hành trang tới các điểm trường vùng sâu, vùng xa của cô Thủy ngoài giáo án luôn là những chiếc máy tính xách tay để học sinh có cơ hội thực hành với bộ môn Tin học.
Năm học 2022 - 2023, khi Tin học trở thành môn bắt buộc với học sinh lớp 3 cũng là lúc cô Thủy bắt đầu hành trình trèo đèo, vượt qua những con dốc, đoạn đường ngoằn ngoèo, mạng công nghệ thông tin tới học sinh ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa.
Sinh ra trong gia đình bố làm giáo viên, cô Thủy luôn được mọi người định hướng theo ngành y hoặc sư phạm Văn. Dù có năng khiếu môn Văn nhưng tình yêu công nghệ thông tin đã đưa cô gái trẻ rẽ hướng. Năm 2012, nữ sinh người dân tộc Tày theo học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sau 4 năm, Thủy tốt nghiệp và xin vào làm việc tại một công ty ở Hà Nội.
Thời gian này, hình ảnh quê hương với những đứa trẻ mùa đông mặc không đủ ấm, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn thậm chí phải đi bộ cả chục kilomet để đến trường luôn trở về trong suy nghĩ của cô. Năm 2017, Thủy quyết định rời Hà Nội về xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu), mang theo hy vọng đóng góp phần công sức nhỏ bé cho quê hương. "Trước khi về Hoành Mô, tôi đã học một khóa nghiệp vụ sư phạm", cô Thủy nói.
Năm 2019, cô Thủy tham gia thi tuyển viên chức và được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Tin học tại trường Tiểu học Hoành Mô vào đầu năm 2020.
Cô Thủy tỉ mỉ hướng dẫn học sinh cách cầm chuột máy tính.
Để thuận tiện việc giảng dạy, cô Thủy được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu trang bị cho 7 máy tính xách tay. Năm học 2022-2023, những chiếc máy tính ấy theo cô trên suốt hành trình mang công nghệ thông tin tới các điểm trường để học sinh nào cũng có cơ hội thực hành.
"Với những điểm đông học sinh và đường đi thuận lợi, tôi thường chuẩn bị các miếng lót, rồi đặt máy tính xách tay trong thùng. Với điểm trường xa như Cao Sơn, Loòng Vài, đường đi khó, ít học sinh, tôi sử dụng 2 ba lô đựng 3 chiếc máy tính để bảo quản trên suốt chặng đường đi", cô Thủy tâm sự.
Hơn 2 tháng miệt mài mang công nghệ thông tin tới các điểm trường, cô chia sẻ buổi đi dạy đầu tiên ở điểm trường Cao Sơn luôn là kỷ niệm không bao giờ quên.
Đường đến điểm trường Cao Sơn khó đi nhưng mang lại rất nhiều cảm xúc cho nữ giáo viên 9X. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Lần đầu vượt qua quãng đường hơn 10km để đến điểm trường Cao Sơn cũng là điểm trường xa nhất, cô Thủy dậy từ sớm. Đường đi dốc, một bên là vực, một bên là núi rừng, suốt chặng đường gần như chỉ mỗi cô. Để át đi nỗi lo lắng, cô vừa đi vừa hát.
"Xe máy cũng không thể đi vào tới điểm trường, tôi phải gửi xe, đi bộ khoảng 15 - 20 phút, mang theo 3 chiếc máy tính. Ngày mưa đường lầy lộn, trơn trượt càng khó đi hơn. Trong cốp xe của tôi lúc nào cũng "thủ" sẵn bộ quần áo và đôi ủng", cô Thủy chia sẻ.
Với nhiều học sinh ở trường chính, máy tính quen thuộc với các em nhưng ở các điểm trường, nơi miếng ăn, cái mặc còn thiếu thốn, nơi học sinh phải địu em lên lớp học cùng thì máy tính là thứ gì đó rất xa lạ.
"Đây là tivi", câu nói của học sinh trong buổi học đầu tiên vẫn ở trong ký ức nữ giáo viên 9x tới giờ.
Sự hào hứng, niềm yêu thích của học sinh chính là động lực để cô Thủy gắn bó và yêu nghề "gõ đầu trẻ" hơn.
"Khi tôi hỏi về môn Tin học, các em đều lắc đầu. Lần đầu nhìn thấy máy tính, có em nói không biết, có em bảo là tivi. Các bộ phận của máy tính, cách cầm chuột... tôi phải dành nhiều thời gian hơn giảng dạy, hướng dẫn các em. Được sử dụng máy tính, xem những đoạn video thú vị, các em ai cũng hào hứng", nữ giáo viên kể.
Số lượng máy tính hạn chế, học sinh chỉ được tiếp xúc và thực hành máy tính trong giờ học nhưng sau hơn 2 tháng, với sự cần mẫn của cô Tin, các em đã thuần thục từng động tác.
"Tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc mình đang làm", nữ giáo viên người Tày khẳng định.
Có những ngày vượt quãng đường gần 1 tiếng đồng hồ để vào điểm trường Cao Sơn dạy tiết 3, cô Thủy lại tất bật chạy xe máy quay về điểm trường Loòng Vài cách đấy chừng 4-5 km, đường đi khó, dốc cao. Kết thúc tiết dạy, cô Thủy trở về nhà nghỉ ngơi rồi lại chuẩn bị giáo án, máy tính để buổi chiều đi dạy ở điểm trường khác.
"Vất vả là thế nhưng tôi rất thích đi dạy ở điểm trường lẻ. Sự háo hức, niềm vui của học sinh chính là động lực để tôi tiếp tục chặng đường mang công nghệ thông tin tới vùng sâu, vùng xa", cô Thủy chia sẻ và mong ở mỗi điểm trường sẽ có phòng học bộ môn Tin học để học sinh nhiều cơ hội thực hành máy tính hơn.
Cô giáo vượt qua nghịch cảnh, 28 năm lên lớp yêu trẻ Vượt qua nghịch cảnh đằng đẵng nuôi chồng và con trai bị bệnh tâm thần, cô giáo Lữ Thị Thúy vẫn ngày ngày miệt mài làm tốt công việc chăm lo cho trẻ mầm non. Trong chuyến công tác tại trường Mầm non xã Tam Văn (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa), cô Hoàng Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường đã cho chúng tôi...