Cô gái Hà Nội làm Toán ở Mỹ
Vào đại học từ năm 16 tuổi, mục tiêu của Trần Mai Ngọc khi ấy là lựa chọn ngành nào “phải tự học là chính, bởi như vậy mới có khả năng đi xa”.
Cuối cùng, cô gái Hà Nội quyết định theo đuổi con đường làm toán.
Trần Mai Ngọc (1988) hiện là Assistant Professor (giáo sư trợ lý) Toán tại Đại học Texas – Austin (Mỹ).
Trước khi quay lại Mỹ vào năm 2017, nữ giáo sư trẻ từng có 7 năm học phổ thông và đại học ở Úc, 3 năm làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại Mỹ và 2 năm là giáo sư tại Đại học Bonn (Đức).
Trần Mai Ngọc từng theo học tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội)
16 tuổi vào đại học
GS Trần Mai Ngọc nói rằng, rất nhiều người thường nghĩ, một người muốn trở thành nhà toán học, ngay từ khi còn nhỏ phải có năng lực đặc biệt hoặc phải giành được các giải quốc gia, quốc tế về Toán. Nhưng thực tế, câu chuyện của chị lại hoàn toàn không giống vậy.
“Quả thực tôi có thích Toán từ những năm cấp 1, nhưng khi đó đơn giản chỉ vì cảm thấy “học Toán rất vui”, còn tôi chưa bao giờ là một học sinh xuất sắc về Toán. Thời phổ thông ở Việt Nam, tôi chưa từng theo học lớp chuyên Toán, cũng không lọt vào top những học sinh đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi cấp quận…
Ước mơ “muốn làm Toán” của chị Ngọc càng trở nên rõ ràng hơn khi vào năm lớp 8, chị theo bố mẹ sang Úc học tập.
“Tôi nhận thấy có một sự chênh lệch rất lớn giữa trình độ Toán của học sinh Việt Nam và học sinh Úc. Khi ấy, tôi thấy rất bực vì tại sao mình lại bị xếp vào lớp học kém đến vậy. Bất bình và cũng thêm một chút lo lắng, tôi sợ rằng sau 3 năm nữa, nếu phải quay trở lại Việt Nam, với chương trình học chậm thế này, tôi sẽ không thể thi nổi vào đại học trong nước”, chị Ngọc nhớ lại.
Vì vậy, mục tiêu của chị Ngọc lúc bấy giờ là phải học với tiến độ thật nhanh để có thể “vượt lớp”. Bỏ qua giai đoạn lớp 8, cô nữ sinh người Việt được học thẳng lên lớp 9 ở Úc, sau đó là lớp 11. Đến năm 16 tuổi, chị Ngọc đã hoàn thành chương trình lớp 12 tại Úc.
“Với kết quả học tập như thế, tôi có thể lựa chọn theo học bất kỳ ngành nào ở đại học Úc. Nhưng khi ấy, tôi nghĩ rằng mình phải chọn ngành nào cần sự tự học là chính, bởi như vậy mới có khả năng đi xa. Cuối cùng, tôi vẫn chọn Toán – một phần vì học phí ngành này rẻ và khả năng ứng dụng của Toán vào các ngành khác cũng rất gần gũi”.
Video đang HOT
Bài toán nào cũng có ‘công tắc để bật sáng’
Theo GS Ngọc, điều khiến chị thích thú nhất khi học Toán là chỉ cần bút và máy tính là có thể cạnh tranh với tất cả mọi người trên thế giới. “Mọi thứ trong Toán khá rõ ràng và công bằng. Tôi nhận thấy mình không gặp bất cứ điều gì bất lợi khi làm Toán”, chị Ngọc nói.
Đến năm 2009, chị Ngọc giành được học bổng tiến sĩ tại Mỹ, theo học về xác suất thống kê ở UC Berkeley. Lựa chọn hướng đi này, theo chị Ngọc là khá phù hợp với tính cách của bản thân.
“Tôi thường thích phân tích mọi thứ dựa trên các con số cụ thể thay vì bị ảnh hưởng bởi một lý thuyết hay định luật nào đó. Do đó, việc phân tích số liệu mà cụ thể là toán thống kê sẽ cho phép tôi làm việc độc lập từ những số liệu mà mình nhìn thấy. Ngoài ra, tôi cũng thích tìm kiếm những vấn đề khó, chưa có người giải ra và mình có thể đem lại một cách nhìn mới mẻ, khác lạ”.
Trong hơn 15 năm làm Toán, niềm vui của GS Ngọc là giải thành công những bài toán khó, đôi khi trải qua hàng chục năm vẫn chưa có lời giải.
