Cô giáo 20 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ mồ côi, khuyết tật
Theo học lớp cô Nga ở Vĩnh Long, những trẻ thiểu năng, bệnh Down, nhiễm HIV… đã biết đọc chữ, viết tên mình, tính đúng tiền khi bán vé số.
Cô Nga trong giờ dạy toán cho các học trò. Ảnh: Cửu Long.
Mỗi sáng, có gần 40 em đến học tại nhà cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (63 tuổi) ở phường 8, TP Vĩnh Long. Mỗi em đều có hoàn cảnh khó khăn riêng.
Trong đó, Phan Thị Bảo Yến (19 tuổi) hay bị co giật do bệnh động kinh, theo học cô Nga được hai năm. “Giờ con rất vui vì viết tên mình được rồi, làm toán cộng trừ hai chữ số luôn”, Yến nói và cho biết ước mơ sau này lớn lên sẽ làm giáo viên như cô Nga.
Còn Nguyễn Long Toàn đã 31 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như một đứa trẻ. Toàn bị tâm thần nhẹ, nhưng gia đình nghèo khó không có điều kiện chạy chữa, cũng không được đến trường. Mỗi sáng, Toàn đến nhà cô Nga học, chiều đi bán vé số. “Mấy năm theo học với cô em đã biết được chữ, biết đếm và cộng tiền bán vé số rồi, không còn bị người ta lừa gạt mất tiền như trước nữa”, Toàn bộc bạch.
Trường hợp đặc biệt khác, cô bé 11 tuổi đang mang trong mình căn bệnh HIV do lây nhiễm từ cha mẹ. Cha mẹ mất để lại em cùng bà ngoại nương tựa lẫn nhau. Do bệnh tiểu đường, người bà bị mờ mắt nhưng phải đi nhặt phế liệu để bán kiếm tiền sống qua ngày. Hay em Mộng Trinh dù bệnh thiểu năng bẩm sinh nhưng phải đi bán vé số nuôi bà ngoại già yếu, nằm liệt giường…
Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, từng đi vận động học sinh đến trường, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, cô Nga chứng kiến những thiệt thòi của trẻ tật nguyền, thiểu năng trí tuệ, lang thang cơ nhỡ và nhen nhóm ý định mở lớp dạy chữ miễn phí cho những người kém may mắn này.
Học trò Nguyễn Long Toàn (31 tuổi) được cô Nga kèm viết chữ. Ảnh: Cửu Long.
Năm 1999, cô trình bày dự định của mình với các ban ngành ở địa phương và được chấp nhận, tạo điều kiện. Ngay trong năm, lớp học đầu tiên được mở, với 16 em nhỏ bán vé số, ăn xin, bệnh thiểu năng.
“Lúc đầu nhiều phụ huynh chưa tin tưởng; thậm chí, có người nói tôi dạy không giống ai, bởi những đứa không bình thường như vậy làm sao mà học hành”, cô Nga nói và cho biết bản thân vẫn quyết tâm, kiên trì làm hết sức mình vì các học trò kém may mắn này bằng cả tấm lòng.
Video đang HOT
Cách dạy học thông thường không thành công vì các em học trước quên sau, khi căng thẳng thì rất dễ nổi nóng, không kiểm soát được hành vi. Nhiều đêm thức trắng, cô đã suy nghĩ và tự soạn giáo án cho mình riêng để dạy cho các học trò “đặc biệt”.
Từ đó, các buổi học của cô trò không còn cứng nhắc, khô khan nữa, mà đan xen với những trò chơi, tặng quà, ca hát, kể chuyện, vẽ tranh… Buổi học càng trở nên sinh động, các học trò hào hứng, thích thú và muốn đến lớp đều đặng mỗi ngày.
Để có nơi học tập thoải mái, cô đã dành dụm tiền mở rộng phần mái che tại nhà, bố trí bàn, ghế, bảng; nơi nghỉ ngơi, xây nhà vệ sinh riêng cho các trò tiện sử dụng.
“Tiếng lành đồn xa”, lớp học của cô tạo được lòng tin với xã hội nên số lượng các em theo học ngày càng đông, không bó hẹp ở phường 8 mà khắp TP Vĩnh Long. Đến nay, lớp học của cô đã dạy cho trên 700 học sinh “đặc biệt”.
