Cô giáo 14 năm dạy học: ‘Nghề giáo quá áp lực’
Hôm nay, một đồng nghiệp của cô Thảo đi xuất khẩu lao động vì không thể chịu được quá nhiều bất cập của nghề, lương tháng chỉ 4,1 triệu đồng.
Ngày 16/11, tại hội thảo về Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên Việt Nam hiện nay do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức, cô giáo Dương Thị Phương Thảo (trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình, Hà Nội) gây xúc động mạnh bởi những chia sẻ chân thực về công việc.
Ngày 19/11 ba năm trước, trong khi tất cả đồng nghiệp đang liên hoan tưng bừng mừng lễ hiến chương thì cô phải ở trường đến hơn 19h để trang trí phòng học, dặn dò một số học sinh cốt cán chuẩn bị cho buổi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố 2 ngày sau đó. “Hôm đấy cũng là sinh nhật đầu tiên của con gái của tôi. Tôi đã khóc, chưa bao giờ cảm thấy nghề giáo lại khổ sở, áp lực như thế”, cô giáo bắt đầu câu chuyện.
Cô cho biết, mỗi năm giáo viên THCS phải đối mặt với hàng chục kỳ thi lớn nhỏ, từ lĩnh vực chuyên môn đến cuộc thi không chuyên như: thi tìm hiểu pháp luật, giao thông, công đoàn… Vừa trực tiếp tham gia, giáo viên còn phải hướng dẫn học sinh làm bài thi để nộp cho đủ chỉ tiêu.
Giáo viên Dương Thị Phương Thảo (trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ về áp lực nghề nghiệp. Ảnh: Quỳnh Trang.
Nỗi sợ hãi lớn nhất với bất cứ giáo viên nào là thi giáo viên dạy giỏi, thanh kiểm tra. Trong cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố cô Thảo tham dự 3 năm trước, từ vòng cấp quận, cô đã phải tất bật chuẩn bị suốt một tháng, đi khắp nơi tầm sư học đạo để xây dựng tiết học. Bởi quá căng thẳng nên khi phải tham dự cuộc thi, các giáo viên hay nói vui với nhau là “chuẩn bị lên thớt”.
Áp lực thứ hai được cô giáo Thảo chỉ ra đến từ việc thi cử của học sinh, nhất là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội. Là giáo viên chủ nhiệm của học sinh lớp 9, cô Thảo và nhiều đồng nghiệp phải gánh trên vai nhiệm vụ làm sao để tất cả học sinh trong lớp đều vượt qua kỳ thi ấy, đỗ nguyện vọng thứ nhất. Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 là tiêu chí quan trọng để xếp hạng chất lượng giáo dục của nhà trường. Bản thân các cô nếu không đạt chỉ tiêu được giao, sẽ bị nhà trường, đồng nghiệp đánh giá về năng lực nghề nghiệp.
Video đang HOT
“Chúng tôi áp lực lắm vì chương trình thì dài, kiểu thi của Hà Nội lại đặc thù. Hiện tại trung bình một tuần 3 buổi tôi phải ở lại trường phụ đạo cho học sinh đến 19h mới về nhà. Mệt mỏi, căng thẳng, nhưng chúng tôi không có cách nào khác, chỉ làm như thế mới đạt thành tích nhà trường đặt ra”, cô giáo nói.
Áp lực thứ ba rất nặng nề, theo cô giáo trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Hà Nội) là lương bổng. Cô Thảo dẫn chứng thực tế bản thân vào nghề từ năm 2004 nhưng đến cuối 2009 mới được vào biên chế. Đến giờ, sau 14 năm công tác, lương tháng của cô là 4.754.000 đồng. “Ở một thủ đô, thành phố lớn như Hà Nội, với số tiền như thế tôi phải sống như thế nào”, nữ giáo viên bức xúc.
Giọng trầm xuống, cô Thảo kể, buổi sáng hôm nay một đồng nghiệp là giáo viên dạy Lịch sử với 8 năm kinh nghiệm, từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp quận, đã sang Nhật Bản để… xuất khẩu lao động. Đồng nghiệp ấy từng đam mê với nghề nhưng trước quá nhiều bất cập, áp lực của công việc, đặc biệt là lương thưởng, đã phải bỏ nghề, xa xứ đi lao động chân tay. Mức lương 4,1 triệu đồng sau 8 năm làm việc không thể đủ để cô giáo ấy chi trả tiền thuê nhà, lo cho cuộc sống gia đình. Nhiều nhà giáo khác vì gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng không thể chuyên tâm cho việc dạy học mà ngày ngày lo bán hàng online.
