Có được mang điện thoại vào phòng thi?
Học TCCN có được liên thông lên ĐH? Mất bằng tốt nghiệp có được dự thi? Quên không ghi mục 13 có vấn đề gì không?
Em là thí sinh tự do, em nộp hồ sơ tại phòng GD của huyện. Cho em hỏi em sẽ nhận được giấy báo dự thi và giấy báo điểm tại phòng GD (nơi nộp hồ sơ) hay tại địa chỉ liên hệ của em trên hồ sơ? (hoangthebn@yahoo.com)
Em nhận hồ sơ tại phòng giáo dục huyện nơi em nộp hồ sơ.
Trường Cao Đẳng Sư phạm Nam Định không tổ chức thi, em đã nộp 1 bộ hồ sơ thi nhờ tại trường Đại học Sư phạm 2 khoa giáo dục mầm non. Giờ em không muốn lấy nguyện vọng 1 về trường CĐ sư phạm Nam Định nữa, em muốn thi trực tiếp và nếu đỗ sẽ học tại trường ĐH Sư Phạm 2. Vì thế, em đã làm 1 bộ hồ sơ mới. Thầy cô cho em hỏi em nộp hồ sơ mới thì có phải rút hồ sơ cũ ra không? Nếu nộp cả hai hồ sơ thì em có nhận được hai giấy báo dự thi không? (violetruby89@yahoo.com)
Em không phải rút hồ sơ cũ ra. Em vẫn nhận được 2 giấy báo dự thi. Khi đi thi, em đăng ký dự thi theo số báo danh, địa điểm của trường ĐH Sư phạm 2.
Cho em hỏi nếu bị mất bằng tốt nghiệp mà chưa được cấp lại thì khi đi làm thủ tục đăng ký dự thi sử dụng bản photo công chứng có được không ạ? (muchike_nh@yahoo.com)
Được. Tuy nhiên, nếu đỗ đại học thì em phải mang bản chính đến để trường kiểm tra.
Năm nay em thi đại hoc và em nộp hồ sơ vào Học viện Tài chính. Em nộp hồ sơ tại trường trong phiếu đăng ký dự thi ở mục 13 nơi nộp hồ sơ ĐKDT em quên không ghi ở phiếu số một vậy có vấn đề gì không ạ? (dauxuit@yahoo.com.vn)
Không ảnh hưởng lớn đến thông tin trong hồ sơ của em. Đến ngày làm thủ tục dự thi, em báo với cán bộ tuyển sinh của nhà trường thêm vào hồ sơ cho em.
Cho em hỏi có được mang điện thoại di động vào phòng thi không? (tieutuong2710@zing.vn)
Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ đã quy định rõ: Cấm tuyệt đối mang điện thoại vào phòng thi, dù chưa sử dụng hay trong tình trạng tắt máy nhưng giám thị bắt được em sẽ bị lập biên bản hủy thi. Để đảm bảo những lỗi không đáng tiếc này xảy ra, trước khi thi em nên để điện thoại ở nhà.
Video đang HOT
Em hiện nay đang học tại một trường CĐ, lúc nộp hồ sơ nhập học vào trường em có nộp cả bằng tốt nghiệp THPT bản gốc. Năm nay em đăng thi đại học và em lên phòng đào tạo của nhà trường hỏi và được biết nhà trường không trả lại bằng gốc. Vậy em muốn hỏi là nếu không có bằng gốc mà em vẫn đi thi đại học thì liệu có được không? Nếu không có cách nào để em vẫn tiếp tục thi đại học được không? Và em cần phải làm những giấy tờ gì? Giả dụ nếu giờ em làm lại bằng tốt nghiệp THPT thì có kịp không? (daovanthaii@gmail.com)
Nếu không kịp có bằng tốt nghiệp trong ngày thi, em trình bày rõ lý do với cán bộ tuyển sinh để nhà trường xem xét và chấp nhận cho em vào thi. Việc làm lại bằng tốt nghiệp không đơn giản, trường THPT nơi em tốt nghiệp chỉ cấp lại cho em giấy chứng nhận là em đã tốt nghiệp tại trường chứ trường không cấp lại bằng chính. Nếu em quyết tâm không học trường CĐ mình đang học nữa, trình bày với Ban Giám hiệu nhà trường để xin thôi học và trả lại giấy tờ gốc cho em. Trong trường hợp em đỗ đại học, bắt buộc em phải nộp bằng tốt nghiệp THPT về trường.
Em đang là thí sinh tự do và năm nay em thi ĐH trong bộ hồ sơ thi ĐH có phần xin dấu xác nhận lẽ ra em phải xin dấu của công an phường nơi em cư trú nhưng em lại xin dấu xác nhận của UBND phường và lúc em đi nộp hồ sơ thì không thấy thầy cô thu hồ sơ nói gì về việc đấy như vậy hồ sơ của em vẫn được đúng , đúng không ạ? (minhhien199211@gmail.com)
Không sao vì nhà trường đã nhận hồ sơ của em rồi. Em yên tâm chờ giấy báo dự thi.