“Tôi từng giải thành công một bài toán liên quan đến thiết kế bán đấu giá. Trên thực tế, có những cuộc đấu giá khá phức tạp. Ví dụ ở Hà Lan, chính phủ đấu giá đường cao tốc theo giờ, hay như ở Mỹ, có các cuộc đấu giá sóng radio.
Trong thiết kế của các cuộc đấu giá ấy, có nhiều bài toán đặt ra, ví dụ như ‘Làm thế nào để các cuộc đấu giá ấy thực sự công bằng’, hay ‘Làm thế nào để có thể đem về nhiều lợi nhuận nhất’. Tôi từng mất gần 2 năm để giải ra một bài toán khá phức tạp mà mất khoảng 15 năm vẫn chưa có người tìm thấy lời giải. Đó là điều khiến tôi rất hạnh phúc”.
Hay một bài toán tới đây GS Ngọc sẽ thực hiện liên quan đến các vấn đề về môi trường. Một phần lý do khiến chị quyết định giải bài toán này là vì tình yêu với Hà Nội.
“Hà Nội trong trí nhớ của tôi vốn rất đẹp. Nhưng giờ đây, tốc độ đô thị hóa đã khiến không khí Hà Nội không còn được trong lành như xưa. Đó là lý do khiến tôi muốn giải bài toán này. Nó sẽ giải quyết được nhiều câu hỏi, ví dụ như ‘Nếu có một nguồn nước bị nhiễm độc, làm sao để tìm ra nguồn của sự nhiễm độc ấy’, GS Ngọc nói.
Tất nhiên, trên hành trình ấy cũng có không ít lần chị gặp bế tắc. Nhưng nữ giáo sư trẻ cho rằng, người làm Toán cũng giống như đang đi vào trong một căn phòng tối, phải lần mò để tìm thấy cánh cửa ra. Dù rằng, cũng có những lúc sẽ đi vào đường cụt, nhưng điều quan trọng là mình không đứng yên một chỗ, mà vẫn tìm mọi cách để thoát ra theo một con đường khác.
“Người làm Toán không bao giờ được chùn bước mà lúc nào cũng phải tiến về phía trước. Tôi tin rằng, bài toán nào cuối cùng cũng có một “công tắc để bật sáng”, cho nên điều mình cần làm là phải cố gắng để tìm ra công tắc ấy”, GS Ngọc nói.
Nói với con về vẻ đẹp của Toán
Bên cạnh công việc của một người làm Toán chuyên nghiệp, chị Ngọc còn là mẹ của 2 cô con gái, trong đó con gái lớn của chị năm nay lên 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1.
“Tôi cho rằng, nếu học Toán mà phải sử dụng mẹo mực để giải thì đó không phải là Toán học nữa mà chỉ là một kiểu thách đố. Do đó, tôi muốn truyền cho các con tình yêu và sự hứng thú với Toán học thông qua những câu chuyện đẹp đẽ và lý thú” – nữ giáo sư trẻ nói.
Điều chị Ngọc mong muốn là dạy cho con các kỹ năng cần thiết để con có thể tự tin hơn trong tương lai. Điều này cũng được chị rút ra từ câu chuyện của chính bản thân mình.
“Tôi may mắn khi cả bố và mẹ đều không áp lực chuyện thành tích của con cái. Những năm cấp 1, tôi luôn là người duy nhất trong lớp không đi học thêm và cũng thường đi ngủ từ rất sớm. Nhưng bố mẹ lại tập trung đầu tư cho tôi nhiều kỹ năng khác, ví dụ như học võ, học bóng bàn, học bơi, học ngoại ngữ… Hay đến năm 9 – 10 tuổi, dù máy tính khi ấy chưa phổ biến, nhưng bố mẹ đã mua cho tôi một chiếc máy tính để học gõ chữ. Bố mẹ cho rằng, đó đều là những kỹ năng thực tế mà trường học không dạy cho trẻ.
Vì thế, vào cấp 2, tôi đã biết khá nhiều thứ mà các bạn chưa có cơ hội trải nghiệm. Cũng nhờ những kỹ năng ấy khiến tôi cảm thấy khá tự tin vào bản thân. Tôi cho rằng, với một đứa trẻ, khi có sự tự tin, chúng có thể làm được bất cứ thứ gì mà chúng cảm thấy thích thú hay mong muốn”, GS Trần Mai Ngọc nói.
Để theo đuổi con đường làm toán chuyên nghiệp
GS Trần Mai Ngọc chia sẻ, chị đã hướng dẫn một postdoc người Trung Quốc từng giành Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO).
“Bạn này rất giỏi, có khả năng tính toán hơn người. Bạn từng chia sẻ rằng mình đã luyện tập làm toán từ năm lên 7 tuổi, thành thạo đến mức chỉ cần nhìn một vài số đầu của một dãy số là đã có thể đọc được ngay kết quả. Và chính bạn ấy cũng thừa nhận, nếu không làm được như vậy thì không có khả năng đi thi IMO. Nhưng đây không phải nhà nghiên cứu về toán giỏi nhất tôi từng biết.
