‘Cô gái đẹp’ của chính nghĩa
Trước quan điểm cá nhân của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về vai trò của khoa học xã hội và kiến nghị của nhà văn Nguyên Ngọc “không nên lẫn lộn chính trị với lịch sử”, PGS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) bày tỏ, khoa học lịch sử “không phải là cô gái đẹp của mọi người”, mà là “cô gái đẹp của chính nghĩa”. Vì thế, đương nhiên khoa học lịch sử phục vụ cho chính trị, nhưng là chính trị đúng đắn.
Phóng viên: Thưa ông, khoa học xã hội và nhân văn có ý nghĩa với chúng ta như thế nào?
Ông Võ Văn Sen: Trước hết, phải có cái nhìn rộng lớn về ý nghĩa của khoa học xã hội nhân văn đối với thế giới và sau đó mới bàn về nước ta, từ đó nhìn thấy vấn đề của mình trong bối cảnh chung.
Nhìn lại chủ nghĩa tư bản, khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật có những bước tiến vượt bậc, kỳ diệu, như từ sau thế chiến thứ hai đến nay, tổng sản phẩm làm ra bằng cả giai đoạn từ khi có con người đến trước thế chiến II. Tuy nhiên, lực lượng xã hội bị hút vào khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật rất lớn.
Trong khi đó, khoa học xã hội đi chậm hơn, đi sau. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản cũng nhận ra nhanh chóng nếu để KHXH đi chậm như vậy là một tổn thất to lớn của loài người.
Chẳng hạn công nghệ gen. Nếu không có sự kiểm soát của chủ nghĩa nhân văn thì công nghệ này có thể chế tạo ra con người trong xưởng máy, hủy diệt gia đình, tình yêu. Khoa học nhân văn định hướng vạch ra lý lẽ cho sự phát triển của xã hội. Ngay cả vũ khí nguyên tử, vũ khí hóa học có thể tiêu diệt mấy chục lần cả nhân loại. Do vậy, khoa học cần phải có lý trí sáng suốt dẫn đường, đó chính là khoa học xã hội.
Những nước phát triển đã cố gắng tạo ra những quỹ cho khoa học xã hội để phát triển khoa học xã hội cân bằng, cân đối với khoa học tự nhiên. Tùy theo các nước mà tỉ lệ này có thể khác nhau.
Giáo dục Mỹ là một nơi để ta có thể suy ngẫm về vấn đề này.
Trong giáo dục phổ thông, có những môn tự chọn và bắt buộc. Không có nước nào có môn học tự chọn mà không xếp môn Lịch sử vào hàng môn học bắt buộc. Vì là môn bắt buộc nên dành một thời gian thích đáng để dạy môn sử (4 đến 6 tiết/tuần). Ta chỉ có 2 tiết sử một tuần ở lớp 12. Quan trọng hơn, khi xét chọn vào đại học, bảng điểm ở phổ thông cũng là cân nhắc rất lớn, nếu các môn bắt buộc mà học kém thì ít có cơ hội vào các trường danh tiếng.
Vị trí của môn sử và nhiều môn khoa học xã hội khác ở Mỹ có vị trí rất lớn. Đây là sai lầm của ta. Những môn khoa học xã hội, ngoại trừ môn văn, nhìn chung bị đánh giá thấp ở trường phổ thông, chỉ tập trung vào môn chính thi đại học. Người ta xem thấp người dạy những môn này, rồi xã hội cũng xem thấp. Đây là trở ngại chính cho chúng ta nâng chất môn sử lên.
Có phải yếu tố chính trị lồng ghép trong môn Lịch sử cũng là nguyên nhân làm cho HS chán học môn này?
Các nước tư bản cũng đưa chính trị vào sử theo kiểu của người ta chứ không phải là phi chính trị. Nhưng khoa học lịch sử “không phải là cô gái đẹp của mọi người”, mà là “cô gái đẹp của chính nghĩa”. Vì thế, đương nhiên khoa học lịch sử phục vụ cho chính trị, nhưng là chính trị đúng đắn.
Học sử cuối cùng là đi đến nhận thức về sự phát triển của lịch sử, giá trị, kinh nghiệm, bài học của nó, đâu là chính nghĩa, đâu là tà. Vua nào là vương đạo, vua nào là tà đạo. Triều đại như thế nào là đúng. Như vậy nhà sử phải phê phán, và từ đó đi đến vấn đề chính trị.
Lịch sử chiều theo chính trị, là cô gái đẹp của mọi người mới là sai, còn là cô gái đẹp của chính nghĩa là cần thiết.
