Cô gái Hà Nội mất gần 10 năm điều trị mụn nội tiết
Huyền Trang bị mụn dai dẳng từ năm học cấp 2. Cô từng trải qua quãng thời gian tồi tệ khi điều trị mãi vẫn không hết.
Nguyễn Huyền Trang (sinh năm 1993, đến từ Hà Nội) làm công việc beauty blogger, hiện sinh sống tại Kanagawa, Nhật Bản.
Trò chuyện về trải nghiệm trị mụn, Huyền Trang tâm sự: “Tôi đã theo đuổi việc điều trị mụn được 10 năm. Hiện tại, làn da tôi cải thiện nhiều, dù vẫn còn chút thâm và sẹo lõm. Từ lúc da đẹp hơn, tôi trở nên tự tin, thích soi gương và thấy yêu đời hơn (cười)”.
Tốn rất nhiều tiền và thời gian trị mụn
- Thời điểm nào Huyền Trang biết được bản thân bị mụn nội tiết?
- Lúc học cấp 3, tôi đi khám da liễu tại rất nhiều bệnh viện ở Hà Nội, kể cả phòng khám tư của các bác sĩ nổi tiếng.
Tôi đã thử qua không ít cách trị mụn từ thuốc do bác sĩ da liễu kê toa, mỹ phẩm nhưng đều không có kết quả. Đến khi một bác sĩ tại bệnh viện da liễu cho thử phương pháp trị mụn nội tiết, tôi mới phát hiện ra mình đang bị loại mụn này. Mặt khác, tôi có cơ địa làn da nhạy cảm, dễ bị kích ứng bởi vi khuẩn, bụi bẩn từ môi trường.
- Mụn nội tiết ảnh hưởng đến chị ra sao?
- Rất tồi tệ. Có thời gian tôi không dám nhìn thẳng hay hướng mặt về phía mặt trời. Tôi sợ các nốt mụn sẽ ửng đỏ lên và nhìn rất ám ảnh. Thậm chí, thói quen cúi mặt xuống nhiều khiến dáng đi của tôi như bị gù.
Huyền Trang từng bị mụn dai dẳng suốt nhiều năm.
Khi có ai nhìn mình chằm chằm, tôi sẽ nghĩ họ đang nhìn vào mụn trên mặt tôi. Trong lúc bạn bè xung quanh đi chơi, đi học thêm vui vẻ, tôi lại đi trị mụn ròng rã. Quãng thời gian ấy, tôi tốn rất nhiều tiền và thời gian.
Không ít lần tôi có suy nghĩ tiêu cực như “chẳng lẽ lại thử xài kem trộn”, “hay là thôi không làm gì nữa, cứ kệ vậy”. Chỉ ai bị mụn lâu năm mới hiểu được tâm lý đó.
- Chị có gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc trị mụn kê toa?
- Hầu hết đơn nào bác sĩ kê toa cũng có thuốc kháng sinh. Tôi bị mụn viêm nhiều, không phải dạng mụn nhỏ hay mụn ẩn. Do đó, thuốc kháng sinh là lựa chọn hàng đầu nếu muốn giảm viêm do mụn.
Dùng thuốc kháng sinh kéo dài khiến cơ thể tôi rất khó chịu. Sức khỏe suy giảm, dễ bị mệt, phần bên trong răng bị đen hoàn toàn. Dù tôi đi lấy cao răng, uống kháng sinh vào chúng lại bị đen như cũ.
Ròng rã nhiều năm trời, tôi uống thuốc thành thói quen, khiến hệ miễn dịch giảm sút.
Tìm hiểu kiến thức làm đẹp khi sang Nhật
Video đang HOT
- Đến thời điểm nào Huyền Trang mới bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc về mỹ phẩm?
- Lúc ấy, tôi đã sang Nhật Bản. Tôi tìm hiểu thông tin dưỡng da, đọc sách về bí quyết làm đẹp tại đất nước này.
Những loại sách tôi đọc được dùng trong các kỳ thi làm đẹp. Kiến thức chuẩn xác được biên soạn bởi nhiều giáo sư, thạc sĩ hoặc bác sĩ đầu ngành. Bên cạnh đó, tôi cũng đọc thêm sách do bác sĩ da liễu viết.
