Có bao giờ bạn chọn “đi đường vòng”!?
Có nhiều bạn thay vì xuất phát ở điểm dễ dàng đã mạo hiểm đi một hướng khác theo ý mình và tin rằng với bản lĩnh cá nhân, họ sẽ thành công. Tuy vậy, rất nhiều bạn đã vấp phải những trở ngại vô cùng rắc rối…
H.Q hiện đang học một khoa chất lượng tại trường ĐH Bách Khoa (sinh viên năm 2) bỗng muốn chuyển sang khoa có điểm chuẩn thấp hơn để học. “Mình cảm thấy thiếu động lực và buồn tẻ mỗi khi lên lớp. Mình muốn thay đổi môi trường để xem có thích nghi được hay không. Biết đâu nhờ vậy mà mình tốt hơn lên ấy chứ!” Thế là anh chàng xem như bỏ phí 2 năm đại học để quay về cột mốc ban đầu, trở thành sinh viên năm 1 của một ngành khác trong trường.
Chuẩn bị thực tập tại một trường cấp 2 thì N.T (sinh viên năm cuối khoa tiếng Anh, ĐH Sài Gòn) bỗng cảm thấy áp lực và muốn dành thời gian để… nhìn lại chặng đường sinh viên đã qua của mình. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều người thì N.T quyết định tạm bảo lưu thực tập để dành thời gian thi lại đại học. Nhiều người trách rằng: “Đã học được 4 năm còn không gắng luôn vài tháng để kiếm cái bằng, tại sao lại bỏ dở quá uổng phí như vậy”, nhưng không ai lay chuyển được quyết định của T.
Bỏ học để “mở lối đi riêng”
Học năm 2 tại ĐH Kinh Tế, cứ tưởng rằng B.D (20 tuổi) sẽ tiếp tục học thêm nữa để có tương lai ổn định. Thế nhưng D đã bỏ học giữa chừng để cùng chị kinh doanh shop quà lưu niệm. B.D chia sẻ quan điểm: “Với mình, đi học 4 năm rồi cũng chỉ để có được cuộc sống ổn định, mức lương cao. Mình cảm thấy thích đi làm hơn. Dẫu sao mình học cũng chỉ để kinh doanh, nên mình muốn thực hiện mục tiêu ngay bây giờ. Mình tin rằng mình sẽ làm được mà không cần bằng cấp gì cả”. Kế hoạch trong tương lai gần của D là mở thêm một quán ăn cho teen, sau khi đã có một ít vốn từ việc kinh doanh shop quà lưu niệm.
Cũng giống như D, T.Q (sinh viên năm 1 ĐH Hùng Vương) sau một thời gian chán nản cùng cực trong cuộc sống thì nhận ra rằng: “Đại học không phải là con đường duy nhất, đa phần những người thành công đều đã… bỏ học giữa chừng đấy thôi!”. Mang tư tưởng ấy nên T.Q tự cho mình nghỉ học trong khi gia đình không hề hay biết và thay vì dùng tiền gia đình gửi lên để đóng học phí, thì Q dùng để mua sắm, du lịch, ăn uống với bạn bè. “Biết đâu nhờ vậy mà cơ hội đến với mình tình cờ thì sao? Hiện tại mình vẫn đi làm part-time thôi, đợi từ từ suy nghĩ rồi chọn ngành khác, thi lại đại học” – T.Q thản nhiên trả lời khi được chúng tớ hỏi.
Video đang HOT
Tương tự thế, M.A (sinh viên năm 2 ĐH Công Nghiệp) luôn mong muốn được đi du học nhờ nguồn học bổng nào đó. Bảo lưu kết quả ở đại học, M.A dồn sức học Anh văn và hỏi bạn bè, đồng thời tích cực tìm trên mạng, mong rằng ước mơ sẽ sớm thành hiện thực.
Thiếu thực tế
Học ở ngành khác được một thời gian thì H.Q “hết hứng”, nhưng lúc này không thể thay đổi được nữa, anh chàng cảm thấy hối hận vì quyết định nhất thời của mình: “Cứ ngỡ là môi trường mới sẽ khiến mình tiến bộ, ai dè ngược lại, thậm chí còn tệ hơn lúc đầu. Nhưng đã quá muộn để lựa chọn lại. Bây giờ chẳng lẽ mình phải thi lại đại học vào ngành cũ?”.
Mang tư tưởng: “Khác biệt và dám chấp nhận mạo hiểm thì sẽ thành công”, nhiều sinh viên muốn liều lĩnh bằng việc phá cách để trải nghiệm, mà không biết rằng, nếu chưa đủ đam mê và không dám đối mặt với thử thách thì rất dễ chùn bước. Và khi đã chùn bước rồi thì thành công sẽ xa tầm tay.
“Đi làm rồi thì tiếc, muốn đi học trở lại. Vì nếu có bằng đại học trong tay thì mình sẽ kinh doanh thuận lợi hơn, cơ hội đến dễ dàng hơn. Chính vì lý tưởng hóa cuộc sống và hơi mơ mộng hoang đường nên sau một thời gian đi làm, mình hụt hẫng và áp lực rất nhiều: buôn bán không phải lúc nào cũng suôn sẻ, chủ cho thuê mặt bằng hét giá, rồi hàng mới bị chèn ép nên phải tăng giá bán, khách hàng cũng đến ít dần… Doanh thu giảm thì mình bắt đầu lo, cố nghĩ ra chiến thuật nhưng khó quá. Chợt nhớ lớp học năm nào. Có lẽ mình sẽ phải đi học lại thôi” – B.D chia sẻ.
o0o
Đôi khi vì hoàn cảnh, nhiều bạn phải đi đường vòng mới đến được cái đích mà họ đặt ra. Nhưng nếu bạn đang đi đường thẳng thì việc gì phải quay lưng lại để tìm hướng đi khác? Con đường ấy bằng phẳng và cũng lắm thử thách chông gai, nhưng hãy cứ đối diện, từ từ bạn sẽ thành công. Bạn nghĩ đi đường vòng sẽ nhanh hơn vì ít chướng ngại hơn? Chưa chắc. Có thể bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối vì đã quyết định sai lầm nhưng không thể quay về sự lựa chọn cũ. Bạn có quyền định đoạt tương lai của bản thân, nhưng hãy suy nghĩ thật kĩ nhé!
