Cô dâu Thái ở TQ tuyệt vọng nhìn công dân nước giàu rời khỏi Vũ Hán
Những người nước ngoài từ các quốc gia ít đầu mối ngoại giao như Thái Lan, Pakistan hay Indonesia lo sợ bị bỏ lại khi các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản di tản công dân khỏi Vũ Hán.
Vũ Hán như thành phố ma giữa tâm dịch bệnh
Hình ảnh từ máy bay không người lái cho thấy Vũ Hán trở thành một thành phố ma, đường phố vắng vẻ, giao thông công cộng bị đình chỉ, cuộc sống gần như dừng lại ở tâm dịch bệnh.
Mang thai, mới cưới và mắc kẹt tại trung tâm cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, Aphinya, quốc tịch Thái Lan, nằm trong số hàng nghìn người nước ngoài tuyệt vọng đang hướng ánh mắt bất lực về phía những nước giàu như Mỹ và Nhật Bản tức tốc đưa công dân về nhà.
Hàng trăm người đã bay về nơi an toàn trong tuần này tới Tokyo, Singapore và California trên các chuyến bay do chính phủ thuê nhưng những người từ các quốc gia có ít đầu mối ngoại giao sợ rằng họ bị bỏ lại.
“Tôi cảm thấy tổn thương khi họ không quan tâm đến chúng tôi”, Aphinya Thasripech, 32 tuổi, nói với AFP.
“Hoặc là tôi có thể chết đói hoặc tôi sẽ bị nhiễm bệnh và chết”, nữ công nhân đang mang thai hai tháng, nói một cách bi quan.
Tuyệt vọng chờ giúp đỡ
Cho đến nay, 170 người tử vong vì virus corona mới kể từ khi nó xuất hiện từ một khu chợ ở Vũ Hán và hơn 7.700 người nhiễm bệnh.
Bệnh dịch cũng lây lan khắp thế giới, với các trường hợp được ghi nhận ở cả Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Phần Lan và Mỹ nhưng tất cả trường hợp tử vong đều ở Trung Quốc.
Đường phố vắng lặng ở Vũ Hán những ngày bùng phát dịch bệnh. Ảnh: AFP.
Trong nỗ lực ngăn chặn virus, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đi lại trong và xung quanh Vũ Hán, khiến hàng triệu người mắc kẹt, bao gồm hàng nghìn người nước ngoài.
Aphinya đến Trung Quốc hai tuần trước để kết hôn với người chồng Trung Quốc ở Tiên Đào – cách Vũ Hán khoảng 200 km.
Giờ thành phố trở thành thị trấn ma, với các nhà hàng và cửa hàng đều đóng cửa.
Aphinya cho biết cô lo lắng cho sức khỏe của đứa con chưa sinh của mình và mong muốn chính phủ Thái Lan đưa cô ra ngoài.
Trong nhiều ngày, chính phủ ở Bangkok cho biết họ đang chờ “sự cho phép” từ Trung Quốc để sơ tán 65 công dân được biết là ở hiện trường.
Nhưng sự chờ đợi đang gây nguy hiểm.
“Sớm hay muộn, sẽ đến lượt chúng tôi”, Aphinya nói thêm rằng cô nghe nói một người đàn ông đã ngã gục trong nhà hàng gần đó.
Một phụ nữ đeo mặt nạ bảo vệ trong khu phố ở ngoại ô Vũ Hán, trung tâm tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, ngày 27/1. Ảnh: AFP.
Sinh viên y khoa Thái Lan Badeephak Kaosala đã tự cô lập trong phòng ký túc xá của mình với nguồn cung cấp thực phẩm và nước đang cạn kiệt.
Anh theo dõi với sự hoài nghi khi các quốc gia giàu có di tản công dân của mình mà không nhận được lời nào từ quê nhà về việc khi nào hoặc liệu anh có thể thoát ra hay không.
“Trung Quốc đã cấp phép cho rất nhiều quốc gia khác… vì vậy chúng tôi cảm thấy thực sự suy sụp”, chàng trai 23 tuổi nói với AFP.
“Chỉ kẻ ngốc mới muốn ở lại”
Hàn Quốc, Pháp và Anh đều tuyên bố chuẩn bị sơ tán công dân của họ. Nhật Bản đã mang hai máy bay đến chở người đi.
Nhưng “nỗi sợ hãi, thất vọng và hoảng loạn” đang gia tăng trong số những người vẫn bị mắc kẹt, Ruqia Shaikh, công dân Pakistan 33 tuổi, người đang thăm bạn bè khi thành phố bị phong tỏa, cho biết.
Có khoảng 500 sinh viên Pakistan ở Vũ Hán. Hiện tại, bốn người đã được chẩn đoán nhiễm virus corona, một quan chức ở Islamabad cho biết.