Huyền Trang có cơ hội tìm hiểu kiến thức làm đẹp khi sang Nhật Bản sinh sống.
- Chị có gặp phải tình trạng nổi mụn hơn khi dùng nhiều mỹ phẩm?
- Đã có rất nhiều lần như vậy. Tôi mang làn da rất nhạy cảm. Thỉnh thoảng, tôi mới thoa mỹ phẩm vào buổi tối thì sáng hôm sau mụn xuất hiện. Da của tôi còn hay phản ứng, nổi mụn khi dùng sản phẩm mới. Những lúc như vậy, tôi tạm ngưng, sau đó dùng lại thì không bị mụn nữa.
Chúng ta cần tìm ra nguyên nhân gây mụn trước khi tìm sản phẩm chăm sóc da phù hợp. Nếu không tìm được đúng nguyên nhân, bạn sẽ rơi vào vòng lặp luẩn quẩn. Đó là mua mỹ phẩm, dùng không hợp, thay đổi và tiếp tục mua mỹ phẩm khác.
Huyền Trang lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe và làn da.
- Chị ăn uống thế nào để góp phần chữa mụn nội tiết?
- Tôi áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh. Tôi tin tưởng vào quan niệm “you are what you eat” (bạn là sự thể hiện những gì bạn ăn). Vì vậy, tôi cố gắng dung nạp các loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Tôi cũng sử dụng thực phẩm chức năng, bổ sung chất dinh dưỡng từ lâu.
Tôi ăn rất nhiều rau và trái cây. Ngoài ra, tôi giảm tiêu thụ chế phẩm từ sữa, thực phẩm cay nóng. Tôi cũng hạn chế sử dụng gia vị cay, chứa chất capsaicin.
Tôi không loại bỏ hoàn toàn loại thực phẩm nào đó. Để trị mụn hay dưỡng da khỏe đẹp, tôi cho rằng nên giữ tâm trạng thoải mái, không ăn kiêng quá nghiêm ngặt.
Tôi thích uống nước có vị nên hay pha sữa đậu với bột rau chứa enzyme tốt cho tiêu hóa. Bên cạnh đó, estrogen tự nhiên từ đậu còn giúp cân bằng nội tiết. Trong ngày, tôi uống trà không chứa caffein như trà lúa mạch rang, trà diếp cá.
- Thói quen sinh hoạt, tập thể dục của Trang như thế nào?
- Do tính chất công việc, tôi hay thức khuya. Lúc cần ngủ, tôi lại rất dễ vào giấc, ngủ say. Còn thói quen vận động, tôi tập gym cùng huấn luyện viên cá nhân hướng dẫn qua mạng.
Tôi thích tắm bồn, thư giãn tại nhà. Ở Nhật Bản, người dân tắm bồn rất nhiều. Khi tắm bồn, nước ấm giúp máu lưu thông tốt hơn. Từ đó, da mở lỗ chân lông, đào thải mồ hôi cùng tạp chất tích tụ sâu bên trong. Thói quen này giúp cải thiện làn da khá tốt.
“Tôi thành công, chắc chắn bạn cũng vậy”
- Sau khi hết mụn, Huyền Trang đã chăm sóc da như thế nào?
- Tôi xây dựng quy trình chăm sóc mang tính phục hồi. Tôi sử dụng mỹ phẩm cung cấp ceramide hoặc heparinoid để cải thiện màng ẩm trên da. Tôi cố gắng tránh ánh nắng nhiều nhất có thể. Tôi uống viên chống nắng, thoa kem chống nắng, luôn mang khẩu trang, mũ khi ra ngoài.
Da tôi bị chứng thâm mụn đỏ hồng ban sau viêm (Post Inflammatory Erythema -PIE) nên tôi bôi sản phẩm trị thâm chứa chất heparinoid. Ngoài ra, tôi kết hợp với bắn laser giúp cải thiện thâm mụn. Một bí quyết giảm thâm mụn khác tôi thấy khá hiệu quả là uống vitamin C và placenta.
Còn sẹo rất khó cải thiện bằng mỹ phẩm nên tôi áp dụng liệu trình xâm lấn bằng laser, sử dụng máy lăn kim.
