Cô bạn mồ côi nhà nghèo khó theo học ĐH
Mất mẹ từ năm lên bốn, bốn chị em Loan dường như mất hết niềm tin trong cuộc sống. Một thời gian sau, người cha cũng qua đời trong một tai nạn lao động. Bốn chị em nghẹn ngào vì nỗi mất mát quá lớn.
Chúng tớ tìm về nhà bạn Trịnh Thị Loan, thôn Duyên Hy, xã Định Hưng, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Trong căn nhà đơn sơ tuềnh toàng, chị em Loan nương tựa vào nhau mà sống. Tài sản đáng giá nhất là chiếc tivi ông bà ngoại cho mượn để thỉnh thoảng hai chị em giải trí.
Nỗi bất hạnh của bốn chị em gái
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo,chú Trịnh Văn Đăng lập gia đình với cô Bùi Thị Tài và sinh được bốn người con gái. Cuộc sống của gia đình đang êm ấm và hạnh phúc thì vào một ngày mùa hè năm 1996, nỗi bất hạnh bỗng đổ ập xuống gia đình Loan. Nghe tin mẹ bị sét đánh, bốn chị em Loan không tin nên chạy ra đồng xem thì thấy mẹ nằm gục ra đồng bên người cha đang kêu gào thảm thiết.
Nhờ bà con thân thích động viên, an ủi bố con, chị em Loan nương tựa vào nhau và bắt đầu lại cuộc sống. Bốn chị em Loan buổi sáng đi đi học, buổi còn lại giúp đỡ bố làm đồng và dọn dẹp nhà cửa.
Tháng 5/2008 trong một lần kéo xe mạ ra đồng cấy, chú Đăng đã bị tai nạn. Thời gian sau, các vết thương đã tụ máu quá lâu, gây sốt cao. Nhưng rồi chú Đăng đã qua đời khi đang trên đường đi cấp cứu.
Con đường đến với giảng đường đại học
Khi bố mẹ còn sống, bốn chị em Loan luôn tự hào về gia đình. Nghèo nhưng cuộc sống luôn tràn ngập tình yêu thương của ông bà, cha mẹ và người thân. Từ ngày bố mất, cuộc sống của chị em Loan vốn đã khó khăn vất vả lại càng éo le hơn. Cả 4 chị em suy sụp tình thần và trở thành những đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ. Bốn chị em Loan chỉ còn biết trông cậy, nương tựa vào ông ngoại năm nay gần 70 tuổi.
Video đang HOT
Trong bốn chị em gái, Loan là người sáng dạ hơn cả. Thiếu thốn về vật chất, thiệt thòi về tình cảm, ý thức được nỗi đau và sự mất mát quá lớn nên trong học tập Loan luôn cố gắng để không thua kém các bạn trong lớp.
Suốt 12 năm học, Loan đều là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Trong lớp Loan là một học sinh chăm ngoan và năng động trong các phong trào, hoạt động ngoại khóa. Năm 2009 bạn ấy được nhận học bổng của hội khuyến học huyện Yên Định dành cho học sinh nghèo vượt khó.
Suốt những năm theo học, chưa năm nào Loan có tiền mua đủ sách giáo khoa để học, mỗi lần cần bạn ấy phải mượn của các bạn đọc vội vàng rồi trả ngay. Loan tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi nấu cơm cũng cố gắng học bài. Nhiều lần phải từ chối các hoạt động của lớp, trường hay cuộc đi chơi của bạn bè vì không có tiền đóng góp. Niềm vui được khoác bộ áo mới đến trường với Loan thật ít ỏi.
Về nhà, Loan là người chị rất thương em và chăm lo cho em. Cuộc sống mồ côi, khó khăn đủ đường nên Loan chỉ nghĩ đến việc bỏ học đi làm thêm để kiếm tiền nuôi em ăn học. Nhưng nhờ có ông bà động viên, an ủi nên em mới tiếp tục đi học.
Vượt qua mọi thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Không phụ lòng mong mỏi của ông bà và em gái, Loan thi và đậu vào trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội với 18 điểm.
Hiện tại, em gái Loan đang học lớp 10 và hai chị em đang trông cậy tất cả vào ông bà ngoại. Ngoài thời gian dành cho học hành, Loan lại giúp anh chị gặt mùa, giúp ông bà nấu cơm. Thỉnh thoảng đi cấy thuê kiếm tiền đóng học phó cho em. Niềm vui đậu đại học chưa nguôi thì nỗi lo lại đến.
Loan nghẹn ngào: “Sau khi bố mẹ mất mình rất buồn. Hai chị giờ đã đi lấy chồng, ông bà tuổi đã cao. Nghĩ đến kinh tế gia đình, đến em gái mà mình không muốn đi học nữa, Loan muốn dành thời gian đó đi kiếm tiền nuôi ông bà, em gái ăn học. Lúc nào có điều kiện mình sẽ đi học lại”.
Theo Dân trí
Sĩ tử khiếm thị và ước mơ vào đại học
Năm nay, ĐH Huế có 9 thí sinh khiếm thị và mù đăng ký dự thi vào các trường ĐH Khoa học, ĐH Sư phạm và Học viện Âm nhạc. Dù có trở ngại ở đôi mắt nhưng tất cả đều lộ rõ một quyết tâm thi đỗ đại học.
Tại Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế năm nay có 4 em thi vào đại học, trong đó có 2 em thi lần thứ hai. Vào phòng các em, một không khí học khẩn trương diễn ra, nếu đói quá thì mang luôn cơm vào phòng để vừa ăn vừa học.
