Cô bé 14 tuổi cứu sống mẹ sau khi học về các triệu chứng đột quỵ ở trường
Một cô bé ở tiểu bang Wisconsin của Hoa Kỳ đã học được những biểu hiện cần chú ý của căn bệnh đột quỵ trong một tiết Khoa học ở trường chỉ 2 ngày trước khi mẹ em bị đột quỵ.
Gần 6 triệu người chết bởi đột quỵ mỗi năm, nhưng phát hiện những triệu chứng một cách nhanh chóng có thể cứu sống nạn nhân.
Cứ hai giây lại có một người bị đột quỵ trên thế giới, theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ. (Ảnh: Freepik)
Từ viết tắt ‘FACE’ thường được sử dụng để giúp mọi người ghi nhớ các triệu chứng của một cơn đột quỵ tấn công vào não bộ có khả năng gây tử vong. Các chữ cái viết tắt bao gồm: ‘Khuôn mặt – Face’, có thể chảy xệ xuống một bên và khiến nạn nhân không thể cười; ‘Cánh tay – Arms’, bị yếu hoặc tê ở một cánh tay, không thể nhấc cả hai tay; ‘Lời nói – Speech’ , có thể bị nói lắp, bị méo tiếng hoặc bị gián đoạn hoàn toàn diễn đạt và ‘Thời gian – Time’, điều quan trọng là phải hành động càng nhanh càng tốt nếu nghi ngờ đột quỵ.
Katie Murphy, cô bé 14 tuổi đến từ thành phố Waukesha, đã gọi xe cứu thương kịp thời sau khi em nhận thấy những lời nói của mẹ em – cô Christa Murphy bị đứt đoạn, nhờ đó cứu sống được mẹ mình.
Cô gái thông minh này đã nhớ lại câu chuyện mà cô giáo khoa học của mình kể để giúp nhận ra các triệu chứng của cơn đột quỵ nghiêm trọng.
“Những lời nói của mẹ đã bị xáo trộn, chúng không có ý nghĩa gì cả. Em đã nhớ lại câu chuyện cô giáo kể và nghĩ rằng có lẽ mẹ đang mắc chứng đột quỵ”, Katie nói với kênh tin tức địa phương WISN.
Cô Murphy, 45 tuổi, nói với đài truyền hình rằng cô không thể tin mình có thể bị đột quỵ ở tuổi này. Cô cho hay, mình đã nhờ con gái Katie giúp đỡ sau khi bản thân gặp khó khăn với những thói quen hàng ngày, kể cả công việc đơn giản như bôi kem đánh răng lên bàn chải.
Khoảng 85% những cơn đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, có nghĩa là sự tắc nghẽn máu, có cục máu đông trong động mạch hoặc trong mạch cung cấp oxy cho não.
Các triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm tê hoặc yếu đột ngột, đặc biệt là ở một bên của cơ thể và ở mặt, cánh tay hoặc chân; khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt; nhầm lẫn đột ngột, chóng mặt hoặc thiếu phối hợp giữa các chi.
Thái Hằng
Theo Independent
Cổ tích hai anh em nằm học chữ
Đến trường từ tuổi 12
Năm nay Trịnh Xuân Nghĩa (xóm Nam Lai, xã Phú Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) tròn 18 tuổi nhưng trông chỉ nhỉnh hơn em bé 4 tuổi, chân tay teo tóp lại, đôi mắt lồi ra nhưng phong thái luôn tự tin và đặc biệt nụ cười luôn nở trên môi.
Hiện Nghĩa đang là học sinh lớp 8, Trường THCS Phú Hồng, huyện Yên Thành.
Mắc căn bệnh xương thủy tinh, Trịnh Xuân Nghĩa trông chỉ như cậu bé 4 tuổi. 12 tuổi, Trịnh Xuân Nghĩa mới bắt đầu đến trường...
Ngày mẹ sinh Nghĩa, bố còn đi làm ăn mãi bên Lào. Cậu bé ốm yếu, khóc suốt ngày với chân tay sưng tấy. Chị Phan Thị Nhàn (SN 1972) bao nhiêu bận bế con đi bộ lên bệnh viện cũng chẳng còn nhớ nỗi nhưng nỗi đau khi nghe bác sỹ kết luận "Nghĩa bị bệnh xương thủy tinh" thì vẫn hiện hữu đến buốt nhói trái tim của người phụ nữ lần đầu làm mẹ. Nỗi đau ấy như nhân lên gấp bội khi cô con gái thứ 2 Trịnh Thị Ngân (SN 2002) cũng mắc bệnh giống anh trai.
Khó có thể nói hết những cơ cực của vợ chồng chị Nhàn nhưng bằng tình yêu thương vô bờ bến của người làm cha, làm mẹ, họ đã nén nỗi đau của mình xuống để vực các con "đứng lên".
