Cô gái Hàn Quốc tốt nghiệp thủ khoa trường đại học ở Sài Gòn
Đạt 9,09 điểm ngành Việt Nam học, Kwon Yae Ji cũng là thủ khoa đầu ra năm nay của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
Kwon Yae Ji (24 tuổi) là nữ sinh có điểm trung bình cao nhất 9,09 trong danh sách sinh viên tốt nghiệp thủ khoa ở 27 ngành khóa 2013-2017 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM).
Vừa trở lại Việt Nam sau chuyến nghỉ hè ở quê nhà – thành phố Gangneung (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc), Yae Ji cho biết đang cộng tác cho tờ nội san dành cho người Hàn Quốc ở TP HCM và phiên dịch tiếng Việt cho một số đơn vị Hàn Quốc.
Kwon Yae Ji tốt nghiệp thủ khoa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Cha của Yae Ji là quản lý một phân xưởng, sang Việt Nam làm việc ở Quảng Nam hơn 10 năm trước. Cuối năm 2012, cô cùng mẹ và em gái lần đầu qua thăm cha, cả gia đình đi du lịch Hội An, Đà Nẵng, Vũng Tàu…
Khi đó, cha Yae Ji khuyên cô có thể học ở Việt Nam bởi có hàng chục nghìn người Hàn sống và học tập tại đây. “Phần vì thấy thích Việt Nam sau lần đi du lịch, phần nữa là muốn ở đây để được gần cha nên tôi mạo hiểm ở lại, học tiếng Việt xem sao”, nữ sinh cười tươi, nói.
Yae Ji được cha gửi vào ở cùng một gia đình Việt Nam quen biết ở Đà Nẵng để học tiếng Việt. Bốn tháng sau đó, cô gái Hàn Quốc “đánh vật” với bảng chữ cái Việt Nam cùng giáo viên riêng. Khi đó, nữ sinh người Hàn chỉ có thể nói được vài câu ngắn ngủi để chào hỏi, cảm ơn.
“Lúc đó tôi rất buồn vì gần như không hiểu bạn người Việt nói gì, những câu hỏi đơn giản nhất cũng không biết cách trả lời. Tôi mệt mỏi và muốn trở về nước ngay”, Yae Ji kể. May thay, cô gặp người bạn cùng tuổi ở Việt Nam và được người này chỉ dạy tiếng Việt khá tận tình.
Bắt đầu là những từ vựng đơn giản về đồ vật, con vật, tiếp đến là những câu hoàn chỉnh để giao tiếp thông thường. Khó nhất với cô gái Hàn khi học tiếng Việt là 6 thanh điệu bởi nó khác xa với tiếng Hàn Quốc hay tiếng Anh cô được học.
Được nhiều đồng nghiệp của cha tư vấn, Yae Ji đăng ký theo ngành Việt Nam học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với năm đầu tiên học lớp tiếng Việt căn bản. Cuối năm 2013 cô mới vào năm nhất đại học, quen được nhiều bạn Hàn Quốc học chung lớp và một số bạn người Việt khoa Hàn Quốc học. Họ giúp nhau thực hành tiếng Việt và tiếng Hàn mỗi lần gặp gỡ.
Lớp học của Kwon Yae Ji trong một đợt thực tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hai năm đầu, chương trình dành trọn cho tiếng Việt với các bài học đọc, viết, nói. Yae Ji lên lớp chuyên cần, cố gắng viết và đọc nhiều bài học thầy cô giao. “Mỗi khi giảng viên lưu ý điều gì quan trọng, tôi đều ghi chú để ôn lại nhiều lần để không bỏ lỡ”, cô kể. Yae Ji còn lưu tất cả file nghe, đọc tiếng Việt vào điện thoại để có thể mở lên thực hành mỗi khi rảnh rỗi.
Khi khá hoàn thiện kỹ năng đọc, viết tiếng Việt, cô hoàn thành bài tập đầu tiên viết bài văn hơn 1.500 chữ, nội dung so sánh các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt và tiếng Hàn Quốc. Hai năm sau đó, cô được học nhiều môn chuyên ngành như lịch sử, kinh tế, văn học, pháp luật Việt Nam. Lịch sử Việt Nam được cô cho là khó nhưng thú vị nhất, bởi kiến thức tuy hàn lâm nhưng mang màu sắc mới mẻ, đồng thời môn học được dạy bởi một thầy giáo khá vui tính, hài hước.
Trong năm cuối đại học, cô nhớ nhất chuyến đi hơn 10 ngày cùng các bạn trong lớp khi thực tế ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) để tìm hiểu phong tục, văn hóa, tôn giáo, ẩm thực con người nơi đây. Kết thúc chuyến thực tập, nhóm Yae Ji viết bài báo cáo tìm hiểu một số ngôi chùa ở Hà Tiên và so sánh với chùa ở TP HCM, được khen thưởng trong kỳ nghiên cứu khoa học cấp trường.
