Cô gái dân tộc Mông mở lớp học xóa mù chữ ở Lào Cai
Vất vả kiếm sống, từ nhỏ không được đến trường học chữ, thế nhưng Tẩn Thị Shu tự học để rồi nói, viết tiếng Việt và tiếng Anh đều thạo. Không chỉ thế, cô còn mở lớp xóa mù chữ tình nguyện cho hơn 50 em và vận động nhiều em khác đến trường.
Vượt lên từ đứa trẻ nghèo
Thân thiện, hiểu biết, ăn nói rất có duyên – đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về Tẩn Thị Shu. Trong hai năm vừa qua, Shu trở thành gương mặt trẻ ấn tượng của vùng cao Sa Pa.
Sinh ra và lớn lên trong gia nghèo dân tộc Mông ở Xã Lao Chải, huyện Sa Pa, Lào Cai, vì hoàn cảnh nhà nghèo, Shu không được đến trường cũng như nhiều cô gái vùng cao khác. Sớm lặn lội trải nghiệm nhiều nghề mưu sinh nhưng cuối cùng, nghề hướng dẫn viên du lịch là nghề giúp Shu trưởng thành trong cuộc sống. 26 tuổi, Shu đã có thâm niên hơn 15 năm làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Tuổi thơ của cô gắn bó với những bước chân theo mẹ lên nương, theo chúng bạn cùng trang lứa lên phố (thị trấn Sa Pa) để bán hàng rong cho khách du lịch. Rồi cái duyên may cũng đến rất tự nhiên khi tự Shu học được một vốn tiếng Anh kha khá. Vậy là cô trở thành hướng dẫn viên khi còn rất nhỏ tuổi, hàng ngày theo các đoàn khách đi cùng họ đến các bản làng.
Chính trong cuộc sống mưu sinh ấy, Tẩn Thị Shu nhận thấy cần phải học cái chữ thì mới có cuộc sống ấm no. Không được đến trường nhưng sau những lần tiếp xúc với du khách, Shu tự học chữ. Những cóp nhặt ấy đã giúp cô có cuộc sống tương đối ổn định như ngày hôm nay.
Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và những hiểu biết về văn hóa cũng như kiến thức xã hội của Shu, không ai nghĩ rằng cô chưa từng được đến trường.
26 tuổi, Tẩn Thị Shu đã có thâm niên hơn 15 năm làm nghề hướng dẫn viên du lịch.
Mở lớp tình thương
Từ cô bé bán hàng rong cho khách du lịch, giờ đây Shu đã trở thành bà chủ của ngôi nhà du lịch ở Sapa, tạo việc làm ổn định cho hơn 15 lao động. Từ công việc kinh doanh đó, cô đã làm nhiều việc từ thiện cho xã hội như mở lớp học tình thương miễn phí cho các em học sinh vùng cao; tham gia vận động các em đến trường học; ngăn chặn nhiều vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, năm 2010, Tẩn Thị Shu ủng 30 triệu cho Trường mầm non Lao Chải xây dựng trường lớp.
Hiện nay lớp học tình thương mà Shu mở có 50 em theo học, với nhiều lứa tuổi khác nhau. Ngoài việc học tiếng Việt và phép tính cơ bản, các em còn được Shu dạy tiếng Anh. Khi chúng tôi hỏi vì sao Shu lại có ý nghĩ mở lớp học mà mọi kinh phí đều do bản thân mình lo, cô chia sẻ: Trước đây em cũng giống nhiều đứa trẻ ở vùng cao Sa Pa này. Hoàn cảnh vất vả nên không đến trường, không biết viết, chủ yếu theo mẹ làm nương hoặc đi theo khách du lịch để bán hàng rong. Do đó mãi cuộc sống vẫn cứ nghèo đói. Khi bản thân mình có ít tiền từ việc kinh doanh du lịch, em quyết định mở lớp học nhằm giúp các em xóa mù chữ.
Video đang HOT
Được biết, ban đầu, lớp học do Shu chỉ có vài em học sinh, cơ sở vật chất của lớp chẳng có gì ngoài bộ bàn nghế, bảng tự tạo. Thế nhưng lớp học mỗi ngày một đông. Vừa qua, lớp học của Shu được VTV6 Đài truyền hình Việt Nam tặng 1.000 cuốn vở cùng nhiều bộ sách giáo khoa phục vụ dạy học.
Các em học sinh trong lớp học do Tẩn Thị Shu mở.
Không dừng lại ở đó. Nhiều học sinh biết đọc biết viết thì được Shu hỗ trợ các em trở lại trường học hoặc đi học nghề. Năm nay, Shu đã hỗ trợ hơn 30 em trở lại trường, nhiều em đi học các nghề như dệt.
Tấm lòng nhân ái của Shu không chỉ có vậy. Cách đây mấy năm, Shu nghe tin một em gái trong bản đã học hết lớp 12 mà vẫn ở nhà làm ruộng với gia đình. Thấy tiếc cho em ấy, Shu về tận nhà, rủ em lên thị trấn ở cùng mình trong căn phòng trọ, rồi động viên và cho em ấy tiền (2 triệu đồng) để đi học Nghiệp vụ du lịch tại Hà Nội. Cũng không phải là người khá giả, nhưng Shu nghĩ: số tiền ấy đối với mình cũng nhiều, nhưng nếu tiêu đi thì cũng hết, giúp được em ấy là một điều tốt.
