Cô giáo 9X dạy tiếng Anh cho trẻ em quốc tế
Sau một năm dạy học tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nguyễn Hồng Mây đến nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ để dạy tiếng Anh cho trẻ em bản địa. Cô gái 9X đang lên kế hoạch tiến về Trung Á để dạy học.
Cô gái sinh năm 1991 Nguyễn Hồng Mây thường được bạn bè và gia đình gọi với cái tên thân thương – “Đám mây nhỏ”. Năm 2009, Hồng Mây thi đỗ Đại học Luật Hà Nội với số điểm khá cao. Sau 3 năm theo học ngành Luật, cô bạn tham gia chương trình Aupair tại Mỹ. Đây là chương trình cho phép sinh viên ở nhà người bản địa, làm việc và học tiếng Anh. Tại đây, nữ sinh làm gia sư cho con chủ nhà.
Trong 1 năm ngắn ngủi tại California, Hồng Mây đạt 7.0 IELTS. Cô bạn từ chối cơ hội được gia hạn visa để ở lại Mỹ và trở về Việt Nam hoàn thành bằng cử nhân Luật.
Trở về từ Mỹ, Hồng Mây thấy mình phù hợp việc dạy ngôn ngữ và làm việc với trẻ nhỏ hơn nghề “thầy cãi”. “Mình thích chơi với trẻ con và yêu thích việc truyền tải kiến thức cho học sinh”, cô gái tâm sự.
Chia sẻ mong muốn được trở thành giáo viên khi đang theo học chuyên ngành Luật với gia đình không phải chuyện đơn giản. Mọi người đều rất bất ngờ với quyết định của Mây.
“Mình đã hứa với bố mẹ sẽ hoàn thành chương trình đại học, nhưng tự lựa chọn công việc theo sở thích của bản thân”, cô bạn kể.
Video đang HOT
“Đám mây nhỏ” với những chuyến đi và dạy học cho trẻ em ở nhiều nước.
Dạy tiếng Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ
Có vốn tiếng Anh được nâng cao qua thời gian sinh sống tại Mỹ, Hồng Mây đăng ký sang Thổ Nhĩ Kỳ dạy ngoại ngữ này cho trẻ em. Điểm đến của cô bạn là trường quốc tế Gundogdu, tại tỉnh Adana.
Công việc chính của cô bạn nhỏ là dạy học sinh lớp 1 và lớp 2, tham gia các chương trình tập huấn giáo dục và hoạt động chung của nhà trường. Ngoài ra, Hồng Mây thường xuyên tới các ngày hội văn hóa để giới thiệu về đất nước Việt Nam.
Những ngày đầu của Hồng Mây tại đất nước mới khá khó khăn. Cuộc sống tại quốc gia cửa ngõ châu Âu nhiều mới mẻ.
“Từ đồ ăn, thức uống, cách chào hỏi, giao tiếp, ăn mặc đều khác biệt. Đặc biệt, rào cản ngôn ngữ là thứ làm khó mình nhất”, Hồng Mây nhớ lại và nói thêm – “mình phải vận dụng ngôn ngữ tay chân, các đồ vật xung quanh để giao tiếp”.
Hồng Mây cho hay, giáo dục ở Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam. Ở đây, học sinh từ tiểu học đến trung học đều ở lại trường ăn trưa, nhưng không nghỉ.
“Kể cả học sinh lớp 1 cũng không ngủ trưa. Các bé chạy nhảy và hoạt động liên tục, mình khá bất ngờ vì điều này”, cô bạn chia sẻ.
Đối với Hồng Mây, họp phụ huynh là trải nghiệm mới mẻ. Phụ huynh họp “tay đôi” với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Cô giáo phải chuẩn bị kỹ phần nhận xét về từng học sinh để trao đổi với gia đình.
“Mình là giáo viên tiếng Anh dạy cho 200 học sinh. Việc tiếp xúc từng ấy phụ huynh khá mệt, nhưng thực sự hiệu quả. Cuộc gặp mặt thế này yêu cầu giáo viên có sự theo dõi và quan tâm từng thành viên của lớp trong thời gian dài. Các con cũng có thể có mặt trong cuộc nói chuyện giữa cô giáo và cha mẹ. Mình được chuẩn bị phòng riêng và phiên dịch riêng nữa”, cô gái gốc Hà Nội nở nụ cười kể lại.
Những vất vả trong công việc tại đất nước xa lạ không hề ít. Áp lực trong công việc, sức khỏe gặp vấn đề, khản tiếng, mất giọng, những phản hồi chưa tốt về kỷ luật của các học sinh cá biệt trong lớp… là những khó khăn mà cô gái đến từ Việt Nam gặp phải.
“Mình từng cảm thấy suy sụp, khóc rất nhiều. Nhưng bạn bè, đồng nghiệp và chính học sinh người Thổ Nhĩ Kỳ đã an ủi, động viên mình”.
Hồng Mây và giấc mơ chinh phục châu Âu.
“Mình sẽ trở thành cô giáo”
Sau một năm làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Mây tiếp tục đăng ký chương trình Công dân toàn cầu tại Ba Lan, tiếp tục chinh phục giấc mơ châu Âu.
Cô bạn được nhận vào chương trình Exchange to Change của Ba Lan, cũng về lĩnh vực giảng dạy và trao đổi văn hóa.
Tạm biệt Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Mây lên đường với số tiền lương 1 năm tiết kiệm. Cô đi du lịch vòng quanh châu Âu.
“Đến nước nào mình cũng làm quen với các bạn bản xứ. Vì không có nhiều lộ phí, mình chọn cách ở nhà người dân”, “đám mây nhỏ” tiết lộ.
Đến nay, Hồng Mây đã kết thúc chuyến đi đến nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, cô bạn đang lên kế hoạch tiến về Trung Á. Đến nước nào, cô cũng dạy học cho trẻ em.
Khi hỏi về những dự định trong tương lai, Hồng Mây chắc chắn: “Mình sẽ trở thành cô giáo, không quan trọng được làm việc ở đâu, nhưng mình chắc chắn sẽ làm công việc truyền dạy kiến thức cho trẻ nhỏ”.
Theo Zing