Cô giáo 16 năm dạy trẻ khuyết tật
Từ giáo viên dạy Văn cấp THCS, cô Ái Vân hạnh phúc khi được chuyển sang dạy trẻ khuyết tật, dù người thân lo lắng.
“Tôi vẫn nhớ như in cảm giác xấu hổ, nghẹn ứ ở cổ khi trách nhầm một học sinh bị khuyết tật, nghĩ em bắt nạt mình. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một đứa trẻ không bình thường và đó cũng là giây phút ân hận mà cả đời không thể quên”, cô Nguyễn Thị Ái Vân, vừa lấy tay lau nước mắt, vừa nói.
Sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ nhưng quãng thời gian đáng nhớ nhất của cô lại thuộc về Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái – nơi cô đang công tác. Nhớ lại ngày đầu làm việc ở trung tâm, cô Vân không khỏi xúc động.
Cô Ái Vân chia sẻ về 16 năm gắn bó với trẻ khuyết tật. Video: Dương Tâm
“Cái duyên” giúp cô giáo dạy Văn gắn bó với trẻ khuyết tật
Tốt nghiệp ngành Văn – Sử Cao đẳng Sư phạm Yên Bái năm 1998, cô Vân được phân công giảng dạy tại trường THCS xã Cảm Ân (Yên Bình, Yên Bái). Giờ dạy đầu tiên của cô không phải là Văn hay Sử mà là Sinh học và Kỹ thuật nông nghiệp lớp 7, do trường thiếu giáo viên. Tim đập mạnh, bàn tay run run, bước chân ngập ngừng, cô cố gắng lấy bình tĩnh sau khi cả lớp đồng thanh chào.
Vừa bước lên bục giảng, cô Vân nghe tiếng một học sinh xin vào lớp do đến muộn. Ngoảnh mặt nhìn ra cửa, cô thấy một cậu bé với dáng đứng khệnh khạng, mặt đỏ bừng. Cả lớp bắt đầu có tiếng xì xào. Cô Vân nghĩ chắc cậu bé này định bắt nạt giáo viên mới. Dù vẫn cho học sinh vào lớp, cô nói nhanh theo “Yêu cầu em nghiêm túc, đi thẳng người lên”.
“Cả lớp cười ồ, cậu học trò mặt càng đỏ, mắt chớp dồn như muốn khóc. Rồi bạn lớp trưởng đứng lên giải thích do chân bạn bị tật chứ không có ý gì. Lúc đó, tôi có một cảm giác rất khó tả. Cả lớp im bặt, còn tôi chỉ biết vội xin lỗi và nhanh chóng vào giờ dạy”, cô Vân nhớ lại.
Sau thời gian tìm hiểu, cô Vân mới biết cậu bé dân tộc Tày bị khuyết tật vận động bẩm sinh, chân bên trái bị teo, mỗi bước đi, đầu gối sát xuống mặt đất khiến em bước cao bước thấp. Đó là học sinh đầu tiên cho cô khái niệm về người có nhu cầu đặc biệt.
Cô Nguyễn Thị Ái Vân trong một giờ giảng Văn. Ảnh: Dương Tâm
Việc gặp một học sinh khuyết tật ở ngôi trường THCS bình thường là chuyện bất ngờ. Cô Vân lại càng bất ngờ hơn nữa khi đến tháng 10/2002 được điều động về công tác tại Trung tâm nuôi dưỡng giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (tiền thân của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ngày nay).
Trước sự lo lắng của nhiều người thân, bạn bè, cô Vân vẫn tỏ ra bình tĩnh và coi đó là một cái duyên khi từng có học trò bị khiếm khuyết. Được tham gia nhiều khóa học nghiệp vụ về giáo dục hòa nhập, cô giáo sinh năm 1976 càng tin tưởng hơn bản thân có thể giúp đỡ các em. Và 16 năm gắn bó ở trung tâm là minh chứng cho điều đó.
Người mẹ thứ hai trong mắt học sinh
Chị Nguyễn Thị Lụa, cán bộ hành chính, đồng thời là học sinh khóa đầu tiên của trung tâm, luôn coi cô Ái Vân như người mẹ thứ hai nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh, người đã “tái sinh”, giúp chị có được công việc ổn định và cuộc sống lạc quan như ngày hôm nay.
