Cô bé Trung Quốc nổi tiếng với bài văn ‘không cần vào Harvard’
“Có lẽ tôi không cần học quá chăm chỉ để vào được Đại học Harvard, tôi chỉ cần sống hạnh phúc”, nữ sinh lớp 5 viết.
Một bài văn trình bày suy nghĩ độc lập của học sinh lớp 5 ở miền đông Trung Quốc đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, theo Next Shark ngày 31/10. Đây là bài viết tham dự một cuộc thi, trong đó thí sinh được yêu cầu khám phá những điều ẩn giấu bên trong bản thân.
Nữ sinh họ Yu gây ấn tượng với suy nghĩ chín chắn khi viết rằng chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi trong vũ trụ giống như bao người. Hồi lớp ba, em mơ ước trở thành thợ mộc, nhưng nhận ra xã hội luôn làm nhụt nhí người ta bằng những định kiến. Nhiều người thường bị đánh giá là “ vô dụng” ngay cả trước khi họ có cơ hội khám phá tài năng của mình.
Phát hiện đó khiến Yu cảm thấy cô đơn và bất lực, nhưng bố em đã khuyên rằng không nên suy nghĩ về những gì người khác nói mà hãy cứ tiếp tục sống.
Yu có suy nghĩ chín chắn hơn tuổi. Ảnh: Sohu News
Kể từ đó, Yu thay đổi lối sống. Em thức dậy sớm và đi ngủ sớm, tập thể dục, học tập chăm chỉ ở trường và nhờ mọi người giúp đỡ để hiểu rõ các bài tập toán.
Một lần nọ, giáo viên yêu cầu cả lớp chạy 50 mét và Yu đã làm hết sức có thể. “Tôi chạy nhanh đến nỗi tóc tung bay trong gió. Tôi hoàn thành chặng đường trong 8,75 giây và cực kỳ hạnh phúc. Thậm chí tôi đã ngỡ mình là Usain Bolt. Tối hôm đó, tôi ăn một ít chocolate và bố khen tôi là cô gái tuyệt vời”, Yu viết.
Video đang HOT
Phần kết bài của Yu tác động mạnh đến suy nghĩ của học sinh và người lao động sống dưới áp lực ở quốc gia đông dân nhất thế giới: “Có lẽ tôi không cần học quá chăm chỉ để vào được Đại học Harvard, tôi chỉ cần sống hạnh phúc”.
China News thông tin, Yu đang học tại thành phố Nam Kinh và môi trường ở nhà của em rất thoải mái. Bố cho phép em mắc lỗi và không đặt ra yêu cầu quá cao về việc học. “Con gái của chúng tôi là đứa trẻ tương đối đơn giản. Nó rất vui vẻ và lòng tự tôn cũng rất cao”, bố Yu nói với các phóng viên.
Bên cạnh đó, Yu được bố mẹ ủng hộ hoàn toàn trong bất kỳ lĩnh vực nào mà em quan tâm. Ngoài thời gian ở trường, em học đàn violin, piano, đá bóng và luyện karate.
Bài văn của Yu được cộng đồng khen ngợi. Ảnh: Sohu News
Trên mạng xã hội, Yu được khen ngợi vì đã tìm ra ý nghĩa cuộc sống ở độ tuổi còn rất nhỏ. Cộng đồng bàn luận sôi nổi về câu chuyện: “Ông bố thật cởi mở, không hề ép buộc điều gì mà chỉ mong con hạnh phúc. Giáo viên cũng thật tốt! Suy nghĩ của đứa trẻ rất linh hoạt!”.
Những người khác cho rằng học cách ý thức về bản thân và tận hưởng cuộc sống là rất đáng hoan nghênh. “Khi lớn lên, chúng ta sẽ biết rằng việc giữ tâm hồn ở trạng thái ổn định có ý nghĩa như thế nào. Việc đó khó khăn hơn nhiều so với việc vào được đại học nổi tiếng”, một người viết.
