Cô gái Việt kể chuyện sang châu Phi làm cô giáo mầm non
Tự học tiếng Ả Rập từ trẻ mầm non, xóa bỏ định kiến hay tham gia buổi lễ hiến tế ấn tượng… là những trải nghiệm không thể nào quên của cô giáo Minh Ngọc (Giáo viên trường liên cấp quốc tế Cambridge International, Sudan).
Cú bật của cuộc đời
Theo tiếng gọi của khát vọng tuổi trẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học, Minh Ngọc (22 tuổi) đã lên đường sang Sudan để trở thành cô giáo mầm non ở ‘lục địa đen’. Nơi đây đã giúp cô thực hiện hai ước mơ: vừa cống hiến và học hỏi để trở thành cô giáo vừa có thể du lịch châu Phi.
Mới đầu, khi được mọi người hỏi đi đâu, cô cũng đã từng thấy hơi ái ngại khi nói rằng mình tới Sudan. Vì bạn bè, anh chị em quanh Ngọc khi được hỏi đi đâu sẽ nói tới Thụy Điển, Mỹ, Canada, Hàn Quốc…. – những quốc gia phát triển và nổi tiếng bởi văn minh, giàu có. Nhưng Ngọc lại khác. Cô đã lựa chọn một con đường không giống ai. ‘Nhưng rồi mình dần cảm thấy đi một con đường khác biệt cũng khá thú vị. Sau này trở về, mình sẽ có khối chuyện để kể lại, khối cái hay ho mà ít người có được. Mình dần cảm thấy tự hào hơn và dõng dạc trả lời: Tôi tới Sudan ở châu Phi, quốc gia của đạo Hồi, lãnh thổ của sa mạc, nếu ai đó hỏi’. – Ngọc tâm sự.
Để có thể trở thành giáo viên ở đây, Ngọc phải trải qua 3 vòng tuyển chọn gắt gao. Đầu tiên xét duyệt hồ sơ, vòng 2 là thi năng lực tiếng Anh và cuối cùng là phỏng vấn với Academic Manager của nhà trường. Sau khi trúng tuyển, cô được nhà trường gửi E-visa và vé máy bay để sang Sudan. Ở đây, cô được trợ cấp nhà ở, phương tiện đi lại, điện nước và được trả lương theo tháng.
Cô tiết lộ: ‘Mình là người Việt duy nhất dạy mầm non trong trường. Tính đến nay, mình đã ở Sudan được hơn 4 tháng. Môi trường giáo dục trẻ mầm non ở đây rất khác biệt. Từ mầm non, trẻ em đã học rất nhiều từ Tiếng Anh, Toán, Âm nhạc, ICT. Nhưng thời gian học tập trong ngày chỉ từ 9h – 10h30 và 11h15 tới 12h45′.
Những ngày đầu làm việc ở môi trường mới, Ngọc gặp khá nhiều trở ngại. Đầu tiên là do các bé còn nhỏ, lại không hề biết tiếng Anh nên cô trò khá khó khăn trong giao tiếp. Vì thế, Ngọc đã phải học cấp tốc tiếng Ả Rập, kết hợp ngôn ngữ cơ thể để trò chuyện và dạy dỗ cho các em. Ngọc thổ lộ: ‘Mới đầu, mình còn cứ đinh ninh mọi đứa trẻ trên thế giới cần học như thế nào, dạy dỗ ra sao… Nhưng rồi mình đã ngộ ra rằng mình đã sai. Hóa ra, trẻ con nước Đức cần dạy dỗ khác, Việt Nam dạy kiểu khác và vì lẽ đó, trẻ em Sudan cũng có cách giáo dục khác’.
Ngọc là giáo viên chủ nhiệm của lớp Kindergarten 5 tuổi, gồm 20 bé. Các em phải tự mang đồ ăn sáng tới lớp và ăn trưa tự túc tại nhà. Ngọc cảm thấy may mắn vì tất cả học sinh đều hào hứng với tiết học tiếng Anh và Toán của cô mỗi ngày. Mỗi lần trợ giảng nói ‘ Giờ là tiết Tiếng Anh của cô giáo Bibi’ thì cả lớp đều vỗ tay, hò reo. Điều đó khiến Ngọc rất xúc động và tràn đầy động lực để tiếp tục ở lại nơi đây gieo mầm con chữ.