“Tại sao bắt chúng tôi phải chép đến 80 trang của cuốn sổ chủ nhiệm chép tay, trong khi tất cả danh sách, hồ sơ học sinh, thông tin phụ huynh đã có trên máy tính. Tại sao không cho in ra mà bắt thầy cô phải làm công việc tốn thời gian, công sức, lại rất vô lý, kéo dài từ năm nay sang năm khác”, cô giáo đặt câu hỏi. Vấn đề về chương trình học nặng, quy định số tiết dạy/tuần lớn, sự mơ hồ về chương trình giáo dục mới… theo cô Thảo cũng là gánh nặng đè lên vai các giáo viên. “Hãy cởi trói cho chúng tôi”, cô nói.
Phần chia sẻ nghề nghiệp và mong muốn giảm tải gánh nặng cho giáo viên của cô Dương Thị Phương Thảo kéo dài 20 phút, quá 4 lần thời gian hội thảo quy định cho một phát biểu. Tuy nhiên, chủ tọa và không một ai khác có ý ngắt lời cô. Ngược lại, sau bài chia sẻ, những tràng pháo tay vang lên, nhiều lời cảm ơn được gửi tới cô giáo tâm huyết với nghề.
15 tham luận khác của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cũng nêu ra rất nhiều áp lực khác của nghề giáo như: yêu cầu hiểu biết công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng, học trò ngỗ ngược, phụ huynh hay khiếu kiện và đưa thông tin lên mạng xã hội…
PGS Tô Bá Trượng (Viện trưởng Nghiên cứu phát triển giáo dục) chia sẻ về áp lực của nghề giáo viên hiện nay. Ảnh: Quỳnh Trang.
“Chưa bao giờ ngành giáo dục bất an như hiện nay, tất cả áp lực đặt lên vai giáo viên”; “Lương giáo viên còn không bằng lương xe ôm”; “Nghề giáo hiện nay nhiều việc và áp lực quá”… là những cụm từ được TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội), PGS Tô Bá Trượng (Viện trưởng Nghiên cứu phát triển giáo dục), PGS Lê Sơn (nguyên Viện phó Khoa học giáo dục Việt Nam) thốt lên.
“Có ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học nữa. Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo. Tại sao vậy, bởi họ không vượt qua được những cú sốc thực tế của giáo dục phổ thông và phải chịu quá nhiều áp lực lao động nghề nghiệp”, TS Phạm Thị Kim Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) dẫn kết quả nghiên cứu đề tài Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Bà cho rằng, phải cấp thiết chữa căn bệnh thành tích và nói dối trong giáo dục, mới giúp giáo viên giảm áp lực, vượt qua “cơn bĩ cực” hiện nay.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Nỗi buồn về văn hóa ứng xử học đường
Trường học không chỉ là nơi dạy cho các em học sinh tri thức mà còn là nơi dạy cho các em về nhân cách, đạo đức của con người. Thế nhưng, cùng với thời gian thì nét đẹp về văn hóa ứng xử trong học đường đang dần bị mai một.
Minh họa: DAD
Văn hóa ứng xử giữa giáo viên với giáo viên cũng có nhiều chuyện đáng bàn, ứng xử tình thầy trò cũng đang là một dấu hỏi lớn, rồi cả ứng xử giữa phụ huynh học sinh với thầy cô giáo cũng không còn nguyên vẹn như trước. Có lẽ, đây cũng là một trong những nỗi trăn trở nhiều nhất của không ít người khi nghĩ về môi trường giáo dục hiện nay.
Phải nói rằng văn hóa ứng xử trong nhà trường hiện nay có nhiều chuyện khiến chúng ta phải suy ngẫm. Ngay cả những thầy cô giáo là đồng nghiệp với nhau, công tác trong một trường nhưng nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên nam, có những thái độ ứng xử với nhau không đẹp. Nhiều người thầy đáng tuổi cha, chú, tuổi anh mình nhưng nhiều giáo viên trẻ xưng hô rất không có thiện cảm. Trước mặt thì tôi - ông, sau lưng là lão ấy, thằng ấy. Một số lãnh đạo nhà trường còn trẻ tuổi nhưng khi xưng hô với đồng nghiệp cấp dưới của mình toàn nói bằng giọng ngang phè không có chủ ngữ.
