Có bệnh viện mới đào tạo được Y khoa
Ngoài mơ ước, học lực ở mức khá 8/10, tôi bước chân vào Đại học Y và nhận ra những điều rất quan trọng khác, không thể thiếu để giúp sinh viên trở thành thầy thuốc.
Lịch sử tất cả các Đại học Y khoa ở mọi đất nước đều được xây dựng trên nền tảng bệnh viện, mà phải là bệnh viện đa chuyên khoa, có tầm kiểm soát bệnh tật rộng lớn.
Không gian Y khoa – Bệnh viện Đại học
Bệnh viện phải đủ các chuyên khoa chuyên sâu cũng như nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa là bốn khoa chính, các chuyên khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, lao, da liễu, đông y, các khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm, khoa vi sinh y học, truyền nhiễm, khoa tạo hình…
Trong 4 khoa chính lại có các chuyên khoa sâu hơn như nội khoa có nội tim mạch, nội hô hấp, nội tiêu hóa, nội thần kinh, nội lây, nội nội tiết…, khoa ngoại cũng phải có ngoại chấn thương, ngoại thần kinh, ngoại cột sống, ngoại tiêu hóa, ngoại tiết niệu, ngoai nhi, ngoại tim mạch, ngoại hô hấp…
Một buổi thực hành của sinh viên y khoa. Ảnh: Tiền Phong.
Bệnh viện phải có trước trường đại học Y, thật vậy ở nước ta, trước khi có Đại học Y Hà Nội, đã có Nhà thương Bạch Mai, Nhà thương Phủ Doãn, Nhà thương Đồn Thủy, sau đó mới mở Đại học Y Dược.
Chỉ có trong môi trường bệnh viện, mới thực hiện được đào tạo Y khoa cho các sinh viên được, hoạt động hằng ngày của bệnh viện tự thân nó đã có ý nghĩa đào tạo cho những ai muốn học.
Quá trình các sinh viên đến bệnh viện sẽ được chứng kiến các bệnh nhân đến khám bệnh, nằm điều trị, cấp cứu, các bệnh nhân phải mổ, các bệnh nhân nặng quá dẫn đến tử vong ngoài tầm giúp đỡ của y khoa, các hoạt động hội chẩn, trao đổi kinh nghiệm, nhất là hoạt động phẫu tích xác chết, tìm nguyên nhân chết, tìm tổn thương những bệnh mà trước do không chẩn đoán được.
Ngoài ra còn có những hoạt động pháp lý trong y khoa, tôn trọng quyền bệnh nhân, giải thích cho bệnh nhân trước khi quyết định các phẫu thuật, thủ thuật. Nếu không có bệnh viện, thử hỏi những điều trên thực hiện ở đâu?
“Nếu chỉ có giảng đường và phòng thí nghiệm, mà không có bệnh viện, thì chỉ đào tạo ra người quan sát y khoa, chứ không thể đào tạo được thầy thuốc”
TS.BSĐỗ Hoàng Dương
Video đang HOT
Bệnh viện có hoạt động đào tạo y khoa phải là bệnh viện đại học (Hospital University), nó phải có đội ngũ các thầy thuốc giỏi chuyên môn, ham nghiên cứu, chinh phục các đỉnh cao thách thức, nó phải là một cộng đồng thống nhất, hữu cơ, không phải các mảnh ghép đơn thuần, nó phải có tính kế thừa và duy trì truyền thống để tạo nên trường phái, tạo nên lịch sử y khoa.
Đặc biệt, bệnh viện đại học và trường đại học Y khoa phải tạo được chỗ đứng trong lòng bệnh nhân – đây là điều kiện tiên quyết, phải tạo ra ngay từ đầu bằng cách làm hàn lâm, đàng hoàng, nhỏ nhưng phải tinh hoa.
