Cô giáo 16 lần đạt chiến sĩ thi đua
Cô Ngô Song Đào, sinh năm 1971, GV Trường TH-THCS Phước Hiệp (H. Mỏ Cày Nam, Bến Tre) là một trong những tấm gương nhà giáo tiêu biểu về tình yêu thương dành cho học trò và đổi mới sáng tạo trong dạy học.
Cô Ngô Song Đào- GV Trường TH-THCS Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre).
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghề giáo và cô Đào là thế hệ thứ 3 nối nghiệp ông và cha mình. Cô tâm sự: “Ngày xưa, gia đình cô rất nghèo, 2 chị em đi học mà mỗi người chỉ có một chiếc áo để mặc, duy nhất có mỗi cây bút mực bơm để dùng.
Cứ mỗi sáng chị bơm mực xong đem đi học, đến trưa trên đoạn đường trở về nhà, cũng là lúc cô đem bình mực lên lớp và hai chị em cứ thế trao viết cho nhau để đến trường”.
Thời bao cấp không đủ ăn, không đủ mặc nhưng hình ảnh thầy cô giáo chăm chút, nâng niu dạy cô từng lời ăn tiếng nói, từ cách học đến nắn nót từng nét chữ, cùng truyền thống gia đình đã giúp cô yêu và phấn đấu trở thành nhà giáo.
Giáo viên Ngô Song Đào tại sự kiện Phụ nữ Việt Nam khát vọng & phát triển (Ảnh: NVCC)
Video đang HOT
Trong quãng đời gần 30 năm dạy học, có lẽ giai đoạn khó khăn nhất với cô Đào là 7 năm đầu mới ra trường. Tốt nghiệp CĐSP năm 1991, cô về dạy tại một trường nhỏ ở vùng nông thôn của xã Phước Hiệp. Ngôi trường mái lá xiêu vẹo, dột nát. Vào mùa nước nổi, thầy trò xắn áo quần lội nước vào lớp vì cả sân trường đều là nước.
Học sinh gầy guộc, đen nhẻm, tay chân dính đầy phèn, lem luốc lội đến trường đến lớp. Thương trò, cô Đào tìm cách giúp cho học sinh vùng quê mình không bị thiệt thòi so với các em học sinh thị trấn.
Nghĩ là làm, cô Đào bắt đầu nỗ lực tìm tòi nghiên cứu các giải pháp, cách dạy học phù hợp với điều kiện thiếu cơ sở vật chất, đồng thời sáng chế các đồ dùng học tập để giúp học trò mình học tốt được. Ngoài công việc giảng dạy, cô còn tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội, giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học tại tỉnh nhà.
Cô tổ chức các hoạt động quyên góp từ những năm 2010. Đầu năm học mới cô làm chương trình “áo mới ngày khai giảng”, qua đó giúp học sinh ngày khai giảng năm học mới có áo mới để mặc. Với những em sinh viên nghèo hiếu học, rời quê nhà lên thành thị học tập cô cũng hỗ trợ mỗi em 1 triệu đồng/mỗi tháng, cứ thế mà chương trình tiếp sức sinh viên nghèo đã được cô duy trì 5 năm nay.
Bên cạnh đó, cô còn thường làm các hoạt động thiện nguyện cho người cao tuổi, tặng bảo hiểm cho học sinh khó khăn tại trường…
Gần 30 năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, cô giáo Ngô Song Đào đã 16 lần đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 5 Bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre, 1 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và 1 Bằng khen của Bộ GD&ĐT.
Chia sẻ về nghề, cô Ngô Song Đào cho biết: “Giáo viên là người truyền cảm hứng cho học sinh qua nhân cách, tri thức của mình, là mô hình mẫu sống động nhất của học sinh. Do đó, người giáo viên phải luôn luôn phấn đấu, nỗ lực học tập cả về tri thức lẫn nghệ thuật giảng dạy, tôi luyện nhân cách để thực sự là tấm gương tốt cho các em noi theo.”
Cũng theo cô Đào, đất nước đang hội nhập với thế giới, ngành giáo dục phải đào tạo ra những thế hệ học sinh có kỹ năng, năng lực giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, nên đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, năng lực vững vàng, luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, phải tự thay đổi mình cho phù hợp hơn.
Mặc dù chương trình mới hiện có những phản ánh này kia, nhưng cần hiểu rằng đa số cái gì mới bắt đầu thì không bao giờ hoàn mỹ được, phải qua giai đoạn, 1 năm, 2 năm mới hoàn chỉnh. Tất cả những giáo viên thế hệ trước đó, đều phải cố gắng bắt kịp phương thức mới và cuối cùng đã làm tốt. Trước cái mới, dù có khó khăn, thầy cô cũng đừng có nản lòng.
Niềm vinh dự khi tiếp bước nghề giáo
Cô Nguyễn Thị Kim Hoàn, giáo viên Trường THCS Quản Cơ Thành, huyện Châu Thành (An Giang) là thế hệ thứ 3 trong gia đình làm nghề giáo. Đối với cô, được dạy học là niềm vinh dự tiếp nối truyền thống gia đình.