Cho em hỏi là năm nay em đã 19 tuổi (sinh ngày 14/2/1993) sắp thi đại học, em nghe nói phải đăng kí nghĩa vụ quân sự trước khi thi nhưng em không nhận được giấy báo, bạn em đứa có đứa không. Vậy em có phải lên đăng kí nghĩa vụ quân sự không và có bị nộp phạt vì không đăng kí sớm hơn? (tuan142kbgl@gmail.com)
Không có quy định nào bắt buộc trước khi dự thi đại học phải đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đăng ký nghĩa vụ quân sự là tự nguyện. Do vậy, em không phải đăng ký nghĩa vụ quân sự trước khi dự thi đại học, không ai có quyền phạt em.
Em hiện là sinh viên sắp tốt nghiệp bậc TCCN 2 năm 3 tháng. Em xin được hỏi là em không thi lại tốt nghiệp nên hiện giờ em vẫn không có bằng tốt nghiệp THPT. Nếu không có bằng tốt nghiệp THPT mà chỉ có bằng TCCN thì em có được thi liên thông hệ Trung cấp lên Đại học không? Nếu được học thì sau này có phải bổ sung bằng tốt nghiệp như hệ chính quy không? (nguyenlongan@rocketmail.com)
Thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về đào tạo, liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học quy định: Đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và cao đẳng nghề cùng ngành nghề đào tạo được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ cao đẳng và đại học theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT. Người đã tốt nghiệp trung cấp nghề, nếu chỉ tốt nghiệp THCS phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Do vậy, em phải thực hiện đúng quy định trên thì em mới được học liên thông lên đại học.
Ban tuyển sinh có thể cho em hỏi vừa qua em nộp 4 bộ hồ sơ thi ĐH vào trường ĐH KTQD với 4 ngành khác nhau của 2 khối A và D1. Chẳng may em có xếp nhầm phiếu số 1 của bộ hồ sơ dự thi của khoa này vào túi đựng của bộ hồ sơ của khoa kia thì bây giờ em phải làm thế nào? Liệu em có được dự thi không? (beautiful_soul_060792@yahoo.com)
Bây giờ sửa vẫn còn kịp. Em viết đơn trình bày lý do gửi lên phòng đào tạo của trường ĐH Kinh tế Quốc dân báo cáo để xin đổi lại phiếu để khỏi rắc rối cho trường trong khi nhập vào máy tính.
Theo Kênh14
Mất bằng tốt nghiệp có được dự thi ĐH, CĐ?
Mất bằng tốt nghiệp cấp 3 có được dự thi ĐH, CĐ không?Ký nguyện vọng 1 ở các trường khối quân đội nếu không đủ điểm có được xét tuyển NV2, NV3 ở các trường khối dân sự không? Học ngành Luật và Điều dưỡng ra làm gì, cơ hội việc làm có cao không?...
Em năm nay thi đại học nhưng mất bằng tốt nghiệp cấp 3. Nếu em làm lại không kịp thì tới kỳ thi em có được phép dự thi không?(lam776219@gmail.com)
Quy định tuyển sinh của Bộ GD-ĐT yêu cầu, trước khi vào thi, thí sinh xuất trình giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với những thí sinh vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp (đối với những thí sinh đã tốt nghiệp những năm học trước). Hiện nay, thời gian đến kỳ thi đến còn dài, em nên liên hệ trường THPT đã tốt nghiệp để làm thủ tục xin cấp lại bằng nhé.
Em đăng ký nguyện vọng 1 ở các trường khối quân đội nếu không đủ điểm có được xét tuyển NV2, NV3 ở các trường khối dân sự không? (ngohuongncc@yahoo.com.vn)
Năm nay kỳ thi tiếp tục thực hiện theo phương thức "3 chung": thi chung đợt, làm chung đề, sử dụng chung kết quả. Thi chung đợt giống như mọi năm cũng thi 3 đợt: 4 và 5/7 (khối A), 9 và 10/7 (khối B,C), 15 và 16/7 (thi Cao đẳng); làm chung đề thi: nếu thi tự luận làm bài trong 180 phút, nếu thi trắc nghiệm 90 phút; sử dụng chung kết quả.
Trong hồ sơ dự thi mỗi thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng duy nhất, điều kiện để có nguyện vọng 2, 3 là thí sinh phải rớt nguyện vọng 1. Để xét tuyển NV2, NV3 thí sinh phải có kết quả dự thi trên điểm sàn qui định của Bộ GD-ĐT mới được trường thí sinh dự thi cấp phiếu số 1 và số 2 để đăng ký xét tuyển.
Quy định như vậy nên em dự thi trường quân đội nếu không đủ điểm em được quyền xét tuyển NV2, NV3 ở các trường khác.
