Cô gái nghèo hai lần bỏ học thay đổi cuộc sống nhờ tiếng Anh
Phạm Thị Như (sinh năm 1995, Hà Tĩnh) đã lội ngược dòng, chọn học tiếng Anh để khởi đầu cho hành trình tìm ra ước mơ.
Hai lần từ bỏ việc học và ý chí vươn lên, quyết không buông xuôi
Phạm Thị Như sinh ra trong một gia đình khó khăn ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Học hết lớp năm, Như đứng ngoài cửa lớp vì không có tiền đóng học phí. Nhìn bố mẹ với gánh nặng tiền bạc trên vai, nhìn ba người em bữa đói bữa no, thương gia đình, cô gái có vóc dáng nhỏ bé gác lại việc đến trường, lên huyện làm giúp việc để phụ giúp gia đình.
Lớn thêm một chút, Như càng nhìn rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với tương lai của các em. Cô cố gắng duy trì việc học nhưng các em càng lớn thì gánh nặng càng nhiều. Như phải dừng việc học hoàn toàn khi đang lớp chín. Nữ sinh Hà Tĩnh tự nhận chưa một khoảnh khắc nào được sống hồn nhiên, vô lo vô nghĩ như bạn bè cùng trang lứa nhưng vẫn dũng cảm đánh đổi tương lai để chăm lo tốt hơn cho các em, gánh vác trách nhiệm nuôi gia đình cùng cha mẹ.
Không lâu sau thời gian làm giúp việc, Như quyết định học may, trở thành công nhân may và chọn thành phố Đà Nẵng làm nơi dừng chân. Cô gái trẻ hàng ngày đi làm vất vả, tiết kiệm từng đồng gửi về cho ba mẹ và các em nhưng vẫn không ngừng suy nghĩ về tương lai, về điều bản thân thực sự mong muốn.
“Cuộc sống của tôi khi ấy ngày qua ngày không có gì thay đổi, quẩn quanh, lầm lũi sáng đi tối về. Khi đã chăm lo tạm ổn cho các em, tôi bắt đầu nghĩ về tương lai mình nhiều hơn, về mục tiêu lâu dài và con người mình muốn trở thành”, Như giãi bày.
Như từng là người ít nói, hiếm khi vui vẻ giao lưu, kết bạn với người khác.
Cô muốn hòa mình vào sự phát triển của xã hội, muốn gặp gỡ nhiều người và trở nên tự tin, năng động hơn. “Khoảng giữa năm 2018, tôi nhận thấy ngành du lịch phát triển mạnh và mong muốn được hòa mình vào dòng chảy nhộn nhịp ấy. Lúc đó, tôi cũng chưa định hình được rõ ràng con đường sẽ đi, chỉ nghĩ là nếu muốn phát triển trong ngành này thì cần có vốn tiếng Anh tốt. Khi ấy, mục tiêu trước mắt của tôi là trở thành lễ tân khách sạn”, Như nhớ lại.
Trong đầu hiện lên ý nghĩ “phải thử mới biết sức mình đến đâu”, Như quyết định đi học tiếng Anh giao tiếp. Cô gái trẻ sáng đi làm, tối về đi học ở trung tâm vì mong có cơ hội thay đổi cuộc đời. Mặc cho xung quanh nhiều người nói cô mơ ước viển vông, khuyên cô an phận làm công nhân vì không biết dùng máy tính, tiếng Anh cũng không.
Cô công nhân may năm ấy bỏ qua những tiếng bàn tán, khuyên ngăn vây quanh, tin tưởng “mình có thể”, từng bước kiên trì học tiếng Anh và đăng ký đi học thêm tin học. Một lần nữa, cô được quay trở lại với con đường học tập. Cuộc sống đầy hy vọng mở ra khiến cô lạc quan và thêm quyết tâm.
Video đang HOT
Học tiếng Anh mọi lúc mọi nơi
Khi bắt đầu học tiếng Anh, Như chuẩn bị cho mình tư duy tích cực, chủ động trong học tập. Cô gái trẻ nghĩ “học để tiến bộ nên không sợ sai, không ngại mắc lỗi, không làm bài tập với tư duy trả bài mà tự học, tự luyện tập thật nhiều để tốt hơn”.