“Mình luôn tạo sự gần gũi bằng tình cảm thực sự để các em có thể hiểu và cảm nhận được”, cô Nga nói và chia sẻ bản thân rất vui khi thấy sự biến chuyển rõ nét về khả năng đọc viết và sự lễ phép, vâng lời, biết giúp đỡ bạn bè người thân của các học trò.
Các học trò rất quý mến cô Nga. Ảnh: Cửu Long.
“Con gái tôi 16 tuổi, bị bệnh thiểu năng, ở nhà ít nói lắm, hay cộc cằn phá phách. Vô đây học mấy năm, thấy cháu hòa nhập được với mọi người, vui tươi nhiều hơn, biết vâng lời. Đó là công lao dạy dỗ của cô Nga”, bà Huỳnh Ngọc Nguyệt (mẹ của bé Huỳnh Ngọc Trâm) nói.
Từ những việc làm của mình cho xã hội, năm 2018, cô Nga là một trong ba người ở miền Tây vinh dự được nhận giải thưởng Kova lần thứ 16 ở hạng mục “Sống đẹp”. Nữ giáo viên về hưu mong ước có nhiều sức khoẻ để tiếp tục chăm lo cho những học trò kém may mắn, chịu nhiều thiệt thòi này.
Ông Nguyễn Trung Dân, Phó chủ tịch HĐND phường 8 (TP Vĩnh Long) cho biết, gia cảnh cô Nga không khá giả, còn phải chăm lo cha già bệnh tai biến. Nhưng ròng rã 20 năm qua, cô thầm lặng mở và duy trì lớp học tình thương miễn phí cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở TP Vĩnh Long mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
“Việc làm của cô đã khiến nhiều người khâm phục và xứng đáng là một tấm gương sống đẹp”, ông Dân nhận xét.
Giải thưởng KOVA được tổ chức thường niên do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và PGS Nguyễn Thị Hòe sáng lập vào năm 2002.
Từ năm 2012 đến nay, Ủy ban giải thưởng KOVA do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đảm nhiệm vị trí Chủ tịch. Ngoài ra, còn có sự tham gia của lãnh đạo của các cơ quan với vai trò thành viên ủy ban giải thưởng.
Giải thưởng năm 2018 được trao cho 4 hạng mục gồm: “Kiến tạo” dành cho cá nhân, tập thể có công trình nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng thực tiễn; “Sống đẹp” dành cho những cá nhân, tập thể có việc làm cao đẹp, nhân văn; “Triển vọng” dành cho sinh viên xuất sắc có thành tích nghiên cứu khoa học và “Học bổng, nghị lực” dành cho sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.
Cửu Long
Theo VNE
Các ý tưởng hay vì giáo dục tranh tài 100 triệu đồng
Các ý tưởng về bàn học cải tiến, đèn học thông minh, hệ thống xác định bằng cấp bằng blockchain, thiết bị dạy học cho người bị bệnh down...đã có phần thuyết minh và trả lời câu hỏi trước hội đồng chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 vào chiều ngày 9/11.
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục 2018" do Trung ương Đoàn phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm khuyến khích các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho ngành giáo dục. Năm 2018 là năm thứ ba chương trình được triển khai.
Vòng thi chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 diễn ra vào ngày 9/11 tại Hà Nội.
14 công trình được chọn vào vòng chung kết "Tri thức trẻ vì giáo dục 2018" là các công trình xuất sắc nhất trong số 401 hồ sơ dự thi năm nay. Trong 14 các công trình, sáng kiến vào vòng chung khảo, có 02 công trình đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, 10 công trình là sản phẩm sáng tạo phục vụ dạy học và 02 công trình nghiên cứu về giáo dục.
Thành viên Hội đồng chung khảo gồm những chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực giảng dạy, quản lý giáo dục, phản biện xã hội. Đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên hội đồng chung khảo có sự tham gia của một nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Hội đồng chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục 2018.