Cô Nguyễn Thị Kim Hoàn cùng học trò.
Cô Nguyễn Thị Kim Hoàn (sinh năm 1968), giáo viên Ngữ văn Trường THCS Quản Cơ Thành, huyện Châu Thành (An Giang). Cô sinh ra và lớn lên trong gia đình có 2 thế hệ làm nghề giáo. Chính vì thế mà 4 chị em cô Kim Hoàn luôn nhìn vào những tấm gương sáng đi trước và truyền thống gia đình để cả 4 chị em tiếp tục phấn đấu, học tập, tiếp nối theo nghề.
Trò chuyện với cô Nguyễn Thị Kim Hoàn về nghề giáo, như có nguồn năng lượng tích cực lan toả đến với người nghe. Ngọn lửa yêu nghề, đam mê với nghề lại "bừng sáng".
Đến với nghề giáo bằng niềm đang mê và nhiệt huyết, đối với cô Hoàn, dù gian khó thế nào cũng cố gắng vượt qua. Trong quãng đời gắn bó với nghề giáo, đó là bầu trời "màu hồng", cô chưa bao giờ cảm thấy thất vọng về nghề. Chưa một lần cô có ý định bỏ nghề trong suốt 31 năm đứng trên bục giảng.
Cô Hoàn kể, từ thời học tiểu học, cô đã được các thầy cô giáo dạy môn Văn truyền cảm hứng, động lực và kiến thức về nghề giáo. Đặc biệt, khi còn bé cô rất thích đọc sách, bởi vì khi đọc sách cô thấy mình được mở mang nhiều kiến thức và hiểu biết. Thêm vào đó, truyền thống gia đình, ông bà và cha mẹ cô đều là giáo viên. Mỗi khi ngồi nghe những lời chia sẻ về nghề đã góp phần tạo động lực thúc đẩy cô đến với nghề, yêu nghề và chọn nghề giáo làm sự nghiệp của cuộc đời mình.
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, cô Hoàn trở lại trường cũ nơi mình từng học. Đây cũng là nơi mà cô ấp ủ nghề giáo và mong muốn tiếp nối nghề nghiệp của gia đình. Đó cũng là động lực để cô phấn đấu không ngừng.
Sau 31 năm trong công tác giảng dạy của mình, cô Kim Hoàn luôn nhắn nhủ với các thế hệ sau. Cô hy vọng và mong rằng thế hệ sau tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học, tấm lòng tri ân dành cho thầy cô. Khoa học ngày càng phát triển, nhiều khi các em trẻ có suy nghĩ mới nhưng nên nhớ ơn thầy cô giáo, cha mẹ đã giúp mình có được những gì trong hôm nay.
Các em nên giành một tình cảm, sự trân trọng nhất, yêu mến nhất đến thầy cô của mình. Điều đó không chỉ hỗ trợ thêm về giá trị tinh thần mà còn là động lực cho các thầy cô tiếp tục cống hiến hết mình...
Cô Nguyễn Thị Kim Hoàn, Giáo viên Trường THCS Quản Cơ Thành, huyện Châu Thành (An Giang).
Cô Nguyễn Thị Kim Hoàn chia sẻ, tới đây gia đình cô sẽ tiếp nối thế hệ thứ 4 theo nghề giáo. Người con trai thứ của cô đang học lớp 12 chuyên Toán có ước mơ tiếp nối nghề giáo của cha mẹ để làm giáo viên dạy môn Toán.
Khi nhận được thư mời tham dự Chương trình "Thay lời tri ân năm 2020", cô Kim Hoàn rất xúc động, vui mừng và cảm thấy rất vinh dự. "Đây là niềm tự hào sau bao nhiêu năm cống hiến với nghề giáo. Đây là niềm cổ vũ, ưu ái của ngành giành cho cho mình và nhiều nhà giáo trong cả nước. Mình rất nôn nao và mong được giao lưu với các thầy cô khắp mọi miền đất nước trong chương trình ý nghĩa này". - cô Kim Hoàn chia sẻ.
Từ năm 1989 đến nay, cô Nguyễn Thị Kim Hoàn đã 18 lần đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở và 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2015 - 2016 và 2018 - 2019). Ngoài ra, cô còn nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ GD&ĐT năm học 2016 - 2017 và nhiều bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh, UBND tỉnh An Giang. Hiện cô Kim Hoàn cũng đang được đề nghị danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2020.
Cô còn tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy: Từ 2007 đến nay có 10 sáng kiến đã đạt cấp huyện, 3 sáng kiến được nghiệm thu cấp tỉnh. Đạt giải nhất cấp Quốc gia năm 2017 của Hội thi dự án kiến thức liên môn. Cô cũng được UBND tỉnh trao nhận Huy hiệu "Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh An Giang năm 2017".
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy: "Tôi đến với nghề bằng tình cảm trân quý" Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy- GV Trường THPT chuyên Trần Phú là một trong những tấm gương nhà giáo tiêu biểu của TP Hải Phòng. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy. Với những thành tích giáo dục đáng tự hào, cô Thúy góp phần vào việc khẳng định thương hiệu Trường chuyên Trần Phú nói riêng và sự phát triển của ngành...