Cô dạy tôi ‘Ai cũng chọn việc nhẹ, gian khổ dành phần ai?’
Tuổi học trò của mỗi người có lẽ ai cũng từng lưu trong tâm trí của mình ít nhất hình ảnh một thầy cô giáo. Riêng với tôi, gần 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ cô An – cô giáo dạy môn giáo dục công dân.
Minh họa: NGỌC NHI
Khoảng năm 1999, tôi đang là học sinh lớp 10. Tôi được vào lớp chọn của khối. Lớp chúng tôi đều là những học sinh khá giỏi, xuất sắc, có điểm thi chuyển cấp cao nhất trường. Vì là lớp chọn nên tốc độ học của chúng tôi cũng khá “chát”.
Giáo viên vào dạy lớp tôi cũng dạy rất nhanh, toàn đưa những bài tập khó vì đây là lớp chọn của khối. Hầu như lúc nào chúng tôi cũng ghè đua nhau từng điểm dò bài miệng, từng điểm kiểm tra 15 phút đến cả khoản giơ tay phát biểu cũng “kèn cựa” nhau. Quả thật, lúc đó tôi vô cùng mệt mỏi.
Thời đó thi đại học chỉ có 4 khối A (toán, lý, hóa), B (toán, hóa, sinh), C (văn, sử, địa) và D (toán, văn, Anh). Cả lớp hầu như đứa nào cũng đã có dự định trong đầu mình theo thi khối nào và có xu hướng ưu tiên đầu tư vào các môn mình sẽ thi đại học.
Và cũng chính vì thế mà trong đầu của chúng tôi đứa nào cũng có ý nghĩ coi thường những “ môn học bài”, những môn không nằm trong danh sách các môn thi đại học ví dụ như môn địa lý hay môn giáo dục công dân.
Và cũng chính vì ý nghĩ “coi thường” đó mà chúng tôi học lệch. Nghĩa là các môn như Anh văn, toán, lý, hóa… chúng tôi đầu tư rất nhiều, đi học thêm… còn môn như giáo dục công dân, địa lý thì… học bài cho có lệ, cho đủ điểm.
Cũng vì suy nghĩ nông cạn đó mà ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong khi nhà các thầy cô giáo dạy các môn như toán, lý, hóa, Anh, văn… có rất đông học trò tới thăm, riêng nhà cô An thì cả đám chúng tôi bảo là “hết thời gian rồi”.
Video đang HOT
Cô An dạy môn giáo dục công dân, cô cũng không là chủ nhiệm của lớp nào nên ngày 20-11 của cô thường không hoa, không quà, không có học trò tíu tít đến thăm.
Đến năm tôi học lớp 11. Dịp 20-11 năm đó, sau cả một ngày đi thăm các thầy cô toán, lý, Anh… cuối cùng chúng tôi vào nhà cô dạy hóa. Tầm 3h chiều, chúng tôi đã xong phần tiệc trà nước, tặng quà, lúc đó đứa nào đứa ấy bồn chồn muốn ra về.
Riêng tôi, tôi rủ một vài đứa bạn tách nhóm đi thăm cô An nhưng chẳng đứa nào đi. Vậy là một mình tôi cưỡi xe đạp tìm đường xuống nhà cô. Thực ra, tôi cũng muốn đến cảm ơn cô vì hôm kiểm tra 1 tiết của cô tôi bị tai nạn. Sau khi đi học lại, cô đã cho tôi làm bài kiểm tra lại trong khi các bạn vẫn học bình thường.
Sau khi hỏi thăm một hồi, tôi cũng tìm ra được nhà cô. Lần đầu tiên tôi đến nhà cô, một bên là đường bờ ruộng, có mương nước, một bên là bụi tre. Nhà cô nằm heo hút, phía đầu cổng nhà là một cây đa cổ thụ. Ngay chỗ cây đa có một cái cổng bằng lưới B40 đã rỉ sét.
Vào một đoạn nữa là một cổng bằng tre. Tôi nhìn vào nhà cô là một nhà tranh xiêu vẹo, kỹ cũ, dột nát. Lối đi vào cỏ mọc um tùm. Vào đến nơi, tôi mới biết cô sống với mẹ già, chỉ hai mẹ con sống trong ngôi nhà tranh đó.
Trong lúc nói chuyện tôi, tôi biết từ sáng đến giờ chưa có học trò nào đến thăm cô. Tôi đỡ lời cho cô đỡ buồn là “chắc do nhà cô khó tìm nên các bạn không đến”. Nói vậy chứ tôi thấy cô hiểu lý do vì sao ngày ngày không có ai đến thăm cô. Tôi cũng thấy hối hận vì lúc đầu tôi cũng có cùng suy nghĩ như vậy.
Và rồi trong lúc nói chuyện, tôi buột miệng hỏi “cô ơi, sao hồi trước cô không dạy môn văn hay môn gì khác mà dạy môn giáo dục công dân vậy cô?”. Cô cười bảo “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Nếu cô cũng chọn các môn đó thì ai dạy các em môn học này?”.
Câu nói của cô làm tôi nhớ mãi. Tôi nhớ lại những bài học về lòng biết ơn, về sự trung thực, về lòng yêu nước… mà cô đã dạy cho chúng tôi những năm học cấp hai. Đó chẳng phải là những bài học quý giá để chúng tôi sau này bước vào đời hay sao?
Các năm sau này, tôi vẫn giữ thói quen đến thăm cô vào ngày 20-11. Sau khi vào đại học, tôi mưu sinh ở Sài Gòn, có dịp về quê là tôi lại vào thăm cô. Khi lấy chồng, cứ mùng 1 tết tôi lại dắt díu chồng con đến thăm cô.