Gần năm năm ở Sài Gòn, Yae Ji thuê trọ gần trường cho tiện đi lại, thỉnh thoảng mới đi du lịch những tỉnh xung quanh. Cô gái Hàn Quốc nói mình nghiện cà phê sữa đá bởi “Hàn Quốc chỉ có cà phê nhưng không có món cà phê sữa”, thích ăn bánh canh cua, bánh bèo, bún chả Hà Nội và bún bò Huế.
Yae Ji đặc biệt mến người Sài Gòn bởi họ rất thân thiện. “Lúc đầu sang tôi khép mình, không dám làm quen với ai. Một vài bạn sau đó chủ động đến bắt chuyện với mình, khi quen rồi thì chúng tôi nói chuyện rất vui, thoải mái”, cô kể.
Video đang HOT
Từ nhỏ mê Toán và các môn khoa học, song cơ duyên lại đưa Yae Ji theo học ngành khoa học xã hội và nhân văn và giúp cô gắn bó với Việt Nam. “Yae Ji sẽ cố gắng ở Việt Nam vì đã quen cuộc sống nơi đây”, nữ sinh nói, nở nụ cười thân thiện.
Kwon Yae Ji chia sẻ muốn làm việc lâu dài ở Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thạc sĩ Phan Thái Bình (Phó trưởng khoa Việt Nam học) cho biết, mỗi năm khoa này có thêm 200 sinh viên người nước ngoài theo học hệ chính quy, phần lớn là người Hàn Quốc, còn lại là Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp… Trong đó, gần một nửa sinh viên Hàn Quốc đã theo cha mẹ định cư ở Việt Nam và được học tiếng Việt từ bậc phổ thông.
“Kwon Yae Ji dù có chút bất lợi khi học tiếng Việt muộn hơn nhiều bạn, song nhờ chăm chỉ, chuyên cần nên tiến bộ khá nhanh. Với những môn chuyên ngành, nữ sinh này có sự đầu tư nghiêm túc, công phu nên được đánh giá cao”, ông Bình nói và đánh giá Yae Ji là một trong số sinh viên quốc tế giỏi, mẫu mực của khoa Việt Nam học.
Theo VNN
Han Sara - hot girl 16 tuổi của The Voice: Xa mẹ từ năm 10 tuổi, biết hát "Ước gì" trước khi biết tiếng Việt
Han Sara ứa nước mắt khi nhắc về mẹ. Đằng sau vẻ vui tươi và hoạt bát trên sân khấu, câu chuyện về cuộc sống của cô gái Hàn 16 tuổi trên đất Việt được hé lộ qua những mẩu chuyện đầy cảm xúc...
Sara đến Kenh14.vn vào buổi chiều muộn. Đây là điểm cuối của cô bạn trong buổi chạy "sô" phỏng vấn không kịp thở. Nét mệt mỏi thoáng hiện trên gương mặt xinh đẹp tuổi mới lớn.
Han Sara, cô gái Hàn Quốc được nhắc đến nhiều nhất sau vòng Giấu mặt của cuộc thi The Voice là ai? Cuộc sống của cô bạn trước khi được công chúng biết đến như thế nào? Nữ sinh 16 tuổi này có tham vọng gì khi thử sức ở cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát?... Đó là những câu hỏi Sara thường xuyên nhận được những ngày qua. Cuộc sống sáng đến trường chiều đi học nhảy, học nhát của nữ sinh Hàn Quốc này bị đảo lộn và có phần áp lực hơn trước.
Sara khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi tác phong làm việc nhanh nhẹn và nghiêm túc. Cô bạn trả lời các câu hỏi theo cách dễ thương, chân thật và đậm chất con gái Hàn Quốc.
HAN SARA
Sinh năm 2000
Tại Seoul - Hàn Quốc
Học lớp 10 trường quốc tế Hàn tại quận 7, TP.HCM
Sở thích: Hát tiếng Hàn, tiếng Anh và tiếng Việt
Thành viên nhóm nhảy K-pop tại CLB Hàn - Việt
Thích tất cả món ăn Việt Nam
Đang học chơi Piano và sẽ học guitar trong tương lai.
Han Sara có làn da mịn màng và đôi mắt nâu biết nói. Cô bạn gây ấn tượng với lối trang điểm nhẹ nhàng, phong cách ăn mặc giản dị nhưng vẫn vô cùng xinh đẹp
Biết hát tiếng Việt trước cả khi biết nói tiếng Việt
Ba ngày trôi qua kể từ khi phần thi của Sara được phát sóng trên truyền hình. Cô bạn còn nguyên cảm giác lâng lâng mỗi khi vào Youtube xem lại phần trình diễn của mình. Sự sung sướng len lỏi trong lòng Sara khi nhìn vào con số hơn 3 triệu lượt xem clip và đọc những lời khen ngợi khán giả bên dưới phần thi.