Cô không thể nào quên lần được cậu bé nghịch nhất lớp chăm sóc mình. ‘Hôm đó, sau tiết dạy, mình cảm thấy rất mệt. Mình ngồi thừ ra và không trò chuyện cười đùa với các bé như mọi khi. Đột nhiên, cậu bé nghịch nhất lớp vốn chẳng trò chuyện với mình bao giờ, tới gần và hỏi: Cô mệt ạ? Rồi cậu nhường ghế của cậu cho mình. Cậu bảo mình nằm nghỉ một lát và rồi cậu lấy tay xoa tóc cho mình ngủ. Các bé khác nhìn thấy cậu làm vậy, cũng tranh nhau giúp mình lau bảng, giúp giữ trật tự lớp để mình có thể ngủ ngon hơn’. Không chỉ sống tình cảm, các bé còn chính là ‘giáo viên’ tốt nhất dạy tiếng Ả Rập cho Ngọc. Khi dạy tiếng Anh cho các bé, vào giờ ra chơi Ngọc sẽ hỏi lại những từ ấy trong tiếng Ả Rập là gì. Hoặc cô hay lắng nghe các bé trò chuyện với nhau. Nhiều từ lặp đi lặp lại cùng hành động nên cô cũng đã nhớ và hiểu được kha khá tiếng bản địa.
Còn với đồng nghiệp, cô học được từ họ sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Khi một giáo viên bận hay cần giúp đỡ, mọi giáo viên còn lại sẽ sẵn sàng tới và hỗ trợ bất cứ khi nào. Họ làm gì cũng theo tập thể. Khi Ngọc ốm hay bận xin về sớm, giáo viên lớp bên cạnh sẽ sang hỗ trợ cho tới khi hết tiết.
Video đang HOT
Ở đây, các giáo viên không gọi là ‘lớp của mình’ mà tất cả học sinh trong trường đều là học sinh của mình, đều là lớp của mình. Họ nhớ tên tất cả học sinh của các lớp. Đặc biệt, vấn đề bạo lực học đường tuyệt đối không xảy ra trong trường. ‘Mình nhớ một lần, có một giáo viên nói với một học sinh rằng: ‘Nếu em nói chuyện riêng nữa, cô sẽ dán băng dính vào miệng em đấy’. Ngay ngày hôm sau, cô giáo đó đã bị đình chỉ công tác. Mới chỉ là một câu nói, cô giáo đó đã bị nghỉ việc rồi, nên chắc hẳn nếu có hành động nào bạo lực với các em, cô giáo ấy sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn’.
Sudan không lạc hậu như bạn nghĩ
Trước khi đặt chân tới đây, Ngọc lo lắng rất nhiều vì được ‘cảnh báo’ rằng Sudan nguy hiểm lắm, thiếu thốn, nghèo nàn lắm… Nhưng sau chừng ấy tháng ở đây, Ngọc muốn nói với tất cả mọi người là cô rất ổn. Sudan thực ra cũng đang trên đà phát triển với nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngọc kể: ‘Sudan là quốc gia có diện tích lớn thứ ba của châu Phi, lớn thứ 16 trên thế giới. Chỗ mình ở tiếp giáp ngay Ai Cập. Họ nói tiếng Ả Rập. 97% dân số ở đây theo đạo Hồi. Tôn giáo rất quan trọng đối với họ. Giáo dục phát triển, có nhiều trường song ngữ, tiếng Anh. Mình tự hào khi đang làm việc tại một trường quốc tế ở thủ đô Khartoum’.
Theo Ngọc, cuộc sống ở nơi này dường như chỉ dành cho những người thích sống chậm, không quy củ. Bản thân Ngọc rất quy củ nên đôi khi nhịp sống ấy dễ làm cô điên lên. Người ta cứ làm mọi thứ chậm rãi và rất cảm tính. Họ ăn sáng lúc 12h, ăn trưa vào 16h và ăn tối lúc 21h. ‘Đặc biệt ở Sudan bạn không được tùy tiện chụp ảnh có người. Nếu bạn chụp ảnh bất kì ai mà thấy họ lại gần thì không phải họ thích thú đâu. Họ đang tiến về phía bạn vì khó chịu và bảo xóa đi đấy. Mình đã từng bị cảnh sát và người dân giữ lại vì đã chụp ảnh họ mà không xin phép. Ban đầu còn tưởng họ định lại gần chụp ’selfies’ với mình cơ’- Ngọc cho biết thêm.