Đi học để dạy các em nhiều hơn
Nhận thấy việc dạy xóa mù chữ với các em là chưa đủ, Shu quyết định mình phải theo học ở trường thì mới dạy cho được nhiều cái mới. Nghĩ là làm, Shu theo học ở Trường Giáo Dục Thường Xuyên huyện Sa Pa và hiện là học sinh lớp 11. Việc học những kiến thức những môn tự nhiên với Shu rất khó nhưng cô quyết tâm theo học.
Bước chân của Shu đã đi khắp các bản làng, không thể đo được quãng đường đó dài bao nhiêu và những bước chân ấy đã dạy cô biết bao nhiêu điều. Với Shu, giúp được nhiều người chính là niềm vui của cuộc sống. Hiện nay ngoài công việc hướng dẫn viên Shu kinh doanh du lịch, Shu còn tích cực tham chương trình tình nguyện, từ thiện xã hội.
Rời Lao Chải, chia tay cô gái Mông miền sơn cước, chúng tôi cứ lưu luyến mãi hình ảnh Shu và cảm động trước nhiều việc làm cao quý của cô. Chúc Shu và nhiều đứa trẻ nghèo vùng cao sẽ thành công trên hành trình nhọc nhằn chinh phục cái chữ.
Theo Dân Trí
Người thương binh mù và 9 lớp học tình thương
Chiến tranh đã cướp mất của ông đôi mắt quý giá nhưng từ trong trái tim ông, ánh sáng vẫn được thắp lên, sáng chói. Với ông, củng cố kiến thức cho học trò nghèo quê mình là cách tốt nhất để ánh sáng tri thức thêm lan tỏa.
Ông là thương binh Nguyễn Đăng Khoa, gần 70 tuổi, trú tại xóm 5, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Lớp học của tình thương
Năm 1965, ông gia nhập Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Tại binh trạm 14 ông bị thương nặng vào mắt, bị mù vĩnh viễn và phải trở lại tuyến sau. Về quê, ông tham gia công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hóa văn nghệ cổ vũ không khí lao động xã hội chủ nghĩa tại Nam Đàn lúc bấy giờ.
Năm 2003, bước vào tuổi 60, ông nghỉ hưu. Con người vốn quen hoạt động phong trào nay về "ngồi một chỗ", ông bứt rứt không yên. Thâm tâm ông bảo, phải làm một cái gì đó cho đời, vậy là ông bắt tay vào thực hiện ý định của mình.
Thương binh Nguyễn Đăng Khoa (ngoài cùng, bên trái) trong một buổi giao lưu
Thấy nhiều học sinh nghèo không có điều kiện đi học thêm, ông Khoa nảy ra suy nghĩ mở lớp củng cố kiến thức cho các cháu. Ông bàn với vợ, bà ái ngại: "Ông mắt mũi thế kia thì dạy với dỗ răng được?". Ngước đôi kính đen lên, ông cười: "Tôi có cách". Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Trường tiểu học Nam Lĩnh, lớp học của ông được hình thành cũng với bảng đen, phấn trắng, bàn ghế như những lớp học khác.
Nghe tin ông Khoa mở lớp, trẻ con trong xóm kéo nhau đến học, chủ yếu là học sinh từ lớp 7 đến lớp 9. Lớp học đầu tiên có 16 học sinh, đó là vào mùa hè năm 2003. Lớp học được mở vào đầu hè và kết thúc khi các em bước vào năm học mới.
"Ngày xưa tôi học hết lớp 10 (tương đương với lớp 12 bây giờ - PV) rồi mới đi bộ đội. Đã một thời gian khá dài nhưng tôi vẫn nhớ các kiến thức đã học. Cái nào quên hoặc kiến thức nào mới thì tôi lại nhờ vợ mình đọc đi đọc lại nhiều lần rồi tìm cách giải", ông Khoa chia sẻ. Môn học ông lựa chọn để củng cố kiến thức cho học sinh là môn Toán mà chủ yếu là Hình học - môn học đòi hỏi nhiều đến sự tưởng tượng và suy luận logic.
Thầy chỉ tới đâu, trò vẽ tới đó. (Ảnh: VOV)
"Tôi nhờ một em học sinh học lực khá nhất lớp làm "trợ giảng". Học sinh sẽ đọc đề bài để tôi nghe rồi "vẽ" hình trong đầu sau đó tôi hướng dẫn em "trợ giảng" vẽ lên bảng rồi hướng dẫn cách giải cho cả lớp", thầy Khoa chia sẻ "bí quyết" của mình. Cứ như vậy đều đặn mỗi tuần vào chiều thứ tư và chủ nhật hàng tuần, các em học sinh lại đến lớp học của ông Khoa.
