Có cần thiết sáng tạo ra cách đánh vần kiểu mới?
Việc áp dụng cách đánh vần mới là không cần thiết, vì xưa nay bao thế hệ đánh vần kiểu cũ dễ hiểu và chẳng gặp trục trặc nào.
Có con nhỏ chuẩn bị vào lớp 1, phụ huynh tên Thư chia sẻ quan điểm về việc đánh vần kiểu mới.
Gần đây rầm rộ chuyện cải cách sách lớp 1 về việc đánh vần kiểu mới gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tôi cũng là phụ huynh có con nhỏ và việc cải cách sau này còn ảnh hưởng tới cả một thế hệ nên ít nhiều quan tâm. Câu chuyện này làm tôi nhớ tới dịp làm việc với một kỹ sư người nước ngoài, xong việc tôi hỏi họ nghĩ sao, như thế nào về công trình này, về này kia (bao gồm cả chuyện công việc và chuyện phiếm).
Họ gật gù lịch sự bảo “người Việt Nam rất sáng tạo, và cũng rất thích sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo trên những thứ đã có rồi”. Tưởng như đùa, nhưng lại rất thâm thúy. Có nhiều việc thế giới đã có công nghệ, mình đưa nó về rồi tiếp tục cải tiến. So sánh như việc xây tòa tháp, thay vì phải xây tiếp tầng trên tầng đã có sẵn công nghệ thì mình lại ưu tiên xây lại từ đầu, nghĩ cách xây lại từ đầu (trong khi công nghệ của họ tiên tiến, bao năm áp dụng, bao nước áp dụng).
Đó là tôi chỉ phép so sánh chứ thực không phải chuyện nào cũng vậy. Nhưng việc áp dụng cách đánh vần mới này chính là việc sáng tạo vô bổ kiểu đó. Sáng tạo trên những thứ đã có sẵn, sáng tạo trong việc xưa nay bao thế hệ đánh vần kiểu cũ dễ hiểu và chẳng gặp trục trặc nào.
Việc nước Hàn phát triển giáo dục thần kỳ nhờ bưng nguyên sách Nhật về dịch để học là tấm gương lớn nhất. Tại sao các tiến sĩ không ưu tiên dành thời gian nghĩ ra phương pháp nào để tạo cho trẻ niềm hứng thú trong việc học hơn, ưu tiên việc thực hành so với lý thuyết hơn, mà lại đi sáng tạo những thứ không cần thiết đó?
Cô giáo dạy cách đánh vần kiểu mới.
Trước đó video cô giáo lớp 1 hướng dẫn đánh vần theo cách ba chữ cái c/k/q đọc là “cờ”, chữ “ki”, “qua” lần lượt đánh vần là “cờ-i-ci” và “cờ-ua-qua” gây xôn xao dư luận. Khác với cách đánh vần tiếng Việt được dạy nhiều năm nay trong bộ sách giáo khoa hiện hành (chữ c/k/qu lần lượt đọc là cờ/ca/quờ), cách dạy này theo không ít phụ huynh là khó hiểu và gây khó khăn trong việc hướng dẫn con học đọc.
Cách đánh vần của cô giáo trong video nói trên được dạy theo cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Sách được thẩm định đưa vào dạy thực nghiệm ở một số trường tiểu học từ năm học 2013-2014. Năm 2017, Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 lần nữa được thẩm định và tiếp tục cho sử dụng. Đến nay gần 50 tỉnh thành phố như Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội… có trường dùng cuốn sách này.
Thư
Theo Vnexpress
Hà Tĩnh: Hàng nghìn trẻ mầm non sẽ được trở lại trường đúng ngày khai giảng
Trước sức ép tuyển sinh bậc mầm non đầu năm mới, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ mang tính tình thế cũng như lâu dài.
Hơn 1.200 trẻ em bậc mầm non sẽ được đến trường đúng năm học mới
PV Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Trần Huy Liệu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ. Theo đó, hơn 1.200 trẻ lứa tuổi bậc mầm non toàn tỉnh chưa thể đến trường sẽ được đến trường đúng ngày khai giảng năm học mới 2018-2019.
Bổ sung kinh phí cho các trường để tăng chỉ tiêu giáo viên hợp đồng
Như Báo GD&TĐ thông tin trong nhiều bài viết trước đó, hàng nghìn trẻ em bậc mầm non toàn tỉnh Hà Tĩnh dù đã đến ngày tựu trường nhưng vẫn không được đến trường.
Trước áp lực tuyển sinh đầu năm đối với các trường công lập là rất lớn, dù các trường tư thục đã giải quyết được 40% học sinh cho các trường công lập. Thế nhưng, vấn đề thiếu giáo viên đứng lớp là nỗi lo lớn nhất, bên cạnh đó việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp không thể theo kịp tỷ lệ gia tăng số lượng học sinh và mức đóng góp trường tư còn cao so thu nhập của số đông người dân. Vì vậy, tuyển sinh đầu cấp vẫn luôn là nỗi lo của phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương trước thềm mỗi năm học. Với hướng giải quyết, thiếu cái gì bổ sung cái đó, các trường sẽ được tuyển dụng thêm giáo viên.
Theo ông Trần Huy Liệu, trước mắt để giải quyết tình trạng này, ngày 25/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số 4355 đồng ý chủ trương tuyển 410 giáo viên (226 giáo viên mầm non, 184 giáo viên văn hóa bậc tiểu học). Tuy nhiên, việc tuyển mới 410 giáo viên này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thiếu giáo viên, đặc biệt ở bậc mầm non.