Ngày nay chuyện phụ huynh vào trường phản ứng với giáo viên, thưa gửi lên trên không còn là chuyện hiếm nữa. Vẫn biết rằng thầy cô cũng có người nọ, người kia nhưng cách ứng xử như vậy xem chừng vẫn chưa ổn thỏa. Cha mẹ đã tạo cho mình một tấm gương mờ trước mặt con cái về văn hóa ứng xử trong nhà trường.
Nếu so sánh với nhiều ngành nghề khác, nghề giáo ngày nay được xem là nghề đang chịu nhiều áp lực nhất. Áp lực với thành tích, với đồng nghiệp, với cấp trên, với phụ huynh và thậm chí chịu rất nhiều áp lực với học sinh. Song, điều day dứt nhất của người thầy bây giờ là văn hóa ứng xử của học trò đối với mình. Nhiều em học sinh ngày nay vô cùng ngang ngược với thầy cô giáo đang dạy mình, nhiều em có thái độ thách thức thầy cô.
Thời xưa đi học, người thầy có một vị trí nhất định trong lòng học trò, học trò lễ phép, biết kính trọng thầy. Đi ra đường, học trò bắt gặp thầy, cô là lễ phép chào hỏi... còn bây giờ những chuyện như vậy không còn nhiều...
Xã hội phát triển đi lên, chúng ta đã có sự giao thoa với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới. Nhưng, trong sự giao thoa ấy chúng ta cũng đã phải tiếp nhận nhiều luồng văn hóa lai căng, tác động đến nhân cách của các em. Ngày nay, các em có thể lên mạng internet tiếp cận các loại văn hóa phẩm không phù hợp với lứa tuổi, thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Chính vì vậy đã làm cho một số em mai một về văn hóa truyền thống, hờ hững với thầy cô và ngay cả cha mẹ mình.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự xuống cấp của đạo đức học sinh là một bộ phận giáo viên chỉ chú trọng đến truyền đạt kiến thức cho các em ở trên lớp mà quên đi giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống cho các em. Nhiều thầy cô chưa làm tốt vai trò của mình, cộng với yếu tố giáo dục gia đình của các bậc phụ huynh chưa được chú trọng. Các bậc phụ huynh vẫn phó mặc việc dạy dỗ của con em mình cho nhà trường. Trong khi nhà trường không thể quản lý các em học sinh suốt cả ngày được.
Văn hóa học đường ngày nay có rất nhiều chuyện đáng bàn. Vì thế, mỗi thầy cô giáo trước tiên phải giữ được hình ảnh của mình trước học trò, phụ huynh. Ngoài việc truyền đạt, gợi mở về kiến thức thì điều cốt yếu phải thường xuyên lồng ghép những bài học, những câu chuyện về đạo đức, nhân cách để giáo dục học trò. Gia đình phải thường xuyên gần gũi, động viên, giáo dục con em mình hướng tới những giá trị cốt lõi về đạo lý. Và đặc biệt, trên các kênh truyền hình, các tờ báo viết cho lứa tuổi học trò cần hạn chế những câu chuyện, những cảnh phim không phù hợp lứa tuổi, nhất là ngôn phong, lời thoại của mỗi nhân vật cần phải chỉn chu, biểu cảm. Bởi thực tế, nhiều ngôn từ trong phim ảnh, trong các tờ báo cho lứa tuổi học trò đã trở thành câu cửa miệng ngoài đời của các em.
Trong nhà trường, sự gương mẫu của thầy cô là điều cần thiết để nêu gương cho học trò. Sự thân ái, trân trọng nhau sẽ giúp cho môi trường giáo dục lành mạnh và thân thiện. Điều quan trọng hơn là sẽ tạo nên được những thế hệ học trò sống biết yêu thương và trách nhiệm hơn trước mọi người và xã hội.
Theo thanhnien.vn
Thử sức đề thi Tiếng Việt trong kỳ thi Đại học "sinh tử" ở Hàn Quốc Hôm nay 15/11, kỳ thi Đại học của Hàn Quốc chính thức diễn ra. Một thông tin khá bất ngờ và thú vị mà nhiều người có thể không biết, Tiếng Việt chính là môn ngoại ngữ thứ 2 trong "kỳ thi sinh tử" của học sinh Hàn Quốc này. Từ năm 2013, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã đưa môn tiếng Việt...