Có dị tật và bị bệnh tim, chị Lụa đã phải trải qua thời gian khó khăn. Năm học lớp 8, có một đêm bệnh phát, chị không thể thở được, chân tay co quắp, người gồng hết sức. Cô Vân đã phải thức đến sáng ngồi trông nom, xoa nắn chân tay, làm mọi biện pháp để chị trở lại trạng thái bình thường, đồng thời vẫn đảm bảo giấc ngủ cho các bạn xung quanh.
“Ở trung tâm, các cô giáo phải thay phiên nhau trực 24/24h, hỗ trợ học sinh từ việc tắm rửa, giặt giũ đến đi lại, học tập. Với trẻ khuyết tật, chuyện ốm đau, khóc lóc, đòi bỏ trốn, không chịu học bài vì chán nản diễn ra như cơm bữa nên các cô chịu vất vả nhiều. Nếu không tâm huyết và kiên nhẫn, có lẽ không ai có thể theo nghề tới 16 năm như cô Vân”, chị Lụa nói.
Cô Ái Vân bên các học sinh đặc biệt của mình. Ảnh: Dương Tâm
Chính sự hy sinh của cô Vân cùng các giáo viên ở trung tâm đã cho chị Lụa động lực để học tập, đỗ ngành Tin học ứng dụng của Cao đẳng Sư phạm Yên Bái rồi quay trở lại trung tâm làm việc.
Ngược lại, những học sinh như chị Lụa cũng khiến cô Ái Vân có thêm động lực để gắn bó với trẻ khuyết tật, dù cho suốt 16 năm qua vẫn có những người không lý giải được tại sao cô có thể đi qua quãng đường khó khăn dài đến vậy.
“Tôi luôn tin rằng ngọn nến thẳng hay cong, khi được thắp lên thì đều cháy sáng lung linh. Và tôi sẵn sàng đánh đổi để được thắp lên niềm vui, ước mơ cho những đứa trẻ đặc biệt. Dạy dỗ các em, tôi có được niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có”, cô Vân nói.
Năm 2018, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô nhằm tuyên dương 63 thầy, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm bảo trợ xã hội và hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Cô Nguyễn Thị Ái Vân là một trong 63 giáo viên được vinh danh.
Trước đó trong ba năm 2015, 2016 và 2017, Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô đã tuyên dương 166 giáo viên công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo, các trường học trên đảo và các cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác dạy học giúp đỡ học sinh đến trường. Mỗi thầy cô đượcđược nhận một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dương Tâm
Theo Vnexpress
Dành yêu thương để trẻ khuyết tật hòa nhập
Trong những năm gần đây, giáo dục cho trẻ khuyết tật khắp thế giới có xu hướng chủ yếu tiến tới giáo dục hòa nhập - để cho trẻ khuyết tật học tập trong cùng một lớp học với các trẻ phát triển bình thường.
Đây là một bước tiến lớn trong quá trình phát triển giáo dục cho các nhu cầu đặc biệt, khi sự tách biệt và các trường chuyên biệt đã trở thành phương pháp chính trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, việc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật còn gặp nhiều rào cản.
Nhiều trở ngại khi trẻ khuyết tật học hòa nhập
Giáo dục hòa nhập cho phép mọi trẻ em, trẻ khuyết tật cũng như trẻ bình thường được học tập trong cùng một môi trường, nơi các điều kiện được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của trẻ em khuyết tật. Thế nhưng, việc trẻ khuyết tật học hòa nhập vẫn gặp nhiều rào cản.
Thầy giáo Phùng Hải Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, trẻ khuyết tật khi học hòa nhập còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Khó khăn đầu tiên xuất phát từ những hạn chế từ ban giám hiệu trong hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập như không có chuyên môn riêng, chưa được đào tạo, tập huấn về cách giáo dục trẻ khuyết tật; Sự hiểu biết về tâm lí, thói quen, sở thích của trẻ khuyết tật còn hạn chế. Chỉ đạo giáo viên còn lúng túng về phương pháp dạy, hình thức tổ chức dạy, cách đánh giá trẻ khuyết tật.