Những người đeo mặt nạ đi bộ xuống một con đường vắng ở Vũ Hán, ngày 28/1. Ảnh: AP.
Những người có gia đình rất muốn rời đi, Ruqia nói, mặc dù một số sinh viên thích ở lại nơi họ sống và mong muốn có cơ hội chống lại bệnh dịch này ở đây hơn là các cơ sở y tế tồi tệ của Pakistan.
“Đất nước chúng tôi không có khả năng điều trị virus corona”, cô nói với AFP.
Nhưng Fadil, nghiên cứu sinh người Indonesia ở Vũ Hán, nói rằng anh và bạn bè rất muốn rời đi – ngay cả khi chỉ đến một thành phố khác của Trung Quốc.
Sinh viên y khoa người Thái Lan Badeephak Kaosala đã tự cách ly trong phòng ký túc xá của mình khi chờ đợi tin tức về chuyến bay có thể đưa anh từ Vũ Hán về nhà. Ảnh: AFP.
Có khoảng 100 người Indonesia ở Vũ Hán và 143 người khác ở tỉnh Hồ Bắc.
“Điều quan trọng là chúng tôi muốn ra khỏi đây. Chỉ những kẻ ngốc mới muốn ở lại Vũ Hán”, anh nói.
Một số công dân Myanmar sống ở Vũ Hán đã đưa lên Facebook những lời cầu xin công khai để được đưa về nước.
“Các quốc gia khác đang hồi hương công dân của họ… khi nào chúng tôi sẽ được về?”, Khin Thiri Thant Zin, thực tập sinh tại một bệnh viện ở Vũ Hán, nói.
“Tôi đau đầu vì khóc quá nhiều – tôi không thể ngủ được vào ban đêm”, Zin bày tỏ.
Người đàn ông mang 500 khẩu trang tới đồn cảnh sát TQ rồi vội vã bỏ đi
Một người đàn ông đã bỏ lại 500 chiếc khẩu trang tại một đồn cảnh sát ở tỉnh An Huy, Trung Quốc sau đó bỏ đi, khiến những người cảnh sát không kịp cảm ơn.
Theo news.zing.vn
Ngày chết chóc nhất của dịch viêm phổi Vũ Hán
30/1 là ngày mà Trung Quốc chứng kiến số lượng người chết vì dịch viêm phổi cao chưa từng có, khi nỗi lo sợ virus nCoV lan rộng toàn cầu.
Chính phủ Trung Quốc hôm nay cho biết có thêm 38 trường hợp tử vong vì dịch viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra chỉ trong vòng 24 giờ. Đây là số người tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh được phát hiện vào cuối năm 2019. Trong số những người mới tử vong, chỉ có một người là cư dân ngoài tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ phủ Vũ Hán là điểm bùng phát dịch. Số ca nhiễm bệnh cũng tiếp tục tăng lên 7.711 và 81.000 người khác đang được giám sát vì nghi ngờ nhiễm virus nCoV.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ di chuyển bệnh nhân nghi nhiễm virus gây viêm phổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hôm nay. Ảnh: AFP
Tác nhân gây bệnh được cho là bắt nguồn từ một chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán và lan rộng đúng vào dịp hàng trăm triệu người ở Trung Quốc về quê nghỉ Tết Âm lịch. Ít nhất 15 quốc gia đã ghi nhận các trường hợp nhiễm dịch viêm phổi, trong đó Ấn Độ hôm nay phát hiện ca đầu tiên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan ban đầu giảm nhẹ sức ảnh hưởng của đại dịch, hôm nay sẽ quyết định có tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không. Trong khi đó, các chính phủ, công ty và người dân khắp thế giới đang tăng cường nỗ lực kìm hãm dịch bệnh.
Các hãng hàng không hôm qua bắt đầu huỷ những chuyến bay đến Trung Quốc, bao gồm British Airways, Lufthansa, American Airlines, KLM và United Airlines. Nhiều chính phủ nước ngoài yêu cầu công dân không đến Trung Quốc và một số nước cấm cửa những người đến từ Vũ Hán. Nga là quốc gia mới nhất tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc ở vùng Viễn Đông.
Có hàng nghìn người nước ngoài bị mắc kẹt ở Vũ Hán kể từ khi thành phố bị phong toả vào tuần trước. Nhật Bản và Mỹ hôm qua trở thành những nước đầu tiên tổ chức các chuyến bay sơ tán công dân khỏi ổ dịch. Nhật đã điều thêm máy bay hồi hương hơn 400 công dân vào hôm nay, còn Mỹ dự kiến thực hiện chuyến bay thứ hai vào những ngày tới. Australia và New Zealand nằm trong số những quốc gia đang có kế hoạch sơ tán tương tự.