Bệnh viện đại học phải tự thân hoàn thiện, tự xây dựng mẫu hình để còn làm gương cho các bệnh viện khác, trong quan niệm y giới, bệnh viện đại học là bệnh viện kiểu mẫu, y thuật, y đạo, y đức luôn luôn mẫu mực.
Đặc biệt về chuyên môn, nó phải được xây dựng bằng những giá trị cốt lõi, không phụ thuộc vào sự bợ đỡ của người khác. Sự tồn tại của bệnh viện đại học nhờ sự tự tín nhiệm của cộng đồng, nếu không có nó hoạt động đào tạo y khoa dựa trên điều gì ?
Ở Việt Nam, sau khi có các Nhà thương, chính quyền mới cho mở trường Y khoa Đông Dương, mà giảng viên 100% là các giáo sư Y khoa giỏi, trẻ từ Pháp sang xây dựng trường, giảng dạy và thực hành y khoa tại các bệnh viện thực hành, truyền thống đó đến nay hơn 100 năm vẫn được duy trì, các giáo sư của Đại học Y Hà Nội vẫn là những thầy thuốc giỏi của các bệnh viện.
Không gian đào tạo y khoa
Sự gắn bó cơ hữu đã được chứng minh trong lịch sử giữa bệnh viện đại học và trường đại học Y khoa.
Không gian Y khoa – Bệnh viện đại học là giá trị cốt lõi khác biệt nhất giữa ngành Y và ngành khác, là tiền đề cơ bản nhất cho việc đào tạo y khoa. Tuy nhiên, hoạt động này còn cần đến nơi giảng các bài giảng về lý thuyết, về học thuật, cũng vô cùng cần đến hệ thống các phòng thí nghiệm để thực thi hai nhiệm vụ và giúp sinh viên các bài thực tập y học cơ sở, để họ hiểu kỹ các bài lý thuyết và là nơi các giảng viên nghiên cứu các ý tưởng của mình nhằm giúp chữa bệnh tốt hơn. Cho nên những vấn đề đó gọi là không gian đào tạo y khoa.
Giảng đường đại học Y khoa là nơi khá khác biệt với những đại học khác, những ai đã từng học Y đều không thể quên giảng đường, nơi hằng ngày các sinh viên đến học lý thuyết do các thầy thuốc giảng bài, buổi tối chúng tôi lại tự lên ngồi nghiêm túc, tự học, không cần ai nhắc nhở, không lên nhanh mùa ôn thi không còn chỗ mà học, giảng đường Y khoa là một phần ký ức các thầy thuốc.
Hệ thống các phòng thí nghiệm, với hàng nghìn kính hiển vi, quang học, hiển vi điện tử, các hệ thống dụng cụ thí nghiệm bắt buộc phải có nguồn gốc châu Âu, không thể là đồ rẻ tiền. Phòng thực tập cho môn giải phẫu với hàng nghìn mô hình, tranh ảnh, tiêu bản xác người thật, xác người thật cho sinh viên phẫu tích, có máy chiếu, phim video…
Phòng thực tập cho các môn mô học, vi sinh vật y học, sinh hóa, sinh lý học, ký sinh trùng, giải phẫu bệnh, sinh lý bệnh, dược lý, pháp y…Còn nhiều nữa, tôi không thể nhớ hết được.
Hệ thống thông tin và thư viện là cực kỳ quan trọng, trong đó thư viện ngoài các sách kinh điển cho sinh viên học là chủ yếu, còn cần một hệ thống các tạp chí y khoa chuyên ngành trên thế giới như lancet, Circulation, annales de surgery, molecules…
Hiện nay, các tạp chí này đã số hóa, nên có thể truy cập vào để đọc các tài liệu khi cần, và chi phí cho mua các tạp chí đó không hề nhỏ.
Học ngành Y không có cả thời gian nghỉ Tết “Tôi học đại học Y khoa 6 năm liên tục không có ngày nghỉ, kể cả dịp hè và Tết, học chuyên khoa 2 năm, nghiên cứu sinh 5 năm, sau đó mới bắt đầu hành nghề”, TS Đỗ Hoàng Dương viết.
