Cô gái 14 năm ăn chay đạp xe leo đèo hàng trăm cây số
Phạm Nguyễn Tố Phương 32 tuổi, đã chinh phục hàng chục con đèo dốc cheo leo bằng xe đạp.
Chuyến đạp xe leo đèo vùng núi Tây Bắc cùng quỹ từ thiện Newborns là dấu ấn đẹp thay đổi cuộc sống của Phương mãi về sau.
Cơ duyên chuyến đi từ thiện đến khi cô tham gia chơi ba môn thể thao phối hợp và được người huấn luyện viên xe đạp người Anh giới thiệu. Địa hình Tây Bắc vốn khét tiếng thử thách với các tay đua. Trong chuyến đi 3 ngày này, Phương bị té đèo ngay trong ngày đạp đầu tiên khi chỉ cách điểm về đích 5 km. Vết thương ở lưng và tay đau buốt nhưng chị vẫn hoàn thành 3 ngày đạp chứ không bỏ cuộc giữa chừng. Chị tự nhận mình “non và xanh” khi tham gia chinh phục đèo khó mà chưa được chuẩn bị nhiều, thậm chí không rành về độ cao đèo.
Trời Tây Bắc mưa tầm tã, đường rất xấu với nhiều ổ gà. Chị không có kinh nghiệm nên phanh xe không ăn trong điều kiện trời mưa. Thử thách leo hơn 100 cây số đường đèo mỗi ngày dường như quá sức với chị. Phương ráng hết sức bình sinh nhấn bàn đạp leo từng mét đường dựng đứng.
Dan Moseley, đội trưởng người Anh đã theo sát Phương, cổ vũ tinh thần và hướng dẫn cô từng bước leo dốc, lúc nào nên gắng sức, lúc nào thả lỏng. Trong đội đạp xe, nhiều người có khả năng đạp xe tốt nhưng họ vẫn kiên nhẫn chờ khiến Phương cảm động. Có lúc chị leo đèo với vận tốc chỉ 4,5km/h, tức là bánh xe đạp nhích được chút xíu. Trong đầu Phương có một quyết tâm sắt đá không bỏ cuộc vì những đứa trẻ và những đồng đội đi cùng mình.
Thử thách vượt 55 km đèo Ô Quý Hồ với độ dốc cao hơn 10 độ dựng đứng là trải nghiệm Phương không thể quên. Lúc đứng trên đỉnh đèo, Phương gọi điện về cho ông xã, cười vang trong điện thoại vì mình đã vượt qua bản thân.
Phương đạp xe chinh phục đường đèo Tây Bắc
Chuyến đi 3 ngày đã giúp Phương tự tin và gắn bó với xe đạp. Từ một một người chỉ biết đạp vận tốc trung bình 20 km/h, giờ đây Phương có thể tự tin đạp xe với vận tốc trung bình 30 km/h. Đến nay, Tố Phương đã tham gia khá nhiều giải ba môn phối hợp, giải chạy marathon và giải xe đạp. Hồi tháng 5, cô là VĐV nữ người Việt xuất sắc thứ nhì ở giải Ironman 70.3 Vietnam. Mới đây nhất, Tố Phương giành hạng Nhì giải xe đạp Coupe de Huế cự ly 138km ở TP Thừa Thiên – Huế và về thứ 4 ở cuộc đua Marathon Tràng An tháng 9/2018.
Phương đang tập leo đèo Bảo Lộc để chuẩn bị cho giải đua xe đạp 140 km L’Étape tại Thái Lan. Đây là một sự kiện cho các vận động viên nghiệp dư trải nghiệm với những thách thức tương tự giải đấu Tour de France nổi tiếng. Gia đình và ông xã đã là chỗ dựa vững chắc để 8x cháy hết mình với thể thao. Cả gia đình đã bay sang Sri Lanka để cổ vũ Phương hoàn thành 3 môn phối hợp IronMan ở đây.
Phương và người bạn Anh Dan Moseley tại chuyến đi Tây Bắc.
Ở Sài Gòn không thuận lợi để đạp xe. Chị thức dậy từ khoảng 4h30 để có thể đạp xe ở đường Phạm Văn Đồng lúc 5h đến 7h sáng vắng xe. Mỗi lần chị thức dậy dắt xe đạp ra khỏi nhà, chồng chị lo lắng không thể ngủ lại được cho đến khi chị dắt xe trở về nhà. Đạp xe ở thành phố có bao nhiêu nguy cơ đang đợi bởi không có làn đường riêng cho xe đạp và lưu lượng xe máy, ô tô trên đường đông đúc. Chị duy trì đạp xe 3 lần trong tuần, cuối tuần đạp dài khoảng 100 km ở Vũng Tàu hoặc Long Hải. Phương yêu thích đạp xe ở Đà Nẵng, hít thở bầu không khí trong lành và tập luyện cùng bạn bè ở thành phố biển.
Từ đó, Phương say mê với những con đèo, mỗi tháng quyết tâm chinh phục một con đèo từ bắc vào nam. Nếu không có dịp leo đèo, Phương đạp xe lên cầu Phú Mỹ lên xuống 10 lượt. Cô biến điều mình sợ nhất là leo đèo, trở thành điều yêu thích nhất.
