‘Cô dâu thánh chiến’ tiết lộ hình phạt của IS với phụ nữ
Hai “cô dâu thánh chiến” trốn thoát khỏi hàng ngũ IS mới đây đã tiết lộ các hình phạt tàn bạo mà IS áp dụng nếu các phụ nữ này vi phạm.
Theo tin tức trên Express (Anh), hai “cô dâu thánh chiến” với tên giả Doaa và Umm Ous, từng là thành viên trong đơn vị cảnh sát khét tiếng của IS có tên al-Khanssaa tại thủ phủ tự xưng Raqqa, Syria.
IS thành lập nhóm cảnh sát hồi đầu năm 2014 để theo dõi và trừng phạt những phụ nữ phạm luật trong “thành trì” do chúng kiểm soát.
Hai “cô dâu thánh chiến” Doaa và Umm tiết lộ hình phạt của IS dành cho những phụ nữ.
Doaa, 20 tuổi chia sẻ rằng, cô cảm thấy ân hận vì trước đây đã thực hiện hình phạt đánh roi với những người phụ nữ phạm luật. Doaa rời Syria sau khi chồng cô, cũng là một chiến binh IS thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết.
Doaa tiết lộ, Nhà nước Hồi giáo có các mức hình phạt khác nhau cho những phụ nữ vi phạm quy định của chúng. Theo đó, những phụ nữ có ý định đào ngũ sẽ bị phạt 60 roi. Phụ nữ đi giày cao gót hoặc không mặc trang phục Hồi giáo sẽ bị phạt 40 roi.
Video đang HOT
Trong khi đó, Umm Ous kể lại để gia nhập nhóm cảnh sát al-Khanssaa, họ phải hoàn thành 4 tuần huấn luyện và được trả công khoảng 70 bảng Anh/tháng.
Cũng giống như nhiều phụ nữ khác gia nhập IS, Umm Ous bị ép kết hôn với chiến binh nước ngoài. Người “chồng” đầu tiên của cô là một chỉ huy IS người Thổ Nhĩ Kỳ. Người này đã thiệt mạng trong một giao tranh ác liệt. Người chồng thứ hai của Umm Ous là một chiến binh người Ai Cập. Tên này cũng đã bỏ lại vợ sau khi đào ngũ.
“Phần lớn thời gian tôi ở nhà với cha mẹ. Anh ta thường về nhà trong 2-3 ngày rồi tiếp tục chiến đấu cho IS”, Umm nói về người chồng là chiến binh nước ngoài và khẳng định cô không yêu anh ta.
Doaa và Umm Ous hiện đã rời Syria đến thổ nhĩ kỳ. Hai “cô dâu thánh chiến” này luôn cảm thấy sợ hãi rằng một ngày IS sẽ tìm ra họ.
Theo Người Đưa Tin
Cuộc sống địa ngục của phụ nữ trong tay phiến quân Hồi giáo
Đối xử tàn bạo với phụ nữ là một phần trong chiến lược của các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các phụ nữ Yazidi tại một trại tị nạn tại Sinjar, Iraq. Ảnh: Reuters
Với IS hoặc Boko Haram, giết các nạn nhân nam là cách để giành chiến thắng và xâm chiếm lãnh thổ. Còn với phụ nữ, chúng dùng họ trong kế hoạch lớn hơn, nhằm xây dựng vương quốc Hồi giáo, một nhà nước hoàn toàn dựa trên luật Hồi giáo Sharia thời trung cổ, diễn giải cuộc sống hiện đại theo cách sơ khai nhất của Hồi giáo.
Một số nạn nhân nữ người Yazidi thoát khỏi sào huyệt của IS ở vùng núi Sinjar, Iraq, đã kể cách họ bị đưa đến chợ nô lệ cùng hàng trăm phụ nữ khác. Tại đó, họ đứng xếp hàng thành từng nhóm 50 người và các chiến binh IS lựa chọn để cưới hoặc bắt họ làm nô lệ tình dục.
Câu chuyện mà nhà báo và nhân viên tổ chức nhân đạo nghe từ các cô gái Yazidi kể lại càng trở lên sống động hơn khi bác sĩ khám cho họ và xác nhận đã tìm thấy những bằng chứng xâm phạm tình dục nhiều lần.
Theo báo cáo điều tra của tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế (HRW), IS đã lập một hệ thống đàn áp có tổ chức nhằm tiến hành những hoạt động như hiếp dâm, xâm phạm tình dục, nô lệ tình dục, cưỡng bức kết hôn. HRW cho rằng những hoạt động này chính là tội ác chiến tranh hoặc thậm chí có thể coi là tội ác chống loài người.