Hai anh em xương thủy tinh viết nên câu chuyện cổ tích về khát khao học tập
"Không thể đếm hết bao nhiêu lần anh em Nghĩa gãy xương, phải đi bó bột rồi nằm viện cả tháng trời. Hai vợ chồng, vài sào ruộng, không nghề nghiệp nhưng bảo nhau gắng gượng để lo cho con. Nhìn con người ta lớn lên, chạy nhảy, vui đùa, tung tăng đi học rồi nghĩ đến con mình, thương đến đứt từng khúc ruột", chị Nhàn dường như chẳng còn nước mắt để khóc.
Hành trình đến với con chữ của Nghĩa là cả một công cuộc kiên trì, nhẫn nại và tình yêu vô bờ bến của người mẹ.
"Hồi nhỏ thì em chưa ý thức được gì nhiều. Khoảng lên 5, 6 tuổi, thấy các bạn đi học, tung tăng vui đùa, em mới lấy mình ra so sánh. Có những khi em oán trách bố mẹ đã sinh ra mình như thế này, đó là suy nghĩ dại dột nhất", Trịnh Xuân Nghĩa tâm sự.
"5, 6 tuổi, thấy các bạn đi học, tung tăng vui đùa, em mới lấy mình ra so sánh và biết rằng mình không giống mọi người. Đã có những khi em oán trách bố mẹ đã sinh ra mình như thế này. Đó là suy nghĩ dại dột nhất"
Nhận thức được về những thiệt thòi của bản thân nhưng Nghĩa không thôi khát khao đến trường. Đi học - đó là cả một vấn đề. Chưa nói đến khả năng theo học của Nghĩa mà với căn bệnh xương thủy tinh, chỉ cần một va chạm nhỏ cũng khiến cậu bị gãy xương hay những trêu chọc của bạn bè có thể khiến Nghĩa tổn thương.
Không dám cho con đến trường, chị Nhàn tự mua bảng, bút, giấy về bày dạy cho con. Hai mẹ con đánh vật với nhau từng chữ cái, từng phép toán, cách đánh vần. Học chữ không dễ như Nghĩa tưởng. Nghĩa phải bò ra giữa giường, đôi mắt cận bẩm sinh dí sát vào cuốn vở, cực nhọc đưa từng nét trong cái đau đến tê dại cả người. Đã có những lúc Nghĩa vứt bút xuống nhưng chính sự kiên trì của mẹ đã khiến chàng trai này tiếp tục gồng lên, cầm bút để học chữ.
Cũng mắc căn bệnh xương thủy tinh, 12 tuổi, Trịnh Thị Ngân mới bắt đầu đi học nhưng em luôn là học sinh xuất sắc của lớp.
12 tuổi, khi kiến thức đã vững, nét bút đã mềm mại, mẹ đưa Nghĩa đến trường xin học lớp 1. Các thầy cô giáo kiểm tra năng lực của cậu bé xương thủy tinh này và nhận thấy kiến thức của em tương đương với các bạn lớp 3 nên xếp vào lớp. Tuy nhiên, Nghĩa và mẹ muốn cậu học "chắc" hơn nên xin vào học lớp 2. 6 năm ròng rã, bằng tình thương của mẹ cha, bằng sự tận tâm của các thầy cô giáo, bằng sự sẻ chia của bạn bè, Nghĩa gặt hái được nhiều kết quả cao trong học tập.
Nói về ước mơ của mình, Nghĩa cười, bảo nhiều lắm. Ước mơ thay đổi theo độ tuổi, khi kiến thức và nhận thức xã hội đã có những bước tiến mới. "Mục tiêu trước mắt của em là hoàn thành chương trình THCS, có thể học lên THPT. Sau này, sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, đánh giá được lợi thế của bản thân để xác định được bước đi cụ thể hơn trong tương lai", Nghĩa chia sẻ.
Thủy tinh không dễ vỡ
Cũng giống như anh trai, Trịnh Thị Ngân cũng trải qua lớp mẫu giáo, vỡ lòng của "cô giáo" mẹ. 12 tuổi, Ngân cũng mới đến trường, bắt đầu sự nghiệp học nhà từ lớp 2. 15 tuổi, hiện Ngân đang là học sinh lớp 4.
Ngân tự nhận mình là người kém may mắn nhưng "hơi mạnh mẽ". Cô bé học giỏi Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ và môn cờ vua.
Cũng như anh trai, Ngân là một cô bé giàu nghị lực và học giỏi, 2 năm liền là học sinh xuất sắc và giành giải Nhất môn cờ vua Hội khỏe phù đổng cấp trường. "Em quá tuổi dự thi Hội khỏe phù đổng cấp huyện, hơi tiếc một chút nhưng không sao. Em thích học Tiếng Anh và sau này ước mơ làm công việc gì đó liên quan đến ngoại ngữ", Ngân cười.