Bởi lẽ, vì có khả năng giải nhanh nên bạn ấy rất thích làm những bài toán cho ra kết quả ngay. Nhưng thực tế, có những bài toán phải mất tới 2 – 3 năm mới cho ra kết quả. Nó giống như thể chạy marathon và chạy ngắn. Khi nghiên cứu Toán, những bài dạng “marathon” rất nhiều; còn số lượng bài cho ra kết quả ngay lại khá ít”.
Do đó, để theo đuổi con đường làm toán chuyên nghiệp, GS Trần Mai Ngọc cho rằng, trước hết cần phải trả lời được câu hỏi “Tại sao mình thích toán?”.
Sau khi đã trả lời được câu hỏi này và thẳng thắn nhìn nhận năng lực của bản thân, để đi xa trong ngành, cần phải tìm cho mình một người thầy dẫn dắt, một hướng đi phù hợp với thế mạnh và tìm được một môi trường làm việc tốt. Đây đều là những yếu tố vô cùng quan trọng để theo đuổi con đường làm toán chuyên nghiệp.
GS Ngọc cũng cho rằng, với một người có năng lực tốt về Toán, có khả năng giải quyết vấn đề và không sợ đi ra ngoài những hiểu biết của bản thân,… họ hoàn toàn có thể sống tốt với việc làm toán.
*Assistant professor thường được dịch là “Giáo sư trợ lí” nhưng những người giữ chức vụ này không phải là phụ tá cho giáo sư nào cả, mà họ là những nhà khoa học độc lập.
Từ cô gái mồ côi cha đến nhà vô địch bóng bàn quốc gia
Làng bóng bàn Việt Nam vừa chứng kiến một bất ngờ lớn khi tay vợt 17 tuổi Trần Mai Ngọc (Hà Nội T&T) lật đổ sự thống trị của Mai Hoàng Mỹ Trang (TP.HCM) để vô địch nội dung đơn nữ Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân dân năm 2021.
Tay vợt Trần Mai Ngọc nhận cúp vô địch đơn nữ Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân dân năm 2021 Ảnh: DUY LINH
Thế nhưng ít ai biết rằng, Mai Ngọc từng trải qua một tuổi thơ khó khăn khi sớm mồ côi cha từ nhỏ.
Nghị lực của tay vợt mồ côi cha
Với những người yên mến môn bóng bàn, Trần Mai Ngọc không phải là cái tên xa lạ. Năm 2019, khi mới 15 tuổi, Mai Ngọc lần đầu tham dự Giải bóng bàn toàn quốc Báo Nhân dân và lập tức gây ấn tượng. Khi ấy, Mai Ngọc đã thắng 4-2 trước á quân quốc gia Nguyễn Khoa Diệu Khánh ở vòng 2, sau đó thẳng tiến vào trận chung kết và chỉ gác vợt trước "tượng đài" Mai Hoàng Mỹ Trang. Với thành tích xuất sắc này, Trần Mai Ngọc được chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games ngay trong năm 2019.
Tại Giải bóng bàn quốc gia Báo Nhân dân năm 2021, hành trình của Trần Mai Ngọc thực sự đáng nể. Cô đánh bại Mai Hoàng Mỹ Trang ở tứ kết và sau đó loại luôn tay vợt kỳ cựu Phan Hoàng Tường Giang ở bán kết. Tại chung kết, Mai Ngọc xuất sắc thắng Nguyễn Thùy Kiều My (Công an nhân dân) với tỷ số 4-0, qua đó lần đầu tiên vô địch quốc gia. Đáng nói, trước khi giải đấu này diễn ra, chức vô địch nội dung đơn nữ được xem là cuộc đấu tay đôi giữa Mai Hoàng Mỹ Trang và Nguyễn Thị Nga (Hà Nội). Và không ai nghĩ Mỹ Trang-tay vợt giữ 12 chức vô địch quốc gia lại dễ dàng gục ngã.
Sinh năm 2004 tại Bình Dương, 2 tuổi cô bé Trần Mai Ngọc cùng người em gái sinh đôi Trần Ngọc Ngà đã mồ côi cha. Gia cảnh của Mai Ngọc càng khó khăn khi cả nhà phải trông chờ vào lương công nhân may của mẹ. Hằng ngày, ngoài một buổi học văn hóa, chị em Ngọc được mẹ cho đi học bóng bàn nhưng chủ yếu nhặt bóng cho các anh chị. Như duyên trời định, chính từ một lần nhặt bóng tại một giải phong trào, Ngọc và Ngà đã được các thầy của câu lạc bộ bóng bàn Hà Nội T&T cảm thương, quyết định nhận vào đội. Hai chị em háo hức được ra Hà Nội, mê mải xem các anh chị tập bóng bàn, nhất là khi có mẹ đi cùng.