Với nữ sinh, mọi thứ diễn ra như một giấc mơ vậy!
"Mình cảm thấy hồi hộp vô cùng khi nhận được sự ủng hộ của mọi người. Mình rất cảm ơn các bạn và sẽ lấy đó làm động lực cho những phần thi sau", Sara nói trong niềm vui sướng.
Gương mặt cô bạn còn rạng rỡ hơn khi nhắc đến mẹ. Hiện tại, mẹ Sara đang sống ở Hàn Quốc và không thể đến Việt Nam cổ vũ con gái nhưng bà đã theo dõi trực tiếp phần thi của Sara qua mạng. Khi thấy Sara được cả 4 HLV bấm nút chọn, bà lập tức gọi điện chúc mừng con gái.
Một năm trước, Sara tình cờ xem được phần thi của các thí sinh nhí trong chương trình The Voice Kid. Cô bạn sinh năm 2000 ấn tượng với cuộc thi tìm kiếm tài năng này và muốn thử sức ở phiên bản dành cho người lớn.
"Mình nhớ mãi lần đầu đặt chân đến Việt Nam. Khi lái xe đón mình từ sân bay về nhà, bố đã mở bài hát "Ước gì" của ca sĩ Mỹ Tâm. Bố nói âm nhạc Việt Nam còn hay hơn cả những gì ông có thể nghĩ. Lời nhận xét ấn tượng này khiến giai điệu bài hát "Ước gì" len sâu vào tâm trí mình. Lúc đó, mình không hề biết nói một câu nào tiếng Việt vậy mà vẫn có thể thuộc hết lời của bài "Ước gì", ấn tượng đầu tiên của Sara về Việt Nam dễ thương như thế!
Vẻ đẹp rạng ngời của thiếu nữ 16
Yêu nhạc Việt nhưng Sara cũng không đứng ngoài vòng xoáy của làn sóng Hallyu nổi tiếng quê nhà. Cô là "fan" ruột của nhiều nhóm nhạc nổi tiếng của xứ sở kim chi.
Nữ sinh chia sẻ: "Mình thể hiện tình yêu với thần tượng bằng cách nghe nhạc, xem MV... nhưng mình không dành hết thời gian cho họ vì mình còn phải lo cho cuộc đời của mình nữa. Mình thần tượng rất nhiều nhóm nhạc "hot" trong đó có BIGBANG. Đó cũng là lý do mình chọn hát bài Haru Haru trong phần thi Giấu mặt vừa rồi. Ngoài ra, BTS và Mamamoo cũng là hai nhóm nhạc mình thường xuyên theo dõi".
Nếu không giới thiệu "Tên tôi là Han Sara", chắc hẳn chẳng ai có thể đoán được Sara là một cô gái Hàn Quốc chính gốc. Gương mặt cô bạn xinh xắn phúc hậu theo đúng chất con gái Việt. Giọng nói thì chuẩn miễn bàn. Có điều thú vị là Sara phát âm nửa lại giống người Hà Nội, nửa lại giống người Sài Gòn.
Cô gái sinh năm 2000 cười tít mắt khi giải thích về nguồn gốc của giọng nói đặc biệt này: "Mình không sống ở Hà Nội và cũng chưa có dịp nào ghé thăm thủ đô. Nhiều người cũng nhận xét giọng mình nửa Bắc, nửa Nam. Chuyện là thế này! Khi khăn gói sang Việt Nam mình mới có 10 tuổi. Cô đơn và nhớ Hàn Quốc dữ lắm! Nhưng chỉ 1 tuần sau mình đã bắt nhịp được với cuộc sống đông đúc và nhiều xe cộ ở đây.
Tất cả là nhờ những đứa bạn sống cùng chung cư. Đám trẻ ấy đã dạy mình nói những từ đầu tiên như "Xin chào", "Cảm ơn", "Xin lỗi"... Lớn lên, mình có cơ hội được tiếp xúc với những người đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Mỗi người một chất giọng riêng. Mình học theo họ và giọng nói của mình như tấm gương phản chiếu lại chính ngữ điệu vùng miền mình được nghe".
Định cư ở Việt Nam gần 7 năm nhưng Sara chỉ mới về Hàn 2 lần. Lần đầu tiên là vào mùa hè, lần thứ 2 là dịp Tết. Bố đã tạo điều kiện cho cô trải nghiệm cái Tết cổ truyền của quê hương khi đã trưởng thành. Seoul trong mắt Sara sau ngần ấy năm xa cách vẫn giữ nguyên nét hiện đại, phồn thịnh nhưng cũng đầy lạ lẫm và nhiều áp lực.