Khó khăn thứ hai là những hạn chế của phụ huynh trong hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập như: Việc chăm sóc, quan tâm tới các con không đúng cách, mới chỉ tập trung các nhu cầu ăn mặc, ở...; Một số phụ huynh thể hiện tiêu cực như buông xuôi về việc giáo dục; dọa nạt, chửi bới, dùng roi vọt với các con. Mặt bằng trình độ phụ huynh ở trường hạn chế nên rất ngại tiếp xúc với giáo viên để cùng trao đổi với GV về con.
Cần phát triển mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật
Để cải thiện giáo dục cho trẻ khuyết tật, theo thầy Phong, cần nâng cao nhận thức về quyền của trẻ khuyết tật và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; Xây dựng năng lực cho giáo viên trường học, hiệu trưởng và cán bộ giáo dục, đảm bảo môi trường giáo dục tốt hơn cho trẻ khuyết tật; Phát triển mô hình giáo dục hòa nhập hỗ trợ cho trẻ khuyết tật.
Báo cáo về thực trạng giáo dục hòa nhập và nhận thức của các bên liên quan về quyền của trẻ khuyết tật và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật đã được hoàn thành sau khi khảo sát 5 trường tiểu học của huyện Ba Vì và 4 trường tiểu học của thành phố Huế có thực hiện giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, cho thấy, với mỗi học sinh khuyết tật, không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nên giáo viên phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của học sinh, từng năm học...
Các cuộc họp hằng tháng cho cha mẹ của các trẻ khuyết tật nhằm chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy và hỗ trợ trẻ khuyết tật trong học tập đã được tổ chức. Thực tế, các cuộc họp đã giúp phụ huynh có cách nhìn tích cực, toàn diện hơn và nâng cao nhận thức cho phụ huynh về trẻ khuyết tật. Các phụ huynh mong đợi có nhiều hoạt động hơn, mở rộng đối tượng trẻ từ cấp 1 lên cấp 2, 3... cũng như mở rộng khu vực tới nhiều địa bàn hơn nữa.
Thầy giáo Phùng Hải Phong kiến nghị, cần tổ chức tập huấn cho phụ huynh về cách nhận biết các dạng khuyết tật, cách tương tác, chăm sóc... cho trẻ khuyết tật.
Bên cạnh đó, cần thay đổi phương pháp hỗ trợ học sinh khuyết tật như nhà trường tham mưu với UBND xã để xác định dạng tật cho trẻ; Tìm hiểu kĩ hoàn cảnh của từng trẻ để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân (GDCN).
Thực tế tại Trường Tiểu học Vật Lại, nhà trường đã lập được kế hoạch GDCN cho 9 học sinh khuyết tật, Ban giám hiệu kiểm tra duyệt kế hoạch GDCN của từng học sinh. Hàng quý nhà trường tổ chức họp giữa GV và phụ huynh HS để cùng nắm bắt kết quả giáo dục, thống nhất lại mục tiêu, thống nhất phương pháp giáo dục.
Chính vì thế, trong học tập học sinh đã tự tin hơn, đã biết cầm phấn, cầm bút chì để viết, nhớ và viết được, đếm, đọc, viết được các số từ 1 - 9. Nhận biết được hình vuông, hình tròn... nhận biết được các dấu , -, = trong toán học. Có kĩ năng sống để hòa nhập cộng đồng. Biết tự phục vụ bản thân như: Ăn mặc gọn gàng sạch sẽ. Có khả năng sống tự lập; Có thêm nhiều bạn trong lớp hỗ trợ và chơi chung với trẻ khuyết tật.
Đánh giá kết quả sau khi được tập huấn về kỹ năng tương tác với trẻ khuyết tật, giáo viên các Trường Tiểu học tại huyện Ba Vì và giáo viên của Trường Tiểu học Thuận Thành, Thuận Hòa ở thành phố Huế đã xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật và bước đầu đã có những chuyển biến như giáo viên đã lập được đề thi học kỳ I năm học 2017 - 2018 dành riêng cho trẻ khuyết tật.
Lê Đăng
Theo giaoducthoidai.vn
Hà Nội: Thi vào lớp 10 chuyên phải qua 2 vòng Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 do UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt, thí sinh chuyên trải qua 2 vòng tuyển sinh. Vòng 1 là tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ. Vòng 2 là tổ chức thi tuyển...