Như theo học tại Ms Hoa Giao Tiếp và kiên trì học với lộ trình mà thầy cô định hướng, không đốt cháy giai đoạn để tránh bị hổng kiến thức. “Phương pháp phản xạ truyền cảm hứng tại trung tâm giúp tôi ghi nhớ từ vựng ngay tại lớp mà không cần tốn quá nhiều thời gian học lại tại nhà với sách vở. Cô giáo hướng dẫn tôi tạo phản xạ liên tục với vòng lặp hỏi – phản xạ – hỏi – phản xạ để khắc sâu kiến thức đã được học và ứng biến thật nhanh khi gặp các câu hỏi này trong cuộc sống”, Như cho biết.
Việc học tiếng Anh giao tiếp của Như không bó hẹp trong phạm vi lớp học cùng thầy cô, bạn bè mà cô gái trẻ luôn dành thời gian ngoài giờ học để tự học, tự tìm hiểu, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Chẳng hạn, có những chủ đề Như chỉ học 15-20 từ vựng trên lớp nhưng cô tìm trên mạng và học thêm nhiều từ khác có liên quan để mở rộng vốn từ theo chủ đề, giúp việc giao tiếp dễ dàng hơn.
“Tôi tự quay clip và luyện nói tiếng Anh mỗi ngày, rồi gửi clip cho những người bạn giỏi tiếng Anh để bạn góp ý, giúp khắc phục lỗi sai. Tôi còn làm phục vụ ở nhà hàng nước ngoài để tận dụng cơ hội giao tiếp, trò chuyện với người nước ngoài, bắt chước ngữ điệu và phát âm tiếng Anh của họ để nói tốt hơn”, Như kể về hành trình rèn luyện giao tiếp tiếng Anh của bản thân.
Cô gái trẻ luôn học với tư duy phải thử, tìm kiếm mọi cơ hội để thử, để rèn luyện kỹ năng. Thêm nữa, “học với mong muốn tiến bộ từng ngày khiến tôi không bị áp lực, không so sánh mình với người khác mà chỉ tập trung vào sự phát triển của bản thân, để ngày hôm nay tốt hơn hôm qua”, Như chia sẻ.
Cuộc sống sang trang mới nhờ giao tiếp tiếng Anh tốt
Cơ hội tiếp nối cơ hội khi Như bắt đầu thay đổi để bước đi trên hành trình mới. Sau sáu tháng kiên trì rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, Như đã nói tiếng Anh trôi chảy và chính thức trở thành nữ lễ tân khách sạn bốn sao bên bờ sông Hàn Đà Nẵng.
Không dừng lại ở đó, Như tình cờ thấy trên Facebook video về hành trình thực tập hệ vừa học vừa làm của một đơn vị đào tạo lễ tân chuyên nghiệp tại Singapore. Cô nàng không chần chừ ứng tuyển ngay sau đó. Trải qua ba vòng phỏng vấn khắt khe bằng tiếng Anh, vượt qua nhiều ứng viên, cô vui mừng cầm trên tay tờ thông báo trúng tuyển.
Hiện tại, Như đã thay đổi, trở thành người vui vẻ, tự tin và có ước mơ, có mục tiêu để phấn đấu.
Nhìn lại quãng thời gian phấn đấu, cố gắng thay đổi để sống khác đi, cô thấy bản thân như được sống lại, trở thành con người hoàn toàn khác – vui vẻ, cởi mở, dễ giao tiếp và kết nối với người khác. Thêm nữa, cô cũng không còn thấy nuối tiếc quãng đời học sinh từng bỏ dở trước kia.
Cô công nhân ít nói, khép mình, ngày ngày chỉ ngồi đạp máy may trước kia giờ đã trở thành cô lễ tân tươi tắn, hay cười, yêu thích giao lưu, gặp gỡ mọi người. “Mọi thứ đều thay đổi khi suy nghĩ của mình thay đổi. Cơ hội và mối quan hệ rộng mở hơn, tôi không còn cô độc như trước. Tôi thấy bản thân đã nỗ lực để tiến từng bước, tuy chậm nhưng chắc. Càng đi về phía trước, tôi càng thấy đường rộng thêm, giờ đây tôi có thể tự tin đón nhận những cơ hội công việc mà trước đây mình từng khao khát”, Như hào hứng nói về cuộc sống mới.