Thưa ông, vậy thì điều gì thực sự khiến các em chưa thiết tha với lĩnh vực có nhìêu hấp dẫn này?
Trở ngại chính hiện nay là tư duy của lãnh đạo. Chúng tôi đã có nhiều hội thảo lớn, cách đây 5 – 7 năm rồi, gần đây nhất là ở Hà Nội cách đây 3 năm, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có cuộc hội thảo lớn về dạy sử ở phổ thông. Chúng tôi đã kiến nghị: Tình hình dạy và học sử hiện nay không bình thường. Thế nhưng, những người lãnh đạo chính trị xã hội, lãnh đạo trong giáo dục không nhận thức được vấn đề không bình thường đó.
Vì vậy, việc chúng tôi có hội nghị là để có chiến lược sửa một cách căn cơ vấn đề dạy khoa học xã hội và nhân văn của nước ta, trong đó nổi cộm lên là Lịch sử.
Video đang HOT
Chữa vấn đề sử phải đặt trong vấn đề sửa chung đó. Có thể coi đó là một quốc nạn. Đây là một tai họa tinh thần đối với dân tộc. Việc không học sử, không hiểu sử ngày càng trầm trọng làm nghèo nàn đi nhận thức của dân tộc, mai một đi truyền thống dân tộc, là một cái họa lớn, là cái điềm mất nước.
Dân tộc ta cho đến thế kỷ 20 dạy sử rất nhiều, sử dụng sử rất nhiều, có những sử gia đứng hàng đầu trong số các nhà khoa học xã hội, dùng sử đào tạo cán bộ, người lãnh đạo.
Nếu không có 3 ngành Văn- Sử-Triết, 3 khoa nòng cốt của khoa học xã hội nhân văn, nếu trường nhân văn không có ba khoa này thì không có trường. Tổ tiên ta rất chú trọng đến 3 ngành này trong suốt mấy ngàn năm, để văn hóa Việt Nam hòa nhập nhưng không hòa tan, có bản lĩnh, Việt hóa những cái bên ngoài nhập vào.
Thưa ông, vậy có điều gì không bình thường ở đây?
Cái bất bình thường của chúng ta là ngành giáo dục đã làm mất truyền thống này, mất truyền thống trọng sử và học sử. Do vậy, phải nhận thức chiều sâu và nguyên nhân tai họa đó. Không biết đến tổ tiên nguồn gốc thì mất nước. Chúng ta mất nước ngàn năm mà không mất nước hẳn vì tất cả đều có ý chí khôi phục sự nghiệp của vua Hùng.
Phải có một chiến lược và bắt đầu từ trên xuống, chứ không phải từ dưới lên, lâu dài và toàn diện mới ra khỏi vấn đề này.
Một trong những vấn đề này là cải tiến cách dạy và học. Phải thay đổi vị trí của môn học. Chúng ta có truyền thống trọng thi cử. Nếu không cho thi thì khó lòng mà thúc đẩy sự học môn sử. Phải dành một số giờ lớn. Muốn vậy phải làm tín chỉ ở trung học, liệt sử vào môn bắt buộc thì mới dành thời gian được. Đó là mô hình của nước Mỹ.
Đã là môn bắt buộc rồi thì phải có vị trí trong mọi kỳ thi quan trọng của đất nước, trong tuyển chọn vào đại học, cao đẳng. Ví dụ như ở Mỹ, hồ sơ nộp vào đại học sẽ thể hiện học lực các môn bắt buộc, trong đó có sử. HS hiểu điều đó nên phải học rất nghiêm túc.
Hiện đại hóa phương pháp học tập: thay đổi sách giáo khoa, dung lượng phong phú, cách soạn khoa học, thuyết trình, bình luận, xem phim, nhận xét bài thi của HS. Sách lịch sử của HS phổ thông Mỹ dày hơn 1.000 trang, của ta vài trăm trang, không thấm tháp gì.
Các môn khoa học xã hội cũng bắt buộc như vậy.
Đừng cho là cách dạy của chúng ta áp đặt. Chẳng hạn như môn Văn đã có đề mở để HS bày tỏ chính kiến. Tuy nhiên, đề Sử chưa cải tiến ngay được như vậy, mặc dù có cải tiến so với trước đây, vì cách dạy ở phổ thông chưa thích ứng được. Sau này, có những đề hay, HS thoải mái bình luận. Do vậy, chúng ta chỉ nhích được từng bước. Quy lại. là phải cải tiến cách ra đề.