Nhiều sự cố y khoa từ sai sót chuyên môn Một thực tế là nhiều năm qua, đầu vào đào tạo ngành y, dược có sự chênh lệch lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Theo TS.BS Đỗ Hoàng Dương/Tiền Phong
Nhiều sự cố y khoa từ sai sót chuyên môn
Một thực tế là nhiều năm qua, đầu vào đào tạo ngành y, dược có sự chênh lệch lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Nhiều sự cố y khoa gần đây được cho là liên quan sai sót chuyên môn. Đó là lý do vì sao xã hội đặc biệt quan tâm chất lượng đào tạo và thực hành lâm sàng trong các trường mới được cấp phép mở ngành.
Đánh đu trên sức khỏe người bệnh
Một trong những vụ mới nhất là trường hợp tử vong của hai mẹ con sản phụ Võ Thị Duyên (33 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Chiều 30/11, hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Đồng Nai kết luận nguyên nhân gây ra cái chết cho em bé sơ sinh là ngạt trong tử cung, còn chị Duyên chết do thuyên tắc ối.
Ngày 17/11, chị Duyên chuyển dạ, được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ. Gia đình choáng váng khi bác sĩ thông báo em bé tử vong do ngộp thở. Chừng một giờ sau, bệnh viện tiếp tục thông báo chị Duyên cũng đã qua đời.
Tính mạng bệnh nhân nằm trong tay nghề và y đức của nhân viên y tế. Ảnh: Tiền Phong.
Theo kết luận của Sở Y tế tỉnh, bác sĩ đã không tiên lượng được thai nhi quá lớn, nên khi sinh, em bé bị kẹt vai và chết ngộp. Cháu bé tử vong do sai sót chuyên môn nhưng bác sĩ được cho là không tắc trách về quy trình hay thái độ phục vụ nên sở chỉ đạo rút kinh nghiệm, hạ bậc thi đua đối với kíp trực.
Rất nhiều người bệnh cho rằng, những sai sót chuyên môn có phần lỗi của đội ngũ y bác sĩ do họ không được đào tạo bài bản. Vụ việc xảy ra ở Đồng Nai mới đây cho thấy điều đó. Chiều 19/11, bé trai N.K.N. (26 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu.
Bác sĩ siêu âm rồi chẩn đoán bé bị u vùng bẹn thành "thoát vị vùng bẹn" và chỉ định mổ. Khi mở ổ bụng cháu, các bác sĩ "té ngửa" nguyên nhân thật sự gây các triệu chứng sốt, đau gần bẹn không phải là sa ruột như chẩn đoán trước đó mà là do một khối áp xe chứa dịch mủ kích thước khoảng 2x3cm ở vùng bẹn.
Một trường hợp khác, ngày 25/9, ông Trần Quang Cẩm (48 tuổi, ngụ Hội An, Quảng Nam) tử vong vì nhiễm trùng máu. Vài ngày trước, ông Cẩm vào Bệnh viện đa khoa Hội An phẫu thuật u nhỏ ở chân.
Đến ngày 21/9, ông sốt cao, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc lao phổi và đề nghị chuyển lên Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạch (Quảng Nam). Tuy nhiên, bệnh viện này lại nói ông Cẩm bị nhiễm trùng máu từ vết thương ở chân vừa phẫu thuật nên tiếp tục đưa lên tuyến trên để điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam. Sau đó, ngày 25/9, bệnh nhân tử vong.
Ngay tại TP HCM cũng có chuyện "bác sĩ nói viêm họng, nhưng sau đó trẻ lại tử vong do... bệnh tay chân miệng". Đó là trường hợp bé gái 8 tháng tuổi của chị Trần Thị Vân (34 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM).