"Sự cạnh tranh trong làng giải trí Hàn rất lớn. Mình đã trăn trở về vấn đề này khá lâu khi lựa chọn con đường nghệ thuật. Vài tháng trước, mình nhận được lời mời casting từ một công ty giải trí bên Hàn. Mình băn khoăn về việc có nên nhận lời hay không vì đó cũng là cơ hội cho bản thân. Cuối cùng, mình chọn ở lại Việt Nam", Sara đầy tin tưởng khi nói về quyết định này.
Cô gái 16 tuổi vui vẻ, hồn nhiên và đầy năng lượng với âm nhạc
"Không ở cạnh mẹ nên cái gì cũng phải tự làm!"
Gần 7 năm trước, bố Sara tìm được công việc khá ổn định ở Việt Nam. Với mong muốn các con có cơ hội sống ở nước ngoài và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, ông dắt chị em Sara sang "dải đất hình chữ S" định cư. Hiện tại, Sara học lớp 10 tại một trường quốc tế dành cho con em người Hàn hoặc gốc Hàn ở quận 7. Từ ngày chị gái Sara trúng tuyển đại học ở Seoul, căn nhà của ba bố con trở nên hiu quạnh đến lạ.
Sara khá vô tư khi kể "chẳng ai có mặt ở nhà trừ giờ đi ngủ. Nhà sạch đến mức không cần dọn dẹp", nhưng nó lại vô tình phản chiếu cuộc sống của nữ sinh.
Xa nhà, xa quê từ năm 10 tuổi khiến Sara nhớ mẹ vô cùng. Nỗi nhớ ấy trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong cô khi nhìn thấy các bạn được mẹ dắt đi mua sắm, đón đưa mỗi lúc tan trường.
"Thấy các bạn có mẹ ở cạnh, mình cũng muốn được như vậy. Những lúc nhớ quá mình sẽ gọi điện hoặc nhắn tin cho mẹ. Mọi người nói mình sớm xa mẹ nên chững chạc hơn các bạn đồng trang lứa. Từ nhỏ, mình đã có suy nghĩ trưởng thành hơn người khác. Mình luôn ý thức được rằng các bạn có mẹ ở cạnh chăm sóc còn mình sẽ phải tự lo mọi thứ. Trong tâm tưởng mình lúc nào cũng vang lên câu nói: không được trẻ con, phải chín chắn hơn...".
Han Sara xúc động khi nhắc về mẹ
16 tuổi đứng trước thử thách đầu đời - đi thi The Voice, Sara không chút run sợ hay e dè. Bởi lẽ, cô bạn đã trải qua nhiều cuộc thi khác trong đời mà chẳng có ai nắm tay hay nâng bước. Cuộc sống tự lập có phần đơn độc đã cho cô gái nhỏ dũng khí cứng cỏi, sống chẳng dựa dẫm vào một ai.
"Trường học của mình hay mở các cuộc thi về tiếng Việt. Mình rất muốn làm tốt bài thi này nhưng chẳng biết ai hỏi những điều chưa hiểu. Lúc đó, các bạn có anh chị hoặc là mẹ lo cho. Còn mình, chị đã về Hàn mẹ lại không ở cạnh. Mình nghĩ bản thân phải tự làm bằng được vì mình lớn rồi! Cuối cùng, mình cũng vượt qua. Trong bài thi ấy, mình đã chọn viết về ẩm thực Việt Nam - thứ mà mình yêu nhất khi nhắc về đất nước này".
Con gái ở tuổi 16 có biết bao việc cần sự chia sẻ, tư vấn và nhờ giúp đỡ từ mẹ. Vậy mà Sara hầu như không mở lòng với ai. Cô lủi thủi làm mọi thứ một mình. Khi cảm thấy cần được khen ngợi, nhận xét hay góp ý, Sara mới hé lộ một góc nhỏ trong cuộc sống lên mạng xã hội. "Rất cô đơn!", Sara bật ra câu nói khiến người đối diện nhói lòng.
Một mình nuôi hai con gái ăn học ở Việt Nam là một trách nhiệm lớn của ông Han - bố Sara. Ông giấu nỗi lo của mình vào trong câu nói: "Mỗi khi bố mệt nhìn hai đứa con vui vẻ, học giỏi là hết mệt liền. Ông Han thích nghệ thuật và cũng mê ca hát. Ông hay lên Youtube để xem các clip cover của con gái.
Để viết tiếp ước mơ của bố, Sara dự định sẽ thi vào trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, khoa tiếng Việt sau khi tốt nghiệp cấp 3. Cô thích làm ca sĩ nhưng nếu có thể trở thành một thông dịch viên nữa thì lại quá tuyệt vời!
Theo kenh14