Đối với bậc mầm non thành phố Hà Tĩnh, 388 học sinh chưa thể đến trường do thiếu giáo viên, các đơn vị liên ngành đã đưa giải pháp tình thế cho vấn đề này. Theo đó, ngoài quyết định tuyển dụng 410 giáo viên của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đồng ý cho hợp đồng thêm 16 giáo viên tiểu học và 23 giáo viên mầm non, đồng thời tăng số lớp mầm non từ 138 lên 158 lớp. Bước đầu giải quyết được áp lực tuyển sinh. Việc này, thành phố đã triển khai gần như cơ bản, số trẻ đã khép kín tại các trường học mầm non - ông Trần Huy Liệu cho biết.
Hàng nghìn trẻ bậc mầm non chưa thể đến trường sẽ được trở lại trường đúng ngày khai giảng
Còn với thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh là hai đơn vị thuộc vào diện thiếu trầm trọng giáo viên bậc mầm non dẫn đến 404 học sinh tại huyện Kỳ Anh và 447 học sinh tại thị xã Kỳ Anh đến lúc này vẫn chưa thể đến trường. Theo chỉ đạo, Phòng giáo dục phải có trách nhiệm báo cáo số liệu học sinh bậc mầm non tăng thêm, cơ sở vật chất lớp học, nhu cầu tuyển dụng thêm giáo viên hợp đồng gửi Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ trước ngày 31/8.
Theo tìm hiểu của PV, tại huyện Kỳ Anh giáo viên mầm non còn thiếu 114 (tỷ lệ 2 GV/lớp); thị xã Kỳ Anh thiếu 116 giáo viên (2GV/lớp). Để tuyển đủ số giáo viên đứng lớp là một bài toán khó, bởi Hà Tĩnh chịu ràng buộc bởi "trần" của Bộ Nội vụ giao và ngành giáo dục chỉ được 10% tỷ lệ biên chế giáo viên.
"Có thể không thể tuyển đủ giáo viên biên chế, nhưng các đơn vị liên ngành đã thống nhất bổ sung kinh phí cho các trường để tuyển đủ giáo viên hợp đồng, cân đối với tỷ lệ học sinh/lớp. Tỉnh sẽ dành sự ưu ái cho sự nghiệp giáo dục bằng cách chi trả lương giáo viên hợp đồng theo hình thức bậc 1 cọng thêm những chế độ vùng, miền (nếu có)" - ông Liệu khẳng định.
Được biết, từ trước đến nay các trường mầm non tại thị xã, huyện, thành phố Hà Tĩnh để giải quyết khâu thiếu giáo viên, nhà trường phải tự đứng ra hợp đồng giáo viên. Tiền lương sẽ do nhà trường chi trả, nguồn thu từ xã hội hóa. Tuy nhiên, gần đây tỉnh có văn bản cấm thu chi từ nguồn xã hội hóa (phụ huynh) nên các trường rơi vào tình thế bế tắc vừa thiếu giáo viên, vừa không có lương chi trả giáo viên hợp đồng.
Số 388 trẻ bậc mầm non tại thành phố Hà Tĩnh chưa được đến trường đã được bố trí học trở lại
Giải pháp lâu dài là đưa Nghị quyết 96 vào đề án phát triển giáo dục
Nghị quyết 96 của Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành ngày 18/7/2018 dành riêng cho ngành giáo dục trong việc "Phát triển giáo dục bậc mầm non và phổ thông tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo".
Như vậy, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, mở trường tư thục, các lớp nhóm trẻ; tổ chức lại trường lớp đủ quy mô. Đảm bảo chất lượng dạy học; đẩy mạnh lại cơ cấu đội ngũ giáo viên, giảm hành chính, tăng giáo viên đứng lớp; chuyển nhiệm vụ y tế học đường, viên chức y tế ở các trường học về trạm y tế cấp xã hoặc trung tâm y tế quản lý cũng như sáp nhập các trường lại để giảm thiểu nhân viên hành chính, kế toán trong trường học; đào tạo bổ sung kiến thức cần thiết cho giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp để có thể dạy môn khác, vị trí làm việc khác.
5 năm gần đây, ngành giáo dục không thực hiện việc điều chuyển giáo viên. Năm học này, trong Nghị quyết 96 nêu rõ là thực hiện việc điều động, biệt phát giáo viên từ địa phương thừa sang địa phương thiếu, trường thừa sang trường thiếu kể cả về số lượng và cơ cấu môn học. Đồng thời, thực hiện hợp đồng viên chức số giáo viên còn thiếu sau khi điều chuyển, bố trí, cân đối và tiếp tục tuyển sinh tốt nghiệp loại giỏi ở các trường sư phạm về dạy tại Hà Tĩnh.
Sử dụng biện pháp căn cơ cũng được đưa ra trong giả pháp lâu dài, như các giáo viên sẽ học thêm văn bằng 2. Họ sẽ được đào tạo một chương trình bồi dưỡng bài bản, căn cơ, gắn với thực tiễn cho thầy cô đang dạy trung học chuyển sang mầm non. Việc này, chờ Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình đổi, chuyển học văn bằng 2, trong đó có những môn có tính liên thông, thực hành tốt để nhanh chóng triển khai trên toàn quốc, khắc phục thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Theo giaoducthoidai.vn
Kon Tum cải thiệt rõ rệt chất lượng GD vùng dân tộc thiểu số Chiều 15/8, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2018-2019. 3 tập thể nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT có thành tích xuất sắc trong xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm giai đoạn 2016-2018 Dự hội nghị có bà...