Cô gái 19 tuổi được NASA đào tạo thành người đầu tiên lên sao Hỏa
Để tập trung chuẩn bị cho chuyến du hành tới sao Hỏa vào năm 2033, Alyssa Carson (sinh năm 2001) cho biết cô sẽ không yêu ai cho tới năm 36 tuổi.
Khi mới 3 tuổi, Alyssa Carson đã nói với cha rằng cô có ước mơ trở thành phi hành gia và đặt chân lên sao Hỏa. 10X được truyền cảm hứng khi xem tập phim hoạt hình thiếu nhi The Backyardigans, nơi các nhân vật đến thăm hành tinh đỏ. “Giống như hầu hết trẻ em, tôi có hứng thú với không gian. Tôi đã hỏi cha về các video, áp phích hay bất cứ điều gì về vũ trụ và sao Hỏa”, Alyssa chia sẻ với tạp chí Huck.
“Tôi có một bản đồ sao Hỏa lớn trong phòng riêng. Tôi cũng mua nhiều loại kính viễn vọng để mỗi tối có thể nhìn vào khoảng không ngoài kia”, Alyssa chia sẻ với Teen Vogue về đam mê của mình. Năm 7 tuổi, cô lần đầu tham gia một trại hè không gian. Đến nay, Alyssa là người đầu tiên từng dự đủ 7 trại hè không gian do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tổ chức.
Alyssa cho hay từ khi còn nhỏ, cô luôn nghĩ mình sẽ trở thành phi hành gia và đặt chân lên Sao Hỏa. Sau khi hoàn thành ước mơ này, cô sẽ trở thành bác sĩ, thậm chí là tổng thống. “Vì một số lý do nhất định, trở thành phi hành gia và lên sao Hỏa luôn đứng đầu trong danh sách ước mơ của tôi. Mọi thứ khác đều xếp sau”, cô nói.
Năm 16 tuổi, Alyssa trở thành người trẻ nhất từng tốt nghiệp học viện phi hành gia Advanced Space Academy do một tổ chức phi lợi nhuận điều hành. 10X đang được đào tạo các kỹ năng sinh tồn nhằm chuẩn bị cho chuyến du hành lên không gian trong tương lai, đồng thời theo học về sinh học vũ trụ tại Viện Công nghệ Florida . Cô sẽ tốt nghiệp đại học vào năm 2023.
Video đang HOT
Theo kế hoạch của NASA, Alyssa sẽ được đưa lên Hỏa tinh vào năm 2033, khi cô bước sang tuổi 32. Tại đây, cô có sứ mệnh nghiên cứu khoa học, trồng trọt thực phẩm và tìm kiếm dấu hiệu của sự sống. Với công nghệ hiện tại được sử dụng cho sứ mệnh lên sao Hỏa, phi hành gia cần 6 tháng để tới nơi. Họ sẽ sống ở đó khoảng 20 tháng, rồi mất khoảng 9 tháng để trở lại Trái đất.
Để chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho nhiệm vụ này, Alyssa cần giữ bản thân tránh xa mọi mối quan hệ tình cảm cho đến năm 36 tuổi. “Nhu cầu yêu đương và lập gia đình có lẽ phải tạm gác lại cho đến khi tôi trở về từ sao Hỏa. Đó là một nơi tôi chưa từng tới và là một nhiệm vụ nguy hiểm. Việc yêu ai đó sẽ khiến tôi bị xao lãng”, cô từng nói.
Alyssa Carson nói rằng điều khó khăn nhất khi trở thành phi hành gia là phải rời xa gia đình và bạn bè trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cô cũng háo hức với những điều mới mẻ cần khám phá bên ngoài Trái đất. Với 10X, cân bằng thời gian giữa tham gia đào tạo phi hành gia và đi học là điều khá khó khăn. Cô nói đó là một sự hy sinh nhưng sẽ được đền đáp xứng đáng.
“Tôi nghĩ phần quan trọng nhất của sứ mệnh lên sao Hỏa là truyền cảm hứng cho con người nhận ra rằng chúng ta có thể sinh sống và đặt chân tới những nơi xa xôi khác. Không chỉ là sao Hỏa, tôi hy vọng những thế hệ tiếp theo có khả năng đi đến nhiều hành tinh trong hệ mặt trời”, cô nói.
Hiện Alyssa còn làm đại sứ cho một chiến dịch khuyến khích bé gái tham gia vào các lĩnh vực STEM (gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Cô muốn truyền cảm hứng rằng nữ giới hoàn toàn có khả năng tham gia các ngành nghề vốn thường được quan niệm chỉ dành cho phái mạnh.
Theo Zing
17 hành tinh mới được phát hiện, 1 trong đó có thể có sự sống
Một nghiên cứu sinh tiến sĩ phát hiện ra 17 ngoại hành tinh mới và trong đó có một hành tinh giống Trái đất.
17 ngooại hành tinh mới được phát hiện, trong đó có một hành tinh gần giống Trái Đất. Ảnh: NASA
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Michelle Kunimoto tại Đại học British Columbia (UBC) của Canada đã phát hiện ra 17 hành tinh mới bên ngoài hệ mặt trời, hãng tin Sputnik ngày 28-2 cho hay.