Huyền Trang tự tin và yêu đời hơn khi chữa khỏi mụn.
- Quy trình dưỡng da hiện tại của chị có gì thay đổi so với khoảng thời gian còn bị mụn?
- Khi da đã hết mụn, tôi dùng thêm bước chăm sóc da trị thâm. Các bước khác không có nhiều sự thay đổi. Thứ tự quy trình dưỡng da của tôi là tẩy trang, cân bằng da bằng toner, thoa serum hoặc ampoule, dùng kem dưỡng ẩm và kem mắt. Buổi sáng, tôi thoa kem chống nắng ở bước cuối cùng.
- Trang ngăn ngừa mụn quay lại ra sao?
- Tôi dùng các sản phẩm chứa dưỡng chất giúp tăng cường hàng rào bảo vệ ra như heparin, ceramide, peptide, azulene. Ngoài ra, tôi chọn mỹ phẩm cung cấp thành phần kháng viêm như allantoin, glycyrrhizic acid. Tôi cũng kết hợp peel da định kỳ (sử dụng salicylic acid, glycolic acid nhằm thúc đẩy quá trình thay da, tái tạo tế bào).
Bên cạnh đó, tôi bổ sung thêm thực phẩm chức năng giúp ổn định nội tiết tố, tránh mụn nội tiết quay trở lại.
- Hành trình trị mụn mang đến cho chị điều gì?
- Sau quá trình này, tôi hiểu làn da và cơ thể mình hơn. Trải nghiệm bị mụn giúp tôi nghiên cứu về da và mỹ phẩm, phục vụ cho công việc hiện tại. Đây cũng là nhân duyên. Nếu không bị mụn, có lẽ tôi đã làm công việc khác (cười).
- Huyền Trang có thể chia sẻ một số lời khuyên đến những người đang đối mặt với mụn, đặc biệt là mụn nội tiết?
- Mụn nội tiết rất dai dẳng và tiêu tốn nhiều thời gian để chữa trị. Tuy vậy, nếu xác định được nguyên nhân dẫn đến mụn, tôi tin làn da sẽ được cải thiện sớm. Điều quan trọng là luôn tỉnh táo khi lựa chọn các phương pháp làm đẹp. Bạn nên tham khảo nhiều nguồn thông tin uy tín, chuẩn xác để có thêm kiến thức chăm sóc da.
Đừng bao giờ bỏ cuộc cũng như chọn con đường tắt, trị mụn bằng rượu thuốc hay kem trộn. Tôi đã trị mụn nội tiết thành công và chắc chắn bạn cũng vậy. Hãy tiếp tục cố gắng.
Cách chăm sóc da bị mụn
Môi trường ô nhiễm, thói quen dùng mỹ phẩm, sự thay đổi nội tiết trong cơ thể khiến da dễ bị mụn và cần phải chăm sóc da đúng cách thì mụn mới lặn...
Để chăm sóc da hiệu quả, trước tiên cần phân biệt da bị mụn do nội tiết hay do dùng mỹ phẩm.
Mụn do nội tiết
Nguyên nhân chính gây ra mụn là do nội tiết thay đổi, hay do sự mất cân bằng nội tiết tố androgen (đối với nữ) và oestrogen (đối với nam) quá mức gây rối loạn. Khi đó da sẽ sản xuất nhiều dầu và bã nhờn, kết hợp với các bụi bẩn, tế bào chết... khiến lỗ chân lông bị bít tắc gây mụn, sưng, viêm...
Cách nhận diện mụn nội tiết: Thông thường mụn sẽ xuất hiện vào những ngày gần kề hoặc trong kỳ "đèn đỏ" của nữ. Mụn do nội tiết thường mọc ở khu vực xung quang miệng, xương quay hàm, xương gò má. Mụn có dạng hình cầu, tròn, nhân nằm sâu trong nốt mụn và dễ hình thành nên dạng mụn bọc, mụn viêm, mụn nhọt. Những loại mụn này khi mọc sẽ sưng viêm, gây đau rát khi chạm vào.
Cần phân biệt nguyên nhân gây mụn để chăm sóc da hiệu quả.