Sức khỏe dẻo dai, chơi thể thao tần suất liên tục, ít người biết Phương ăn chay từ năm 18 tuổi. Ban đầu, gia đình không ủng hộ quyết định này bởi sợ cô thiếu chất ở độ tuổi thiếu nữ. Trên thực tế, Phương vẫn khỏe khoắn tập thể thao dù cắt giảm thực phẩm động vật khỏi chế độ ăn. Phương dần thuyết phục được cả gia đình bớt ăn thịt và chuyển dần sang ăn chay cùng nhau.
Tố Phương trong một buổi đạp xe.
Phương đến với ăn chay từ tình yêu với động vật và dần quen thuộc, biến nó thành lối sống. Tố Phương tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành sức khỏe cộng đồng ở Philippines. Chính môi trường này, nơi bạn đồng môn và giảng viên đều theo chế độ ăn chay bởi những yếu tố lợi cho sức khỏe càng giúp Phương càng củng cố quyết định của mình. Quan tâm đến sức khỏe ở khía cạnh tập luyện và ăn uống, hiện chị đang làm quản lý ở một đơn vị chuyên xuất bản sách gia đình, sức khỏe và giáo dục.
Người Việt hay có thành kiến về ăn chay và xem đó như việc hành xác hay lối ăn uống khắc khổ, chị Phương cảm nhận. 14 năm ăn chay, chị Phương tận hưởng nguồn dinh dưỡng từ các loại thực phẩm có xuất xứ thực vật và cảm thấy cơ thể thanh nhẹ, hệ tiêu hóa khỏe, ít đau ốm. Chị bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu và hạt, trái cây, rau cải, súp lơ… Nhiều người lo lắng ăn chay không được ăn thịt, chị Phương lại cảm thấy nhờ ăn chay mà mình ăn được nhiều rau củ hơn.
Chị áp dụng chế độ “ăn sáng như ông vua, trưa ăn như hoàng tử và buổi tối ăn như một hành khất” và ưu tiên nạp đủ chất vào bữa sáng, tối ăn nhẹ súp rau củ hay trái cây. Bữa sáng, chị nấu mì chay gạo lứt hay bánh mì đen ăn kèm bơ mè đen, quả bơ. Chị ăn uống nguồn carb từ ngũ cốc nguyên cám để tối đa lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể.
Khánh Ly
Theo Vnexpress
Lợi bất cập hại khi lạm dụng thức uống năng lượng
Uống 2 lon nước năng lượng một ngày có thể bị chóng mặt, co giật, đột quỵ, tạo áp lực lên động mạch và tăng lượng đường trong máu.
Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, thức uống bổ sung năng lượng thường là dạng hỗn hợp đóng chai hoặc lon giúp người dùng tỉnh táo, tập trung, tăng cường sức mạnh thể chất và sức chịu đựng. Người chơi thể thao thường xuyên sử dụng loại thức uống bổ sung năng lượng này.
Các thức uống năng lượng hầu hết có chứa ít nhất một vài thành phần giống nhau như caffeine, glucose (đường), vitamin, acid amin, khoáng chất, thảo mộc, carnitine, ephedrine. Ngoài ra còn có một số các hóa chất và phụ gia khác.
"Một lon thức uống năng lượng dung tích 300 ml bổ sung nhiều khoáng chất tốt và không gây tác hại đáng kể. Tuy nhiên, uống nhiều hơn 2 lon một ngày sẽ tạo áp lực lên động mạch, lượng đường trong máu tăng cao gây chóng mặt, bồn chồn, co giật và đột quỵ", dược sĩ Phụng nhấn mạnh.
Lạm dụng thức uống năng lượng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch. Ảnh: DE
Học sinh, sinh viên học tập căng thẳng, người làm việc trí óc mệt mỏi, vận động viên muốn tăng năng lượng, tài xế lái xe đêm... có xu hướng lạm dụng loại thức uống này thay cho nước lọc.
Dược sĩ Phụng cho biết, caffeine là chất gây hưng phấn và chống lại cơn buồn ngủ. Sử dụng liều thấp được coi là an toàn, nhưng liều lượng cao có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng về huyết áp và tim mạch. Cơ thể con người cần glucose và các loại carbohydrate khác để tạo năng lượng. Bổ sung lượng đường dư thừa sẽ gây cảm giác bồn chồn, tăng cân, nguy cơ đái tháo đường cao.
Bên cạnh đó, ephedrine - thành phần chính trong một số loại thức uống năng lượng có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp và lượng đường trong máu. Creatine là chất được bổ sung vào thức uống năng lượng để khuếch đại hiệu suất của việc tập thể dục, làm tăng khối lượng cơ nhưng nguy cơ gây hại cho thai phụ.
Nhiều người nhập viện với các triệu chứng liên quan đến việc lạm dụng thức uống này. Ví dụ như căng thẳng, bồn chồn, đau nhói tim, đau đầu, tim đập nhanh, đánh trống ngực, chóng mặt, mờ mắt, mệt mỏi, không ngủ được... Một số trường hợp cấp cứu do thức uống năng lượng có pha cồn.
Cẩm Anh
Theo Vnexpress
Hướng dẫn ăn chay đúng cách Mỗi ngày ăn 5 loại trái cây, chọn tinh bột và nguồn đạm giàu chất xơ, uống sữa đậu nành, ăn ít chất béo như dầu thực vật, đậu hũ. Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ăn chay làm giảm nguy cơ đái tháo đường tuýp 2, bệnh...