Cũng theo cô gái Hà Tĩnh, tiếng Anh giống như cây cầu, giúp cô kết nối trở lại với bản thân để tìm ra con đường muốn đi, mục tiêu cần theo đuổi – những điều cô đã bỏ lỡ nhiều năm vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Việc học tiếng Anh chính là bước đệm để cô tìm ra ước mơ, là công cụ để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Hiện tại, do tình hình dịch bệnh nên Như chưa thể sang Singapore thực tập và học hành. Như dự định sẽ tiếp tục công việc lễ tân khách sạn và đợi thời điểm thuận lợi để thực hiện kế hoạch thực tập theo hệ vừa học vừa làm tại quốc đảo sư tử. Cô gái trẻ mơ ước trở thành quản lý khách sạn, tận dụng thời gian học hỏi ở nước ngoài để nâng cao nghiệp vụ, mở mang tầm mắt.
Đất miền Trung không mưa thuận gió hòa, lũ lụt hạn hán năm nào cũng cuốn qua, chính vì thế “phù sa” màu mỡ nhất chính là ý chí con người. Phạm Thị Như – người con miền Trung đã không buông xuôi để cuộc sống trôi đi vô nghĩa, cô đã bắt đầu hành trình mới với ý nghĩ “phải thử” và từng bước đạt những mục tiêu nhỏ để tiến gần đến ước mơ.
"Mình thích thì mình làm thôi!"
Một thợ cắt tóc giỏi thu nhập có thể cao hơn một tiến sĩ dạy đại học. Giải phóng tiềm năng con người bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho họ theo đuổi đam mê, đó chính là đặc điểm của giáo dục hiện đại.
Chọn lối đi riêng (Ảnh: Getty)
Tôi bước chân vào nghề giáo năm 2012, đến 2013 thì nhận lớp đầu tiên, một lớp chuyên văn. Chuyên văn thì rất "đặc thù", cả về độ "thông minh", sự năng động, nhạy bén, thức thời... Song các em thường thua sút về độ "sang chảnh" trong nhìn nhận của xã hội.
Có một thực tế bây giờ là học sinh thường chọn trường trước khi chọn nghề, chọn dựa trên "tâm lý đám đông", nhưng trớ trêu thay "trường VIP", trường thời thượng thì khó đậu, còn trường thường thường bậc trung thì không muốn. Thế là tôi luôn nhận được những câu hỏi, những thắc mắc, những yêu cầu "tư vấn" đủ loại. Và tôi hay dùng cái câu rất "trendy" của các em:
"Mình thích thì mình làm thôi!"
Câu trả lời làm nhiều học sinh hụt hẫng, nhưng rất nhanh, các em tỏ ra thoải mái, được giải tỏa và vui vẻ, hào hứng. Các em mạnh dạn chia sẻ về sở thích của mình, có em muốn trở thành một nhà kinh doanh, có bạn muốn làm du lịch, nhiều em thích nghề làm đẹp, có em thích nấu ăn... Thôi thì đủ cả.
"Các em thích gì thì cứ làm." Nhưng, nào là "bố mẹ không cho, nào là kém sang, nào là thu nhập, nào là tương lai"... Có đủ những nỗi lo lắng. Tôi bèn tính cho các em nghe: hãy nhìn vào thầy cô giáo của các em, lương mới ra trường chỉ hơn 3 triệu/tháng (2,34 nhân 1,450 triệu), sau 10 năm ròng rã lương lên được khoảng 5 triệu. Bây giờ nếu các em có năng khiếu, yêu thích việc làm tóc và bỏ ra chỉ cần 2 năm vừa học vừa làm, trở thành một "pro", mỗi ngày các em cắt cho 10 cái đầu với giá rẻ nhất là 50 nghìn thôi đã bỏ túi 500 nghìn, trừ chi phí mỗi tháng còn khoảng 10 triệu. Chỉ tính riêng về khía cạnh kinh tế thôi, theo đuổi đam mê mang lại nhiều tiền hơn một cách rõ rệt. Những tiệm make up lớn, tay nghề cao có thể thu nhập mỗi tháng hàng trăm triệu đồng, đó là thực tế. "Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi các em". Và quan trọng là các em luôn được làm điều mình thích chứ không phải điều người khác muốn. Đó cũng chính là tạo ra giá trị.
