Cô dẫn trò khuyết tật vô siêu thị, nhà bếp… dạy kỹ năng sống
Đi siêu thị, các em học sinh khuyết tật được học kỹ năng giao tiếp, biết tính toán, cân nhắc mua gì cho phù hợp với số tiền đang có…
Cô Nguyễn Thị Thu Sương hướng dẫn học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM cách xếp quần áo – Ảnh: NHƯ HÙNG
Gắn bó với Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM gần 30 năm, cô Nguyễn Thị Thu Sương đã thiết kế hoạt động chức năng để dạy kỹ năng sống cho các em học sinh khuyết tật, đa khuyết tật.
Điều quan trọng nhất mà cô Sương chia sẻ trong kinh nghiệm dạy kỹ năng cho trẻ đa khuyết tật là giáo viên cần quan sát kỹ hơn dạy trẻ bình thường, quan sát để dạy những gì trẻ đa khuyết tật cần chứ không phải dạy hết những kinh nghiệm mà giáo viên có.
Trẻ đa khuyết tật cần kỹ năng riêng
Cô Sương chia sẻ: “Trẻ đơn hay đa khuyết tật có những khó khăn và mức độ khuyết tật kèm theo khác nhau nên mỗi cá nhân có một khả năng khác nhau, đòi hỏi phải có những chương trình chuyên biệt, điều chỉnh cho phù hợp.
Vì thế, trẻ đa khuyết tật cần phải học kỹ năng sống hằng ngày và các kỹ năng khác thông qua các hoạt động, thay cho chương trình quy định.
Các em cũng cần được thông qua việc hướng dẫn trực tiếp và những phương pháp can thiệp để việc tiếp cận dễ dàng, để khi trở về với gia đình, với cộng đồng xã hội thì hòa nhập tốt hơn”.
Video đang HOT
Từ đó, cô Sương đã bắt đầu xây dựng thiết kế những hoạt động gần gũi thiết thực như: đi siêu thị, làm bánh, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo, gọt trái cây, bán hàng đồng giá…
Cô Sương phân tích: “Ví dụ việc đi siêu thị, nhìn thì đơn giản với một đứa trẻ bình thường nhưng lại hàm chứa rất nhiều kỹ năng cho các em đa khuyết tật.
Thứ nhất, đi siêu thị dạy cho các em kỹ năng hòa nhập xã hội: giao tiếp, hỏi đường, trao đổi với người bán hàng. Thứ hai là kỹ năng tính toán, cân nhắc mua gì cho phù hợp với số tiền cầm trên tay…
Thứ ba là dạy cho các em khiếm thị định hướng di chuyển từ trường đến siêu thị, để sau hoạt động này các em cũng có thể đi đến cửa hàng đồ chơi, đến cửa hàng tạp hóa.
Và cuối cùng là dạy cho các em kể được buổi trải nghiệm, em đã học được gì khi chính mình bước vào mua hàng ở siêu thị, điều em kể được chính là em đã nhận ra được kỹ năng cho chính mình qua hoạt động đó”.
Để tạo niềm thích thú, trước mỗi tiết dạy cô lại đưa ra quyền lựa chọn hoạt động mà ngày mai các em sẽ học, cô không đi theo một khuôn mẫu lập sẵn.
“Có em khiếm thị nhưng tay chân hoạt động rất nhạy bén, mình quan sát để khi em thực hiện hoạt động đó, giáo viên giao nhiệm vụ khác để cân bằng và tập trung đôi tay để các em phát huy.
Ngược lại, có em vừa khiếm thị vừa chân yếu tay mềm vừa ít hoạt ngôn, giáo viên sẽ trực tiếp hướng dẫn dần một vài chi tiết nhỏ trong hoạt động lớn, để các em dễ tiếp thu kỹ năng hơn” – cô Sương cho biết thêm.
Trẻ tiến bộ rõ rệt
Đang loay hoay dùng đôi bàn tay chạm canh đôi ống quần cho bằng nhau để gấp lại thật vuông vắn trong bài học “Kỹ năng quản lý nhà cửa”, em Phương Trinh (lớp 6 kỹ năng) cho biết: “Bình thường ở nhà, mẹ và ba là người giúp em gấp quần áo.
Nhưng cô Sương đã dạy cho em cách gấp sao cho thẳng, cho vuông, phải canh hai ống quần, hai tay áo như thế nào là bằng nhau, tuy em không thể nhìn thấy nhưng em cảm nhận được. Sau này em cũng sẽ tự gấp quần áo cho em và người thân theo cách này”.