Em Phan Thị Huế (bị khiếm thị, sinh năm 1992, quê ở Phú Vang, TT-Huế) cho biết em đang rất tự tin trước 3 buổi thi sắp đến, em mơ được vào học tại khoa Ngữ văn, ĐH Khoa học Huế nên đã ôn rất kỹ các môn, đặc biệt là môn Ngữ văn.
Hai bạn Phan Thị Huế (bên trái) và Nguyễn Thị Yến Anh đang ngồi ôn bài.
Tại giường bên cạnh, bạn thân của Huế là Nguyễn Thị Yến Anh (bị mù, sinh năm 1992, TP Huế) cho biết trước đó Yến Anh nộp đơn vào ngành tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ. Nhưng vì ĐH Huế không tổ chức thi cho thí sinh khiếm thị ở khối D nên Yến Anh đành nộp vào ngành Đông phương học, ĐH Khoa học.
"Em có năng khiếu môn tiếng Anh lắm, thi trái ngành thì cũng hơi khó nhưng em đã rất quyết tâm. Tuy vậy, em cũng hơi run anh à", Yến Anh tâm sự.
Từ hơn 6 tháng nay, Huế và Yến đã đến lò luyện thi dành cho học sinh bình thường để nắm vững lại kiến thức 3 môn thi. Tuy khó khăn trong việc đi lại, vào lớp nhưng 2 bạn đã tranh thủ nhờ những bạn mới quen dẫn vào. Riết cũng thành quen, lớp học thêm giờ chia tay đều nhớ 2 người bạn khiếm thị nhưng rất dễ thương, nhiều phen chọc cười cả lớp.
Tại Hội Người mù tỉnh TT-Huế còn có 2 nam sĩ tử khiếm thị là Nguyễn Chí Thiện và Đoàn Đại Thành. Cùng thi vào ngành Công tác xã hội, khoa Sử, ĐH Khoa học Huế, hai bạn có chung ước mơ sau này sẽ làm thầy giáo dạy lại các học viên khiếm thị hay làm các trưởng nhóm tuyên truyền trong Hội Người mù tỉnh.
Nguyễn Chí Thiện tự tin với lần thi thứ 2, em quyết tâm sẽ đỗ đại học.
Khi được hỏi trước khi thi có lo lắng nhiều không, Thiện nói: "Em học cả năm, đến giờ thấy rất bình tĩnh, lo nhất là em sợ quên bài trong phòng thi mà thôi".
Được biết, năm ngoái Thiện đã thi ngành Luật ĐH Huế nhưng thiếu 3 điểm. Nhưng không vì thế mà em chùn bước thi ĐH lần nữa để đến với ngưỡng cửa đại học.
Tại Hội Người mù tỉnh TT-Huế, 4 sĩ tử quây quần bên nhau học bài, đôi lúc kiểm tra chéo để tăng độ nhớ.
Tại số 123 Ngô Thế Lân, TP Huế, sĩ tử Vũ Văn Tuấn (Yên Định, Thanh Hóa) đang ngồi ôn bài bên bảng chữ nổi. Tuấn cho biết: "Em bắt xe đò từ Thanh Hóa vào Huế, được một gia đình ở Phong Điền đón về chăm sóc. Cũng là nhờ sự giúp sức của các anh chị sinh viên tình nguyện mà em được cô chú ở nhà này nhiệt tình đưa xe máy chở về nhà cho gần địa điểm thi".
Tuấn có một thành tích học tập xuất sắc, như 4 năm đạt học sinh giỏi THCS, 3 năm học sinh khá THPT, giải nhất cuộc thi "Chữ Brai trong đời tôi" ở Việt Nam và giải nhì dành cho các nước Châu Á - Thái Bình Dương, giải ba cuộc thi tìm hiểu kiến thức môi trường Xanh do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức...
Tự tin với những kiến thức mình ôn luyện, Tuấn dự thi vào ngành Công tác xã hội, ước mơ sau này của em là được làm trong một tổ chức tình nguyện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may.
4 bạn thí sinh còn lại đến từ các miền quê Quảng Trị, Nghệ An cũng đang tích cực ôn bài trong các nhà người dân cho ở miễn phí. Tất cả nhóm 9 thí sinh sẽ viết bài thi bằng chữ nổi, sau đó đọc lại 15 phút vào băng ghi âm. Bài viết và băng sẽ nộp lại cho hội đồng thi sau giờ làm bài. Tất cả 9 thí sinh đang nỗ lực để có thể thực hiện ước mơ đến giảng đường đại học.
Từ năm 2006, ĐH Huế đã tổ chức thi đại học vào 1 khối duy nhất (Khối C) cho các thí sinh khiếm thị và mù, tạo cơ hội cho những thí sinh không may mắn có thể đến với giảng đường đại học. Theo anh Lê Văn Lộc, chủ tịch Hội người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ năm 2006 đến nay, trong tổng số 13 em ở Hội đi thi đại học đã có 6 em đậu vào ĐH Huế. Trong số đó có nhiều em đạt loại khá giỏi như Trương Thị Hoài Hạnh (hiện là sinh viên khá năm 4 khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm Huế), Nguyễn Văn Duy (sinh viên xuất sắc, đứng đầu lớp Luật năm 1 tại Khoa Luật, ĐH Huế).
Theo dân trí
Cậu bạn khiếm thị làm tẩm quất nuôi ước mơ giảng đường ĐH Sinh ra đã bị khiếm thị, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nhưng cậu bạn sinh năm 1990 Vũ Văn Tuấn vẫn luôn có ước mơ được đến trường, được đi học. Giờ đây trước mặt Tuấn là ước mơ vào giảng đường đại học... Gian nan học chữ Vũ Văn Tuấn sinh ra ở thôn Trung Đông,...