Tham gia Lễ hiến tế ở châu Phi
Trước khi thực sự tiếp xúc với những tín đồ theo đạo Hồi, Ngọc từng mang trong mình khá nhiều định kiến về tôn giáo này. Tuy nhiên cô đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ khi trực tiếp tham gia lễ hội Hiến tế Eids al-Adha cùng người dân địa phương hồi tháng 9.
Eids al-Adha là một kỳ nghỉ lễ dài và quan trọng nhất trong năm của người Sudan nói riêng và người Hồi Giáo nói chung. Đây là ‘lễ tế sinh, lễ hiến sinh’ kéo dài ba ngày. Vào dịp này, người Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ tôn vinh Ibraham, người sáng lập và người truyền tin của đạo Hồi. Người Hồi giáo tổ chức Eid al-Adha ngay sau Hajj, cuộc hành hương tới thánh địa Mecca. Eid al-Adha còn là dịp lễ của sự hạnh phúc, dạy chúng ta cách mỉm cười và yêu cuộc sống.
‘Thật may mắn khi mình được một đồng nghiệp người Sudan mời về nhà cô ấy 3 ngày liền để ăn mừng Eid với gia đình. Quả thực đây là cơ hội hiếm có để mình trải nghiệm lễ hội theo cách gần gũi với người bản địa nhất’- Ngọc kể.
Điểm Ngọc thích nhất về Eid al-Adha là người dân ở đây đều cố gắng sắm sửa quần áo mới để đón lễ, cho dù họ nghèo tới mức nào. Sau đó họ tắm rửa sạch sẽ vào buổi sáng, diện đồ mới, cầu nguyện và ăn mừng cả ngày.
Theo phong tục, các gia đình đủ điều kiện phải dâng hiến ít nhất một con cừu, hoặc bò, dê, lạc đà… để tưởng nhớ đến con vật mà Chúa trời gửi cho Abraham. Những con vật này phải ít nhất hai năm tuổi và chỉ được ăn thực vật.
Sau lễ hiến tế được thực hiện cầu kỳ,pp gia đình đồng nghiệp của cô chế biến thịt cừu thành 7 món như nướng, xào với nui, xào sả ớt… Một phần ba chỗ còn lại, họ chia sẻ cho bạn bè, người thân, hoặc quyên góp cho người nghèo. Dù khốn khó đến mức nào, người Sudan cũng sẽ san sẻ cho những người xung quanh vào dịp lễ. Điều thú vị nữa, đó là trước khi bước vào tiệc chính, các bà các cô sẽ tụ tập và thưởng thức tiệc trà nhẹ. Họ cùng nhau nói chuyện, làm đẹp như lựa chọn quần áo đẹp, làm tóc, trang điểm…
‘Một trong những điều mình mong muốn thực hiện trước khi chết là được vẽ Henna ở một quốc gia Đạo Hồi. Điều đó đã trở thành hiện thực trong bữa tiệc này. Trong khi người Ấn Độ sử dụng mực đỏ, thì người Sudan sử dụng mực đen để vẽ Henna. Nếu đã kết hôn, bạn sẽ được vẽ Henna kín 10 đầu ngón tay, ngón chân; còn người độc thân thì không cần. Khi người thân qua đời, người Sudan sẽ không được vẽ Henna trong vài tháng’- Ngọc vui vẻ chia sẻ.
Kết thúc ngày nghỉ lễ, Ngọc quay lại thủ đô Khartoum với không ít kỷ niệm đẹp về Eids al-Adha và một túi đầy ắp thịt cừu. Cô còn nhớ như in giây phút bọn trẻ trong nhà tặng cô những món quà độc đáo. Rồi các em cứ chạy theo vẫy chào và nói tạm biệt tới gần một cây số. Tất cả tình cảm chân thành ấy của mọi người, thực sự khiến cô bồi hồi xúc động.