Thùy Linh
Theo VNE
Ông bố sơn móng tay để bảo vệ con trai bị bắt nạt
Khi cậu bé mẫu giáo bị bạn bè bắt nạt vì sơn móng tay, bố em muốn xóa bỏ những định kiến về giới tính.
Ngày 22/10, Aaron Gouveia (Massachusetts, Mỹ) kể lại trên Twitter câu chuyện con trai bị bắt nạt, nhận được hơn 32.000 lượt chia sẻ chỉ sau ba ngày. Cộng đồng khen ngợi cách giải quyết của anh trước tình huống quen thuộc ở trường học.
Chia sẻ với USA Today, Gouveia cho biết cậu bé Sam (5 tuổi) rất thích móng tay có màu sắc sặc sỡ, vì vậy đã sơn và xóa suốt hai năm mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, sau hôm thứ hai, Sam rời trường với tâm trạng vô cùng buồn bã. "Điều đó thật bất thường vì thằng bé vốn rất vui vẻ và vô tư", Gouveia nói.
Sam rất thích sơn móng tay. Ảnh: Twitter
Những đứa trẻ cùng lớp mẫu giáo liên tục kêu tên và chế nhạo Sam trong suốt ngày hôm đó, bảo cậu bé rằng sơn móng tay không dành cho con trai. Ngay cả bạn bè thân thiết của em cũng hùa vào trêu chọc. Khi Sam yêu cầu dừng lại, tình hình càng trở nên tệ hơn. Trong lớp, chỉ có một bạn ủng hộ em.
Ban đầu, Sam vùng vằng và muốn tẩy móng tay, nên hai bố con đã nói về chuyện đã xảy ra trong ngày. Gouveia, cựu nhà báo sở hữu trang Twitter có 15.000 người theo dõi, cho biết Sam là đứa trẻ nhạy cảm, nhưng cũng rất hoạt bát, hay làm ồn, nghịch bẩn, thích xe tải và thích chơi thể thao. Anh đồng ý cho con tẩy móng tay nếu muốn, nhưng điều quan trọng hơn là cách con nghĩ về bộ móng sặc sỡ và vẻ ngoài của mình.
Sau một hồi đắn đo, Sam quyết định giữ bộ móng như cũ. Anh trai Sam, Will (10 tuổi) cũng muốn sơn móng tay để ủng hộ em và thể hiện sự đoàn kết. "Lúc đó tôi đã suýt khóc", Gouveia nhớ lại.
Sam chọn một màu sơn cho cả bố và Gouveia chia sẻ bức ảnh hai bố con khoe bàn tay với vẻ mặt hạnh phúc. "Hãy thật dũng cảm và tỏa sáng nhé, cậu bé tuyệt vời của bố", anh viết.
Bố con Gouveia khoe bàn tay vừa sơn. Ảnh: Twitter
Theo anh, định kiến liên quan đến giới tính luôn tồn tại, trong khi nhiều phụ huynh không dạy con cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, gây tổn thương cho người khác.
Cộng đồng phản ứng rất tích cực với câu chuyện của Gouveia. Hai bố con nhận được nhiều tin nhắn khích lệ, hình ảnh những người đàn ông và cậu bé sơn móng tay. Hôm thứ ba, khi trở lại trường, Sam rất tự hào với bộ móng đáng yêu của mình.
Thùy Linh
Theo VNE
Làm ban giám hiệu liệu có sướng như giáo viên nghĩ không? Giáo viên có cái khổ của giáo viên, Ban giám hiệu có cái khổ của Ban giám hiệu. Thiết nghĩ, bộ phận lãnh đạo nhà trường cũng có người thế này, người thế kia. LTS: Đặt ra câu hỏi "Làm ban giám hiệu liệu có sướng như giáo viên nghĩ không?", thầy giáo Hữu Sơn - người có hơn 15 năm công tác...