Nhật Bản hôm nay cho biết 3 người trên chuyến bay đầu tiên về Tokyo được phát hiện dương tính với virus nCoV. Hai trong số họ không có triệu chứng gì. Trước sự lo lắng của dân chúng, giới chức Nhật Bản đã để những người vừa hồi hương "tự cách ly". Chính phủ nước này cho biết họ không có quyền pháp lý để bắt buộc những người này xét nghiệm hay kiểm dịch và có hai người trên chuyến bay đầu tiên đã từ chối xét nghiệm. Nhật Bản cũng phát hiện hai trường hợp dương tính với virus nCoV dù chưa từng đến Trung Quốc.
"Chúng ta đang ở trong một tình huống thực sự mới", Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato phát biểu trước quốc hội khi chính phủ đối mặt với chỉ trích.
Trung Quốc đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, bao gồm cách ly hơn 50 triệu dân ở Vũ Hán và các địa phương xung quanh ở tỉnh Hồ Bắc. Các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải trở nên vắng lặng khi hàng triệu người được khuyến cáo ở trong nhà, tránh ra ngoài khi không cần thiết và đeo khẩu trang.
Giới chức Trung Quốc cũng tuyên bố kéo dài kỳ nghỉ Tết, hoãn bắt đầu học kỳ ở các trường trên toàn quốc và tất cả các trận bóng đá để ngăn dịch lây lan.
WHO đang đối mặt với làn sóng chỉ trích sau khi từ chối tuyên bố dịch viêm phổi cấp là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào tuần trước. Việc lật ngược quyết định này trong cuộc họp hôm nay có thể dẫn tới những rào cản du lịch hoặc thương mại. Chủng virus tương tự xuất phát từ Trung Quốc cũng từng gây ra Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS) và khiến gần 800 người trên thế giới thiệt mạng vào năm 2002-2003.
"Cả thế giới cần phải hành động", Michael Ryan, người đứng đầu Chương trình Khẩn cấp Sức khoẻ của WHO, nói với các phóng viên ở Geneva, Thuỵ Sĩ.
Người dân xếp hàng trước một quầy thuốc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hôm nay. Ảnh: AFP
Ngoài những nguy cơ với sức khoẻ cộng đồng, dịch viêm phổi cấp cũng đe doạ nền kinh tế thế giới. Thị trường chứng khoán châu Á hôm nay lại sụt giảm trước những lo ngại rằng đại dịch ở Trung Quốc, nơi được mệnh danh là "công xưởng thế giới", sẽ gây ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và lợi nhuận toàn cầu. Toyota, IKEA, Starbucks, Tesla, McDonald's và ông lớn công nghệ Foxconn nằm trong số những tập đoàn tạm ngừng hoạt động sản xuất và đóng cửa đồng loạt các cửa hàng ở Trung Quốc.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho hay virus nCoV đã tạo ra một mối đe doạ mới với nền kinh tế thế giới.
"Rõ ràng sẽ có những tác động, ít nhất là trong tương lai gần, đối với sản lượng ở Trung Quốc và tôi đoán sẽ tác động đến cả một số nước láng giềng gần với họ", ông Powell nói.
Khắp Trung Quốc, những biểu hiện lo sợ thái quá đang tăng lên. Cư dân một số toà chung cư ở Bắc Kinh đã dựng các rào chắn tạm thời để ngăn cách khu vực sinh sống của mình. Một bức ảnh được đăng trên mạng cho thấy một người đàn ông đeo khẩu trang ngồi trên hàng rào ở ngoài làng, khua một loại vũ khí võ thuật truyền thống, gần một tấm biển có dòng chữ "Cấm người ngoài vào làng".
Cuộc khủng hoảng cũng khiến giá thực phẩm leo thang. Chính quyền trung ương Trung Quốc hôm nay cho rằng một số biện pháp đề phòng thái quá đã ngăn cản hoạt động vận chuyển thực phẩm và đã ra chỉ thị mở đường cho xe tải chở thực phẩm tới Vũ Hán.
Anh Ngọc (Theo AFP)
Theo vnexpress.net
Tân Sơn Nhất trong 25 sân bay nguy cơ cao có khách nhiễm virus corona Một mô phỏng của Đại học John Hopkins (Mỹ) xếp sân bay Tân Sơn Nhất trong 25 sân bay ngoài Trung Quốc có nguy cơ cao nhất sẽ tiếp nhận người nhiễm virus corona từ Trung Quốc. Mô phỏng của Đại học John Hopkins ở bang Maryland, Mỹ cho kết quả là số người nhiễm bệnh nhập cảnh ở mỗi sân bay trên...