Khối thi đại học thay đổi như thế nào nếu như bắt buộc học văn, sử?
Chúng ta có nên tiếp tục chọn 4 khối thi hay sắp xếp lại. Phải có trọng lượng các môn xã hội vào các khối thi. Chỉ có khối D là khá cân bằng. Trong khi đó khối A và B chưa có. Còn cụ thể ra sao, các chuyên gia sẽ phải nghiên cứu chứ chưa đưa ra mô hình vội.
Đó là trước mắt, còn về lâu dài, phải nghiên cứu để trong vòng 5-10 năm sau, chúng ta chuyển thi theo lối thi hiện đại của thế giới, chẳng hạn như SAT, TOEFL…bên cạnh xét chọn.
Tuy nhiên, bắt chước Mỹ cũng chỉ từng phần thôi vì phụ thuộc vào văn hóa của từng nước.
Theo VNN
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Không thể có 2 mức điểm sàn"
"Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp giữa trường đại học công lập và dân lập có giá trị như nhau nên không thể mỗi trường đại học lại có mức điểm sàn khác nhau được".
Trao đổi với Dân trí ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) cho biết như vậy sau khi Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập lên tiếng cầu cứu, kêu gọi Bộ thay đổi mức điểm sàn.
Thưa Thứ trưởng, ông có ý kiến gì về 2 phương án mà Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có công văn đề nghị bộ xem xét điểm sàn tuyển sinh 2011?
Hiện nay, tôi vẫn chưa nhận được công văn đó mà mới biết qua báo chí phản ánh. Tuy nhiên, ngày 8/8 tới, Hội đồng điểm sàn của Bộ mới họp để công bố điểm sàn.
Sáng nay 5/8, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng đã tổ chức hội thảo bàn về mức điểm sàn năm nay. Nhiều ý kiến mong muốn Bộ thực hiện phương án có 2 mức điểm sàn là điểm sàn riêng cho các trường ngoài công lập và điểm sàn riêng cho các trường công lập?
Theo tôi, điều đó khó chấp nhận được. Các trường không thể có điểm sàn khác nhau mà phải giống nhau vì Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp giữa trường đại học công lập và dân lập có giá trị như nhau. Mặc dù điểm chuẩn vào các trường khác nhau. Điểm chuẩn thể hiện đẳng cấp, uy tín của từng trường. Các trường ở vùng miền khó khăn được ưu tiên áp dụng điều 33 trong quy chế tuyển sinh.
Thưa Thứ trưởng, nếu giữ mức điểm sàn như năm trước, nhiều trường ngoài công lập, thậm chí cả trường công lập đều lo không tuyển đủ chỉ tiêu?
Bộ sẽ tính toán để thí sinh trên điểm sàn cao hơn tổng chỉ tiêu, đảm bảo đủ nguồn tuyển. Bên cạnh đó, Bộ đã cho phép thí sinh rút và nộp hồ sơ nhiều lần khi xét tuyển NV2, NV3. Như vậy, với những trường chất lượng có đủ uy tín sẽ hút được nhiều thí sinh. Nhiều trường chưa tạo được uy tín thì nhiều thí sinh bằng hoặc trên điểm sàn họ cũng không vào học.
Điểm sàn năm nay không thể hạ thấp hơn năm trước và Bộ không thể chiều theo các trường. Muốn học đại học người học phải có một ngưỡng kiến thức nhất định nên cần có sự sàng lọc.
Những thí sinh điểm không cao mà muốn vào học đại học thì phải chấp nhận ra các trường đại học xa trung tâm đến các vùng miền để học phù hợp với mức điểm của mình.
Thưa Thứ trưởng, từ nay đến năm 2015, dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi môn thi đại học. Cụ thể là như thế nào thưa ông?
Hiện nay, Bộ cũng đang nghiên cứu để đưa ra phương án thi đại học nhiều môn chứ không thể 3 môn như hiện nay. Theo đó, sẽ tổ chức thi nhiều môn khác nhau trong một đợt thi ba ngày. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký dự thi những môn phù hợp với nguyện vọng xét tuyển của mình. Các trường ĐH công bố trước tổ hợp 3-4 môn thi để xét tuyển chọn vào trường cho từng ngành học.
Tuy nhiên, thí sinh học ngành học nào, lĩnh vực nào thì cũng phải có kiến thức xã hội, nhất là trong bối cảnh xã hội tri thức hiện nay, ngày càng đòi hỏi nhân lực trình độ cao phải có sự cân đối giữa kiến thức khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn.
