Cổ đông lớn của FTM là ai?
Phiên 27/9, cổ phiếu FTM tím trần, chấm dứt chuỗi ngày triền miên lau sàn từ 15/8-26/9.
Trên thị trường, nhà đầu tư ghi nhận thông tin về Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản miền Trung (SPD) nơi ông Lê Mạnh Thường là Chủ tịch HĐQT, đăng ký bán 0,8% cổ phần LHG (Công ty ông Thường là Phó chủ tịch HĐQT). Với giá hiện tại, số tiền thu về có thể tối thiểu 35 tỷ đồng.
Một số dự báo cho rằng, đây là một trong các động thái nhóm cổ đông lớn tại FTM lo nguồn tài chính để xử lý cho vụ việc liên quan đến giao dịch ký quỹ (margin) cổ phiếu FTM tại các công ty chứng khoán.
Dự báo chỉ là dự báo, chưa phải là thông tin chính thống về việc xử lý khoản tiền cổ đông vay margin, cầm cố bằng mã chứng khoán FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Trong một diễn biến khác, một cuộc gặp gỡ giữa đại diện các công ty chứng khoán và luật sư đại diện các cổ đông lớn FTM đã diễn ra tại Hà Nội, nhưng các bên chưa chốt được nghĩa vụ nợ nần.
Liên quan đến nghi vấn mã FTM bị làm giá mà báo chí đăng tải, vấn đề cốt yếu trong vụ việc này là câu hỏi: những cá nhân có tài khoản đang vay nợ margin có thực là cổ đông lớn của FTM hay họ chỉ là người đóng thế, đóng thay cho ông chủ đích thực là ông Lê Mạnh Thường, nguyên Chủ tịch HĐQT FTM? Tìm được câu trả lời, vụ việc sẽ sáng tỏ hơn rất nhiều.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin về vụ việc, có một chi tiết rất đáng quan tâm, là phần lớn 60% cổ phiếu FTM nằm trong tay dưới 10 cổ đông cá nhân, là các cán bộ, công nhân viên đã hoặc đang làm việc tại FTM.
Theo ông Thường, số cổ phiếu này họ được mua theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Công ty đã có 3 chương trình ESOP dành cho tất cả cán bộ, công nhân viên. Một số người cũng ủy quyền cho nhau để tham gia giao dịch.
Tuy nhiên, xem lại hồ sơ tăng vốn của doanh nghiệp từ lúc niêm yết đến nay, FTM chưa có lần phát hành ESOP nào. Thời điểm cuối năm 2018, những cổ đông lớn này cũng chưa xuất hiện.
Trong lịch sử hình thành của FTM, từ mức vốn điều lệ 50 tỷ đồng ban đầu, FTM có 3 lần tăng vốn lên 80 tỷ đồng (thay đổi cơ cấu góp vốn các cổ đông sáng lập và góp bằng tiền), tương tự cho lần tăng vốn lên 150 tỷ đồng vào năm 2012.
Cơ cấu cổ đông của FTM lúc này là các cổ đông sáng lập gồm ông Thường chiếm 80% vốn điều lệ, ông Phạm Thành Đồng và ông Phạm Ngọc Toàn nắm giữ 20% vốn điều lệ.
Cho đến năm 2015, vốn điều lệ FTM tăng lên 500 tỷ đồng (có 2 đợt góp: 150 tỷ đồng bằng tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường, đợt 2: góp bằng tiền 28,8 tỷ đồng và tài sản 41,2 tỷ đồng).
Với quá trình tăng vốn này, không thấy xuất hiện đợt tăng vốn do phát hành ESOP nào.
Video đang HOT
Tại thời điểm 28/11/2016, theo bản cáo bạch FTM, lúc này, cơ cấu cổ đông của FTM bắt đầu thay đổi. Cổ đông sáng lập là ông Thường đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống 24%, ông Đông và ông Toàn chỉ còn 0,06%.
Theo đó, Công ty có các cổ đông lớn gồm ông Thường, bà Thuỳ Anh (21,53% vốn), ông Phạm Đình 4,3 triệu cổ phiếu, nắm 8,62% vốn), ông Nguyễn Duy Chiến 5,5% vốn. Ngày 6/2/2017, FTM chính thức giao dịch trên HOSE.
Đến cuối năm 2018, cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn FTM trở lên chỉ có ông Lê Mạnh Thường, sở hữu 5,1 triệu cổ phần, tương ứng 10,2% vốn; bà Lê Thuỳ Anh, con gái ông Thường, sở hữu 10.766.500 cổ phần, tương ứng 21,53% vốn. Tổng cộng của hai cổ đông này là 31,73% vốn; còn lại là các cổ đông (dưới 5%) nắm 68,37% vốn FTM.
Trong giai đoạn từ 2015-2018, FTM không tăng vốn điều lệ, tức không có thêm bất cứ đợt phát hành nào.
Nếu chỉ dựa vào cơ cấu cổ đông này, về lý mà nói, cổ phiếu FTM không cô đặc, tỷ lệ cổ phiếu có khả năng chuyển nhượng khá tốt.