Tại vòng chung kết, các tác giả có 5 phút để thuyết trình trước hội đồng chung khảo. Sau đó, các tác giả phải trả lời câu hỏi của hội đồng chung khảo. Vòng thi chung khảo năm nay tiếp tục có sự tham gia của báo chí. Giải thích về điều này, ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Marketing của Tập đoàn Thiên Long cho biết: "Vòng chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 sẽ tiếp tục đón các cơ quan báo chí tham dự, từ đó các anh chị phóng viên có cái nhìn chi tiết về các công trình thông qua phần trình bày của từng tác giả, nhóm tác giả cũng như phần phản biện, đánh giá của hội đồng chung khảo uy tín. Nhờ hoạt tuyên truyền của các cơ quan báo chí, xã hội sẽ hiểu hơn về năng lực và tâm huyết đóng góp cho ngành giáo dục của những người trẻ".
Ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long.
Qua phần thi của mình, nhiều tri thức trẻ đã bộc lộ nhiều trăn trở và tâm huyết trong việc tìm kiếm các giải pháp cải thiện hoạt động dạy và học. Bạn Lê Thanh Nhã và Lê Huỳnh Mai Tâm (lớp 12, từ TP.HCM) cho biết: "Chứng kiến cảnh các bạn học sinh lo lắng, đổ mồ hôi tay trước một môn học và ngay cả bạn thân cũng "sợ học" nên chúng em quyết định thực hiện công trình "Nguyên nhân, tác động của hội chứng Sophophobia (sợ học) lên học sinh THPT và đề xuất hướng khắc phục". Không chỉ đầu tư tâm huyết, nhiều tác giả cho biết đã bỏ nhiều tiền để phát triển các công trình.
Còn đối với cô giáo Dương Thị Thu (Hà Nội), sau một lần ghé thăm làng trẻ Hòa Bình, cô Hà đã tự mày mò để chế tạo nên thiết bị PSE giúp trẻ mắc hội chứng down học kĩ năng sống.
Trước phần trình bày của các thí sinh, ban giám khảo đã đặt ra nhiều câu hỏi "hóc búa" để làm rõ tính hiệu quả các từng công trình. Đồng thời, hội đồng chung khảo còn đưa ra nhiều đóng góp, gợi mở hướng phát triển công trình trong tương lai.
Đánh giá về chất lượng công trình chung khảo, TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá:"Sau ba năm chấm thi Tri thức trẻ vì giáo dục, tôi nhận thấy năm nay, có nhiều biến đổi phù hợp xu hướng phát triển công nghệ. Năm nay, nhiều công trình tích hợp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và thậm chí là blockchain. ban giám khảo mong muốn các tác giả quan tâm nhiều hơn đến tính thương mại hoá"
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết: "Năm nay, chương trình thu hoạch lớn về số lượng công trình với hơn 400 công trình. Về chất lượng, năm nay, những công trình ứng dụng công nghệ chiếm ưu thế với tính hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các công trình sáng chế mang tính thủ công cũng rất sáng tạo, đơn giản, phù hợp với điều kiện ở các vùng sâu, vùng xa".
Kết quả chung cuộc sẽ được công bố trong Lễ trao giải Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018 diễn ra vào tối ngày 11/1 tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Hà Nội sẽ diễn ra lễ trao giải "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018. Tối đa 05 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất nhận giải thưởng trị giá 100 triệu đồng cùng bằng khen của Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn lại các tác giả lọt vào vòng chung khảo sẽ nhận được phần thưởng trị giá 10 triệu đồng cùng bằng khen của Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong khuôn khổ chương trình, sáng ngày 10/11, các tác giả vào vòng chung khảo đã có cuộc gặp mặt với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa để trình bày về các công trình. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho đề cao những đóng góp tích cực cuộc thi ở cả ba nhóm đối tượng và năm na y có nhiều hơn start-up, chứng tỏ sự lan tỏa của chương trình này thu hút các bạn trẻ.
Theo Dân trí
Những thầy cô hết lòng vì học sinh khuyết tật Trăn trở lớn nhất của nhiều thầy cô giáo là tìm cách xoa dịu những thiệt thòi của các học trò kém may mắn để các em tiến bộ mỗi ngày và hòa nhập với cộng đồng. Trong tháng 10/2018, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô 2018" tổ chức chuyến đi thăm thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật khắp mọi miền...