Theo tôi, để tổ chức thi đại học nhiều môn cần có một lộ trình chuẩn bị. Theo đó, sẽ thay đổi cách dạy, cách học ở bậc phổ thông. Từ nay đến năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới từng bước để tiến tới mục tiêu đổi mới cơ bản thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Trong khi đó, tại hội nghị sáng nay 5/8 của Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT thay đổi mức điểm sàn:
Ông Lê Công Huỳnh, hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây: Đề nghị có điểm sàn riêng cho các trường ngoài công lập
Điểm sàn có phải là là vấn đề quản lý hay là nhu cầu về xã hội vì vậy trong hoàn cảnh hiện nay mà Bộ GD-ĐT không thay đổi điểm sàn thì các trường ngoài công lập sẽ tan hết kéo theo lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất và tiền bạc. Mặc dù biết rằng, sức mạnh của các trường là số lượng sinh viên nhưng với trường chúng tôi rất khó có lời giải. Bởi vì khi vừa thành lập xong, trường tôi tuyển được 700 sinh viên, năm sau tuyển được 600 sinh viên và năm 2010 tuyển được 400 sinh viên, đến năm nay dự kiến tuyển 200 sinh viên cũng khó.
Tôi nghĩ, chúng ta tăng điểm sàn hay hạ điểm sàn là một vấn đề nhưng nhiều trường công lập thông báo lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì chẳng có thí sinh nào lại vào trường ngoài công lập.
Để các trường ngoài công lập tồn tại thì đề nghị Bộ cho điểm sàn công lập riêng và điểm sàn trường ngoài công lập riêng. Các trường xin hưởng ưu tiên để tuyển sinh thì Bộ không nên duyệt như vậy sẽ loạn.
Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Chu Văn An:
Điểm sàn cần có sự tính toán kỹ!
Theo tôi, điểm sàn là do đề thi, điểm thi nên thường không ổn định. Tại sao thi tốt nghiệp có kết quả như vậy nhưng thi đại học lại có kết quả ngược lại. Cần phải có kiểm định kết quả trên.
Với những ngành nghề khó tuyển như ngành luyện kim, nông lâm nghiệp, nay lại vướng vào điểm sàn lại càng khó tuyển hơn, chỉ khổ cho các trường ngoài công lập. Sự vô tình này làm ảnh hưởng tới xã hội hóa giáo dục. Do vậy, Bộ GD-ĐT cần tính toán kỹ khi đưa ra quyết định điểm sàn. Cần có giải pháp tình thế cho khó khăn hiện nay của các trường ngoài công lập.
Ông Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng:
Điểm sàn phải xác định để các trường có thí sinh đến học
Đã thi "3 chung" thì phải có điểm sàn nhưng điểm sàn phải xác định như thế nào để các trường ngoài công lập có thí sinh đến học. Tôi nghĩ, với hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp thì chẵng nhẽ lại không tính toán để khoảng 300.000 thí sinh vào đại học. Biết rằng, việc xây dựng điểm sàn dựa trên nhiều yếu tố nhưng nhiều trường đại học chỉ lấy bằng điểm sàn của Bộ thì sinh viên vào trường công lập chứ tội gì vào dân lập cho tốn tiền.
Hiện nay, cả nước có khoảng 100 trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhưng đa số rơi vào tình trạng khó tuyển sinh vì thiếu nguồn tuyển. Cứ đà này không tuyển được thí sinh, các trường sẽ phá sản thì việc chủ trương xã hội hóa giáo dục không hiệu quả.
Ông Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Phương Đông:
Lấy điểm sàn để có 50% thí sinh đạt, vượt sàn
Tôi không đồng ý bỏ điểm sàn vì chúng ta đang thực hiện "3 chung".
Bộ quy định tất cả việc giao chỉ tiêu, ra đề thi thì việc điểm sàn thấp hay cao như thế nào Bộ quyết định tất cả. Do vậy, tôi đề nghị bộ lấy điểm sàn sao cho 50% các em dự thi đạt, vượt điểm sàn. Như vậy, các trường đại học ngoài công lập mới có đủ nguồn để tuyển.
Theo Dân Trí
Điểm sàn không thay đổi nhiều so với năm ngoái "Điểm sàn năm nay sẽ không thay đổi nhiều so với năm ngoái" - Đó là lời khẳng định của thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khi trao đổi với VTC News về điểm sàn ĐH năm 2011. Đến thời điểm này, khi hầu hết các trường đều đã công bố điểm thi cho các thí sinh và nhiều trường đã công...