Cô gái Việt mơ làm sứ giả hữu nghị
Với Hoàng Thị Hạnh Trang – cô gái Việt đang theo học tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc – quan hệ quốc tế là sự nghiệp mà cô muốn dành hết tâm huyết, thậm chí là cả cuộc đời để nghiên cứu, làm việc và cống hiến…
Đại học Nhân dân Trung Quốc là trường đại học chính quy đầu tiên được thành lập bởi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi Chính phủ mới ra đời. Suốt hành trình 81 năm hình thành và phát triển, trường luôn là cánh tay phải đắc lực của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Tại đây, rất nhiều nhân vật nổi tiếng có những thành tựu xuất sắc trên chính trường cũng như trong giới doanh nhân, giới văn nghệ sĩ và các lĩnh vực khác của Trung Quốc đều bước ra từ ngôi trường này.
Chào Trang! Chuyên ngành Quan hệ quốc tế bạn đang theo học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc có gì đặc biệt không?
Mặt khác, trường cũng là một trong ba trường đại học nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc về giảng dạy các chuyên ngành như Quan hệ quốc tế, Chính trị quốc tế và Ngoại giao học thuộc Viện Quan hệ quốc tế. Ở đây quy tụ những học giả uy tín hàng đầu cả nước Trung Quốc trong lĩnh vực này, là cái nôi sản sinh ra nhiều chính trị gia của Trung Quốc, chẳng hạn như ba Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc đương nhiệm là bà Lưu Diên Đông, ông Mã Khải và ông Lưu Hạc. Không chỉ vậy, một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng đã từng theo học tại đây.
Hoàng Thị Hạnh Trang – sẵn sàng cống hiến với cái tâm trong sáng.
Bởi vậy, sinh viên và nghiên cứu sinh của Viện Quan hệ quốc tế luôn có rất nhiều cơ hội tiếp xúc thực tiễn với các nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao trong các hoạt động chính trị, đối ngoại trên cơ sở đã được đào tạo bài bản về nền tảng lí luận. Ngoài ra, mỗi khi bước ra ngoài và có dịp tự giới thiệu mình là nghiên cứu sinh chuyên ngành Quan hệ quốc tế của trường, tôi và các bạn luôn nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người, đó là niềm tự hào, hãnh diện của chúng tôi và kèm theo là cả trọng trách phải nỗ lực phấn đấu sao cho xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất mà mình đã nhận được.
Bạn từng được đại diện cho trường tham gia Trại hè thực tiễn xã hội của thanh niên quốc tế “Lãnh tụ tương lai – Sứ giả thanh xuân” 2018 tại Trung Quốc. Hẳn môi trường học tập và sinh sống ở đây mang lại cho bạn những trải nghiệm rất thú vị?
Video đang HOT
Tôi vô cùng khâm phục tinh thần học tập và nghiên cứu nghiêm túc, chăm chỉ và hăng say của các bạn sinh viên Trung Quốc, cũng như tinh thần làm việc chuyên nghiệp và khối lượng tri thức đồ sộ của các thầy cô giáo. Đặc biệt, Trung Quốc rất coi trọng công tác nghiên cứu và đào tạo sau đại học, bởi nghiên cứu là nền tảng quan trọng không thể thiếu của các hoạt động thực tiễn.
Sinh sống và học tập tại Bắc Kinh đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác choáng ngợp trước thế giới ẩm thực phong phú và mùa đông khắc nghiệt ở nơi đây. Tôi cũng đã đi từ sự bỡ ngỡ ban đầu cho đến sự gắn bó thân thuộc với những công nghệ thông minh vượt bậc cho phép phát triển một xã hội không tiền mặt, hệ thống thương mại điện tử tiên tiến, hệ thống giao thông công cộng hiện đại mang đến nhiều tiện ích cho người dân.
Tôi cho rằng đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và tiếp thu từ nước bạn trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay.
Tại sao bạn lại gắn bó tiếng Trung chứ không phải là ngôn ngữ khác?