Ngày 20/9/2014, sau ba ngày bé sốt cao không hạ, người nhà đưa bé vào khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bác sĩ chẩn đoán viêm họng cấp rồi cho về nhà. Chỉ hơn 6 tiếng sau, cháu bé đã qua đời trong sự đau đớn của gia đình, hàng xóm. Bệnh viện Nhi đồng 2 sau đó đã nhận một phần trách nhiệm đối với ca này.
Đào tạo chưa tới nơi, tới chốn
Một thực tế là nhiều năm qua, đầu vào đào tạo ngành y, dược có sự chênh lệch lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập. Một giáo sư đầu ngành y đã giật mình khi nghe tin đầu vào ngành y một trường ngoài công lập chỉ lấy 15 điểm. Theo giáo sư này, sau này ra trường, sinh viên cũng được tiếng là bác sỹ là việc làm rất nguy hiểm.
Tương tự, việc vào học các ngành, khối ngành sức khỏe càng dễ dàng hơn ở hệ trung cấp, cao đẳng khi chỉ cần đủ điểm sàn quy định của Bộ GD&ĐT là nhận hồ sơ nhập học. Đặc biệt, ở hệ trung cấp, nhiều trường nhận học sinh chỉ cần tốt nghiệp lớp 9, học 3 năm; học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 học 2 năm; học sinh chưa được công nhận tốt nghiệp THPT (trượt tốt nghiệp lớp 12) học 2 năm 3 tháng...
Nhân viên tư vấn của một trường trung cấp nói nếu học sinh chưa muốn đi làm thì có thể học liên thông lên CĐ hoặc ĐH ngay tại trường. Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề trường đã liên kết với nơi nào chưa thì nhân viên tư vấn này nói: "Hiện nay chúng tôi đang làm việc với một số trường và đang xin chỉ tiêu như ĐH Y Dược Huế, ĐH Y Thái Bình...".
Cũng theo người này: "Cái khó là xin chỉ tiêu chứ còn giảng viên thì không lo, vì không mời được người này thì người khác dạy".
Trao đổi với PV, PGS Đặng Vạn Phước, Hiệu trưởng Khoa Y, thuộc ĐHQG TP HCM cho rằng, đào tạo ngành y là một trong những ngành nghề khó nhất vì nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Vì thế, người học ngành y trước hết là phải giỏi, hiểu biết rộng, có đạo đức nên đầu vào cần phải thắt chặt.
Ông Phước lấy ví dụ, ở một số nước, sau khi chọn được đầu vào cao, quá trình đào tạo ngành y dược cũng phải đáp ứng được nhiều yếu tố như học đầy đủ chương trình, cơ sở vật chất tốt, hiện đại, thực tập phải đúng chuyên môn...
"Bên cạnh đó, họ còn có một bài kiểm tra đối với sinh viên mới vào trường để xem người học có phù hợp với ngành y hay không bởi có nhiều em vào ngành y chủ yếu vì thu nhập hoặc vì gia đình ép buộc...", ông Phước nói.
Năm 2015, ĐH Y Dược TPHCM lấy điểm trúng tuyển là 28 đối với ngành Bác sĩ đa khoa; 27,25 điểm với ngành Răng- Hàm- Mặt, Dược sĩ 26 điểm...
Trong khi đó, ở các trường ngoài công lập, mức điểm nhận hồ sơ đối với ngành Dược sĩ chỉ từ 18- 19 điểm, thậm chí có nhiều trường chỉ lấy thí sinh bằng điểm sàn (15 điểm).
Theo Quốc Ngọc - Nguyễn Dũng/Tiền Phong
Thầy trò trường Y giỏi nhất nước đang lo lắng điều gì? Chiều 26/11, thầy và trò của trường có điểm đầu vào và chất lượng đào tạo được đánh giá đứng đầu cả nước - ĐH Y Hà Nội - đã trao đổi băn khoăn, lo lắng trong quá trình dạy và học. Góc nhìn của thầy GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ "Tôi không bi quan về chương trình đào tạo hiện tại...