Theo TTVN
Ngừng in cuốn cẩm nang tuyển sinh
Các trường và thí sinh đều khổ - Đó là ý kiến của một số nhà quản lý giáo dục khi nói về chủ trương ngừng in cuốn cẩm nang "Những điều cần biết về tuyển sinh vào đại học, cao đẳng" năm 2012 của ngành GD&ĐT.
Lấy Đại học quốc gia Hà Nội làm một ví dụ. Hiện nay, giống như các trường ĐH, CĐ khác, ĐH này chỉ mới đề xuất chỉ tiêu và chưa được duyệt nên chưa có gì là chính thức. Sau Tết Nguyên đán, như hầu hết các trường, lãnh đạo ĐHQG HN đang nghĩ tới việc biên soạn một tài liệu tuyển sinh riêng của ĐHQG HN để đưa về từng trường THPT.
Lãnh đạo ĐH Bách khoa, ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐH Công nghiệp HN... cũng đang nghĩ đến phương án viết tài liệu, đưa lên trang web của trường và in tài liệu nhờ sở và phòng GD&ĐT đưa đến
từng trường.
"Với chủ trương không in cuốn cẩm nang như đã nói ở trên, thay vì việc mua một cuốn sách nhỏ như mọi năm để có đủ thông tin về 471 trường thì thí sinh sẽ phải mua nhiều cuốn riêng lẻ của từng trường để nghiên cứu. Điều này chỉ gây thiệt thòi cho thí sinh và làm khổ các trường" - Một nhà tuyển sinh đã than như vậy.
Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, tuần này, ĐH Thái Nguyên sẽ họp bàn đến chuyện: thí sinh miền núi không phải dễ dàng nắm bắt thông tin vì mạng internet còn rất chập chờn !
Ông Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng ĐHSP HN nói: Khi học sinh, sinh viên đã có thói quen tìm thông tin tuyển sinh qua cuốn cẩm nang này thì việc không in cuốn cẩm nang là... đáng tiếc.
Ông Phạm Văn Bổng, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp HN có vẻ ủng hộ việc không phát hành cuốn cẩm nang và sẵn sàng ứng phó với tình huống. Ông cho rằng hiện có nhiều ý kiến khác nhau, nếu năm nay ngành thí điểm thì 1 năm sau mới đánh giá được hiệu quả nhưng dù sao, Bộ GD&ĐT vẫn nên có một cuốn như thế trên mạng chung để thí sinh tra cứu, nếu không, thí sinh sẽ gặp khó khăn khi xem thông tin rời rạc của từng trường.
Cẩm nang về tuyển sinh cho học sinh chuẩn bị thi ĐH, CĐ năm 2011.
Về việc kéo dài thời gian tuyển sinh đến cuối tháng 12 là một thay đổi rất mới của kỳ thi năm nay, các nhà quản lý giáo dục cũng có ý kiến rất khác nhau. Nhiều người cảnh báo lộn xộn có thể diễn ra.
Trong khi có khá nhiều trường còn băn khoăn chưa hình dung nổi phương án xét tuyển kéo dài sẽ diễn ra thế nào và liệu các trường có chủ động kế hoạch đào tạo không thì ông Đặng Kim Vui dự báo: Chắc nhiều trường chắc sẽ tổ chức tuyển theo các theo các đợt tập trung.
Theo ông Vui, phương án tuyển dài thế sẽ tránh được sự quá tải cho các trường giúp các trường bố trí cơ sở vật chất và giảng viên. Nếu tuyển sinh dồn ép vào một đợt thì nhiều trường sẽ quá tải về nguồn lực.
Để tránh hậu quả, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Bách khoa HN đề nghị: Bộ GD&ĐT cần tổ chức một "đường" tuyển sinh online, trong đó, Bộ nắm giữ server để các trường đưa thông tin về tuyển sinh của trường mình lên.
Qua đó, thí sinh đăng ký dự tuyển trực tuyến và phần mềm đặc biệt sẽ xử lý thông tin trực tiếp, tránh hiện tượng thí sinh nộp hồ sơ vào, rút đi mà thông tin vẫn tù mù đối với cả bên tuyển và bên dự tuyển.
Theo thông lệ, vào khoảng 10-3-2012, các thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ; nhưng khoảng trung tuần tháng 2-2012 hội nghị tuyển sinh mới diễn ra và lúc đó những vấn đề đổi mới chính thức của mùa tuyển sinh năm nay mới chính thức được quyết định.
Theo TPO
Thêm cơ hội chọn ngành học, nơi học Nhiều ngành, chuyên ngành mới sẽ được các trường tuyển sinh trong năm 2012. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH vừa được thành lập cũng chính thức tuyển bậc ĐH từ năm nay. Cơ hội chọn lựa ngành học, nơi học của thí sinh sẽ nhiều hơn. Kỳ thi tuyển sinh năm 2012, ĐHQG TP.HCM sẽ có thêm ba ngành mới được tuyển...