Mụn do mỹ phẩm
Nguyên nhân gây mụn do cơ địa dị ứng với một số thành phần trong mỹ phẩm, đặc biệt là các mỹ phẩm có chứa corticoid, hoặc do da bị dị ứng các loại mỹ phẩm, thậm chí một số trường hợp còn dị ứng với mặt nạ dưỡng da, nên nổi mụn.
Mụn do mỹ phẩm thường xuất hiện ngay sau khi sử dụng mỹ phẩm hoặc sau vài ngày, có các dấu hiệu ngứa, đỏ, nổi mụn nước nhỏ li ti nhưng không có nhân mụn. Tùy theo tình trạng, cơ địa mà mức độ hóa chất có trong mỹ phẩm mà vị trí nổi mụn sẽ khác nhau. Đối với trường hợp nhẹ, ban đầu mụn sẽ xuất hiện như những mụn rôm sẩy nhỏ, đỏ li ti quanh trán, sau đó lan ra má và các vùng xung quanh. Trường hợp nặng, mụn nổi dày đặc khắp mặt, khiến mặt sưng đỏ, ngứa, rát.
Ứng phó với mụn
Khi bị mụn, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được tư vấn xử trí. Trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc. Đồng thời, để cải thiện tình trạng mụn, hãy tham khảo các bước chăm sóc da dưới đây.
Tẩy trang sạch sẽ: Có thể dùng nước hoặc dầu tẩy trang tùy loại da. Đổ nước/dầu tẩy trang lên bông và tiến hành làm sạch tất cả các bộ phận trên khuôn mặt. Lưu ý là cần bảo quản miếng bông thật sạch vì vi khuẩn có thể xâm nhập. Lau nhẹ nhàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Công đoạn này giúp làm sạch bụi bẩn bám trên mặt hiệu quả.
Tẩy tế bào chết bằng sản phẩm dịu nhẹ cho da mụn: Da tái tạo hàng ngày, do đó, nó sẽ thải ra lớp biểu bì già cỗi và thừa thãi. Cần làm sạch các tế bào này để da không bị xỉn màu, mịn màng và bóng hơn. Với da mụn, nên sử dụng kem tẩy tế bào chết chiết xuất từ thiên nhiên, chứa ít hạt. Quá nhiều hạt tẩy có thể khiến da bị tổn thương nặng nề hơn.
Rửa mặt kỹ và sử dụng toner cân bằng da: Đây là bước quan trọng không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da mụn. Nên sử dụng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa cồn và ít tạo bọt. Nên rửa hết khuôn mặt và cả phần dưới cằm để hạn chế tối đa nốt mụn mọc.
Sau khi rửa mặt, cần sử dụng toner để cân bằng độ pH cho da. Có thể tự làm nước hoa hồng tại nhà để thay thế.
Đắp mặt nạ dưỡng da: Mặt nạ sẽ cấp nước và dưỡng chất cho da, giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo và hồi phục. Mặt nạ nên được chiết xuất thiên nhiên như mật ong, trà xanh, tràm trà, nha đam, cà chua,... và không chứa alcohol. Nên đắp mặt nạ tối thiểu 2 lần/tuần.
Cấp ẩm cho da mụn: Da mụn rất cần nước. Đó là lý do tại sao cần cấp ẩm cho da. Có thể cấp ẩm bằng kem dưỡng hoặc xịt khoáng. Với da mụn, xịt khoáng sẽ có lợi hơn dùng kem lỏng.
Thoa kem chống nắng khi ra ngoài: Cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên để bảo vệ và cải thiện làn da mụn của mình. Nếu ở ngoài nắng liên tục thì hãy thoa kem 2 giờ/lần .
Hòa Minzy than thở khi mặt bong tróc từng mảng nhăn nheo như da bị lão hóa Nữ ca sĩ đã kịp trấn an người hâm mộ rằng cô đang đi làm liệu trình chăm sóc da, da không sao hết. Chỉ là cô nàng chọn sai thời điểm để chăm sóc da mà thôi Hòa Minzy từng có khoảng thời gian khủng hoảng khá dài vì mụn dậy thì. Qua nhiều lần điều trị cho da thì giọng ca...