Trong khi đó, bức tranh về giao dịch mã này như sau: thanh khoản của FTM không sôi động từ khi niêm yết; sự sôi động chỉ diễn ra khi các cổ đông nội bộ đồng loạt bán ra cổ phiếu và căn cứ trên cơ cấu cổ đông năm 2018 (dựa vào báo cáo thường niên) có thể thấy sự xuất hiện các cổ đông lớn, mới tinh, chỉ từ đầu năm 2019 đến nay.
Thông tin mà Báo Đầu tư Chứng khoán tìm hiểu được, 9 cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phiếu FTM bao gồm, cổ đông Bùi Năng Luân, số cổ phiếu ký quỹ 1,2 triệu đơn vị; cổ đông Lâm Văn Định, mở 7 tài khoản ở các công ty chứng khoán, tổng số cổ phiếu ký quỹ là 5,397 triệu đơn vị;
Lê Quốc Quân mở 5 tài khoản, tổng số cổ phiếu ký quỹ 7,14 triệu đơn vị; Nguyễn Chí Cường mở 6 tài khoản, tổng số cổ phiếu ký quỹ là 6,25 triệu đơn vị; Nguyễn Duy Chiến;
Nguyễn Mạnh Tùng dùng 2 tài khoản giao dịch, số cổ phiếu ký quỹ là 2,395 triệu đơn vị; cổ đông Nguyễn Thanh Hà có 4 tài khoản, tổng số cổ phiếu ký quỹ 2,58 triệu đơn vị; Nguyễn Thị Ngọc Huyền có 2 tài khoản, ký quỹ 1,123 triệu cổ phiếu;
Phạm Đình Giá có 3 tài khoản với 2,6 triệu cổ phiếu ký quỹ; Phạm Đức Tâm 2 tài khoản với 1,63 triệu cổ phiếu và Phạm Thị Thu Lộc 3 tài khoản với 143.000 cổ phiếu ký quỹ.
Tổng cộng hơn 30,553 triệu cổ phiếu được mang ra ký quỹ, chiếm đến 61% vốn FTM.
Một số nguồn tin cho biết, gần như toàn bộ 28 tài khoản chứng khoán của 9 cá nhân nêu trên đều được mở qua sự môi giới của các nhân viên và cộng tác viên của Công ty cổ phần SMD Holdings, những người này trực tiếp giới thiệu 9 cá nhân nêu trên mở tài khoản tại các công ty chứng khoán.
Công ty này vừa là đơn vị giới thiệu mở tài khoản cho các cổ đông FTM, vừa là bên có tham gia đặt lệnh trên các tài khoản của cổ đông FTM.
Với các thông tin trên, nhiều ý kiến trên thị trường cho rằng, việc xác định nguồn gốc cổ phiếu của các tài khoản trên sẽ là vấn đề mấu chốt để nhận ra ai là chủ nhân – cổ đông lớn thực sự của FTM.
Từ đó, sẽ hé mở sự thật về việc có hay không chuyện các cổ đông của cùng 1 doanh nghiệp trục lợi tài sản thông qua hoạt động cho vay margin của công ty chứng khoán.
Phan Hằng
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
FTM: Rủi ro hiển hiện trong báo cáo tài chính
Nhìn lại báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (FTM) cho thấy, chất lượng tài sản kém khiến khả năng giá cổ phiếu phục hồi sau khi mất hơn 83% thị giá trở nên rất mong manh.
Chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ ngày 6/2/2017 với giá chào sàn 18.000 đồng/cổ phiếu, hiện thị giá FTM chỉ còn 3.000 đồng, tức "bốc hơi" tới hơn 83% giá trị.
Diễn biến giá cổ phiếu FTM sẽ không có gì đáng chú ý nếu không bất ngờ tăng mạnh từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên 25.000 đồng/cổ phiếu diễn ra từ cuối tháng 1/2019 đến cuối tháng 7/2019, trước khi lao một mạch về vùng giá hiện tại, trong khi trước đó chủ yếu dao động quanh ngưỡng 12.000-15.000 đồng/cổ phiếu.
Khi mã FTM bị HOSE công bố không đủ điều kiện để được margin (do Công ty lỗ 2 quý liên tiếp), một số công ty chứng khoán ngỡ ngàng trước nguy cơ mất đứt lượng tiền đã cho vay và đặt ra nghi vấn, nhóm cổ đông FTM cố tình tạo thanh khoản, giữ giá cổ phiếu để thực hiện việc vay tiền rồi rút tiền ra khỏi tài khoản.
Trong khi các bên còn đang tranh cãi, chưa xác nhận rõ trách nhiệm tài chính thì giá cổ phiếu FTM vẫn không ngừng rơi.
Trong kịch bản khả quan nhất, nếu FTM có nội lực tốt và giá cổ phiếu FTM phục hồi, đó sẽ là giải pháp tốt cho các bên. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động kinh doanh của FTM và sức khỏe tài chính doanh nghiệp, có thể thấy, khả năng này là vô cùng mong manh.