Tổ chức Boko Haram tại Nigeria cũng đối xử rất tàn bạo với phụ nữ. Theo tổ chức Ân xá quốc tế, 276 nữ sinh bị bắt một năm trước chỉ là phần nhỏ trong tổng 2.000 phụ nữ và nữ sinh bị bắt cóc tính từ năm 2004 đến nay. Các con tin bị đưa từ nơi này sang nơi khác, bị bắt phải cải đạo nếu ai đó không phải là tín đồ Hồi giáo và bị buộc phải cưới một chiến binh jihad.
Đây là một sự thay đổi so với thế hệ chiến binh Hồi giáo cực đoan thời Osama bin Laden còn chỉ huy al-Qaeda. Với al-Qaeda, phụ nữ không phải là trọng tâm ngắn hạn do chúng xem việc thành lập vương quốc Hồi giáo là một mục tiêu lâu dài dành cho thế hệ tương lai.
IS đã tiến hành xây dựng các cấu trúc xã hội Hồi giáo cực đoan từ rất sớm. Khi chúng muốn xây dựng một xã hội mới thì sẽ cần đến cả phụ nữ chứ không chỉ các chiến binh. Phụ nữ là nhân tố không thể thiếu để thiết lập một cộng đồng sinh sống, kể cả những cộng đồng mà trong đó luật lệ được áp đặt tàn bạo. Kể cả trong trường hợp bị coi là tài sản của nam giới, phụ nữ vẫn có vai trò nhất định, không chỉ cho mục đích nấu nướng, quét dọn hoặc tình dục mà còn là gây dựng gia đình và nuôi nấng con cái. Với mục đích như vậy, IS đã có các hành động đầy toan tính khi bắt giữ, đàn áp và cố nô dịch hóa phụ nữ.
Không hề ngẫu nhiên mà Boko Haram nhằm vào các nữ sinh ở Chibok. Tương tự, phiến quân Hồi giáo Al-Shabaab của Somalia đã cố tình giết một lượng kỷ lục các nữ nạn nhân trong vụ thảm sát ở trường Đại học Garissa ở Kenya.
Trong các cuộc xung đột man rợ trước đây, phụ nữ bị coi là chiến lợi phẩm và cưỡng hiếp phụ nữ là một kiểu vũ khí chiến tranh. Đó là một cách để hạ nhục kẻ thù, là phần thưởng cho chiến binh và là chiến thuật để thay đổi chủng tộc.
Với IS, đó không chỉ đơn giản là lạm dụng rồi vứt bỏ nữ nạn nhân. IS và Boko Haram bắt phụ nữ làm nô lệ, áp đặt họ trong cuộc sống thường nhật ở vùng lãnh thổ chúng kiểm soát, đè nén họ bằng các cấm đoán ngột ngạt và lạm dụng họ đến mức nhiều người không chịu nổi phải tự tử. Tình hình này phần nào gợi lại Afganistan dưới thời cai trị của Taliban, cũng là một tổ chức Hồi giáo cực đoan. Taliban đã cố kiểm soát và áp đặt những quy định khắc nghiệt cho phụ nữ.
IS ra sức biện minh rằng việc đối xử tàn tệ với phụ nữ là theo luật lệ Hồi giáo, kể cả việc bán các nữ tù nhân người Yazidi như nô lệ. Tạp chí trực tuyến của IS còn ra một tuyên bố bằng tiếng Arap rằng: "Chúng ta sẽ chiếm được thành Rome, đập gẫy thánh giá của các người và bắt phụ nữ các người làm nô lệ, đúng theo sự cho phép của đức Allah."
Các nạn nhân không theo đạo Hồi như trường hợp người Yazidi là khốn khổ nhất. Tuy nhiên, chính phụ nữ Hồi giáo sống trong vùng phiến quân IS chiếm đóng cũng gặp thảm họa. Từ Mosul, thành phố hiện đại lớn thứ hai ở Iraq cho đến trước khi IS chiếm đươc năm 2014, phụ nữ đã chuyển ra thông điệp "chúng đã tước đi tất cả tự do của chúng tôi" và mô tả cuộc sống của họ là ngột ngạt đầy ắp nỗi sợ.
Sự tàn bạo của phiến quân Hồi giáo cực đoan ngày nay là kinh khủng nhất từ trước đến nay. Nếu có thể coi thái độ đó là một sự điên rồ thì nó lại là một sự điên rồ có tính toán. Khi sự điên rồ này nhắm đến phụ nữ, sự tính toán chính là để kiểm soát họ, bắt họ theo một xã hội khắt khe không thể tưởng tượng, khiến nhiều phụ nữ không thiết sống trên đời nữa.
Minh Châu
Theo CNN
10 hình phạt tử hình đáng sợ nhất Tử hình luôn là chủ đề gây tranh cãi trên thế giới. Trong lịch sử cũng đã có rất nhiều hình thức tử hình phạm nhân tàn bạo, độc ác. Dưới đây là danh sách 10 hình phạt tử hình khủng khiếp nhất từng tồn tại, song cho đến nay đã hầu như không còn được sử dụng, theo lolwot.com. Một chiếc ghế...