Trải nghiệm lễ hội truyền thống cùng người Hồi, cô đã có cái nhìn hoàn toàn khác về tôn giáo này. Đồng thời, cô cũng cảm thấy ngưỡng mộ và trân trọng con người nơi đây, đặc biệt là những người đã chào đón cô ở Sudan. Ngọc bảo, chuyến đi này là một cú bật cho tuổi trẻ cũng như trong suốt cuộc đời. Bởi khi tới đây, cô không còn ở trong vùng an toàn của bản thân nữa. Giờ đây, cô phải buộc mình thích nghi ở một môi trường mới, cuộc sống mới, con người mới, văn hóa mới. Cô học được nhiều điều từ trong khó khăn và cô đơn. Cô nhận ra nhiều giá trị như bạn bè, gia đình, thời gian, tiền bạc… và nhận ra mình quả thật bé nhỏ. Thế nên cô càng phải đi, càng phải học, càng phải phấn đấu cho cuộc sống của mình thêm những sắc màu mới.
Theo Nguyễn Ngọc/Trí thức trẻ (Ttvn.vn)
Thầy cô hái măng, bắt cá cải thiện bữa ăn
Giáo viên cắm bản thường xuyên đối diện với việc thiếu thực phẩm. Để cải thiện, thầy cô lên rừng hái măng, lá sắn, hay quăng chài bắt cá.
Giáo viên dạy học ở Pá Mỳ (Mường Nhé, Điện Biên) người lâu nhất 15 năm, người ít nhất gần 5 năm. Điểm trường xa nhất cách trường chính hơn 20 km, đi lại khó khăn nên thầy cô ở tại điểm trường. Lương thực, thực phẩm chuẩn bị từ đầu tuần, chủ yếu là đồ khô, còn rau lên rừng hái.
Lá sắn, rau rừng, hoa chuối rừng luôn được giáo viên sử dụng làm rau xanh trong các bữa ăn. "Cuối năm 2014 giáo viên ở Pá Mỳ không còn được hưởng phụ cấp biên giới khi chia tách địa giới hành chính. Công việc không thay đổi nhưng phụ cấp và thu nhập giảm từ 6,9 triệu xuống còn 6,3 triệu đồng. Xã Pá Mì cách trung tâm thành phố gần 300 km, đường đi lại khó khăn, lương thực, thực phẩm đắt gấp rưỡi ở trung tâm", thầy Lò Văn Việt chia sẻ.
Cuối năm, khi mưa xuống, măng rừng mọc nhiều. Những củ măng nặng cả cân được chặt lấy phần non nhất mang về.
Măng chứa glycocid gây độc cho cơ thể nên khi hái về phải bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc 2-3 lần, sau đó ngâm nước gạo 2 ngày mới ăn được.
Cuối tuần, thầy giáo có sức khỏe tìm đến khúc sông gần trường quăng chài bắt cá. "Trước khi lên dạy tại trường Dân tộc nội trú Pá Mỳ, tôi đã biết quăng chài bởi gia đình gần sông suối, là người dân tộc Thái nên thạo sông nước", thầy Vi Văn Mạnh, quê huyện Sông Mã (Sơn La) nói.
Thông thường các thầy sử dụng chài nặng 6,5 kg, dài 2,5 m. Mùa lũ nước đục, chảy xiết, cá bé bơi sát bờ nên dùng chài lưới mắt bé. Mùa khô nước lặng có thể bơi được ra vũng sâu, họ sử dụng chài mắt lưới to.
Thầy Lò Văn Lai là người sát cá nhất trường. Những cuộc đánh bắt cá cải thiện bữa ăn không thể vắng mặt thầy.
Đồ ăn tươi hiếm hoi trong tuần của thầy cô làm nhiệm vụ ở Pá Mỳ.
Theo VNE
Bị kỷ luật cảnh cáo, cô giáo ở Cà Mau nộp đơn khởi kiện ra tòa Bị ông Võ Văn Tính, Hiệu phó ra quyết định kỷ luật cảnh cáo, cô Hà Tú Trinh vừa nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ngày 21/11, cô Hà Tú Trinh - giáo viên Trường trung học cơ sở Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã nộp đơn khởi kiện...