10 năm qua đã có hơn 100 học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 theo học tại lớp học của ông Khoa. Điều đáng mừng là tất cả các em đều có học lực khá, là học sinh trong tốp mũi nhọn của trường. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm, các em học sinh lớp học của ông đều đậu vào các trường THPT công lập của huyện.
Em Nguyễn Thị Thanh - học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Đàn 1, từng là học sinh lớp học tình thương của thầy Khoa cho biết: "Sau 3 mùa hè theo học tại lớp học của thầy Khoa, em được củng cố thêm các kiến thức đã được học tại trường. Nhưng điều quan trọng hơn là thầy đã dạy cho chúng em một bài học lớn: Không gục ngã trước số phận. Nếu có quyết tâm và nhiệt huyết dù cơ thể chúng ta có nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn có thể làm được nhiều điều có ích trong cuộc sống. Những học trò nghèo như chúng em biết ơn thầy Khoa nhiều lắm. Thầy cũng chính là động lực khiến chúng em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để học tập tốt hơn".
Với những thành tích trong công tác giảng dạy của mình, mặc dù chưa từng học qua bất kỳ một lớp học sư phạm, chưa từng giảng dạy chính thức tại một ngôi trường nào, ông Khoa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng thầy thẻ "Nhà giáo". Trong cuộc thi "Nét bút tri ân", thầy cũng là người được nhận nhiều lá thư cảm ơn và chứa chan những biết ơn của học trò. Với thầy Khoa đó là niềm vinh dự cũng niềm tự hào lớn lao, là động lực để thầy làm tốt hơn "nhiệm vụ" của mình.
Theo dự kiến ngày 25/5 vừa rồi, lớp học tình thương thứ 10 của thầy Khoa sẽ được khai giảng thế nhưng do bị ốm, sức khỏe giảm sút nên buổi khai giảng lớp học đành phải gác lại.
Nhạc công "4 trong 1"
Người dân Nam Đàn không chỉ biết đến ông Nguyễn Đăng Khoa trong vai trò của một người thương binh mở lớp học củng cố kiến thức cho học sinh nghèo mà còn biết đến ông như một nhạc công tài hoa. Một mình ông cùng lúc có thể sử dụng 4 nhạc cụ biểu diễn.
Thầy Khoa đã dạy cho các em học sinh một bài học lớn: Không gục ngã trước số phận.
Ông Khoa tâm sự: "Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, với một ít vốn liếng văn hóa và khả năng chơi đàn, tôi được huyện bố trí phụ trách công tác tuyên truyền. Đội tuyên truyền có nhiệm vụ đến các công trường xây dựng, các hoạt động như trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tuyên truyền các nhiệm vụ lớn thời bấy giờ. Đội tuyên truyền do ông phụ trách lớn mạnh nhanh chóng và trở thành đội tuyên truyền mũi nhọn thời bấy giờ.
"Hồi ấy nhân lực là yếu tố sống còn trong các chương trình hoạt động lớn từ nhập ngũ chiến đấu đến trực tiếp sản xuất phục vụ chiến đấu. Thời ấy phong trào "Một người làm việc bằng hai, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm" đang được phát động mà ban nhạc phải có một người đánh đàn, một người đánh trống, người thổi kèn... thì "phí" quá. Nếu một người có thể đảm trách tất cả các nhiệm vụ trên thì sẽ có thêm người trực tiếp lao động", ông Khoa cho biết.
Ông tự mày mò chế tạo một "dàn nhạc" cho riêng mình. Đàn cầm tay, khèn acmonica gắn trên tay cầm của đàn, chỗ vừa với vị trí của miệng. Chân trái của ông "đảm trách" nhiệm vụ của một tay trống khi gắn dưới dép một chiếc dùi. Chân phải sẽ có nhiệm vụ đánh "xập xèng" phụ trợ. Sau một thời gian luyện tập, các bộ phận cơ thể đã ăn khớp với nhau trong việc điều khiển các nhạc cụ. Khi đã thành thạo, các nốt nhạc cũng hòa quyện vào nhau hơn. Một mình ông làm thay công việc của 4 nhạc công để phục vụ anh em công nhân trên các công trường, phục vụ bà con nhân dân lao động.
Mấy hôm nay, dù sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn đang tích cực luyện tập để phục vụ Đại hội Hội người cao tuổi của xã Nam Lĩnh sắp diễn ra. Bây giờ tuổi đã già, sức đã yếu nhưng bất kỳ lúc nào có yêu cầu, ông Khoa đều xách đàn, xách trống, khèn đi phục vụ bà con.
"Thế bao giờ thầy định nghỉ hưu?" - tôi hỏi, thầy Khoa cười hiền từ: "Đến lúc nào không còn sức để dạy học trò".
Theo Dân Trí
Người thợ phụ hồ tình nguyện gieo chữ nơi vùng sâu Ý thức được sự thiệt thòi vì học tập không đến nơi đến chốn, trong nhiều năm nay, anh Hà Thế Thắng, một thợ phụ hồ 44 tuổi (ngụ ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đã kiêm thêm nhiệm vụ của một "thầy giáo" tại lớp học tình thương của đồng bào Sê'tiêng. Miệt mài mang chữ cho...