Lý do đơn giản chính là niềm đam mê của tôi đối với văn hóa, lịch sử Trung Hoa từ ngày còn rất bé. Niềm đam mê ấy đã thôi thúc tôi kiên quyết đi theo con đường đã lựa chọn này, đầu tiên là tự mày mò tìm hiểu, sau đó là được đào tạo chính quy tại khoa Tiếng Trung Quốc trường Đại học Hà Nội và giờ đây là du học tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Càng học tôi càng nhận ra sự cần thiết và tính ứng dụng cao của việc học tiếng Trung trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Đó là khi tiếng Trung là ngôn ngữ được nhiều người sử dụng nhất và Trung Quốc vươn mình trở thành cường quốc thứ hai thế giới, cũng như trong khuôn khổ mối quan hệ láng giềng gắn bó Việt Nam – Trung Quốc nói riêng.
Đặc biệt, nền tảng vững chắc về tiếng Trung là bước đệm cực kì quan trọng cho tôi khi tiếp tục học chuyên ngành Quan hệ quốc tế, đồng thời theo đuổi ước mơ trở thành một sứ giả hữu nghị Việt – Trung, góp sức mình thúc đẩy quan hệ hai nước. Như vậy, khi lí tưởng và hiện thực được kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau, tôi biết rằng học tiếng Trung là lựa chọn đúng đắn của mình. Tất nhiên, ngoài tiếng Trung, tôi vẫn luôn không quên trau dồi và củng cố khả năng tiếng Anh để phấn đấu tiến xa hơn nữa trên chặng đường dài phía trước.
Quan hệ quốc tế không phải là ngành học dễ dàng gì với một cô gái trẻ. Trong tương lai, bạn sẽ kiên trì theo đuổi lĩnh vực mình đã chọn chứ?
Quan hệ quốc tế là sự nghiệp mà tôi đã xác định muốn dành hết tâm huyết, thậm chí là cả cuộc đời để học tập, nghiên cứu, làm việc và cống hiến. Lý tưởng sống thiết tha nhất của tôi là sử dụng tri thức và sức lực của mình để đóng góp và tạo ra giá trị cho đất nước, cho cộng đồng, cho khoa học cũng như cho các thế hệ tương lai.
Trong quá trình ấy, tôi có thể hài lòng với vị trí mà xã hội lựa chọn mình. Chỉ cần đó là vị trí phù hợp, tương xứng với khả năng và nguyện vọng chính đáng của tôi, thì dù là ở tiền tuyến hay hậu phương, tôi đều luôn sẵn sàng cống hiến hết mình với cái tâm trong sáng nhất.
Xin cảm ơn bạn!
Hoàng Thị Hạnh Trang tốt nghiệp thủ khoa khóa 2013 – 2017 khoa Tiếng Trung Quốc trường Đại học Hà Nội và nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc với thành tích đầu vào xếp thứ nhất trong số toàn bộ lưu học sinh của Viện Quan hệ quốc tế.
Hiện cô là Ủy viên Ban chấp hành Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh, tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào của Hội. Trước đó, trong thời gian học tập tại Hà Nội, cô từng đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Liên chi Đoàn khoa Tiếng Trung Quốc và Chủ tịch Câu lạc bộ Tiếng Trung của trường, đạt giải Nhì cuộc thi Nhịp cầu Hán Ngữ lần thứ XV khu vực phía Bắc Việt Nam, tham gia Liên hoan Thanh niên Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 3 do TW Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Theo baoquocte
Sinh viên giáo dục giới tính cho trẻ em
Không chỉ thu hẹp trong những buổi nói chuyện tại trường học, các sinh viên sáng lập S Project còn giúp trẻ em được giáo dục giới tính, biết tự bảo vệ chính mình thông qua các hoạt động vẽ tranh, triển lãm ảnh, chia sẻ video, trại hè...