Từ khi là sinh viên của UBC, cô Kunimoto đã tìm thấy bốn ngoại hành tinh. Hiện tại cô đang là nghiên cứu sinh cho học vị tiến sĩ và phát hiện thêm 17 ngoại hành tinh thông qua các dữ liệu thu thập từ "Sứ mệnh của kính viễn vọng không gian Kepler" mà Cơ quan Hàng không và Vũ tru Mỹ (NASA) hoàn thành năm 2018.
Cô Michelle Kunimoto có một sở thích là tìm kiếm các ngoại hành tinh, hoặc các hành tinh quay quanh các ngôi sao bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Ảnh: CNN
Theo trang web của NASA, "Sứ mệnh của Kepler" được thiết kế để khảo sát khu vực thiên hà Milky Way của chúng ta nhằm khám phá hàng trăm hành tinh có kích thước như Trái đất hoặc nhỏ hơn nằm trong hoặc gần "Khu vực có sự sống".
Kể từ khi được phóng lên năm 2009, các nhà thiên văn học sử dụng kính viễn vọng Kepler tìm thấy các bằng chứng khoa học về sự tồn tại của các ngoại hành tinh, bao gồm một hành tinh giống như Trái đất chúng ta (có tên là Kepler-452b) ở các khu vực trong thiên hà.
"Chúng tôi quay trở lại nghiên cứu 17 ứng cử viên hành tinh (PC) cùng với các đối tượng quan tâm của Kepler (KOI - tạm gọi là một ngôi sao do Kepler phát hiện được mà có chứa một hay nhiều hành tinh chuyển động qua trước mặt) với tỉ lệ thu hồi 98,8% của các hành tinh đã được xác nhận", theo giải thích mang tính hơi trừu tượng của nghiên cứu mà cô Kunimoto thực hiện.
Nghiên cứu cũng cho biết đã xác định được một hành tinh đặc biệt, được gọi là KIC-7340288b, theo Sputnik.
"Hành tinh KIC-7340288b này cách chúng ta khoảng một ngàn năm ánh sáng, vì vậy chúng ta sẽ không đến đó sớm được. Nhưng đây là một phát hiện thực sự thú vị, bởi chỉ có 15 hành tinh nhỏ được xác nhận trong "Khu vực có sự sống" mà dữ liệu từ Kepler tổng hợp được" - cô Kunimoto nói với trang Phys.org.
Các phát hiện cũng tiết lộ rằng hành tinh KIC-7340288b có một năm dài khoảng 142,5 ngày so với Trái đất và đang quay quanh ngôi sao ở khoảng cách 0.444 đơn vị thiên văn (AU), có quỹ đạo lớn hơn một chút của Sao Thủy.
Hình ảnh so sánh kích thước của Sao Hỏa, Trái đất và Sao Hải Vương với kích thước của 17 hành tinh mà cô Michelle Kunimoto đã phát hiện ra. Ảnh: GLOBAL NEWS
Trong số 16 ngoại hành tinh mới được phát hiện khác, hành tinh nhỏ nhất chỉ bằng 2/3 kích thước Trái đất và là một trong những hành tinh nhỏ nhất được kính viễn vọng Kepler phát hiện cho đến nay. Các hành tinh còn lại có kích thước gấp khoảng tám lần Trái đất.
Cô Kunimoto cũng nói với Phys.org rằng đã sử dụng "phương pháp quá cảnh thiên thể - transit method" để tìm ra các hành tinh.
"Mỗi khi một hành tinh đều chuyển động trước một ngôi sao, nó sẽ chặn một phần ánh sáng của ngôi sao đó và làm giảm độ sáng tạm thời của ngôi sao đó. Với việc tìm thấy những sự di chuyển nhanh này (được gọi là quá cảnh), chúng tôi bắt đầu ghép thông tin về hành tinh này, chẳng hạn như kích thước của nó và thời gian đi hết một vòng quỹ đạo của nó" - cô Kunimoto nói.
Cô Kunimoto còn tiết lộ rằng sẽ sử dụng "phương pháp quá cảnh" để xác định có bao nhiêu hành tinh Kepler tìm thấy giống như Trái đất chúng ta.
"Tôi sử dụng công nghệ quang thích ứng (adaptive optics) để chụp ảnh các ngôi sao, như thể từ không gian. Tôi đã có thể biết liệu có một ngôi sao nào gần đó có thể ảnh hưởng đến các phép đo của Kepler hay không, chẳng hạn như là nguyên nhân gây ra sự di chuyển nhanh" - cô nhấn mạnh với Phys.org.
"Chúng tôi sẽ ước tính có bao nhiêu hành tinh với các ngôi sao có nhiệt độ khác nhau. Một kết quả quan trọng sẽ cho thấy tỉ lệ các hành tinh trong "Khu vực có sự sống", cũng như có bao nhiêu hành tinh giống Trái đất" - Giáo sư hướng dẫn của Kunimoto là Jaymie Matthews cho biết.
Theo plo.vn
Phát hiện thêm 139 hành tinh nhỏ ngay trong Hệ Mặt trời 139 hành tinh nhỏ, còn gọi là 'hành tinh vi hình' đã lộ diện trong vùng tối phía sau Sao Hải Vương, có thể là manh mối dẫn đến 'hành tinh thứ chín'. Các thiên thể đặc biệt đã được phát hiện nhờ Camera Năng Lượng Tối, một thiết bị tối tân được gắn trên Kính viễn vọng Victor Blanco tại Cerro Tololo...