Bây giờ cô đã nghỉ hưu, có dịp về thăm cô, cô trò lại nói chuyện nghề, chuyện đời. Giờ cô không dạy tôi những bài học của môn giáo dục công dân như hồi xưa mà dạy tôi một vài điều trong cách ứng xử với bạn bè, với đồng nghiệp, với gia đình nhà chồng…
Gần 20 năm trôi qua, lời dạy của cô tôi vẫn còn nhớ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Nếu không có người lao công quét rác làm sao cả ngôi trường sạch đẹp? Nếu không có cô dạy môn giáo dục công dân thì lấy ai dạy cho các tâm hồn non nớt như chúng tôi bước vào đời với những bài học làm người?
Theo tuoitre
Báo động tình trạng học sinh trầm cảm, tự tử
Hàng loạt học sinh đang bị rối loạn tâm thần bởi những áp lực học tập từ nhà trường, gia đình và chuyện tình cảm. Các chuyên gia y tế cảnh báo nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, xu hướng học sinh trầm cảm có ý nghĩ tự tử sẽ ngày càng "khủng khiếp".
Thời gian qua, liên tiếp những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên đang trở thành nỗi ám ảnh đối với xã hội.
Cụ thể, tháng 4/2018 nam học sinh lớp 10, trường Tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM đã nhảy từ mái tôn xuống đất tử vong sau nỗ lực khuyên giải bất thành của thầy cô và bạn bè. Theo thư tuyệt mệnh để lại, nguyên nhân khiến em tự kết thúc sự sống là do áp lực trong học tập khi không đạt kỳ vọng của gia đình, thầy cô.
Sự căng thẳng thể hiện trên nét mặt học sinh trước khi vào phòng thi của trường Trần Đại Nghĩa, TPHCM
Trước đó, một học sinh lớp 9 ngụ tại quận 1, TPHCM cũng nhảy từ lầu 7 chung cư vì bị điểm kém trong môn tiếng Anh. Sau cái chết của bé, người mẹ đau đớn chia sẻ về những áp lực trong việc học khiến con chị rơi vào trầm cảm. Dù gia đình đã dành nhiều thời gian ở bên em để chia sẻ, động viên và đưa em đến bác sĩ điều trị tâm lý nhưng không mang lại kết quả.
Sự phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các thành phố lớn không chỉ tác động đến người lớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến con trẻ. Trẻ em sống ở các đô thị thường phải đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực học tập, sự cạnh tranh lẫn nhau, bên cạnh đó là kỳ vọng quá lớn của gia đình. Những vấn đề trên đã đè nặng tâm lý trẻ dẫn tới những căng thẳng tinh thần, tác động lên vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ.
Tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Quận Thủ Đức (lần thứ IV) nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược, TPHCM đã công bố kết quả "giật mình" về vấn đề rối loạn tâm thần ở học sinh THPT. Tác giả Thái Thanh Trúc cùng cộng sự, cho hay nghiên cứu của nhóm được thực hiện trong năm 2018 tại 3 trường trên địa bàn TPHCM gồm: Nguyễn Khuyến; Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Nguyễn Thái Bình với 1.114 học sinh tham gia ở quy mô 27 lớp gồm cả 3 khối, trên cơ sở đánh giá cả 3 khía cạnh trầm cảm, lo âu, stress.
Học sinh khối 12 là nhóm chịu nhiều áp lực nhất từ các vấn đề xã hội đến học tập (ảnh minh họa)
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ stress ở học sinh chiếm hơn 35,1%; lo âu là 59% và trầm cảm là 38,7%. Trong đó, nhiều trẻ đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về mặt sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp mắc cả 3 vấn đề nêu trên.
So với khối 10 thì học sinh khối 12 phải trải qua kỳ thi cuối cấp và kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, khối lượng bài vở lớn và kiến thức nhiều nên tỷ lệ rối loạn tâm thần cao hơn. Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những học sinh có điều kiện kinh tế ở mức nghèo thường đối mặt với những vấn đề tâm lý nặng nề hơn.
Một kết quả nghiên cứu khác được nhóm thực hiện tại khu vực Tây Nguyên về vấn đề học sinh có ý nghĩ tự tử còn chỉ ra xu hướng nguy hiểm hơn khi có tới 27,9% muốn tìm đến cái chết. Nhóm học sinh ở Tây Nguyên không chỉ đối mặt với áp lực học tập mà còn đối mặt với những vấn đề gia đình, xã hội, bị lạm dụng cả về sức lao động lẫn thể xác.
Từ thực tế trên, các bác sĩ đề nghị cần có các hoạt động khám sàng lọc, tổ chức tư vấn tâm lý học sinh. Gia đình học sinh cần tìm hiểu các rối loạn tâm thần phổ biến như nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh những vấn đề stress, lo âu, trầm cảm để giúp làm giảm các vấn đề về rối loạn tâm thần trong trường học. Việc phát hiện, can thiệp sớm sẽ giúp học sinh vượt qua được các giai đoạn khó khăn và phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng trong đó có tự tử.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Giáo viên nước ngoài nói gì về ngày 20/11 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm mang lại cảm giác lạ lẫm, thú vị cho các giáo viên nước ngoài. Việt Nam là một trong số ít quốc gia dành một ngày để tri ân những người làm nghề giảng dạy. Từ hàng chục năm nay, cứ đến 20/11, trên khắp cả nước diễn ra hàng loạt hoạt động tôn vinh...