Cô giáo 20 năm dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật
Cô giáo Phan Thị Phúc chuẩn bị cho tiết học múa hát cho các em. Ảnh: Tài Linh
Đã hơn 20 năm nay, vào những ngày cuối tuần cô Phan Thị Phúc (75 tuổi) vẫn lên lớp hàng ngày để dạy múa, dạy hát cho các em ở trong câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội, việc làm thiện nguyện của cô khiến bao người ngưỡng mộ và khâm phục.
Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội nằm trong một góc tại trường tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa – Hà Nội), vào mỗi ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần các trẻ em khuyết tật trên địa bàn Hà Nội lại sum họp về đây để học vẽ, học múa hát, tiếng anh… như bao đứa trẻ khác.
Lớp học được duy trì sĩ số từ 30 – 35 em học sinh đến sinh hoạt ngày cuối tuần, em lớn nhất năm nay cũng 30 tuổi, nhỏ nhất thì tầm 10 tuổi, tất cả các em đều sống như một gia đình, có anh có chị và có cả người mẹ 20 năm cần mẫn chăm lo cho các em những kĩ năng để hòa nhập vào cuộc sống, đó là “mẹ Phúc”.
Video đang HOT
Vốn là diễn viên của nhà hát kịch Tuổi trẻ, cô đã cùng đoàn đi diễn và dạy múa hát cho các em ở nhiều tỉnh thành khác nhau, trong một lần về dạy múa hát và giao lưu với các em tại trường tiểu học Trung Tự, cô đã nảy sinh ý định xây dựng câu lạc bộ Văn nghệ cho trẻ em khuyết tật.
Cô tâm sự: “Ngày ấy mình về trường tiểu học Trung Tự giao lưu và dạy múa hát cho các em nhỏ, nhận thấy một số em bị khuyết tật nhưng rất thích múa hát và có năng khiếu, tuy nhiên nếu sinh hoạt cùng với các trẻ bình thường khác thì các em không theo kịp nên mình mới nảy sinh ý định thành lập một câu lạc bộ riêng để cho các em khuyết tật sinh hoạt cùng nhau”.
Ý đinh xây dựng câu lạc bộ cứ lớn dần lên mỗi khi cô nghĩ về những ánh mắt hào hứng phấn khởi của các em nhỏ khi được dạy múa hát. Cô bắt đầu liên hệ với ban giám hiệu trường tiểu học Trung Tự và kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân đơn vị để xây dựng câu lạc bộ. Cô chia sẻ: “Mình trăn trở nhiều tháng ngày cho tới năm 1995 thì lập ra đội văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội (sau là Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội), mượn trường Tiểu học Trung Tự làm địa điểm sinh hoạt. Rồi đến tháng 3/1997 dưới sự ủng hộ và giúp đỡ của Tổ chức cứu trợ Mỹ thì câu lạc bộ chính thức được thành lập”.
Tuy nhiên để thành lập được câu lạc bộ cô cũng gặp phải không ít khó khăn, từ việc xin địa điểm, kêu gọi hỗ trợ tới việc vận động các em và phụ huynh đưa con em đến học. Mặc dù vậy nhưng bà vẫn luôn cố gắng với mong muốn có thể lấy văn nghệ làm cầu nối giúp các em hòa nhập với cộng đồng.
Ở lớp học cô Phúc không chỉ là cô giáo dạy múa hát dạy kĩ năng sống cho các trẻ em khuyết tật nơi đây, mà còn là một người mẹ hiền luôn quan tâm chăm sóc cho các em từng bữa ăn giấc ngủ. Có những ngày nắng nóng cô vẫn tranh thủ đi xin từng chiếc máy khâu cho các em học may, lên xí nghiệp xe buýt xin thẻ đi xe miễn phí cho các em đi lại, có em hoàn cảnh khó khăn quá cô mua tặng riêng một chiếc xe đạp cho tiện đi lại.
Cô Phan Thị Phúc tận tình chỉ dạy cho các em từng động tác múa. Ảnh: Tài Linh
Việc làm không lương thưởng, nhưng trên khuôn mặt cô vẫn luôn vui tươi và tràn đầy nhiệt huyết, cô tâm sự: “Mình làm việc trước tiên phải xuất phát từ cái tâm của mình, nhìn thấy hoàn cảnh của các em mình thương lắm, giờ câu lạc bộ sinh hoạt như một gia đình vậy, các em gọi mình là mẹ đó chính là phần thưởng lớn nhất đối với mình rồi”.
Cứ như vậy đã hơn 20 năm nay, lớp học luôn tràn đầy tiếng cười và niềm vui của các em nhỏ bất hạnh, có nhiều em đã trưởng thành và tìm được công việc cho riêng mình như làm ở công ty may, làm bảo vệ…có em thì tìm được hạnh phúc riêng của mình, kết hôn và có cuộc sống gia đình sống hạnh phúc.
Với những nỗ lực của cô Phúc và nhiều tình nguyện viên suốt thời gian qua, câu lạc bộ đã dành được rất nhiều giải thưởng với các huy chương vàng, bạc trong hội diễn dành cho người khuyết tật được tổ chức hàng năm.
Năm 2001 và 2002, câu lạc bộ phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức triển lãm ảnh do các em chụp với chủ đề “Vầng trăng khuyết” và “Bạn và tôi” được đánh giá cao và gây ấn tượng mạnh với nhiều người. Câu lạc bộ cũng thường xuyên quyên góp, ủng hộ những số phận thiệt thòi, đi hát phục vụ nhu cầu giải trí ở các Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật ở Hưng Yên, Hà Nội.
Không chỉ có cô Phúc mà rất nhiều tình nguyện viên đã tới đây dạy học miễn phí cho các em như thầy Dương Tử Long dạy vẽ cũng đã hơn 20 năm nay, em Trần Thiều Quang dạy tiếng anh cho các em ở đây cũng 3 năm, họ gắn kết với nhau bằng tình yêu thương, chăm sóc và che chở cho nhau như một gia đình.
Cô Phùng Thị Châu Loan (Thanh Trì, Hà Nội) – phụ huynh của em Đỗ Hoàng Hải chia sẻ: “Tôi đưa Hải đến học ở đây thấy con biết múa hát, lại ngoan và nghe lời hơn nên rất mừng chứ trước đây cháu thường cô lập, hay hò hét có quát mắng cũng không được. Có mẹ Phúc ở đây, bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi ai cũng mừng và cảm ơn cô nhiều lắm vì có cô thì các con tôi mới được như bây giờ”.
Theo laodong.com.vn