"Tuy mang căn bệnh xương thủy tinh, chân tay rất yếu, mềm nhũn nhưng Ngân là một cô bé giàu nghị lực. Em rất ham học, học rất tốt, tiếp thu nhanh tất cả các môn", cô Phan Thị Hà (Trường Tiểu học Phú Thành)- giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, đánh giá về cô học trò đặc biệt Trịnh Thị Ngân.
Ngân buồn, tủi thân bao nhiêu thì càng tự nhủ lòng phải cố gắng bấy nhiêu, để có thể học hành, có thể tự mình phục vụ, không để mẹ phải vất vả, bận tâm về mình, nhất là khi em An chào đời (năm 2011). Không may mắn, An cũng chung căn bệnh quái ác của anh chị.
Từ hồi phát hiện ra bệnh tình của Nghĩa, anh Trịnh Xuân Ngoạn từ Lào về ở hẳn quê nhà, phụ vợ chăm sóc các con. Hai vợ chồng 2 sào ruộng không đủ ăn, phải nhận thêm 6 sào ruộng của gia đình khác về làm lụng, chỉ mong có thể lo được cho 3 đứa con tật nguyền một cách tươm tất.
Căn bệnh xương thủy tinh khiến anh em Nghĩa, Ngân phải nằm để học chữ. Nhưng vượt lên số phận, cả hai anh em đều giành được thành tích xuất sắc trong học tập.
Ngày nông nhàn, anh Ngoạn đi phụ hồ, đi làm thuê để thêm tiền trang trải bởi số tiền trợ cấp quá ít ỏi, trong khi đó, các con anh sơ sểnh một chút có thể nằm viện cả tháng trời. Căn nhà nhỏ có 1 phòng cho chị Nhàn và 3 đứa con bởi anh chị không dám để các con ở một mình. Phòng nhỏ nhưng gọn gàng, tươm tất, có cả công trình vệ sinh, khu vực tắm dành riêng cho anh em Nghĩa.
"Mẹ cẩn thận đo giường, đo chiều cao của xe lăn, thiết kế "sàn" nhà tắm để anh em em có thể tự vận động, tự chủ trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Mẹ là người kiên cường, mạnh mẽ. Mẹ là người tuyệt vời nhất", Ngân nói về người mẹ của mình.
3 năm qua, khi Nghĩa có thể tự đi học thì chị Nhàn ngày 2 buổi chở Ngân đến trường trên xe đạp. Chiếc xe được gia cố thêm một chiếc ghế ngồi dành cho trẻ nhỏ, chị Nhàn đặt Ngân vào đó, chở đến trường. "Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để có thể lo cho các em", ước mơ của người mẹ chỉ giản dị như thế.
Nghĩa bên cạnh thư viện được đặt ngay trong căn nhà mình. Ngoài thư viện, nhà Nghĩa còn là nơi tổ chức lớp học tình thương, ở đó, ngoài các anh chị tình nguyện viên, Nghĩa và Ngân thay nhau đứng lớp phụ đạo kiến thức cho các em nhỏ.
Những cuốn sách được sắp xếp hợp lý, quy cũ góp phần nâng cao văn hóa đọc cho các bạn nhỏ trong xóm.
Hồi tháng 8 vừa qua, với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, lớp học nghĩa tình và thư viện được thành lập, đóng "đại bản doanh" tại nhà Nghĩa. Ngoài các tình nguyện viên, anh em Nghĩa cũng tham gia đứng lớp, phụ đạo, củng cố kiến thức Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ cho các bạn nhỏ. Lớp học hoàn toàn miễn phí, được duy trì trong những ngày hè và vào dịp cuối tuần.
Vợ chồng anh Ngoạn, chị Nhàn dành hẳn một gian phòng để làm phòng thư viện. Sách được phân loại một cách khoa học, thư viện có quy định rõ ràng về việc đọc sách, mượn sách. Tuy nhiên, điều khiến Nghĩa buồn là các loại đầu sách, báo chưa thực sự phong phú, còn thiếu sách có nội dung phù hợp với các bạn nhỏ nên sức hút của thư viện cũng ở một mức độ nào đó trong thời đại công nghệ thông tin về đến từng xóm, từng nhà.
Hoàng Lam
Theo Dân trí
Học sinh lớp 1 bị 'ép' xuống mầm non đã được đi học trở lại Trao đổi với PV, chị Lan Thị Tươi (mẹ học sinh Lê Đình B.) chia sẻ: Sáng nay (30/11), gia đình đã cho cháu đi học lại. Vì nghỉ học lâu nên khi mới bước vào lớp, cháu hơi nhút nhát. Tuy nhiên, sau 1 buổi học thì cháu đã chơi hòa đồng với các bạn". Liên quan đến việc em Lê Đình...