Lan tỏa sáng kiến của cô Sương, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cũng đã áp dụng thực hiện giảng dạy và thành công.
Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, giám đốc trung tâm, cho biết: “Được chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm của cô Sương, chúng tôi như có một nút mở cho chương trình giáo dục tại trung tâm mà bấy lâu nay chưa có sáng kiến nào thay thế cho phù hợp. Qua hơn một năm dạy theo chương trình kỹ năng này, các em đa khuyết tật tiến bộ rõ rệt”.
“Cô Sương là một giáo viên nhiệt tình, không ngại việc, không sợ khó, sợ khổ. Ngoài những giờ ở lớp, vì nhà ở gần trường nên cô Sương luôn hỗ trợ sinh hoạt cho học sinh nội trú và dành nhiều thời gian cho các em. Cô còn là giáo viên giỏi cấp thành phố về dạy trẻ khuyết tật, đạt thành tích xuất sắc từng được Bộ GD-ĐT công nhận”.
Cô Hà Thanh Vân – Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu
Theo tuoitre.vn
Người thầy cần tự vấn trước, sau đó hãy nhờ tư vấn
Khi gặp sự cố học đường, người thầy cần "tự vấn" mình trước, sau đó nếu không thấy kết quả hãy tìm đến tư vấn.
Ảnh minh họa
Tưởng chừng đơn giản nhưng lại là một vấn đề rất tế nhị và phức tạp: góc khuất tâm lý giáo viên. Khi gặp tình huống sư phạm, người có kinh nghiệm, kỹ năng vững thì giải quyết, xử lý ổn thỏa, có lý có tình. Và ngược lại thì xử lý kém hiệu quả.
Một điều dễ nhận thấy qua các sự cố trong trường học là kỹ năng giao tiếp, ứng xử của nhiều giáo viên còn yếu. Nếu thầy chủ nhiệm ở Quảng Bình không nóng nảy, biết kiềm chế, không tát tai học trò (có hình xăm) giữa lớp thì có thể câu chuyện đau lòng trò đâm thầy đã không diễn ra.
Theo tôi, khi tuyển đầu vào sư phạm phải chọn lọc những người có khí chất điềm đạm, mực thước, hiền lành... Dù nguyên nhân gì chăng nữa (áp lực từ học sinh, phụ huynh; về chỉ tiêu, thi đua, soạn giáo án, lương bổng...) người thầy cũng không thể nóng nảy, mang trong mình những bức xúc, bực bội để rồi tìm mọi cách "trút" lên đầu học sinh.
Người thầy cũng cần "tự vấn" mình trước, sau đó nếu không thấy kết quả hãy tìm đến tư vấn. Vậy ai là người đủ trình độ, uy tín để tư vấn cho giáo viên? Đó là những thầy cô lớn tuổi, bậc cha chú có uy tín với đồng nghiệp, với học sinh.
Có thể đó là hội giáo chức, những giáo viên về hưu vẫn còn tâm huyết với nghề, sẵn lòng chia sẻ, thấu hiểu và giúp giáo viên vượt qua những cú sốc tâm lý... Cũng có thể đó là lớp thầy cô đi trước, luôn quan tâm lớp trẻ kế thừa và cùng bàn bạc, tìm ra hướng giải quyết vấn đề tốt nhất.
Nhà trường nên thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn cho giáo viên về cách tránh, giảm áp lực công việc cho bản thân (áp lực chủ quan) cũng như những áp lực từ ngoài tác động vào (khách quan).
Một khi giáo viên tìm ra được nguyên nhân, tìm được những biện pháp giải quyết thỏa đáng thì vấn đề giải tỏa áp lực sẽ không còn gặp khó. Chỉ sợ những bức xúc cứ âm ỉ, chất chứa hàng ngày, hàng tháng mà không được "tháo ngòi nổ" thì nguy cơ dẫn đến những hành vi bột phát là điều không tránh khỏi.
Góc khuất tâm lý giáo viên nếu được soi rọi bằng những kinh nghiệm quản lý, bằng những cách làm khoa học sẽ có nhiều kết quả khả quan hơn.
Theo tuoitre.vn
Dạy con về "Luật bàn tay" để tự vệ Để giúp trẻ biết tự bảo vệ bản thân và phòng tránh bị xâm hại, các chuyên gia đào tạo kỹ năng sống đã khuyên các bậc phụ huynh dạy con về "Luật bàn tay" và "Quy tắc đồ lót". Những quy tắc đơn giản, dễ nhớ và cực kỳ cần thiết, khi đã thấm sâu vào nhận thức sẽ giúp trẻ có...