FTM niêm yết trên HOSE năm 2016 trong bối cảnh kết quả kinh doanh mờ nhạt, lợi nhuận năm này đạt 37,7 tỷ đồng trên mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng, các chỉ tiêu tài chính quan trọng như tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cũng đều ở mức thấp, tương ứnglà 6,87% và 2,39%. Kết quả lợi nhuận các năm 2017 và 2018 cho thấy sự trồi sụt khi đạt lần lượt 39,6 tỷ đồng và 28,3 tỷ đồng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, lần đầu tiên từ khi niêm yết, FTM báo cáo lỗ 31 tỷ đồng, nguyên nhân bởi doanh thu không tăng, trong khi giá vốn tăng mạnh, dẫn tới lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm từ 73,75 tỷ đồng về 42,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính đã âm 102,1 tỷ đồng chủ yếu do tăng tồn kho lên 221,5 tỷ đồng, với phần lớn là nguyên liệu, vật liệu.
Trong khi doanh thu, lợi nhuận đi xuống thì các khoản phải thu, tồn kho lại tăng lên đáng kể, phần nào thể hiện sự mất cân đối của dòng tiền.
Cụ thể, năm 2016, khoản phải thu và tồn kho của FTM là 733.6 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản, thì tới 30/6/2019 tăng lên 1.043,3 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 124% trong 2,5 năm và chiếm 60% tổng tài sản.
Trong cơ cấu tài sản, tài sản cố định là 589,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,1% cho thấy tài sản của FTM chủ yếu là tài sản ngắn hạn vốn khó kiểm kê và theo dõi.
Nguồn tài trợ cho tài sản này là 720 tỷ đồng tiền vay ngắn hạn và dài hạn (ngắn hạn 477 tỷ đồng, dài hạn 243 tỷ đồng), chiếm 41,7% tổng nguồn vốn và 550 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 31,8% tổng nguồn vốn.
Như vậy, có thể thấy, FTM đã dùng các nguồn vốn phải trả lãi để gia tăng nguyên liệu, khoản phải thu.
Với thực tế hiện tại, việc FTM có hàng tồn kho và khoản phải thu lớn tiềm ẩn không ít rủi ro. ơn cử, chỉ cần 5% khoản này trở thành nợ xấu và phải trích lập dự phòng cũng có thể thổi bay toàn bộ lợi nhuận năm qua của FTM.
Hoặc nếu như giá trị hàng tồn kho, khoản phải thu gặp diễn biến không thuận lợi thì sẽ ảnh hưởng trọng yếu tới kết quả kinh doanh của FTM hàng năm và có thể xóa sổ khoản lợi nhuận lũy kế chưa phân phối còn lại.
áng chú ý, sự mất cân đối này đã xuất hiện từ trước khi FTM lên sàn.
Báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy, khoản phải thu và tồn kho tại Công ty là 733,6 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản, nhưng chưa mất cân đối quá mức nhờ có cơ cấu nợ vay ngắn hạn (44,1%) và vốn chủ sở hữu (33,8%) không chênh lệch nhiều.
Tuy nhiên, sau khi lên sàn, chất lượng doanh thu, lợi nhuận, tài sản của FTM càng cho thấy dấu hiệu yếu ớt, mất cân đối.
Sàn chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến không ít trường hợp cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết rơi không phanh khi các bất ổn tại doanh nghiệp vỡ lở như câu chuyện tại Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC) hay Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF)...
Khi một doanh nghiệp niêm yết rời sàn, cổ đông đại chúng luôn là đối tượng phải chịu mất mát vô điều kiện (hiện Việt Nam chưa có Quỹ bảo vệ nhà đầu tư).
Bên cạnh việc chờ đợi pháp luật có chế tài xứng đáng cho những chủ thể làm sai, làm ảo, gây thiệt hại cho đại chúng, nhà đầu tư cũng cần nâng cao hiểu biết của mình về khả năng đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp và chỉ nên chọn lựa đầu tư khi có sự hiểu biết, niềm tin vào doanh nghiệp, hạn chế cách đầu tư theo sự "nhấp nháy xanh đỏ" của bảng điện trên sàn.
Hiện tượng và nghi vấn cổ phiếu FTM bị làm giá đã được các phương tiện thông tin đại chúng nêu lên mạnh mẽ thời gian qua. Tuy nhiên, các đối tượng được cho là bị hại vẫn chưa chính thức có đơn kiến nghị/tố cáo gửi cơ quan công quyền.
Trước sự vào cuộc của báo chí, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức ban hành quyết định thanh tra FTM kể từ ngày 23/9/2019.
Vũ Duy Bắc (Bacduyvu@gmail.com)
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Nghi án FTM bị làm giá: Kịch bản đường đi của tiền margin Không phải 13 tài khoản, mà có gần 30 tài khoản đã được các cổ đông lớn cá nhân tại CTCP ầu tư và phát triển ức Quân (FTM) mở tại các công ty chứng khoán để giao dịch cổ phiếu. Việc có nhiều tài khoản sẽ giúp thuận lợi trong việc điều tiết các giao dịch chéo nhằm tạo lập cung -...