Trẻ em hứng khởi tham gia hoạt động ngoại khóa do S Project tổ chức - ẢNH: S.P
Mới đây, S Project, được sáng lập bởi nhóm sinh viên từ Học viện Báo chí - Tuyên truyền, được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2018. Ra đời năm 2015, đến nay dự án này đã in dấu chân mình tại Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình và sắp tới sẽ là Hà Giang, Điện Biên, Phú Thọ, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM, Bến Tre...
Nguyễn Thị Song Trà, 22 tuổi, Trưởng ban tổ chức S Project, cho biết đã tiếp xúc với nhiều câu chuyện buồn khi trẻ em thiếu hoặc nhận thức sai lầm về giới tính, đặc biệt những vụ trẻ em bị xâm hại thân thể rất đau lòng. Đó chính là động lực thôi thúc cô và những người bạn cùng thành lập S Project. Họ có những buổi dạy về giới tính đầu tiên tại nhiều trường tiểu học và THCS tại Hà Nội, đồng thời thu hút trẻ em tham gia qua cuộc thi vẽ tranh giáo dục giới tính - Vẽ đi đừng ngại... Hay tận dụng mạng xã hội, gửi thông điệp giáo dục giới tính cho trẻ em thông qua những video clip là một cách làm đang được công chúng đón nhận. Những video quay từ phía sau, để họ kể lại câu chuyện của chính mình đã bị xâm hại ra sao, cũng là cách dự án truyền thông mạnh mẽ cho nhiều phụ huynh và trẻ em, cách bảo vệ con em mình trong bối cảnh xã hội nhiều phức tạp...
Nhân lực chủ chốt của S Project phần lớn đều là sinh viên, tuy nhiên những bạn trẻ cho biết, họ đào tạo ra đội ngũ kế cận để lớp này ra trường, luôn có những bạn trẻ đi sau tâm huyết, phát triển dự án lớn mạnh hơn. Mới đây, S Project đã ra mắt Bộ quy tắc ứng xử an toàn dành cho trẻ em giúp phòng chống xâm hại thân thể. Trên trang web chính thức của dự án (sproject.org), có các chuyên mục để mỗi cá nhân, gia đình các trẻ em cùng lên tiếng, bảo vệ chính con em mình và các trẻ em khác, đã nhận được sự quan tâm của công chúng.
Đại diện dự án cho hay năm 2019 họ có 2 sự kiện lớn, nhằm giúp trẻ em khắp cả nước có thể tiếp cận giáo dục giới tính và học cách bảo vệ bản thân dự kiến diễn ra tại Đà Nẵng tháng 7.2019. Các bạn trẻ của S Project cho biết, thành lập một dự án vì cộng đồng đã khó, nuôi nó lớn và có được sự ủng hộ của nhiều bên lại khó hơn nhiều lần. S Project với hơn 50 thành viên ở cả 3 TP lớn nhất nước là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đang có được sự ủng hộ của các giảng viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số CCIHP, các luật sư và một số nhà hảo tâm.
"Chúng tôi biết, giáo dục giới tính là vấn đề nhạy cảm, không phải ai cũng có thể đón nhận được mà cần thời gian, thậm chí rất lâu để được cởi mở từ phía gia đình, nhà trường và các doanh nghiệp có thể hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, nhóm chúng tôi rất kiên trì, có thể còn thiếu nhiều thứ để lớn mạnh hơn, nhưng nhiệt huyết của mỗi chúng tôi đều có thừa", Nguyễn Thị Song Trà, người gắn bó với S Project từ những ngày đầu tiên, bộc bạch.
Theo thanhnien
Nữ sinh Ngoại giao và dự án trại hè quốc tế Có lúc tưởng chừng thất bại, nhưng với niềm tin vào bản thân và niềm tin vào dự án của mình, nữ sinh Học viện Ngoại giao Vũ Quỳnh Trang đã quyết tâm phát triển dự án của mình, gặt hái được thành công bước đầu, hứa hẹn có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Các trại sinh trải...