Mọi trở ngại cũng dần trôi qua, khi Trần Mai Ngọc cùng em gái lớn lên, ngày càng đam mê và có những bước tiến vượt bậc về chuyên môn. Cả hai chị em, nhất là Mai Ngọc, đã sớm nổi lên như những tài năng trẻ của bóng bàn Việt Nam, qua những chiến thắng thuyết phục tại các giải trẻ. Để rồi, chính Mai Ngọc đã trở thành một hiện tượng tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc 2019. Và tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân dân 2021, Trần Mai Ngọc đã có sự trưởng thành vượt bậc khi được sự kèm cặp, rèn giũa kỹ lưỡng bởi cựu danh thủ Vũ Mạnh Cường. Cụ thể, Mai Ngọc đã thi triển tốt lối chơi tấn công chủ động và đa dạng với quả phải đầy uy lực, khả năng di chuyển linh hoạt, bên cạnh một bản lĩnh, với độ "lì" vượt xa tuổi 17.
Cần đầu tư để vươn tầm
Chứng kiến Trần Mai Ngọc vô địch đơn nữ Giải bóng bàn quốc gia Báo Nhân dân 2021, ông Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Bóng bàn (Tổng cục Thể dục thể thao) cho biết: "Thời gian qua, Mai Ngọc đã tiến bộ rất nhiều cả về thể chất lẫn kỹ chiến thuật. Đặc biệt, Mai Ngọc đã mạnh dạn chơi tấn công để giành chiến thắng. Ở Việt Nam, nếu một tay vợt nữ rụt rè thì không thể vượt qua những tay vợt kỳ cựu như Tường Giang hay Mỹ Trang. Mai Ngọc có những pha đánh phải tốt, nhưng cú đánh trái cần phải cải thiện thêm. Ưu điểm lớn nhất của Mai Ngọc chính là "mỏng" người, bộ chân rất thanh thoát giúp em di chuyển nhanh nhẹn".
Chức vô địch quốc gia đầu tiên của Trần Mai Ngọc là thành quả cho những nỗ lực và ý chí rèn luyện không ngừng. Ông Phan Anh Tuấn tiết lộ, sau Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân dân năm 2021, bộ môn bóng bàn sẽ họp với các bên có liên quan để tìm phương án đầu tư cho Mai Ngọc với mục tiêu trước mắt là SEA Games 31.
Ai cũng biết Trần Mai Ngọc cần đầu tư để vươn tầm tài năng, nhưng đầu tư như thế nào thì vẫn là một câu chuyện dài. Bao năm qua, bóng bàn nữ Việt Nam vẫn đang loay hoay trong việc tranh chấp huy chương tại đấu trường Đông Nam Á. Chúng ta có Mai Hoàng Mỹ Trang 12 năm liên tiếp vô địch quốc gia, song lại im hơi lặng tiếng khi bước ra đấu trường khu vực. Mới nhất, Mỹ Trang cũng đã nói lời chia tay với đội tuyển bóng bàn nữ quốc gia. Điều đáng nói, Mai Ngọc đã là thành viên của đội tuyển bóng bàn nữ quốc gia từ hai năm qua. Tài năng này cần phải được đầu tư lớn, trong đó có việc cần được tập huấn và thi đấu nước ngoài nhiều hơn để cọ xát, tích lũy thêm kinh nghiệm.
Giới chuyên môn tin rằng, Trần Mai Ngọc là nhân tố chủ lực của đội tuyển bóng bàn nữ Việt Nam tại SEA Games 31. Tuy nhiên, từ nay đến lúc khởi tranh SEA Games 31 không còn nhiều, Mai Ngọc cần phải được đầu tư thông qua những kế hoạch, chương trình cụ thể để sớm có sự chuẩn bị, định hướng trước giải đấu. Mừng cho bóng bàn nữ Việt Nam có thêm một tài năng triển vọng và tin rằng nếu được đầu tư đúng hướng thì sự nghiệp của Mai Ngọc sẽ còn tiến xa.
Phát hiện sốc: Trái đất tự 'ăn thịt' mình, tàn tích vẫn bị đè nghiến Một nghiên cứu mới đây cho thấy, các mảnh vỏ cổ xưa đã bị Trái đất tự nuốt chứng đè nghiến xuống bên dưới chứ không hề tan rã. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi ETH Zurich (Thụy Sĩ) và Đại học Texas ở Austin (Mỹ) cho biết, kiến tạo mảng hiện đại - quá trình 15 mảnh vỏ của Trái Đất liên...