Cho em hỏi về khoa Tài chính ngân hàng ĐH Hà Nội, em nghe nói, khoa này học theo giáo trình của Mĩ, học bằng tiếng Anh nhưng không chuyên sâu vào ngành Ngân hàng của VN nên sinh viên ra trường khi làm việc ở Ngân hàng VN còn nhiều bỡ ngỡ. Vậy có đúng như thế không? và có khoa này có ưu và nhược điểm gì? (minhhangyb11@yahoo.com.vn)
Giảng viên Hoàng Thị Hương Giang - ĐH Hà Nội trả lời: Đúng như em nói chương trình cử nhân Tài chính - ngân hàng của ĐH Hà Nội được giảng dạy bằng tiếng Anh theo chương trình, giáo trình chuẩn quốc tế của các nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Úc, Mỹ...
Ưu điểm của chương trình này là giảng dạy kiến thức chuyên môn theo chuẩn quốc tế và nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên (tương đương ở mức IELTS6.0 hoặc cao hơn). Bên cạnh được trang bị những thế mạnh này, sau khi tốt nghiệp và đi làm, có thể sinh viên gặp một số khó khăn trong việc tìm thuật ngữ tương đương trong tiếng Việt. Tuy nhiên, như các em có thể biết, đa số các ngân hàng đều có khóa huấn luyện, đào tạo cho thực tập viên và nhân viên mới trước khi nhân viên được phân công công việc cụ thể nên những bỡ ngỡ sẽ được khắc phục nhanh chóng. Hiện tại, Khoa đã có hợp tác hỗ trợ tuyển dụng với các ngân hàng như Vietinbank, BIDV, Techcombank, Seabank... và cũng đã nhận được phản hồi rất tốt từ các nhà tuyển dụng về chất lượng đào tạo.
Năm nay cháu định thi ngành Điều Dưỡng. Cho cháu hỏi học điều dưỡng ở trường ĐH Y Hà Nội có khác gì với trường khác hay không? Và sau khi ra trường cơ hội việc làm có cao không? Cháu nghe nói học điều dưỡng sau làm Y tá phải không? (hoahongdai193@yahoo.com.vn):
Hiện nay, các trường ĐH, CĐ đào tạo về ngành Y đều có khoa Điều Dưỡng. Chương trình học về ngành Điều Dưỡng của các trường đều giống nhau 70 - 80% vì thực hiện theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Khác nhau khoảng 20 - 30% chương trình do mỗi trường tự biên soạn tạo nên thế mạnh riêng cho sinh viên của trường.
Theo Quyết định số 153/QĐ-TTg/2006 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 tỷ lệ phải đạt là 3,5 Điều dưỡng/1Bác sỹ, nghĩa là đến năm 2020, để chăm sóc nâng cao sức khỏe cho nhân dân, nước ta sẽ cần tới khoảng 70.000 Bác sỹ (hiện nay con số này là 58.000) và 245.000 điều dưỡng (hiện nay con số này là 70.000). Trong đó, chúng ta cần có trên 50.000 điều dưỡng trình độ từ đại học trở lên (hiện nay con số này là khoảng 2.000) để làm công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo điều dưỡng, làm Điều dưỡng trưởng Khoa, Điều dưỡng trưởng bệnh viện, Điều dưỡng trưởng sở, lãnh đạo Bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế và làm các công tác khác như nghiên cứu, quản lý điều dưỡng...
Như vậy, sinh viên đại học điều dưỡng tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để vào làm việc tại hơn 100 trường đào tạo điều dưỡng và hơn 1.100 bệnh viện và nhiều cơ sở y tế khác trong toàn quốc.
Sinh viên có bằng Cử nhân điều dưỡng có điều kiện tiếp tục theo học các bậc sau đại học như Điều dưỡng chuyên khoa, Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Điều dưỡng cũng như các ngành khoa học sức khoẻ khác như Y tế công cộng, Quản lý bệnh viện...
Học Ngành Luật có dễ kiếm được việc làm không và thường làm ở đâu? (cl825935@yahoo.com.vn):
Học Luật ra trường không phải chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước, làm Luật sư mà có thể làm việc ở rất nhiều ngành nghề và đơn vị khác nhau.
Không phải học Luật ra là làm tòa án, viện kiểm sát mà chúng ta có thể công tác trong ngành Công an. Hiện nay rất nhiều cựu sinh viên luật đang công tác ở các vị trí quan trọng trong ngành công an. Nếu không thích làm việc trong các cơ quan nhà nước, sinh viên luật cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp, làm tư vấn luật, làm nhà báo... Nhu cầu về ngành Luật hiện nay là rất lớn. Khi trúng tuyển vào ĐH luật thí sinh có thể lựa chọn những ngành học phù hợp: Luật thương mại, Luật dân sự, Luật quốc tế, Luật hình sự, Luật hành chính, Quản trị - luật Ngành, Luật kinh doanh
Ban Tư vấn tuyển sinh
Theo Dân Trí
Ngày cuối nhận hồ sơ tuyển sinh: Học sinh ồ ạt đến nộp Hôm qua, 21/4 là thời hạn cuối cùng các trường ĐH nhận hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011. Số thí sinh đến nộp hồ sơ tăng đáng kể so với các ngày trước. Chiều 21/4, số thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường ĐH Xây dựng, trường ĐH Thủy lợi, ĐH Công...