Một xu thế như vậy, nhất là trong một môi trường "chất lượng cao" là trường chuyên với mục tiêu thành tích đã trở thành nỗi ám ảnh, và danh tiếng trở thành "thương hiệu" sống còn thì tất nhiên là nó thành "lạc lõng". Nhưng tôi vẫn kiên định, "mình thích thì mình làm thôi".
Đến năm lớp 11, lớp tôi có ít nhất 3 em đã "bỏ học", rồi khi mà các bạn đang bò ra luyện thi thì các em ấy có người đã trở thành người mẫu, có bạn làm diễn viên, làm nghệ sĩ múa, có bạn đã lên VTV dạy thể dục thẩm mỹ. Một số em khác thì chuyển về trường làng nhằm giảm bớt gánh nặng thành tích để được tập trung nhiều hơn vào đam mê của mình.
Mặc dù là dân văn, con gái, nhưng khi còn học đại học có em đã làm giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, tự kiếm được tiền đi học đã đành, còn mua sắm được xe đẹp và tự chủ.
Tôi luôn nói với các em, lên được đại học rồi thì hãy đi làm thêm. Không phải tôi khuyến khích việc ấy vì tính tích cực tự thân của nó, mà vì tôi hiểu đại học ở Việt Nam: nặng về lý thuyết mà ít thực hành, hàn lâm mà thiếu thực tế... Tôi thường đứng chủ khảo trong tuyển dụng giáo viên văn hàng năm cho trường, và phát hiện ra rằng nhiều sinh viên sư phạm ra trường không biết dạy học, thậm chí viết một bài luận không xong! Đó là một lỗ hổng quá lớn, có thể làm đắm cả một con tàu !
Tôi khuyến khích học sinh của mình đi làm thêm bởi đại học không dạy cho họ kỹ năng sinh tồn và cả sự trưởng thành về ý chí lẫn mục đích sống. Vì thế, trường đời là cần thiết trong bối cảnh này. Tôi ước rằng điều ấy sẽ không cần phải diễn ra; nhưng trong tình trạng hiện nay, đó chỉ là ước muốn.
Hai hôm trước, một học sinh cũ của tôi vốn học chuyên văn và hiện đang là sinh viên đồng thời là chủ một công ty, nhắn tin trò chuyện. Bạn ấy nhắc, " Thầy từng viết tặng em một câu mà em nhớ mãi "văn chương là cuộc sống," giờ em đang thực hành nó trong chính cuộc sống của em đây." Bạn ấy muốn đưa văn chương, tức cái đẹp và tinh thần nhân văn vào trong triết lý kinh doanh của mình.
Tôi tin rằng không có một khuôn mẫu nào dành cho tất cả mọi người trên trái đất này. Tôi cũng tin rằng con người vốn khác nhau, tôi lại càng tin rằng chỉ có "tự biết mình" và theo đuổi đam mê người ta mới hạnh phúc và làm ra giá trị. Ở đây, không chỉ ngành giáo dục mà cả phụ huynh nữa, cần phải thay đổi tư duy, đừng bắt con em mình phải thực hiện những giấc mơ mà mình không làm được trong quá khứ!
Giáo dục phải là con đường thênh thang dẫn đến những chân trời xa rộng, nó không nên là hành lang, lại càng không nên là "một hành lang hẹp và tối" như cách nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Việc định lại giá trị, khuyến khích và khai mở những chân trời, đó chính là sứ mệnh của giáo dục.
Định hướng cho học viên một cái nghề để kiếm sống thì không quá khó, nhưng giúp họ hiểu được bản thân, động viên họ dũng cảm theo đuổi những công việc mà họ đam mê dài lâu lại là việc khó và cần thiết hơn nhiều. Bởi phải làm những việc mà mình đam mê con người ta mới có nhiều niềm vui, hạnh phúc, mới làm ra được nhiều của cải vật chất, tinh thần cho bản thân và cho xã hội.
Vậy theo đuổi những việc mình thích, phải chăng chính là thứ phương châm cao nhất mà hoạt động định hướng nghề nghiệp trong nhà trường cần giúp xác lập nơi mỗi học viên?
Giảm nỗi lo học phí đầu năm học TP HCM và nhiều địa phương khác đang nỗ lực để học sinh không phải đóng học phí trong học kỳ I, trong khi các trường ĐH thực hiện nhiều chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM cho biết tạm thời chưa thực hiện việc thu học phí học kỳ I năm...